Để tiến đến một trung tâm tư liệu Hán Nôm Phật giáo

Tư liệu Hán Nôm Phật giáo [TLHNPG] là những văn bản được khắc hoặc chép

bằng chữ Hán và chữ Nôm của tiền nhân trong nhiều thế kỷ, tập trung dưới các hình

thức: sách giấy, ván khắc (mộc bản), bia đá, chuông đồng, hoành phi, câu đối, bài

vị, pháp phái hoặc bất cứ tài liệu nào có chữ Hán Nôm. Trong đó tư liệu Hán Nôm

[TLHN] dưới dạng sách giấy có khối lượng lớn nhất và đang bị mai một nhanh nhất.

Đó cũng là vấn đề chính mà chúng tôi quan tâm.

Khoảng 10 năm trước, nhận thấy phong trào trùng tu chùa chiền diễn ra đồng

loạt khắp cả nước, tư liệu Phật giáo đặc biệt là tư liệu Hán Nôm mai một tính bằng

ngày, Thư viện Huệ Quang [TVHQ] đã bắt đầu tổ chức những chuyến sưu tầm tư

liệu Hán Nôm trong các chùa ở Nam Bộ. Đầu năm 2010, chúng tôi gởi bức Thư ngỏ

về việc sưu tầm tư liệu Phật giáo đến khắp các chùa trong cả nước. Kể từ đó đến nay

công tác sưu tầm TLHNPG được tiến hành liên tục. Tuy nhiên, do kinh phí hạn hẹp,

công tác sưu tầm còn tản mạn, không theo kịp sự hư hoại quá mau chóng của tư liệu.

pdf 11 trang yennguyen 4460
Bạn đang xem tài liệu "Để tiến đến một trung tâm tư liệu Hán Nôm Phật giáo", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Để tiến đến một trung tâm tư liệu Hán Nôm Phật giáo

Để tiến đến một trung tâm tư liệu Hán Nôm Phật giáo
129Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 2 (128) . 2016
* Tu viện Huệ Quang, TP Hồ Chí Minh.
ĐỂ TIẾN ĐẾN MỘT TRUNG TÂM TƯ LIỆU 
HÁN NÔM PHẬT GIÁO
 Thích Minh Cảnh, Thích Không Hạnh*
1. Lời ngỏ
Tư liệu Hán Nôm Phật giáo [TLHNPG] là những văn bản được khắc hoặc chép 
bằng chữ Hán và chữ Nôm của tiền nhân trong nhiều thế kỷ, tập trung dưới các hình 
thức: sách giấy, ván khắc (mộc bản), bia đá, chuông đồng, hoành phi, câu đối, bài 
vị, pháp phái hoặc bất cứ tài liệu nào có chữ Hán Nôm. Trong đó tư liệu Hán Nôm 
[TLHN] dưới dạng sách giấy có khối lượng lớn nhất và đang bị mai một nhanh nhất. 
Đó cũng là vấn đề chính mà chúng tôi quan tâm.
Khoảng 10 năm trước, nhận thấy phong trào trùng tu chùa chiền diễn ra đồng 
loạt khắp cả nước, tư liệu Phật giáo đặc biệt là tư liệu Hán Nôm mai một tính bằng 
ngày, Thư viện Huệ Quang [TVHQ] đã bắt đầu tổ chức những chuyến sưu tầm tư 
liệu Hán Nôm trong các chùa ở Nam Bộ. Đầu năm 2010, chúng tôi gởi bức Thư ngỏ 
về việc sưu tầm tư liệu Phật giáo đến khắp các chùa trong cả nước. Kể từ đó đến nay 
công tác sưu tầm TLHNPG được tiến hành liên tục. Tuy nhiên, do kinh phí hạn hẹp, 
công tác sưu tầm còn tản mạn, không theo kịp sự hư hoại quá mau chóng của tư liệu.
Tại sao chúng ta đã có một Viện Nghiên cứu Hán Nôm [VNCHN], là nơi tập 
hợp các tác phẩm Hán Nôm của cả nước, được bảo tồn và nghiên cứu khá khoa học 
rồi mà còn sưu tầm TLHNPG? Qua bộ Di sản Hán Nôm Việt Nam thư mục đề yếu, 
chúng tôi thống kê được số lượng sách HNPGVN (ký hiệu A, AB, AC) tại VNCHN 
là 309 đầu sách, trong đó sách do các tác giả Việt Nam trước tác (ký hiệu A, AB) là 
141. Trong khi sách HNPGVN (ký hiệu A, AB, AC) tại TVHQ đến thời điểm hiện tại 
là 774, trong đó sách của các tác giả VN (ký hiệu A, AB) là 390. Điều đó cho thấy 
lượng sách HNPG trong VNCHN còn khá khiêm tốn và chưa đến 1/2 số sách HNPG 
mà chúng tôi sưu tầm trong chưa đầy 10 năm. Nguyên nhân có thể là do TLHNPG 
chỉ là một trong mấy chục thể loại mà Viện phải quan tâm, và có thể (giai đoạn trước) 
họ nghĩ rằng Phật giáo thuộc một hệ khác – hệ tôn giáo, nó là công việc của các nhà 
sư, sưu tầm được chừng nào hay chừng đó. Các sách HNPG trong Viện hầu hết (nếu 
không nói là tất cả) có xuất xứ ở miền Bắc, chưa sưu tầm rộng ra khu vực miền Trung 
và Nam Bộ. Đó là lý do chúng ta cần phải tiếp tục công tác sưu tầm.
Trong thời gian gần đây, chúng tôi đã chụp lại được nhiều văn bản HNPG quý 
mà VNCHN chưa có, hoặc có mà không còn nguyên vẹn:
- Địa tạng kinh thích giải Hoa ngôn bằng chữ Nôm, của ngài Minh Châu Hương 
Hải, được Như Nguyệt khắc vào năm Vĩnh Thịnh thứ 5 (1709). Bộ Toàn tập Minh 
TƯ LIỆU
130 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 2 (128) . 2016
Châu Hương Hải của tác giả Lê Mạnh Thát cũng chưa sưu tầm được tác phẩm này, 
trong khi đó, nó lại nằm trong một xó tủ ọp ẹp tại một ngôi chùa quê ở Hải Dương.
- Thiền uyển tập anh, một trong những tác phẩm quý giá, xưa nhất hiện còn của 
Thiền tông Việt Nam, văn bản thời Trần, được trùng san vào thời Lê, được lưu trữ 
trong bộ sưu tập của thầy Thích Giác Thành. Văn bản còn khá hoàn hảo, cùng với một 
bản khác lưu trữ tại VNCHN, được xem là hai bản Thiền uyển tập anh quý giá còn lại 
đến nay (theo hiểu biết của chúng tôi), nhưng văn bản trong VNCHN không tốt bằng 
và cũng không đủ trang.
- Giải oan khoa, thiền sư Minh Chính biên soạn, chùa Bích Động, Ninh Bình 
khắc ván và tàng bản năm Khải Định thứ 6 (1921). Chúng tôi đến chùa Bích Động, 
Ninh Bình để rập lại mộc bản. Sau khi xin sư bà mang ván ra vệ sinh xong mới hay 
mộc bản đã khuyết đi nhiều, đành chỉ chụp hình hiện trạng từng tấm ván mà không rập 
bản. Nơi mà chúng tôi nghĩ có thể còn thì lại không còn, may mà trong bộ sưu tầm của 
thầy Thích Giác Thành còn bản Giải oan khoa khá nguyên vẹn (Thầy Giác Thành biết 
đây là văn bản Giải oan khoa “độc nhất” còn nguyên vẹn nên photo tới mấy trăm bản).
- Tì-ni Sa-di Uy nghi Cảnh sách Tứ phần Phạm võng Yết-ma chú giải, văn bản 
chép tay dày đến 200 trang (400 mặt giấy) của tổ sư Pháp Chuyên, do hai thầy Thích 
Như Tịnh và Thích Đồng Dưỡng sưu tầm được. Tổ Pháp Chuyên là một trong những 
tác gia lớn nhất của Phật giáo Việt Nam, sống vào cuối thời Lê. Tác phẩm giải thích 
những bộ luật căn bản của Phật giáo, chưa từng được khắc in. Đây rất có thể là văn 
bản độc nhất còn lại của tác phẩm này, được chép vào thời điểm khá sớm. 
Chúng tôi chỉ dẫn ra vài trường hợp để thấy rằng sách HNPG ngoài VNCHN ra 
còn rất nhiều, nhưng lại đứng trước nguy cơ mai một từng ngày, đang đợi sự sưu tầm 
Một trang có ghi niên đại (Vĩnh Thịnh ngũ niên - 1709) của quyển 
Địa tạng kinh thích giải Hoa ngôn.
131Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 2 (128) . 2016
bằng tâm huyết và cấp bách của chúng ta. Những trước tác HNPG thời hoàng kim Lý 
Trần đã không còn hy vọng sưu tầm thêm được tác phẩm nào (có chăng chỉ là những 
tác phẩm may mắn sót lại được triều Lê trùng khắc) do thời gian cách biệt quá lâu, 
công việc bảo tồn của người xưa ít được quan tâm đúng mức, chưa kể đến chiến tranh, 
thiên tai cũng góp phần phá hủy; thì nay, những tác phẩm HNPG cuối thời Lê về 
sau còn tản mát đây đó trong các tự viện, trong dân gian còn có thể sưu tầm được mà 
không tiến hành sưu tầm, làm cho di sản của tiền nhân đã mất mát càng thêm nghèo 
nàn thì là do lỗi vô tâm của chúng ta chứ không phải ai khác.
2. Người xưa bảo tồn tư liệu
Lưu giữ lại những giá trị tinh thần của tiền nhân đâu chỉ là khát vọng của người 
hôm nay. Từ xưa, bên cạnh những tác phẩm HNPG Trung Quốc còn có nhiều tác 
phẩm HNPGVN liên tục được khắc bản, trùng san. Tuy tinh thần hoằng dương Phật 
pháp vẫn là chính, nhưng ý thức tự hào, bảo tồn tư liệu dân tộc, thiền phái cũng đã rõ 
nét. Từ thời Trần, các trước tác của các nhân vật Phật giáo lỗi lạc đương thời như Tuệ 
Trung, Trần Nhân Tông, Pháp Loa đều được triều đình khắc bản, đến thời Lê một số 
tác phẩm thời Trần còn lại sau địch họa cũng được trùng san như Thiền uyển tập anh, 
Tam tổ thực lục... Trong tinh thần như vậy, hàng trăm chùa cả nước đã âm thầm khắc 
bản, đáng kể nhất có các trung tâm khắc ván chùa Quỳnh Lâm (không còn), chùa Bổ 
Đà, Vĩnh Nghiêm, Tế Xuyên ở miền Bắc, Thập Tháp ở miền Trung, Giác Viên ở miền 
Nam. Mỗi trung tâm khắc đến mấy chục bộ kinh luận, trong đó có nhiều tác phẩm của 
thiền tổ Việt Nam. Ý thức về việc tập đại thành các sáng tác HNPGVN cũng đã xuất 
hiện trên cái nền chung ấy cách đây ngót ngàn năm:
- Năm 1309, vua Trần Anh Tông bổ nhập tác phẩm Thạch thất mị ngữ của Trần 
Nhân Tông vào Đại tạng kinh để lưu thông nội hạt, bất chấp “Thiên triều” có chấp 
nhận hay không. Đây là một động thái rất đáng hoan nghênh, thể hiện rõ ý hướng hình 
thành một Nam bản Đại tạng kinh. Rất có thể còn nhiều tác phẩm khác của thiền tổ 
nước Nam được bổ nhập thêm vào tạng như Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục, Khóa hư 
lục, Đoạn sách lục vì giá trị tu chứng, tư tưởng và văn chương của nó đâu thua kém 
tác phẩm của thiền tổ Trung Hoa.
- Thời Nguyễn, hòa thượng Phúc Điền (1784-1862) ngoài việc khắc bản những 
tác phẩm do mình biên soạn, viết tự bạt, trùng san một số tác phẩm của tiền nhân, còn 
làm hai việc cho thấy quan điểm bảo tồn tư liệu HNPG rất rõ: Trong sách Tại gia tu 
trì Thích giáo nguyên lưu, phần cuối, ngài có cho khắc bản các bài tự của thiền tổ Việt 
Nam sưu tầm từ các kinh sách. Trong một sách khác là Đạo giáo nguyên lưu, ngài 
thống kê 165 đầu sách trong nước khắc bản mà ngài sưu tầm được. (Đến nay chúng tôi 
chỉ mới sưu tầm được khoảng 10/165 tác phẩm mà hòa thượng Phúc Điền đã sưu tầm). 
- Hội Phật giáo Bắc Kỳ và Viện Viễn Đông Bác cổ vào những năm 1940 đã 
tập hợp được 8 tác phẩm (10 cuốn) in trong tùng thư Việt Nam Phật điển tùng san 
(VNPĐTS): Bát nhã trực giải, Pháp hoa đề cương, Chư kinh nhật tụng (2 cuốn), Lễ 
tụng hành trì tập yếu chư nghi, Thọ giới nghi phạm tổng tập (2 cuốn), Trần triều dật 
tồn Phật điển lục, Khóa hư lục, Kế đăng lục. Công trình VNPĐTS rõ ràng là muốn 
tiến đến một bộ Đại tạng kinh Việt Nam. Rất tiếc, công việc đang tiến hành bài bản thì 
132 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 2 (128) . 2016
phải dừng lại do chiến tranh. Thời đó cách đây mới hơn 70 năm thôi, mà nay những 
mộc bản Hội Phật giáo Bắc Kỳ và Viện Viễn Đông Bác cổ dùng để rập bản tạo ra bộ 
VNPĐTS đã không còn được mấy bộ. Ngay cả bộ VNPĐTS với 8 đầu sách đã được 
in ra đồng loạt đó, nay muốn tìm cho đủ đã là một kỳ công. Sự biến hoại quá nhanh 
chóng ấy thật đáng chạnh lòng và càng thôi thúc chúng ta phải tiếp nối ý nguyện mà 
70 năm trước Hội chưa hoàn thành được. 
- Đối với học giả Lê Mạnh Thát, việc bảo tồn di sản tiền nhân chính là việc lưu 
giữ và phát huy giá trị của nó. Điều đó thể hiện qua những công trình toàn tập các tác 
gia Phật giáo của ông như: Toàn tập Trần Nhân Tông, Toàn tập Minh Châu Hương 
Hải, Toàn tập Chân Nguyên thiền sư, Toàn tập Toàn Nhật Quang Đài; hay các công 
trình theo tác phẩm như: Thiền uyển tập anh, Pháp hoa quốc ngữ kinh; hay các bộ 
mang tính tổng kết thể loại như: Tổng tập văn học Phật giáo, Tổng tập Lịch sử Phật 
giáo Trong các công trình của mình, ngoài việc dịch giải, ông còn luôn cho in thêm 
phần nguyên bản vào sau sách. Kết cấu đó không chỉ đơn thuần mang ý nghĩa về văn 
bản học mà còn là một chỉ dấu cho thấy ý nguyện muốn nhân rộng các trước tác của 
tiền nhân để rộng đường gìn giữ. Đến thời điểm hiện tại có thể nói ông là người đi tiên 
phong trong việc nghiên cứu văn bản học Phật giáo Việt Nam và là tác gia lớn nhất 
của lĩnh vực này. Những công trình của ông gợi mở cho chúng tôi sưu tầm TLHNPG, 
đặc biệt là chú trọng các tác giả quan trọng trong thời gian qua.
Những dẫn dụ trên cho thấy, việc sưu tầm TLHNPG và tập đại thành dưới dạng 
một tùng thư là công việc rất cấp thiết, không chỉ bảo tồn và phát huy di sản HNPG 
mà còn tiếp nối khát vọng dở dang của bao thế hệ tiền bối bằng chính sự nỗ lực, nhiệt 
huyết và trách nhiệm của thế hệ chúng ta. 
Lịch sử cũng cho thấy, người đứng ra tổ chức công tác ấy luôn là người của Phật 
giáo, hoặc là người xuất gia như thiền sư Phúc Điền, những hòa thượng (HT) trong 
Hội Phật giáo Bắc Kỳ (HT Nguyên Biểu chùa Bồ Đề, HT Thanh Hanh chùa Vĩnh 
Nghiêm); hoặc là Phật tử tại gia như Trần Anh Tông, Lê Mạnh Thát, Lê Quốc Việt 
Các nhà sưu tầm Thích Giác Thành, Thích Như Tịnh, Thích Đồng Dưỡng được 
nhiều người thời nay biết đến, cũng không ngoại lệ. Chính sự tín kính, hiểu biết về 
Phật giáo/lịch sử và tư liệu của họ làm cho công tác sưu tầm được nâng niu thực hiện 
một cách chu đáo, tỉ mỉ mà các thư viện công khó có thể làm trọn vẹn được. 
3. Các nguồn tư liệu Hán Nôm để hình thành một bộ Đại tạng kinh Việt Nam
Để có được một bộ tập đại thành tương đối đầy đủ tác phẩm HNPG, theo chúng 
tôi, cần tập hợp rộng rãi từ các nguồn sau:
- Viện Nghiên cứu Hán Nôm: Nguồn sách của VNCHN xuất phát từ: 1) Mua 
trực tiếp của nhà nước, mua lại của các thư viện tư nhân, qua con đường trao đổi, biếu 
tặng; 2) Tiếp nhận nguồn tài liệu Hán Nôm của Viện Viễn Đông Bác cổ để lại, do Viện 
Thông tin Khoa học Xã hội chuyển giao vào năm 1980; 3) Tự sưu tầm; với hơn 20.000 
đơn vị tư liệu thư tịch Hán Nôm. Viện là nơi lưu trữ TLHN lớn nhất của cả nước. Số 
lượng không quá lớn nhưng nội dung đa dạng và giá trị, có nhiều độc bản, có nhiều 
bản xưa không thể tìm được ở đâu khác. Trong đó số sách HNPG chúng tôi tạm thống 
kê như sau:
133Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 2 (128) . 2016
Bảng 1: Sách Hán Nôm Phật giáo tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm
Ký hiệu Loại sách Số đầu sách
A, VHv, VHb, VHt Sách của tác giả VN viết bằng chữ Hán 102(1)
AB,VNv, ANb Sách của tác giả VN viết bằng chữ Nôm 39
AC, HV Sách của tác giả nước ngoài, do VN sao chép hoặc in lại 168
(2)
Có trên 100 đầu sách HNPG loại A và AB trong VNCHN rất giá trị mà TVHQ 
chưa có, là nguồn bổ sung quan trọng để có đầy đủ sách HNPGVN. 
- Thư viện Huệ Quang: Tác phẩm HNPG tại TVHQ xuất phát từ các nguồn: 
Sách các đời trụ trì để lại, sách/file sưu tầm ở các chùa trong cả nước, sách rập mộc 
bản ở một số chùa, file chụp các bộ sưu tập cá nhân, file chụp thư viện khác. TVHQ 
phân sách HNPG theo 3 loại: Sách chữ Hán Việt (ký hiệu A); Sách chữ Nôm hoặc 
vừa Hán vừa Nôm (ký hiệu AB); Sách Trung Quốc có yếu tố Việt Nam (tự, bạt, niên 
đại; ký hiệu AC).
Bảng 2: Sách Hán Nôm Phật giáo tại Thư viện Huệ Quang (Nguồn: sách hiện 
có tại thư viện)
LOẠI Sách VN bằngchữ Hán
Sách VN có 
chữ Nôm
Sách TQ có 
yếu tố VN 
bản Bắc
Sách TQ có 
yếu tố VN 
bản Nam
KÝ HIỆU A AB ACB ACN
KHẮC IN (Đầu sách) 30 30 108 115
CHÉP TAY (Đầu sách) 99 92 97
Bảng 3: Sách Hán Nôm Phật giáo tại Thư viện Huệ Quang (Nguồn: file chụp của 
các nhà sưu tầm)
LOẠI 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 TỔNG
KÝ HIỆU AA’ AB’ AC’ BA’ BB’ BC’ CA’ CB’ CC’ XX’
KHẮC IN 10 16 18 4 8 5 12 5 1 9 88
TRƯNG BÀY 0 1 3 0 0 0 0 0 0 0 4
CHÉP TAY 1 0 16 1 0 14 0 0 0 6 38
Ghi chú: Các ký hiệu trong bảng, xin xem mục 4: Cách thức tiến hành sưu tầm.
Bảng 4: Sách Hán Nôm Phật giáo tại Thư viện Huệ Quang (Nguồn: file chụp tại 
các chùa)
LOẠI 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 TỔNG
KÝ HIỆU AA’ AB’ AC’ BA’ BB’ BC’ CA’ CB’ CC’ XX’
KHẮC IN 0 2 2 0 3 4 4 9 15 2 41
CHÉP TAY 0 0 5 0 0 13 0 0 2 3 23
134 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 2 (128) . 2016
Bảng 5: Sách Hán Nôm Phật giáo tại Thư viện Huệ Quang (Nguồn: file chụp tại 
thư viện khác)
LOẠI Sách VN bằng chữ Hán Sách VN có chữ Nôm Sách TQ có yếu tố VN 
KÝ HIỆU A AB AC
KHẮC IN 10 2 0
CHÉP TAY 0 5 0
Bảng 6: Sách Hán Nôm Phật giáo tại Thư viện Huệ Quang (Đã sưu tầm được đến 
hết năm 2015, trừ sách trùng)(3)
LOẠI Sách VN bằng chữ Hán Sách VN có chữ Nôm Sách TQ có yếu tố VN 
KÝ HIỆU A AB AC
KHẮC IN 84 56 276
CHÉP TAY 121 119 108
- Thư viện khác trong nước (trong và ngoài Phật giáo): 
+ Thư viện Phật học Xá Lợi tại TP HCM (đã chụp): sách Hán Nôm không nhiều, 
nhưng có đủ bộ VNPĐTS.
+ Thư viện chùa Quảng Hương Già Lam tại TP HCM (đã chụp): có khoảng 10 
đầu sách Hán Nôm rất giá trị như: Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh (tốt hơn bản của 
VNCHN), Chư phẩm kinh thời Lê của tổ Huyền Quang (bản hư hại nặng) và một số 
tác phẩm chữ Nôm.
+ Thư viện Nôm Na: chủ yếu là sách của Thư viện Quốc gia Việt Nam tại Hà 
Nội, gồm 1.249 quyển (trong đó có 60 quyển sách Phật giáo); chùa Thắng Nghiêm 
117 quyển (có 109 quyển sách Phật giáo); chùa Phổ Nhân 183 quyển (có 19 quyển 
sách Phật giáo). Tất cả số sách này đã được đưa lên trang web nomfoundation.org. 
Cách thức chụp của Nôm Na là tháo ra từng trang độc lập để chụp, giữ nguyên vẹn 
hình ảnh, nên tính văn bản rất cao nhưng sách gốc bị tác động nhiều. 
+ Ngoài ra, có thể kể đến các thư viện: Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, chùa Quán Sứ Hà Nội
- Trong các bộ sưu tập cá nhân: 
+ Thầy Thích Đồng Dưỡng, chùa Ba Phong, Quảng Nam: Tủ sách tập hợp 
khoảng 50 tác phẩm rất giá trị của các thiền sư Việt Nam như Phúc Điền, Minh Châu 
Hương Hải được chủ nhân dày công sưu tầm có chủ điểm trong nhiều năm, phần lớn 
có xuất xứ miền Bắc. Trong số này có nhiều tác phẩm mà TVHQ và VNCHN chưa có. 
+ Thầy Thích Như Tịnh, chùa Viên Giác, Quảng Nam: Tủ sách tập hợp khoảng 
trên 50 tác phẩm Hán Nôm được in ấn/chép tay chủ yếu ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, 
Bình Định và Phú Yên.
+ Thầy Thích Giác Thành, chùa Linh Ứng, Hải Dương: Tủ sách tập hợp khoảng 
30 tác phẩm Hán Nôm có giá trị ở miền Bắc, trong đó có nhiều bản rất xưa, nhiều bản 
xem như độc bản.
135Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 2 (128) . 2016
Xét về số lượng cũng như tính cách Việt và cổ xưa của sách Hán Nôm, chỉ riêng 
3 nhà sưu tầm trên cũng đã gần bằng số lượng sách HNPG mà chúng tôi đã sưu tầm ở 
mấy trăm chùa trong cả nước suốt thời gian qua. Vì vậy nguồn sách HNPG tại TVHQ 
có sự đóng góp rất lớn của những người đã không ngại bỏ công sưu tầm ròng rã trong 
nhiều năm.
+ Học giả Lê Mạnh Thát ở TP HCM: Sách Hán Nôm của học giả Lê Mạnh Thát 
chủ yếu xuất xứ từ miền Trung, một số ít ở miền Nam. Do là người đi tiên phong và có 
uy tín trong lĩnh vực văn bản học Phật giáo cổ, ông đã sưu tầm được nhiều tác phẩm 
của các tác gia lớn, trong đó có rất nhiều tác phẩm quý hiếm và độc bản chưa được 
công bố (chúng tôi chưa chụp được).
Bên cạnh đó, còn có sách do một số vị tu sĩ trân tàng mà chúng tôi được biết 
như: Thượng tọa (TT) Thích Lệ Trang (tủ sách nổi trội ở mảng luật và chữ Nôm Nam 
Bộ), TT Thích Đồng Văn, TT Thích Chơn Minh đều ở TP HCM, HT Thích Trí Tịnh ở 
Bà Rịa-Vũng Tàu, anh Lê Quốc Việt ở Hà Nội (Tư liệu HNPG của anh chủ yếu là các 
khoa cúng tổ ở miền Bắc, bản rập của hàng trăm bia tháp tổ và hàng ngàn đồ họa cổ 
Phật giáo do anh rập bản ở nhiều tỉnh miền Bắc trong nhiều năm).
- Trong các tự viện khắp cả nước
Đây là nguồn TLHNPG nằm tản mát khắp cả nước trong các ngôi chùa cổ hoặc 
chùa mới nhưng có các đời trụ trì từng sử dụng, là nguồn tư liệu “động” đang bị mai 
một nhanh chóng hằng ngày hằng giờ khi liên tục mấy chục năm qua rất nhiều ngôi 
chùa trong cả nước được trùng tu hoặc xây mới. Nhu cầu sử dụng chữ Hán cổ không 
còn như cách đây vài chục năm về trước nên một số nơi không gìn giữ, bảo quản chu 
đáo các văn bản Hán Nôm Phật giáo. Nguồn tư liệu này có rất nhiều tác phẩm không 
trùng khớp với những tác phẩm trước đó đã sưu tầm được, nhất là các tác phẩm chép 
tay. Mỗi lần đến một ngôi chùa có tủ sách Hán Nôm hầu như chúng tôi đều luôn sưu 
Một số sách Hán Nôm Phật giáo trong bộ sưu tập cá nhân ở Hải Dương vừa 
được Thư viện Huệ Quang tu bổ.
136 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 2 (128) . 2016
tầm thêm được một hai tác phẩm Hán hoặc Nôm mới. Đây là nguồn tư liệu phải mất 
nhiều tâm huyết, công sức và kinh phí mới mong sưu tầm được nhưng lại là nguồn tư 
liệu cần được quan tâm sưu tầm cấp thiết, ưu tiên trước nhất.
- Trong các thư viện nước ngoài
Việc tập hợp được nguồn TLHNPG này hiện nằm quá tầm với của chúng tôi, 
nhưng để có một bộ tập đại thành tương đối hoàn chỉnh thì nhất định không thể bỏ 
qua nguồn TLHNPG này. Biết đâu trong những chuyến hàng hải xa xưa của người Bồ 
Đào Nha, Tây Ban Nha, hay những người Pháp, Nhật đến Việt Nam vào thời Lê 
đã đem về và còn lưu giữ đâu đó nhiều tác phẩm Hán Nôm cổ xưa của Phật giáo Việt 
Nam. Phần này, chúng tôi cần sự hỗ trợ từ các thư viện của các quốc gia khác, sự quan 
tâm của du học sinh Việt Nam tại các nước, các giáo sư Việt Nam dạy ở nước ngoài. 
Ngoài ra, các tủ sách của học giả Việt Nam ở nước ngoài hay học giả nước ngoài 
nghiên cứu về Việt Nam như tủ sách của cụ Hoàng Xuân Hãn, của giáo sư Nguyễn 
Văn Sâm cũng cần được khảo sát và chụp lại.
4. Cách thức tiến hành sưu tầm TLHNPG của Thư viện Huệ Quang
Chúng tôi xếp TLHNPG theo hai tiêu chí:
a. Ưu tiên theo nội dung:
- Tác phẩm chữ Hán của tác giả Việt Nam (A)
- Tác phẩm có chữ Nôm của tác giả Việt Nam (B)
- Tác phẩm Phật giáo Trung Quốc có yếu tố Việt Nam như: tự, bạt, niên đại (C)
b. Ưu tiên theo thời gian:
- Tác phẩm khắc in từ Lê - Tây Sơn (A’)
- Tác phẩm khắc in đầu Nguyễn: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức (B’)
- Tác phẩm khắc in cuối Nguyễn: Đồng Khánh đến Bảo Đại: (C’)
Tổng hợp theo hai tiêu chí này chúng ta có 10 loại:
 1.AA’, 2.AB’, 3.AC’, 4.BA’, 5.BB’, 6.BC’, 7.CA’, 8.CB’, 9.CC’, 10.XX’. Sách 
chép tay thì thêm chữ T vào trước: TAA’; TAB’
(XX’ là loại tồn nghi chưa biết là tác phẩm Trung Quốc hay Việt Nam hoặc chưa 
biết viết vào thời nào).
Thời gian ở đây được tính theo năm khắc bản, không phải năm rập bản (đối với 
bản in), năm chép (đối với tác phẩm chép tay). 
Đối với 10 loại kể trên, khi tiến hành sưu tầm ở các chùa, cần tiến hành chụp 
theo các tiêu chí sau:
+ Loại 1-7 và loại 10: tác phẩm nào TVHQ chưa có hoặc có mà khiếm khuyết 
thì chụp trọn quyển. Chép tay chụp trọn quyển.
+ Loại 8-9: tác phẩm nào TVHQ chưa có hoặc khiếm khuyết thì chụp tự, bạt, 
niên đại, tên sách, danh mục người khắc và cúng khắc (trừ phần nội dung Trung Quốc, 
chụp hết). Chép tay chụp trọn quyển.
137Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 2 (128) . 2016
+ Đối với loại AA’, BA’, tức loại tác phẩm Hán và Nôm Việt Nam các niên đại 
Lê-Tây Sơn không cần phải đối chiếu, chụp hết. Loại TLHNPG này không còn được 
bao nhiêu quyển.
5. Huệ Quang Phật điển tùng san
Lấy cảm hứng từ nguyện vọng tập đại 
thành tư liệu Phật giáo của Hội Phật giáo 
Bắc Kỳ và Viện Viễn Đông Bác cổ tiến 
hành những năm 1940 khi xuất bản tùng 
thư Việt Nam Phật điển tùng san, chúng 
tôi gọi những tác phẩm HNPG do Thư viện 
Huệ Quang ấn hành là Huệ Quang Phật 
điển tùng san [HQPĐTS] như một sự tri 
ân và tiếp nối tâm nguyện của người trước. 
Gọi là Huệ Quang thay cho Việt Nam là để 
kỷ niệm nơi đang thực hiện công trình tập 
đại thành này, đồng thời cũng phân biệt với 
bộ trước, nhưng tính chất thì không khác.
Cuối năm 2014, được sự động viên và hỗ 
trợ của TT Thích Đồng Văn, TT Thích 
Chơn Minh và đại đức Thích Thiện Thuận 
nên bộ HQPĐTS mới sớm thành hình và 
duy trì sự ấn hành đều đặn đến hôm nay. Kỹ 
thuật của bộ VNPĐTS được tiến hành theo 
phương pháp in truyền thống, bằng cách 
rập bản tác phẩm tại những nơi còn mộc 
bản. Nay kỹ thuật tiến bộ, chúng tôi dùng 
máy để in. Ban đầu, giấy dó quá mỏng, 
chúng tôi không thể in được, dự tính in lụa 
thì tốn kém quá nhiều, sau nhờ khám phá của Võ Thanh Hùng – một nhân viên Thư 
viện Huệ Quang, đã nghĩ ra cách làm cho tờ giấy mỏng có thể chạy qua được máy in. 
Đó là mấu chốt giải quyết những bế tắc lâu nay. Lúc đầu tỷ lệ hư hại đến ba, bốn mươi 
phần trăm, nay còn khoảng 10 phần trăm. Chúng tôi gọi việc trùng san này là ảnh ấn.
Mỗi tác phẩm Hán Nôm sau khi chụp chúng tôi chia thành 2 file:
FILE SỐ HÓA: File này hoàn toàn giữ nguyên hình ảnh được chụp nên tính văn 
bản rất cao.
FILE ẤN HÀNH: File này để in bộ HQPĐTS. Chúng tôi tiến hành theo những 
tiêu chí sau:
- Kích thước: cao 29cm, rộng dao động từ 16-19cm. Kích thước này cũng tương 
đương với kích cỡ thông thường của sách Hán Nôm truyền thống. Chiều rộng dao 
động là vì để đảm bảo thẩm mỹ cho phần chữ nằm bên trong khi kích thước bề ngang 
sách gốc dao động từ 10-18cm.
Bộ “Thủy lục chư khoa” trong 
Huệ Quang Phật điển tùng san.
138 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 2 (128) . 2016
- Tỷ lệ sách và tỷ lệ khung chữ bên trong không hoàn toàn khớp với sách gốc, 
nhưng hình thể chữ không bị biến dạng mập hoặc ốm do chúng tôi tăng kích thước bề 
dọc và ngang cùng một tỷ lệ.
- Tẩy xóa: chỉ tẩy sạch những vết chấm, những chỗ lem và vết ố.
- Thay chữ: dùng chính chữ trong văn bản để thay cho một số chữ ở trang khác 
quá mờ khi biết chắc chắn nó là chữ đó (áp dụng đối với sách cùng một mộc bản; 
không áp dụng đối với sách cùng nội dung nhưng khác mộc bản, tác phẩm chép tay).
- Tác phẩm có cước chú chữ Nôm/Hán của người sau lên văn bản thì giữ nguyên 
những cước chú này (Đây cũng là một nguyên nhân mà khung chữ bên trong luôn cần 
dao động cho phù hợp).
- Nếu tác phẩm có giá trị là văn bản chép tay có nhiều dị bản thì in độc lập từng 
bản. Mỗi văn bản được xem như một tác phẩm độc lập, không ghép bản này với bản kia.
- Kết cấu một quyển sách: bìa, 2 trang lót, trang ghi dòng chữ HQPĐTS số mấy 
+ tên tác phẩm + xuất xứ tác phẩm nằm ở mặt sau (sưu tầm được ở nơi nào/ người 
nào), (trang lời tựa do Huệ Quang trùng san, dự kiến), trang tên tác phẩm (nếu tác 
phẩm không có trang này thì mang chữ bên trong ra để làm), nội dung sách gốc, trang 
có khung ảnh ghi Huệ Quang thư viện ảnh ấn, 2 trang lót, bìa sau.
Lời kết
Sưu tầm và ấn hành bộ HQPĐTS như kế hoạch trên không phải là toàn bộ 
TLHNPG, cũng không phải là tất cả những gì TVHQ đang làm, nhưng nó là phần 
quan trọng và cấp thiết nhất để hình thành một Trung tâm TLHNPG trong thời điểm 
hiện tại.
Tâm huyết là như vậy, nhưng công việc có phần quy mô kể trên thiết nghĩ là 
trách nhiệm chung không chỉ của mọi Phật tử mà còn của bất kỳ ai quan tâm đến văn 
hóa nước nhà, mà văn hóa Phật giáo là một bộ phận, nếu chỉ dựa vào sức của Huệ 
Quang thì không thể nào làm nổi. Chúng tôi rất mong nhận được sự đóng góp về tư 
liệu của quý tôn đức các tự viện, các nhà sưu tầm trong cả nước. Chúng tôi không 
ngại khó khăn về nỗi xa gần hay nguồn tư liệu phát hiện được ít nhiều, tốt xấu; hễ 
muốn đóng góp về TLHN cũng như TLPG nói chung, xin hoan hỷ liên lạc, cộng sự 
với chúng tôi.(*)
Chúng tôi cũng mong nhận được sự quan tâm của quý thân hữu thiện tri thức 
có chuyên môn trong việc bảo tồn, nhất là lĩnh vực văn bản cổ Phật giáo để công tác 
được thực hiện tốt hơn.
Một giọt nước nhỏ nhưng sẽ góp phần khơi thông cả đại dương, chúng tôi xin 
kêu gọi và trân trọng đón nhận mọi sự hỗ trợ tài chánh dù ít dù nhiều của bất cứ cá 
* Địa chỉ liên lạc: Thư viện Huệ Quang, số 116 đường Hòa Bình, phường Hòa Thạnh, quận 
Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh. ĐT: 01698727108 (Không Hạnh hoặc Tánh Thuần) hoặc: 
0938169992 (TVHQ - gặp Bảo Hòa). Email: khonghanhthich@yahoo.com.
139Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 2 (128) . 2016
nhân hay tổ chức nào, miễn là có sự đồng cảm với chúng tôi bằng tâm nguyện muốn 
giữ lại những di bảo của tiền nhân trong muôn một.
 Tu viện Huệ Quang, 2016
T M C - T K H
CHÚ THÍCH
(1) Số lượng đầu sách loại A và AB chỉ là số liệu thống kê bước đầu.
(2) Số liệu thống kê loại sách AC được dẫn từ bài viết “Cần phân biệt sách Hán Nôm Việt Nam 
với sách Hán Nôm nước ngoài do ta sao chép hoặc in lại” của PGS Trần Nghĩa - Viện 
Nghiên cứu Hán Nôm. 
(3) Số liệu của bảng 6 là tổng hợp số liệu của các bảng 2, 3, 4, 5.
TÓM TẮT
Tư liệu Hán Nôm Phật giáo là di sản văn hóa quý giá không chỉ để nghiên cứu Phật giáo 
mà còn nghiên cứu lịch sử, văn hóa dân tộc. Nguồn tư liệu quý giá này hiện đang được lưu giữ 
tản mạn ở các cơ quan nhà nước, trong nhà chùa, tại các tư gia, ở khắp trong nước và nước 
ngoài. Trong đó, đáng chú ý nhất là tư liệu dưới dạng sách giấy có số lượng lớn nhất nhưng vì 
nhiều lý do lại đang bị mai một, hư hoại nhanh nhất. Bài viết trình bày những nỗ lực của tu viện 
Huệ Quang trong hoạt động sưu tầm, sao chụp tư liệu Hán Nôm Phật giáo dưới dạng sách giấy 
trên khắp cả nước, hệ thống hóa để lưu trữ và bước đầu in ấn thành các tập tùng thư. Có thể xem 
đó là những bước chuẩn bị cần thiết để tiến đến hình thành một trung tâm tư liệu Hán Nôm Phật 
giáo trong tương lai. Công việc quy mô ấy đang rất cần sự chung tay đóng góp của những người 
hằng tâm với việc gìn giữ di sản của tiền nhân.
ABSTRACT
INITIAL ACHIEVEMENTS IN ESTABLISHING THE CENTER OF SINO-NÔM BUDDHIST 
DOCUMENTATION
Sino-Nôm Buddhist documentation is a valuable cultural heritage not only for studying 
Buddhism but also for studying national history and culture. Currently, this valuable source is being 
kept in government agencies and pagodas, even in private houses, in and out the country. Most 
notable among them is the large amount of paper documentary which are mostly rotten for various 
reasons. The article presents the efforts of Huệ Quang Buddhist Monastery to collect and copy 
Sino-Nôm Buddhist documentation around the country, codify them for storing and make initial 
collections. It can be considered as the necessary preparatory steps to establish a Center of Sino-
Nôm Buddhist documentation in the future. That work really needs the contribution of those who 
are eager to preserve heritage of our ancestors.

File đính kèm:

  • pdfde_tien_den_mot_trung_tam_tu_lieu_han_nom_phat_giao.pdf