Cơ sở lý luận về quản lý đánh giá kết quả học tập của sinh viên theo tiếp cận năng lực

Tóm tắt. Đánh giá kết quả học tập là một phần của quá trình dạy và học. Muốn nâng cao chất

lượng đào tạo, các cơ sở giáo dục không những phải đổi mới công tác đánh giá, mà cần đổi mới

phương thức quản lý đánh giá hoạt động này theo xu hướng giáo dục hiện đại. Bài viết tập trung

vào nghiên cứu lý luận cho hoạt động quản lý đánh giá kết quả học tập sinh viên theo tiếp cận

năng lực.

pdf 5 trang yennguyen 5020
Bạn đang xem tài liệu "Cơ sở lý luận về quản lý đánh giá kết quả học tập của sinh viên theo tiếp cận năng lực", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Cơ sở lý luận về quản lý đánh giá kết quả học tập của sinh viên theo tiếp cận năng lực

Cơ sở lý luận về quản lý đánh giá kết quả học tập của sinh viên theo tiếp cận năng lực
NATIONAL ACADEMY OF EDUCATION MANAGEMENT
Journal of Education Management, 2017, Vol. 9, No. 9, pp. 58-62
This paper is available online at 
CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ QUẢN LÝ ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ HỌC TẬP
CỦA SINH VIÊN THEO TIẾP CẬN NĂNG LỰC
Nguyễn Thị Loan1
Tóm tắt. Đánh giá kết quả học tập là một phần của quá trình dạy và học. Muốn nâng cao chất
lượng đào tạo, các cơ sở giáo dục không những phải đổi mới công tác đánh giá, mà cần đổi mới
phương thức quản lý đánh giá hoạt động này theo xu hướng giáo dục hiện đại. Bài viết tập trung
vào nghiên cứu lý luận cho hoạt động quản lý đánh giá kết quả học tập sinh viên theo tiếp cận
năng lực.
Từ khóa: Quản lý, đánh giá kết quả học tập, tiếp cận năng lực.
1. Mở đầu
Nghị quyết số 29-NQ/TW, Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về
đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đã chỉ đạo: “Đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản
của giáo dục, đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học... Chuyển
mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm
chất người học”. Do đó, đánh giá kết quả học tập và quản lý đánh giá kết quả học tập của sinh viên
theo hướng tiếp cận năng lực là cần thiết để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của các
trường đại học hiện nay. Giáo dục đại học có vai trò quan trọng vì đây là giai đoạn đào tạo phục
vụ cho sinh viên bước vào đời sống nghề nghiệp, những thay đổi của nền kinh tế – xã hội đòi hỏi
phải có những thay đổi tương ứng trong giáo dục đại học. Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy, giáo dục
đại học còn nhiều bất cập, chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được sự thay đổi của nền kinh tế, sinh
viên tốt nghiệp vẫn phải qua đào tạo lại mới có thể làm được việc. . . Như vậy, sinh viên sau khi
ra trường không chỉ cần đạt chuẩn đầu ra về kiến thức, kỹ năng, thái độ mà còn phải có khả năng
vận dụng kiến thức, kỹ năng và thái độ cần có của cá nhân để thực hiện một nhiệm vụ có hiệu quả
trong một vai trò, vị trí nhất định.
2. Một số vấn đề lý luận về quản lý đánh giá kết quả học tập của sinh viên
2.1. Quản lý
Trên các phương diện khác nhau, các cách tiếp cận khác nhau, các nhà khoa học đưa ra nhiều
định nghĩa khác nhau về quản lý: Theo tác giả Nguyễn Ngọc Quang (1989) cho rằng, quản lý là tác
động có mục đích, có kế hoạch của chủ thể quản lý đến tập thể những người lao động, nói chung là
khách thể quản lý nhằm thực hiện mục tiêu dự kiến; Nguyễn Minh Đạo (1997) đưa ra quan điểm,
Ngày nhận bài: 10/05/2017. Ngày nhận đăng: 17/08/2017.
1Khoa Quản lý, Học viện Quản lý giáo dục; e-mail: loanhvq89@gmail.com.
58
Ý KIẾN - TRAO ĐỔI JEM., Vol. 9 (2017), No. 9.
quản lý là sự tác động liên tục có tổ chức, có định hướng của chủ thể quản lý (người quản lý hay
tổ chức quản lý) lên khách thể (đối tượng) quản lý về các mặt chính trị, văn hoá, xã hội, kinh tế...
bằng một hệ thống luật lệ, các chính sách, các nguyên tắc, các phương pháp và biện pháp cụ thể
nhằm tạo môi trường và điều kiện cho sự phát triển của đối tượng.
Xem xét từ những quan điểm trên, có thể hiểu một cách đơn giản quản lý là sự tác động liên
tục có tổ chức, có định hướng, có mục đích của chủ thể quản lý đến đối tượng quản lý trong một
tổ chức nhằm làm cho tổ chức vận hành và đạt được mục đích của tổ chức. Ngoài ra, có thể thấy
quản lý có bốn chức năng cơ bản là: kế hoạch, tổ chức, chỉ đạo và kiểm tra.
2.2. Đánh giá kết quả học tập
Đánh giá kết quả học tập là khâu then chốt cuối cùng của quá trình dạy học. Đây là khâu quan
trọng, tác động lớn đến quá trình nâng cao chất lượng đào tạo. Việc đánh giá khách quan, nghiêm
túc, đúng cách, đúng hướng sẽ là động lực mạnh mẽ khích lệ sự vươn lên trong học tập, thúc đẩy
sự tìm tòi sáng tạo không ngừng của người học. Trong các đánh giá giáo dục, đánh giá kết quả học
tập của người học là quan trọng nhất bởi vì chất lượng hoạt động học tập của người học thể hiện
chất lượng của hoạt động dạy học, một chức năng cơ bản của nhà trường.
Đánh giá kết quả học tập xác định mức độ nắm được kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo của người học
so với yêu cầu của chương trình đề ra.
Theo tác giả Trần Thị Tuyết Oanh “Đánh giá kết quả học tập là quá trình thu thập, xử lý thông
tin về trình độ, khả năng mà người học thực hiện các mục tiêu học tập đã xác định, nhằm tạo cơ sở
cho những quyết định của giáo viên, cho nhà trường và bản thân học sinh để giúp họ học tập tiến
bộ hơn” [4].
Như vậy, đánh giá kết quả học tập là quá trình thu thập và xử lý thông tin từ hoạt động học tập
của người học so sánh với mục tiêu đề ra để đưa ra kết luận về kết quả học tập của người học và
thông tin phản hồi, tạo điều kiện thúc đẩy quá trình học tập, nâng cao chất lượng và hiệu quả của
việc dạy và học.
2.3. Năng lực
Có nhiều quan niệm, cách hiểu khác nhau về năng lực tùy theo hướng tiếp cận, lĩnh vực nghiên
cứu và phạm vi ứng dụng của các ngành khoa học khác nhau.
Theo Québec – Ministère de l’Education (2004) định nghĩa rằng, năng lực là khả năng vận
dụng những kiến thức, kinh nghiệm, kĩ năng, thái độ và sự đam mê để hành động một cách phù
hợp và có hiệu quả trong các tình huống đa dạng của cuộc sống; Hay theo Từ điển giáo dục học
do tác giả Bùi Hiền, Nguyễn Văn Giao, Nguyễn Hữu Quỳnh, Vũ Văn Tảo (2001) cho rằng, năng
lực được cho là khả năng được hình thành và phát triển, cho phép con người đạt được thành công
trong một hoạt động thể lực, trí lực hoặc nghề nghiệp và năng lực được thể hiện vào khả năng thi
hành một hoạt động, thực hiện một nhiệm vụ; Tại Từ điển bách khoa Việt Nam (2002), năng lực là
đặc điểm của cá nhân thể hiện mức độ thông thạo - tức là có thể thực hiện một cách thuần thục và
chắc chắn - một hay một số dạng hoạt động nào đó. Năng lực gắn liền với những phẩm chất về trí
nhớ, tính nhạy cảm trí tuệ, tính cách của cá nhân.
Xem xét từ các quan điểm trên, có thể hiểu năng lực là sự kết hợp kiến thức, kỹ năng, thái độ
và khả năng vận dụng kiến thức, kỹ năng, thái độ cần có của cá nhân để thực hiện một nhiệm vụ
có hiệu quả trong một vai trò, vị trí nhất định.
59
Nguyễn Thị Loan JEM., Vol. 9 (2017), No. 9.
2.4. Quan điểm về quản lý đánh giá kết quả học tập theo tiếp cận năng lực
Như đã phân tích ở trên, năng lực không những là sự kết hợp kiến thức, kỹ năng, thái độ mà
còn là khả năng vận dụng kiến thức, kỹ năng, thái độ cần có của cá nhân để thực hiện một nhiệm
vụ có hiệu quả trong một vai trò, vị trí nhất định. Vậy, đánh giá theo năng lực là gì? Đánh giá theo
năng lực là sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để tập trung đánh giá những năng lực cốt lõi,
năng lực hành động, vận dụng thực tiễn, năng lực tự học, năng lực giải quyết vấn đề, năng lực sáng
tạo, năng lực giao tiếp xã hội, năng lực sử dụng công nghệ, năng lực phát triển bản thân.
Hiện nay, đánh giá kết quả học tập theo tiếp cận năng lực trong các trường đại học đóng vai trò
quan trọng tạo ra sự thay đổi trong cách dạy của giảng viên và cách học của sinh viên với mục tiêu
đáp ứng được những yêu cầu ngày càng cao của xã hội. Muốn nâng cao được chất lượng hoạt động
đánh giá kết quả học tập theo tiếp cận năng lực thì cần phải có một cơ chế quản lý hiệu quả. Từ
trước tới nay, mọi hoạt động trong mọi lĩnh vực của đời sống đều cần được quản lý. Do đó, quản lý
đánh giá kết quả học tập theo tiếp cận năng lực trong giáo dục nói chung và trong trường đại học
nói riêng là tất yếu và đây được coi là chức năng quản lý cơ bản của trường đại học.
Từ cơ sở các lý luận đã phân tích ở trên, chúng tôi đưa ra khái niệm về quản lý đánh giá kết
quả học tập theo tiếp cận năng lực như sau: Quản lý đánh giá kết quả học tập theo tiếp cận năng
lực là quá trình lập kế hoạch, tổ chức, chỉ đạo và kiểm tra các hoạt động, quá trình đánh giá kết
quả học tập của người học về kiến thức, kỹ năng, thái độ và khả năng vận dụng kiến thức, kỹ năng,
thái độ cần có để thực hiện một nhiệm vụ có hiệu quả trong một vai trò, vị trí nhất định. Nói cách
khác, quản lý đánh giá kết quả học tập theo tiếp cận năng lực là tổng thể các công việc bao gồm:
Xây dựng kế hoạch đánh giá; quản lý công tác ra đề thi và kiểm tra đánh giá; quản lý công tác coi
thi, chấm thi và lên điểm; quản lý bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý và
giảng viên; quản lý các điều kiện thực hiện đánh giá; kiểm tra, giám sát quá trình đánh giá kết quả
học tập của sinh viên ở tất cả các khâu nhằm đánh giá chính xác kết quả học tập của người học về
kiến thức, kỹ năng, thái độ và khả năng vận dụng kiến thức, kỹ năng, thái độ, giúp cải thiện việc
dạy và học, nâng cao chất lượng đào tạo.
3. Quản lý đánh giá kết quả học tập của sinh viên theo tiếp cận năng lực
Xây dựng kế hoạch đánh giá kết quả học tập của sinh viên.
Trước tiên cần xây dựng kế hoạch đánh giá kết quả học tập chung cho toàn khoá học căn cứ
vào chương trình giáo dục của ngành học. Trên cơ sở kế hoạch chung và lịch công tác của nhà
trường từng năm học, xây dựng kế hoạch cụ thể về đánh giá kết quả học tập của từng năm học bao
gồm: Ra đề thi, tổ chức thi, tổ chức chấm điểm, thông báo kết quả và cũng cần xây dựng kế hoạch
về nguồn nhân lực, về tài chính, cơ sở vật chất theo khung thời gian quy định phục vụ cho hoạt
động đánh giá kết quả học tập, đảm bảo đầy đủ, phù hợp và kịp thời các chế độ chính sách đối với
người thừa hành. Tất cả các kế hoạch về đánh giá kết quả học tập của sinh viên phải được thông
báo rộng rãi và công khai đến mọi cán bộ, giảng viên và sinh viên.
Quản lý công tác ra đề thi và kiểm tra đánh giá kết quả học tập của sinh viên.
Công tác ra đề thi và tổ chức thi cho sinh viên phải được quản lý, giám sát chặt chẽ, tiến hành
theo đúng quy trình: Ra đề thi cần phải thống nhất với nội dung, trọng tâm kiến thức trong công
tác ra đề thi nhằm đảm bảo đúng mục tiêu của đánh giá kết quả học tập; Thành lập ngân hàng đề
thi phải đa dạng, đáp ứng được yêu cầu theo chuẩn kiến thức và chuẩn đầu ra; Tổ chức lựa chọn đề
thi, xây dựng đáp án và biểu điểm.
60
Ý KIẾN - TRAO ĐỔI JEM., Vol. 9 (2017), No. 9.
Quản lý công tác coi thi, chấm thi và lên điểm.
Khâu tổ chức coi thi, chấm thi phải đảm bảo đúng các qui định, thực hiện đầy đủ từng công
đoạn của công tác coi thi, chấm thi. Phải tổ chức tập huấn nghiệp vụ về coi thi, chấm thi cho cán
bộ, giảng viên tham gia công tác này.
Khâu quản lý điểm: quản lý chặt chẽ bài thi, phiếu chấm, bảng điểm; quản lý việc phúc tra,
phúc khảo bài thi; Tổng hợp, thống kê kết quả đánh giá, xếp loại đầy đủ, chính xác.
Quản lý bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý và giảng viên.
Bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý và giảng viên về đánh giá kết quả học
tập của sinh viên theo tiếp cận năng lực là công tác phải được hết sức coi trọng nhằm đáp ứng yêu
cầu chung của việc tổ chức thực hiện công tác kiểm tra nhất là về tính hiệu quả và sự phù hợp với
thực tiễn có những đổi mới. Trong điều kiện đó, sự nhạy bén và tính sáng tạo trong quản lý nhà
trường cũng phải được chú trọng phát huy. Vì vậy, hàng năm, cần xây dựng kế hoạch cụ thể và tổ
chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý và giảng viên để nâng cao nghiệp vụ,
thực hiện đổi mới kiểm tra, đánh giá.
Quản lý các điều kiện thực hiện đánh giá kết quả học tập của sinh viên.
Quản lý cơ sở vật chất và các thiết bị phục vụ cho đánh giá: Cần đầu tư, xây dựng, mua sắm
cơ sở vật chất vác cá thiết bị đầy đủ, đồng bộ, chuẩn hóa và hiện đại phục vụ công tác đánh giá;
Xây dựng kế hoạch và tổ chức duy trì, sửa chữa, bảo quản cơ sở vật chất và các thiết bị phục vụ
cho kiểm tra đánh giá; Xây dựng quy chế, quy trình, quy định về khai thác, sử dụng một cách hiệu
quả cơ sở vật chất và các thiết bị nhằm nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra đánh giá.
Quản lý tài chính: Cần đầu tư kinh phí một cách hợp lý cho kiểm tra đánh giá, công khai minh
bạch theo quy định; Đảm bảo sự phân bổ, sử dụng tài chính hợp lý và hiệu. Ban hành các văn bản
bảo đảm cơ sở pháp lý và cơ chế chính sách đối với các bộ phận và các cá nhân tham gia vào công
tác kiểm tra đánh giá.
Kiểm tra, giám sát quá trình đánh giá kết quả học tập của sinh viên.
Cần kiểm tra, giám sát từ khâu xây dựng kế hoạch, triển khai kế hoạch đến tổ chức, tiến hành
đánh giá và kết thúc đánh giá. Kiểm tra, giám sát để phát hiện ra những sai lệch trong quá trình
đánh giá nhằm định hướng, điều chỉnh cho đúng với mục tiêu đặt ra.
4. Yêu cầu đổi mới quản lý đánh giá kết quả học tập của sinh viên trong các cơ sở giáo dục
đại học theo tiếp cận năng lực
Nghị quyết số 29-NQ/TW, Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về
đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đã chỉ rõ: “Đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi,
kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo, bảo đảm trung thực, khách quan”.
Hiện nay các cơ sở đào tạo và bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục ngoài nhiệm vụ bồi dưỡng
đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ quản lý giáo dục thì còn đào tạo sinh viên
có kiến thức cơ bản về quản lý giáo dục để phục vụ trong ngành giáo dục. Để đào tạo ra đội ngũ cử
nhân có thể công tác tại các cơ quan quản lý giáo dục, các cơ sở giáo dục. . . thật sự có chất lượng,
đạt chuẩn đầu ra thì phải có một phương thức quản lý đánh giá kết quả học tập phù hợp, hiệu quả
trong suốt quá trình đào tạo.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc quản lý đánh giá kết quả học tập của sinh viên tại các cơ sở
đào tạo và bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục còn ít được chú trọng. Cách quản lý đánh giá hiện
nay chủ yếu vẫn mang tính truyền thống, chú trọng quản lý kiểm tra tri thức hoặc đánh giá tri thức,
61
Nguyễn Thị Loan JEM., Vol. 9 (2017), No. 9.
kĩ năng học tập của sinh viên một cách tách rời chứ hiếm khi yêu cầu sinh viên vận dụng tổng hợp
những tri thức, kĩ năng vào giải quyết một vấn đề cụ thể thuộc về nghề nghiệp, nói cách khác là
chưa gắn những điều được học với yêu cầu thực của nghề nghiệp đang chờ đợi họ nên chưa phản
ánh đúng năng lực học tập và năng lực nghề nghiệp của sinh viên. Thêm vào đó, quản lý đánh giá
kết quả học tập chủ yếu nhằm mục tiêu đánh giá tổng kết chứ không nhằm hỗ trợ cho quá trình
dạy học, giúp nâng cao chất lượng dạy học. Bởi vậy, chất lượng học tập không cao. Khi ra trường
sinh viên khó có thể đảm đương tốt công việc mà xã hội giao phó. Để khắc phục những yếu kém,
tồn tại kể trên cần phải có sự đổi mới trong tổ chức và quản lý. Vì vậy, ngay trong quá trình đào
tạo, các cơ sở đào tạo và bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục cần phải có phương thức quản lý đánh
giá kết quả học tập của sinh viên theo tiếp cận năng lực từ đó mới đảm bảo đào tạo được cử nhân
quản lý giáo dục thực sự có chất lượng, đáp ứng yêu cầu của xã hội.
5. Kết luận
Như vậy, quản lý đánh giá kết quả học tập của sinh viên là một khâu quan trọng trong quá trình
dạy học, thành tố trong hoạt động đào tạo. Với yêu cầu của giai đoạn đổi mới hiện nay thì cần phải
đổi mới phương thức quản lý đánh giá kết quả học tập của sinh viên theo tiếp cận năng lực và đặc
biệt ở các cơ sở đào tạo và bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục thì càng cấp thiết. Những cơ sở lý
luận nói trên sẽ góp phần giúp cho cán bộ quản lý, đội ngũ giảng viên có cơ sở khoa học để quản
lý tốt và đánh giá đúng kết quả học tập của SV nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Nguyễn Minh Đạo (1997), Cơ sở khoa học của quản lý, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[2] Bùi Hiền, Nguyễn Văn Giao, Nguyễn Hữu Quỳnh, Vũ Văn Tảo (2001), Từ điển Giáo dục học,
Nxb Bách khoa, Hà Nội.
[3] Hội đồng chỉ đạo biên soạn Từ điển bách khoa Việt Nam (2002), Từ điển Bách Khoa Việt
Nam, tập 1,2,3, Nxb Từ điển Bách Khoa, Hà Nội.
[4] Trần Thị Tuyết Oanh (2014), Đánh giá kết quả học tập, Nxb Đại học sư phạm.
[5] Nguyễn Ngọc Quang (1989), Những khái niệm cơ bản về lý luận quản lý giáo dục, Trường
Cán bộ Quản lý giáo dục Trung ương I.
[6] Québec- Ministere de l’Education, Québec Education Program, Secondary School
Education, Cycle One, 2004.
ABSTRACT
Theoretical reviews on evaluation management
of student’s competence based learning outcomes
Assessment of learning outcomes is a part of teaching and learning process. In order to improve
the quality of training, educational institutions not only have to innovate assessment of learning
outcomes but also reform the way of evaluation management of competence based learning
outcomes. This is an important step, affecting the process of improving the quality of training.
Research on the theory of evaluation management of student’s learning outcomes according to
competence is a scientific basis for studying the current situation and proposing solutions to
improve the quality of training.
Keywords: Evaluation management of learning outcomes, the capacity approach.
62

File đính kèm:

  • pdfco_so_ly_luan_ve_quan_ly_danh_gia_ket_qua_hoc_tap_cua_sinh_v.pdf