Đào tạo kiến thức số cho sinh viên trong thư viện đại học

Tóm tắt: Giới thiệu tổng quát về kiến thức số và hoạt động đào tạo kiến thức số

cho sinh viên trong thư viện đại học ở một số thư viện trường đại học trên thế giới. Đề xuất

nội dung và phương thức đào tạo kiến thức số ở thư viện đại học Việt Nam.

pdf 7 trang yennguyen 1700
Bạn đang xem tài liệu "Đào tạo kiến thức số cho sinh viên trong thư viện đại học", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Đào tạo kiến thức số cho sinh viên trong thư viện đại học

Đào tạo kiến thức số cho sinh viên trong thư viện đại học
NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI
24 THÔNG TIN VÀ TƯ LIỆU - 5/2017
TS Ngô Thanh Thảo
 Trường Đại học KHXH&NV- ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh
Tóm tắt: Giới thiệu tổng quát về kiến thức số và hoạt động đào tạo kiến thức số 
cho sinh viên trong thư viện đại học ở một số thư viện trường đại học trên thế giới. Đề xuất 
nội dung và phương thức đào tạo kiến thức số ở thư viện đại học Việt Nam.
Từ khóa: Kiến thức số; đào tạo; thư viện đại học.
Digital knowledge training for students in university libraries
Abstract: The article provides overview on digital knowledge and digital knowledge 
training for students at university libraries in the world, then recommends the contents 
and methodologies of digital knowledge training at university libraries in Vietnam.
Keywords: digital knowledge; education; university library.
ĐÀO TẠO KIẾN THỨC SỐ CHO SINH VIÊN TRONG THƯ VIỆN ĐẠI HỌC 
Đặt vấn đề
Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ 
số đem lại nhiều cơ hội cũng như thách thức 
cho mọi thành viên trong xã hội nói chung 
và sinh viên đại học nói riêng. Để có thể 
sống, học tập và làm việc hiệu quả trong môi 
trường số ngày càng đa dạng, sinh viên cần 
được trang bị kiến thức số. Trước tình hình 
đó, nhiều thư viện đại học (TVĐH) trên thế 
giới đã chú trọng hoạt động đào tạo kiến thức 
số nhằm hỗ trợ sinh viên phát triển các năng 
lực quan trọng như tìm và sử dụng thông tin; 
tạo lập, phân phối, chia sẻ thông tin; hợp tác 
làm việc và đóng góp cho xã hội trong môi 
trường số... Bài viết này giới thiệu khái quát 
kiến thức số và vấn đề đào tạo kiến thức số 
trong trường đại học.
1. Khái quát về kiến thức số
Hiện nay, chưa có một định nghĩa chính 
thức về khái niệm kiến thức số được sử 
dụng bởi các nhà nghiên cứu, các tổ chức 
giáo dục, các tổ chức phục vụ cộng đồng, 
các nhà hoạch định chính sách Theo Digital 
Strategy Glossary of Key Terms, kiến thức 
số là khả năng sử dụng công nghệ số, các 
công cụ truyền thông hoặc mạng máy tính 
để tìm, đánh giá, sử dụng và tạo lập thông 
tin [3]. Hiệp hội Thư viện Hoa Kỳ (ALA) cho 
rằng: (1) Kiến thức số bao gồm khả năng 
nắm vững những kiến thức nền tảng và (2) 
các kỹ năng kiến thức số thay đổi khi công 
nghệ thay đổi. Vì vậy, ALA đưa ra định nghĩa: 
“kiến thức số là khả năng sử dụng công nghệ 
thông tin và truyền thông để tìm, đánh giá, 
NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI
25THÔNG TIN VÀ TƯ LIỆU - 5/2017
tạo lập và truyền thông tin dựa trên các kỹ 
năng kỹ thuật cũng như nhận thức”. Theo 
ALA, người có kiến thức số có thể đáp ứng 
những yêu cầu sau:
- Có các kỹ năng kỹ thuật và nhận thức 
cần thiết để tìm, hiểu, đánh giá, tạo lập và 
chuyển giao thông tin số ở nhiều dạng thức 
khác nhau;
- Có khả năng sử dụng các công nghệ 
khác nhau một cách thích hợp và hiệu quả để 
tìm thông tin, trình bày các kết quả và đánh 
giá chất lượng của thông tin tìm được;
- Hiểu mối liên hệ giữa công nghệ, học tập 
suốt đời, sự riêng tư và quản lý thông tin;
- Sử dụng các kỹ năng và công nghệ thích 
hợp để giao tiếp và hợp tác với những người 
đồng lứa, đồng nghiệp, gia đình và công 
chúng;
- Sử dụng các kỹ năng nói trên để tham 
gia tích cực vào xã hội công dân và đóng góp 
cho một cộng đồng năng động, hiểu biết và 
bận rộn [7].
Theo Trung tâm kiến thức số và phương 
tiện truyền thông Canada (Canada’s Centre 
for Digital & Media Literacy), thuật ngữ “đa 
kiến thức” thường được dùng để chỉ những 
khả năng và kỹ năng cần thiết giúp chúng ta 
sử dụng, hiểu và tạo lập thông tin số. Do đó, 
có thể xem kiến thức số không chỉ là một tập 
hợp các kỹ năng mà là một khung được xây 
dựng dựa trên nhiều kiến thức và năng lực 
khác nhau, bao gồm:
- Kiến thức về phương tiện truyền thông 
bao gồm khả năng truy cập, phân tích, đánh 
giá và tạo lập phương tiện truyền thông dựa 
trên sự hiểu biết các vấn đề cơ bản như: ý 
nghĩa, thông điệp của các dạng thức văn bản 
truyền thông khác nhau; tác động và ảnh 
hưởng của truyền thông đại chúng và văn 
hóa cộng đồng; cấu trúc của các văn bản 
truyền thông và nguyên nhân tạo lập chúng; 
cách sử dụng phương tiện truyền thông để 
phổ biến ý tưởng một cách hiệu quả;
- Kiến thức công nghệ: Khả năng sử dụng 
công nghệ liên quan nhiều nhất với kiến thức 
số. Khả năng này bao gồm nhiều kỹ năng 
khác nhau, từ các kỹ năng sử dụng máy tính 
cơ bản đến những kỹ năng phức tạp hơn như 
lập trình cho máy tính. Ở đây cần tránh nhầm 
lẫn giữa khả năng sử dụng công nghệ với 
kiến thức và sự hiểu biết. Chẳng hạn, một 
thiếu niên sử dụng rất thành thạo công nghệ 
vẫn có thể không biết cách đánh giá và sử 
dụng hợp lý thông tin tìm được trên mạng 
Internet hoặc không ý thức được sự cần thiết 
của việc bảo vệ sự riêng tư của mình khi sử 
dụng các dịch vụ trên mạng. Kiến thức số 
bao hàm cả các kỹ năng và các thói quen sử 
dụng mạng tốt như biết suy xét, tư duy phản 
biện, có trách nhiệm,; 
- Kiến thức thông tin: Khả năng xác định 
nhu cầu thông tin, tìm kiếm thông tin trên 
các phương tiện số, đánh giá và sử dụng 
thông tin tìm được. Kiến thức thông tin đặc 
biệt quan trọng trong môi trường số vì đây là 
nơi có nhiều thông tin trực tuyến không được 
chọn lọc nên kỹ năng đánh giá các nguồn tin 
cũng như nội dung thông tin được xem là một 
kỹ năng thiết yếu;
- Kiến thức truyền thông bao gồm khả 
năng sử dụng các nguồn thông tin số khác 
nhau để phân phối và chia sẻ kiến thức. 
Những khả năng này tạo cơ sở cho việc giao 
tiếp với các thành viên khác trong một xã hội 
được nối mạng;
NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI
26 THÔNG TIN VÀ TƯ LIỆU - 5/2017
- Kiến thức xã hội bao gồm những kỹ 
năng cần thiết giúp chúng ta tham gia tích 
cực vào xã hội số như kỹ năng làm việc trong 
các mạng xã hội; đóng góp kiến thức cho trí 
tuệ tập thể; kỹ năng thương thuyết trong các 
cộng đồng có nhiều khác biệt về văn hóa [4].
Như vậy, kiến thức số không chỉ là khả 
năng tìm và sử dụng thông tin (được biết như 
kiến thức thông tin) mà còn bao gồm các khả 
năng tạo lập, phân phối, chia sẻ thông tin, 
hợp tác làm việc trong môi trường số. Những 
khả năng này giúp con người có thể sống, 
học tập và làm việc trong một xã hội số [6].
2. Đào tạo kiến thức số cho sinh viên 
trong thư viện đại học
2.1. Đào tạo kiến thức số trong thư viện 
đại học ở một số nước trên thế giới
Kiến thức số đóng vai trò rất quan trọng 
đối với sự phát triển của sinh viên nói riêng 
và sự phát triển các hoạt động dạy, học, 
nghiên cứu và quản lý của các trường đại học 
nói chung. Đầu tư phát triển kiến thức số cho 
sinh viên và cán bộ giảng dạy, nghiên cứu 
đem lại nhiều lợi ích cho cá nhân cũng như 
tổ chức như:
- Cung cấp các chương trình giáo dục chất 
lượng với các phương thức linh hoạt và đổi 
mới;
- Đáp ứng được nhu cầu và kỳ vọng của 
đa dạng sinh viên thông qua việc phát triển 
kinh nghiệm học tập;
- Nâng cao năng lực làm việc và kỹ năng 
trong nền kinh tế số;
- Hoàn thiện các qui trình, hệ thống và 
năng lực xây dựng của tổ chức;
- Tăng tối đa giá trị của đầu tư vào công 
nghệ, nội dung và dịch vụ dạy và học.
Vì tầm quan trọng nói trên của kiến thức 
số, hoạt động đào tạo kiến thức số cho sinh 
viên được các TVĐH ở nhiều nước trên thế 
giới chú trọng. Ở Anh, các chương trình đào 
tạo kiến thức số cho sinh viên trong nhiều 
TVĐH được xây dựng dựa trên mô hình phát 
triển kiến thức số của Beetham và Sharpe [2]. 
Theo mô hình này, kiến thức số là một quá 
trình phát triển từ những kỹ năng cơ bản đến 
các khả năng ở mức độ cao hơn. Quá trình 
này thay đổi phụ thuộc vào bối cảnh, vì vậy 
nó cũng phản ánh cách thức các cá nhân tích 
cực phát triển các kỹ năng mới trong những 
hoàn cảnh khác nhau. Mô hình này có thể 
được sử dụng để: (1) Mô tả (hoặc dự báo) 
kiến thức của sinh viên hiện tại và tương lai, 
ví dụ, xác định những lĩnh vực sinh viên cần 
có sự hỗ trợ; (2) Xây dựng chuẩn đầu ra một 
cách chi tiết ở cấp độ trường; (3) Kiểm định 
một chương trình đào tạo - chuẩn đầu ra sẽ 
bao gồm những khía cạnh và mức độ nào 
của kiến thức số? 
Nhiều trường đại học ở Anh đã sử dụng 
mô hình Beetham và Sharp để xây dựng các 
khung chương trình đào tạo kiến thức số và 
áp dụng trong các dự án kiến thức số như: 
Đại học Cardiff, Đại học Oxford Brookes, Đại 
học Leeds Metropolitan, Đại học Mở Ví dụ, 
Đại học Mở đã xây dựng khung chương trình 
đào tạo kiến thức số với nội dung gồm năm 
phần như sau [5]:
1. Hiểu và thực hành kiến thức số.
2. Tra cứu thông tin.
3. Đánh giá thông tin, các tương tác trực 
tuyến và các công cụ trực tuyến.
4. Quản trị và truyền thông tin.
5. Hợp tác và chia sẻ nội dung số.
Kiến thức và kỹ năng của mỗi phần nêu 
trên được chia thành 4 mức độ khác biệt nhau 
về mức độ phức tạp và độ sâu của nội dung. 
Ví dụ, phần “Đánh giá thông tin, các tương 
tác trực tuyến và các công cụ trực tuyến” 
được chia thành 4 mức độ với nội dung tương 
ứng như Bảng 1:
NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI
27THÔNG TIN VÀ TƯ LIỆU - 5/2017
Bảng 1. Mức độ phức tạp và độ sâu nội dung của khung chương trình 
Mức 1 Mức 2 Mức 3 Mức 4 (Thành thạo)
- Xác định và sử 
dụng các tiêu 
chí thích hợp để 
đánh giá thông 
tin đã được xác 
định trước.
- Xác định và 
sử dụng các 
tiêu chí đánh 
giá thích hợp để 
chọn lọc tài liệu 
từ các kết quả 
tìm.
- Đóng góp ý 
kiến trong các 
cuộc thảo luận 
trực tuyến (ví 
dụ forum, blog, 
wiki).
- Phân biệt được 
các trường hợp 
của các công 
cụ trực tuyến 
dựa trên tính 
phù hợp với bối 
cảnh cụ thể 
- Sử dụng các tiêu 
chí thích hợp để 
đánh giá các nguồn 
thông tin (ví dụ sách, 
bài báo, websites) 
một cách hiệu quả.
- Sử dụng các tiêu 
chí đánh giá chất 
lượng thích hợp để 
chọn lọc kết quả tìm.
- Cung cấp thông 
tin phản hồi hữu ích 
cho các ý kiến đóng 
góp của những người 
khác trong các tương 
tác trực tuyến. 
- Sử dụng các tiêu 
chí thích hợp để 
đánh giá tính phù 
hợp của các công 
cụ trực tuyến với bối 
cảnh cụ thể.
- Sử dụng các tiêu 
chí thích hợp để 
đánh giá thông tin 
từ một nguồn bất kỳ 
nhằm xác định mức 
độ đáng tin cậy, 
định kiến
- Sử dụng các tiêu 
chí đánh giá chất 
lượng thích hợp để 
chọn lọc kết quả 
tìm và chú trọng 
vào những thông 
tin quan trọng nhất 
trong các tài liệu.
- Tham gia đánh 
giá các ý kiến khác 
trong các tương tác 
trực tuyến..
- Có khả năng đánh 
giá các công cụ trực 
tuyến trong bất kỳ 
bối cảnh nào. 
- Có khả năng đánh 
giá, bao gồm nhận xét 
về tính đáng tin cậy 
và giá trị các tài liệu/ 
công trình của chính 
mình hoặc của người 
khác. 
- Xác định rõ ràng 
phạm vi của một vấn 
đề nghiên cứu và sử 
dụng các tiêu chí thích 
hợp để chọn lọc một 
lượng lớn thông tin 
liên quan đến vấn đề 
này. 
- Phân biệt rõ ưu và 
nhược điểm của các 
hình thức thẩm định ý 
kiến chuyên gia. 
- Đánh giá tính hiệu 
quả và phù hợp của 
các trường hợp cộng 
tác làm việc trực 
tuyến. 
- Sử dụng các tiêu chí 
thích hợp để đánh giá 
các công cụ trực tuyến 
không quen thuộc. 
(Trích từ nguồn: 
Đại học Mở cung cấp tài liệu học tập trực 
tuyến trên trang web “Being digital” nhằm 
giúp người học nắm được các kỹ năng và 
kiến thức trong khung chương trình đào tạo 
kiến thức số. Nội dung của chương trình đào 
tạo nói trên được chia thành nhiều hoạt động 
cung cấp các kỹ năng và kiến thức khác 
nhau như: hoạt động “Tránh đạo văn” giải 
thích đạo văn là gì và hướng dẫn cách tránh 
đạo văn; “Chọn lọc thông tin nhanh” hướng 
NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI
28 THÔNG TIN VÀ TƯ LIỆU - 5/2017
dẫn các chiến lược chọn lọc nhanh từ các kết 
quả tìm được trên web... Trang web “Being 
digital” cũng cung cấp một bộ tiêu chí để sinh 
viên tự xác định những kiến thức và kỹ năng 
cần phải trang bị, sau đó lựa chọn hoạt động 
thích hợp để thực hiện. Ví dụ, tiêu chí “Tự 
đánh giá: tìm tin” xác định những kỹ năng 
cần thiết để giúp sinh viên trở nên tự tin hơn 
khi tìm tin trực tuyến, chẳng hạn biết tìm ở 
đâu và tìm như thế nào. Để có được những 
kỹ năng này sinh viên có thể chọn các hoạt 
động thích hợp như: “Chọn các từ khóa thích 
hợp” hướng dẫn cách sử dụng từ khóa để tìm 
tin; Hoạt động “Tìm thông tin ẩn trên mạng 
Internet” hướng dẫn cách truy cập những 
thông tin không thể tìm được trên Internet 
bằng cách sử dụng các công cụ tìm kiếm 
thông thường. 
Ngoài ra, nhiều trường đại học còn lồng 
ghép việc đào tạo kiến thức số vào nội dung 
các môn học trong chương trình giảng dạy 
chuyên ngành của trường. Ví dụ, Đại học 
Oxford Brookes đã thực hiện đào tạo kiến 
thức số cho sinh viên thông qua chương trình 
giảng dạy của các ngành. “Chiến lược tăng 
cường kinh nghiệm cho sinh viên 2010-2015” 
của trường yêu cầu tất cả các chương trình 
giảng dạy phải bao gồm nội dung phát triển 
kiến thức thông tin và kiến thức số cho sinh 
viên. Hiện nay, mỗi chương trình đều đưa ra 
một đặc tả chương trình mới cùng với một mô 
tả chi tiết về trình độ kiến thức số và thông tin 
sinh viên tốt nghiệp phải đạt được và những 
hoạt động học tập cũng như những đánh giá 
cần thiết để hỗ trợ sinh viên đạt được trình 
độ này [6].
Ở Mỹ, hoạt động đào tạo kiến thức số cho 
sinh viên được các TVĐH thực hiện với nhiều 
hình thức khác nhau như: hướng dẫn trực 
tiếp, cung cấp hướng dẫn hoặc chương trình 
huấn luyện trực tuyến trên website thư viện, 
tích hợp trong các môn học chuyên ngành, 
dạy như một môn học riêng biệt (bắt buộc 
hoặc tùy chọn) trong chương trình đào tạoVí 
dụ, thư viện của trường Đại học Illinois cung 
cấp chương trình huấn luyện kiến thức số trực 
tuyến bao gồm các nội dung như: kỹ thuật sử 
dụng các công cụ tìm tin như CSDL, bảng 
tra, mục lục, công cụ tìm kiếm; các phương 
thức tìm kiếm các nguồn thông tin khác nhau 
như sách, bài báo, tài liệu tra cứu, trang web 
Bên cạnh đó, thư viện Đại học Illinois còn bố 
trí nhân viên chuyên trách về đào tạo kiến 
thức số. Nhân viên này có nhiệm vụ hợp tác 
với các nhân viên thư viện khác và giảng viên 
để tạo lập các công cụ hỗ trợ thư viện tham 
gia vào quá trình dạy và học, ví dụ như các 
nguồn trực tuyến tập trung vào việc tích hợp 
các kỹ năng thông tin với công nghệ dạy học 
nhằm giúp sinh viên tích lũy kiến thức số [8]. 
2.2. Đào tạo kiến thức số cho sinh viên 
ở Việt Nam
Mặc dù kiến thức số có vai trò rất quan 
trọng với sinh viên, nhưng hiện nay TVĐH ở 
Việt Nam chưa chú trọng đến hoạt động đào 
tạo kiến thức số cho sinh viên. Để trang bị 
kiến thức số cho sinh viên, các TVĐH ở Việt 
Nam có thể dựa trên kinh nghiệm của TVĐH 
ở nước ngoài và điều kiện thực tế của mình 
để phát triển chương trình đào tạo kiến thức 
số với nội dung và phương thức thực hiện 
như sau:
2.2.1. Nội dung đào tạo
Về nội dung, chương trình đào tạo kiến 
thức số của TVĐH phải hỗ trợ cho sinh viên 
có những khả năng để sống, học tập và làm 
việc hiệu quả trong một xã hội số. Có thể 
chia các khả năng này thành ba nhóm chính 
là: sử dụng, hiểu và tạo lập:
- Khả năng sử dụng là sự thành thạo về kỹ 
thuật để sử dụng máy tính và mạng Internet 
hiệu quả. Các kỹ năng và hiểu biết thuộc 
nhóm này rất đa dạng, từ kỹ năng sử dụng 
các chương trình máy tính cơ bản như soạn 
thảo văn bản, các trình duyệt web, email và 
NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI
29THÔNG TIN VÀ TƯ LIỆU - 5/2017
các công cụ truyền thông khác đến kỹ năng 
phức tạp hơn như sử dụng các công cụ tìm 
kiếm (search engine), CSDL trực tuyến, kỹ 
thuật đám mây điện toán để truy cập và sử 
dụng các nguồn thông tin trên mạng Internet; 
- Khả năng hiểu là tập hợp các kỹ năng 
giúp sinh viên hiểu, đặt đúng bối cảnh và 
đánh giá một cách phản biện thông tin số 
hoặc các phương tiện số để có thể đưa ra 
quyết định đúng đắn về những gì sinh viên 
thực hiện hoặc đối mặt trên mạng; Hiểu cũng 
bao gồm khả năng nhận biết cách công nghệ 
mạng tác động đến hành vi, nhận thức, lòng 
tin và cảm xúc của sinh viên về thế giới xung 
quanh;
- Tạo lập là khả năng tạo ra nội dung và 
truyền thông một cách hiệu quả dựa trên 
các công cụ truyền thông số khác nhau, bao 
gồm: khả năng làm cho các sản phẩm được 
sinh viên tạo ra thích ứng với nhiều bối cảnh 
và người sử dụng khác nhau; khả năng tạo 
lập và truyền thông với các phương tiện như 
hình ảnh, âm thanh, phim ảnh; tham gia một 
cách hiệu quả và có trách nhiệm vào việc tạo 
lập nội dung trên web qua các phương tiện 
như: blog, diễn đàn thảo luận, chia sẻ video 
và hình ảnh, mạng xã hội Khả năng sử dụng 
các phương tiện số để tạo lập thông tin giúp 
sinh viên trở thành những người đóng góp 
tích cực cho xã hội số [2].
Chương trình đào tạo kiến thức số của 
TVĐH phải cung cấp cho sinh viên những 
kiến thức, kỹ năng cơ bản như sau [1]: 
- Tự tin, nhanh nhạy trong việc ứng dụng 
công nghệ cho các hoạt động học tập, nghiên 
cứu, tu dưỡng đạo đức, nghề nghiệp;
- Xác định và phân tích thành thạo nhu 
cầu tin của mình trong các hoạt động học 
tập, nghiên cứu, trong đời sống hàng ngày;
- Xây dựng các chiến lược hiệu quả và lựa 
chọn các công cụ/nguồn tin thích hợp để tìm 
tin;
- Đánh giá mức độ phù hợp của thông tin 
tìm được với nhu cầu tin;
- Lựa chọn và sử dụng thông tin một cách 
hợp lý;
- Sử dụng thành thạo các công cụ số để 
trình bày và lưu giữ kiến thức, thông tin phục 
vụ các hoạt động học tập, nghiên cứu;
- Tham gia một cách hiệu quả các cộng 
đồng trực tuyến phù hợp;
- Tích hợp thông tin với sự hiểu biết của cá 
nhân về mặt học thuật, nghề nghiệp;
- Quản trị, chia sẻ thông tin một cách hiệu 
quả và hợp lý.
Để trang bị cho sinh viên những kiến thức, 
kỹ năng nói trên, các TVĐH ở Việt Nam cần 
tham khảo chương trình đào tạo của các 
TVĐH trên thế giới và khảo sát nhu cầu, 
khả năng của sinh viên để xây dựng khung 
chương trình đào tạo kiến thức số phù hợp với 
điều kiện thực tế của mình. Chương trình đào 
tạo kiến thức số của TVĐH Việt Nam nên tập 
trung vào những nội dung cơ bản dưới đây: 
- Cấu trúc, quy ước, giao thức của các 
phương tiện truyền thông số và tài liệu số; 
- Các ứng dụng khai thác tài liệu dạng số/
nguồn thông tin số thông dụng; 
- Thiết kế văn bản/tài liệu dạng số;
- Tạo lập tài liệu số vói nội dung, dạng 
thức phù hợp với người đọc và mục đích đã 
đề ra;
- Cách xác định, đánh giá và chọn lọc 
các công cụ tìm tin/nguồn tin số để tìm kiếm 
thông tin;
- Kỹ thuật tìm tin;
- Đánh giá, chọn lọc, quản trị thông tin tìm 
được;
- Sử dụng và chia sẻ thông tin một cách 
hợp lý;
- Phân tích, đánh giá và lựa chọn các công 
NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI
30 THÔNG TIN VÀ TƯ LIỆU - 5/2017
cụ số để trình bày và chia sẻ thông tin;
- Đánh giá, lựa chọn và tham gia các cộng 
đồng trực tuyến một cách hiệu quả.
2.2.2. Phương thức đào tạo
Dựa trên nguồn lực của thư viện, đặc điểm 
của trường đại học và nhu cầu thực tế của 
sinh viên, TVĐH có thể thực hiện chương 
trình đào tạo kiến thức số với nhiều hình thức 
khác nhau như: tổ chức các lớp học truyền 
thống; cung cấp chương trình đào tạo trực 
tuyến trên website của thư viện; lồng ghép 
trong các môn học chuyên ngành; thiết kế 
thành một môn học riêng biệt (có thể là môn 
bắt buộc hoặc tự chọn) hoặc đưa vào chương 
trình đào tạo kiến thức đại cương của trường 
đại học Nội dung chương trình đào tạo, các 
hoạt động giảng dạy và đánh giá kết quả học 
tập phải phù hợp với phương thức đào tạo 
cũng như đặc điểm của người học. 
2.2.3. Điều kiện thực hiện
Để trang bị kiến thức số cho sinh viên một 
cách hiệu quả, TVĐH cần chuẩn bị đầy đủ 
trang thiết bị và công nghệ hiện đại để tạo 
môi trường đa dạng cho sinh viên thực hành 
với các hoạt động học tập tích cực và sáng 
tạo. TVĐH phải bố trí ít nhất một nhân viên 
chuyên trách hoạt động đào tạo kiến thức số 
cho sinh viên. Đặc biệt, TVĐH cần hợp tác 
chặt chẽ với đội ngũ giảng viên trong trường 
để thiết kế và thực hiện chương trình đào tạo 
kiến thức số hiệu quả với các phương thức 
giảng dạy linh hoạt, tích cực và luôn đổi mới.
Kết luận
TVĐH đóng vai trò quyết định trong việc 
đào tạo kiến thức số cho sinh viên đại học. 
TVĐH ở Việt Nam cần nhanh chóng phát 
triển hoạt động đào tạo kiến thức số với nội 
dung và phương thức đào tạo phù hợp với 
điều kiện của thư viện cũng như yêu cầu thực 
tế nhằm hỗ trợ cho sinh viên dễ dàng thích 
ứng và phát triển trong môi trường số.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. A Taxonomy of Digital and Information 
Literacies (https://wiki.brookes.ac.uk. ), truy 
cập ngày 15/08/2016
2. Beetham and Sharpe ‘pyramid model’ of digital 
literacy development model (2010) ( https://
www.jisc.ac.uk/guides/developing-students-
digital-literacy), truy cập ngày 15/08/2016
3. Digital Literacy Definition (
dig i ta ls t ra tegy.govt .nz/Media- Centre/
Glossary-of-Key-Terms/), truy cập ngày 
15/08/2016
4. Digital Literacy fundamentals ( http://
mediasmarts.ca/digital-media-l i teracy-
fundamentals), truy cập ngày 15/08/2016
5. Digital and Information Literacy Framework 
(
dilframework), truy cập ngày 24/08/2016
6. Digital Literacy Framework (http://
jiscdesignstudio.pbworks.com/), truy cập 
ngày 24/08/2016
7. Visser M. (2013). Digital Literacy and public 
policy through the library lens //Maine policy 
Review, Vol.22, Issue 1, p.104-113 (http://
digitalcommons.library.umaine.edu), truy cập 
ngày 24/08/2016
8. 
index.html, truy cập ngày 24/08/2016
(Ngày Tòa soạn nhận được bài: 15-5-
2017; Ngày phản biện đánh giá: 12-7-2017; 
Ngày chấp nhận đăng: 20-8-2017).

File đính kèm:

  • pdfdao_tao_kien_thuc_so_cho_sinh_vien_trong_thu_vien_dai_hoc.pdf