Lưu chiểu và hoạt động thư viện
Lưu chiểu xuất bản phẩm là một hiện
tượng không mới trên thế giới và ở nước ta
nhưng chưa được thông dụng trong xã hội.
Nhiều người đã chưa hiểu cặn kẽ về khái
niệm này và ý nghĩa xã hội của nó, trong
đó có không ít những người làm công tác
thư viện, xuất bản ở nước ta. Bài viết này
có mục đích làm sáng rõ hơn về khái niệm
lưu chiểu xuất bản phẩm và vai trò của nó
trong hoạt động thư viện nói riêng và trong
xã hội nói chung.
Bạn đang xem tài liệu "Lưu chiểu và hoạt động thư viện", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên
Tóm tắt nội dung tài liệu: Lưu chiểu và hoạt động thư viện
NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI 18 THÔNG TIN VÀ TƯ LIỆU - 6/2017 TS Lê Văn Viết Thư viện Quốc gia Việt Nam Tóm tắt: Làm rõ khái niệm về lưu chiểu xuất bản phẩm. Khái quát quá trình phát triển của công tác lưu chiểu ở Việt Nam. Phân tích vai trò của lưu chiểu trong hoạt động thư viện nói riêng và trong xã hội nói chung. Từ khóa: Hoạt động thư viện; lưu chiểu; lưu chiểu xuất bản phẩm. Archiving and library activities Abstract: The article introduces the definitions of archive of publications. It then provides overview of archiving activities in Vietnam, analyzes its role in library activities as well as in society. Keywords: Library activities; archiving; archive of publications LƯU CHIỂU VÀ HOẠT ĐỘNG THƯ VIỆN Lưu chiểu xuất bản phẩm là một hiện tượng không mới trên thế giới và ở nước ta nhưng chưa được thông dụng trong xã hội. Nhiều người đã chưa hiểu cặn kẽ về khái niệm này và ý nghĩa xã hội của nó, trong đó có không ít những người làm công tác thư viện, xuất bản ở nước ta. Bài viết này có mục đích làm sáng rõ hơn về khái niệm lưu chiểu xuất bản phẩm và vai trò của nó trong hoạt động thư viện nói riêng và trong xã hội nói chung. 1. Khái niệm về lưu chiểu Trên thế giới, Pháp là nước đầu tiên áp dụng quy định về lưu chiểu xuất bản phẩm. Về mặt ngữ nghĩa tiếng Việt, GS. Nguyễn Lân trong tác phẩm “Từ và Ngữ Việt Nam” giải thích rằng: lưu chiểu (lưu-để lại; chiểu-văn bản) là việc tác phẩm văn nghệ nộp cho cơ quan lưu trữ của nhà nước để làm tài sản chung [10, tr. 1114]. Tra tìm trên Wikipedia ta có giải thích: “Lưu chiểu là một yêu cầu mang tính pháp lý mà một người hoặc một nhóm người nộp một số bản ấn phẩm của họ tới một nơi lưu trữ, thường là một thư viện. Yêu cầu này chủ yếu giới hạn cho sách và ấn phẩm định kỳ. Số lượng bản nộp khác nhau và có thể từ 1 đến 19 bản (ở Ba Lan). Đặc biệt, Thư viện Quốc gia là một trong những cơ quan lưu trữ những ấn bản này. Ở một số nước cũng đặt ra yêu cầu lưu chiểu đối với chính phủ và chính phủ được yêu cầu gửi các bản lưu tài liệu đến các thư viện, nơi công chúng có thể tới sử dụng” [3]. Theo Bách khoa toàn thư Việt Nam, tập 2, xuất bản năm 2002, thì Lưu chiểu là chế độ nộp bắt buộc cho cơ quan nhà nước các bản in, ghi hình, ghi âm...; nhằm mục đích tàng trữ đầy đủ và lâu dài các xuất bản phẩm phát hành trên lãnh thổ quốc gia. Kho Lưu Chiểu phần nhiều đặt ở thư viện quốc gia và là nguồn bổ sung quan trọng cho thư viện [1, tr.796]. Như vậy, nói một cách đầy đủ hơn, lưu chiểu là việc nhà xuất bản, nhà in phải nộp theo chế độ bắt buộc một số lượng bản NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI 19THÔNG TIN VÀ TƯ LIỆU - 6/2017 nhất định cho cơ quan lưu chiểu của quốc gia (thường là thư viện quốc gia) theo quy định của một văn bản quy phạm pháp luật riêng để bảo quản lâu dài. Ở nước ta, Luật Xuất bản có quan niệm về lưu chiểu hơi khác so với cách hiểu như trên. Với định nghĩa: “Lưu chiểu là việc nộp xuất bản phẩm để lưu giữ, đối chiếu, kiểm tra, thẩm định” [8, tr. 2] và quy định chỉ nộp lưu chiểu cho cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản ở trung ương và địa phương (cấp tỉnh), còn nộp lưu chiểu cho Thư viện Quốc gia Việt Nam (TVQGVN) thì được gọi là “Nộp xuất bản phẩm” cho TVQGVN [8, tr. 13-14]. So với truyền thống hàng trăm năm lưu chiểu trên thế giới, quan niệm về lưu chiểu trong Luật Xuất bản của Việt Nam có một số khác biệt: - Mục đích của lưu chiểu trên thế giới là thu nhận xuất bản phẩm để tạo ra một kho xuất bản phẩm của dân tộc đó nhằm truyền lại cho các thế hệ mai sau. Đây là giá trị to lớn nhất và cũng là đóng góp to lớn nhất của hoạt động lưu chiểu đối với nền văn hóa của một dân tộc, trong khi trong Luật Xuất bản năm 2012 của nước ta, lưu chiểu chỉ là để “để lưu giữ, đối chiếu, kiểm tra, thẩm định”. - Sự khác nhau trong quy định về cơ quan thu nhận lưu chiểu. Ở hầu hết các nước trên thế giới và cả ở nước ta đến trước khi Luật Xuất bản mới ra đời vào năm 2012, vai trò thu nhận xuất bản phẩm đều giao cho thư viện quốc gia của nước đó đảm nhiệm. Với Luật Xuất bản 2012, cơ quan nhận lưu chiểu là cơ quan quản lý nhà nước về xuất bản. - Vai trò, tầm quan trọng của lưu chiểu tại TVQGVN bị hạ thấp. Theo Luật Xuất bản 2012, đây chỉ là nộp xuất bản phẩm cho TVQGVN. Điều này, trái ngược hẳn với tinh thần của Sắc lệnh 18 ngày 31/1/1946 “Đặt thế lệ lưu chiểu văn hóa phẩm” ở Việt Nam do Hồ Chủ tịch ký, theo đó, ngoài những bản nộp ở sở lưu chiểu văn hóa phẩm (nằm trong Quốc gia Thư viện- nay là TVQGVN), sách và báo chí vẫn phải theo luật lệ nộp Tòa án, sở Kiểm duyệt, Tuyên truyền, ty liêm phóng (Điều 18) [11, tr. 22]. Như vậy, Sắc lệnh 18 mới coi việc nộp văn hóa phẩm cho TVQGVN là nộp lưu chiểu, còn nộp cho các cơ quan khác chỉ là “nộp” thông thường. Trong thực tiễn lưu chiểu của thế giới tồn tại 2 loại bản lưu chiểu: bản lưu chiểu không mất tiền và mất tiền. - Bản lưu chiểu không mất tiền: là bản của mỗi xuất bản phẩm được xuất bản trên lãnh thổ một quốc gia được nhà xuất bản và/hoặc nhà in gửi tới các cơ quan lưu chiểu theo một văn bản pháp luật của chính phủ mà cơ quan này không phải trả tiền. Hầu như ở tất cả các nước đều có loại lưu chiểu này. Thí dụ, ở Nga, theo Luật lưu chiểu liên bang, có 3 loại bản lưu chiểu không mất tiền: Cấp Liên bang; Cấp nước cộng hoà; Cấp địa phương [4, tr. 50]. Nghĩa là một nhà xuất bản khi cho ra đời một xuất bản phẩm nào đó phải đồng thời nộp lưu chiểu cho cơ quan lưu chiểu cấp liên bang, cấp nước cộng hòa và cấp tỉnh. - Bản lưu chiểu mất tiền: là bản của các xuất bản phẩm bắt buộc gửi tới các thư viện lớn của đất nước theo hình thức trả tiền (chuyển khoản). Có 2 loại bản lưu chiểu mất tiền: bản lưu chiểu mất tiền đầy đủ (các ấn phẩm về tất cả các môn loại tri thức) và bản lưu chiểu mất tiền không đầy đủ (các ấn phẩm về từng môn loại tri thức riêng biệt). Hình thức này chủ yếu áp dụng cho các thư viện khoa học lớn. 2. Sự phát triển công tác lưu chiểu ở Việt Nam Trên thế giới, công tác lưu chiểu đã được tiến hành từ lâu. Năm 1537, Pháp đã ra sắc lệnh ấn định chế độ nộp lưu chiểu ở nước này, cứ mỗi văn hóa phẩm ra đời NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI 20 THÔNG TIN VÀ TƯ LIỆU - 6/2017 phải nộp cho Thư viện Hoàng gia 1 bản. Sau này nước Pháp còn ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nữa về lưu chiểu cho phù hợp với tình hình từng thời kỳ, trong đó số lượng bản phải nộp cũng có nhiều thay đổi. Do tính ưu việt của nó, hầu hết các nước trên thế giới đều có những quy định pháp luật về lưu chiểu xuất bản phẩm. Ở Việt Nam, trước năm 1922, không có cơ quan nào được giao đảm nhận công tác lưu chiểu. Ngày 31 tháng 1 năm 1922, Toàn quyền Pháp ở Đông Dương ban hành Nghị định giao cho Thư viện Trung ương Đông Dương (nay là TVQGVN) nhiệm vụ nhận lưu chiểu các ấn phẩm xuất bản ở toàn Đông Dương (Việt Nam, Lào, Cămpuchia). Theo Nghị định này, tất cả các ấn phẩm xuất bản ở Đông Dương đều phải nộp cho chính quyền địa phương và chính quyền sẽ nộp một bản cho Thư viện Trung ương Đông Dương ở Hà Nội và một bản cho Thư viện Quốc gia Pháp ở Pari. Sau này, chính quyền Thực dân Pháp còn ban hành một số văn bản khác về lưu chiểu như Sắc lệnh quy định lại chế độ nộp lưu chiểu do Toàn quyền Pháp ở Đông Dương ký ngày 29/01/1945 và Nghị định thiết lập Sở lưu chiểu tại Nha lưu trữ và thư viện Đông Dương tại Sài Gòn ký ngày 12/10/1946. Ngay sau khi giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ban hành sắc lệnh số 18/SL ngày 31/01/1946 quy định thể lệ Lưu chiểu văn hoá phẩm. Theo Sắc lệnh này, tất cả văn hóa phẩm (nay gọi là xuất bản phẩm) xuất bản ở Việt Nam kể cả phim (trừ giấy viết thư có tiêu đề, đơn hàng, biên lai, mẫu sổ sách, giấy quảng cáo) phải nộp cho Sở Lưu chiểu (thuộc TVQGVN) 10 bản (trong đó NXB- nộp 8 bản, nhà in nộp 2 bản). Văn bản này quy định việc gửi nộp lưu chiểu không phải trả kinh phí. Sắc lệnh cũng quy định hình thức xử phạt. Tại điều 14 của Sắc lệnh quy định: người nào cố ý không nộp những văn hóa phẩm do mình in, sản xuất hay xuất bản thì phải (bị) phạt từ 100-500 đồng; Nếu tái phạm thì bị phạt từ 500-2.000 đồng. Ngoài số tiền phạt còn phải trả số tiền mua những bản không nộp hoặc nộp thiếu [11, tr. 22]. Từ năm 1993, quy định lưu chiểu đã được đưa vào Luật Xuất bản và các văn bản tiếp theo hướng dẫn thi hành luật này, đặc biệt Nghị định 79/CP ngày 6/11/1993 của Thủ tướng Chính phủ) cho phép TVQGVN được nhận 4 bản cho một xuất bản phẩm. Luật Xuất bản năm 2008 đã quy định nộp cho TVQGVN 5 bản. Tại Điều 28 Luật Xuất bản năm 2012 (Luật số: 19/2012/QH13) được Quốc hội ban hành ngày 20 tháng 11 năm 2012 quy định nộp xuất bản phẩm cho TVQGVN như sau: Trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày xuất bản phẩm được phát hành, nhà xuất bản, cơ quan, tổ chức được phép xuất bản phải nộp ba bản cho TVQGVN; trường hợp số lượng in dưới ba trăm bản thì nộp hai bản [8, tr. 13-14]. Theo Luật Xuất bản 2012, xuất bản phẩm phải nộp là các tác phẩm, tài liệu về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục và đào tạo, khoa học, công nghệ, văn học, nghệ thuật được xuất bản thông qua nhà xuất bản hoặc cơ quan, tổ chức được cấp giấy phép xuất bản bằng các ngôn ngữ khác nhau, bằng hình ảnh, âm thanh và được thể hiện dưới các hình thức sau đây: a) Sách in; b) Sách chữ nổi; c) Tranh, ảnh, bản đồ, áp-phích, tờ rời, tờ gấp; d) Các loại lịch; đ) Bản ghi âm, ghi hình có nội dung thay sách hoặc minh họa cho sách [8 , tr.2]. Như vậy, trong những quy định này chưa đề cập lưu chiểu xuất bản phẩm là tài liệu điện tử/số. 3. Lợi ích của lưu chiểu đối với hoạt động thư viện 1. Lưu chiểu có vai trò và ý nghĩa quan trọng đối với bảo tồn di sản tư liệu của quốc NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI 21THÔNG TIN VÀ TƯ LIỆU - 6/2017 gia, dân tộc. Như đã ghi trong sắc lệnh 18- SL ngày 31/1/1946 do Hồ Chủ tịch ký “tàng trữ văn hoá phẩm là một việc làm cần thiết cho quốc gia về phương diện văn hoá”. Vì vậy, lưu chiểu văn hoá phẩm đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo tồn phần di sản tư liệu của dân tộc vì trong các xuất bản phẩm kết tinh những tinh hoa về trí tuệ của đất nước và của nhân loại. Nó là phương tiện trung thành nhất truyền lại cho hậu thế những tri thức được loài người tích luỹ từ các thế hệ trước để các tri thức đó được phát huy, được kế thừa, phát triển trong những thế hệ sau. Ở hầu hết các nước trên thế giới, thư viện quốc gia được giao nhiệm vụ thu nhận các bản lưu chiểu xuất bản phẩm, bảo quản lâu dài các xuất bản phẩm đã thu nhận được và phải tổ chức cho mọi công dân của cả nước sử dụng. Ngoài việc tạo ra kho quốc gia xuất bản phẩm dân tộc, bản lưu chiểu còn giúp tạo lập kho tài liệu địa chí ở mỗi địa phương. Kho này là bộ phận của kho quốc gia tài liệu dân tộc. Đây là giá trị lớn nhất, cao cả nhất của thư viện. Chính nhờ chức năng này mà các thư viện vẫn sẽ còn tồn tại dài lâu mặc cho công nghệ thông tin phát triển nhanh, mạnh đến mức nào. 2. Trên cơ sở bản lưu chiểu, TVQGVN có thể tiến hành thống kê các tài liệu dân tộc, biên soạn các loại thư mục quốc gia (tháng, quý, năm), các cơ sở dữ liệu thư mục và các loại bảng tra khác để thông báo cho bạn đọc và người dân trong nước biết về những tài liệu đã được xuất bản trong nước trong một thời đoạn nào đó và tạo nên mong muốn được sử dụng chúng. 3. Trên cơ sở bản lưu chiểu, TVQG tiến hành biên mục tập trung, nghĩa là cung cấp những biểu ghi thư mục chuẩn để các thư viện khác có thể sử dụng trực tiếp hoặc có thể chỉnh sửa một số chi tiết cần thiết để đưa vào bộ máy tra cứu của mình. Việc làm này giúp thống nhất nghiệp vụ xử lý của các thư viện, đồng thời giúp các thư viện sao chép biểu ghi, tiết kiệm nhân lực, tiền của. 4. Là cơ sở để TVQG tiến hành việc mượn giữa các thư viện trong và ngoài nước. Thư viện quốc gia, nhờ bản lưu chiểu, trở thành thư viện có kho xuất bản phẩm đầy đủ nhất nước. Vì thế, các thư viện khác, khi nhận được yêu cầu của bạn đọc về tài liệu nào đó mà mình không bổ sung được có thể nhờ TVQG đáp ứng các yêu cầu đó thông qua mượn liên thư viện. 5. Tài liệu nộp lưu chiểu là một chứng cứ để phân giải trong các vụ kiện về quyền tác giả. Ở nước ta, nhiều vụ kiện về bản quyền đã được giải quyết có tính thuyết phục cao nhờ những bằng chứng về các tác phẩm đang lưu giữ tại TVQGVN. 6. Tài liệu nộp lưu chiểu đã giúp nhiều gia đình, dòng tộc tìm thấy những tác phẩm mà tiền nhân mình đã sáng tạo và công bố trước kia. Nhiều nhân vật nhờ có tài liệu trong TVQGVN đã có những thông tin đầy đủ, chính xác hơn về thân thế, sự nghiệp. Lưu chiểu quan trọng không chỉ trên bình điện quốc gia mà còn quan trọng trên bình diện địa phương. Hiểu được điều đó nên ngoài nộp lưu chiểu cho Thư viện Quốc gia Việt Nam, việc thu nhận lưu chiểu các xuất bản phẩm địa phương cũng đã được nhà nước giao cho thư viện tỉnh, thành. Ngay từ năm 1957, Bộ Văn hóa ra quy định, các xuất bản phẩm của địa phương (trừ Hà Nội) vẫn nộp 10 bản lưu chiểu theo Sắc lệnh 18 nhưng 7 bản trong số đó nộp thẳng cho Phòng Lưu chiểu Thư viện Quốc gia Việt Nam, 3 bản còn lại nộp cho Sở (Ty) Văn hóa để cơ quan này chuyển cho thư viện tỉnh thành nhằm làm giầu thêm kho sách của thư viện đó và phục vụ bạn đọc [2]. Tuy nhiên, Luật Xuất bản năm 1993 và các năm tiếp theo đã bãi bỏ quy định này (có quy định nộp 2 bản cho sở VHTTDL (sau NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI 22 THÔNG TIN VÀ TƯ LIỆU - 6/2017 này là Sở Thông tin - Truyền thông) nhưng không quy định chuyển cho thư viện tỉnh, thành). Điều đó gây nên rất nhiều khó khăn cho bảo tồn xuất bản phẩm ở địa phương. Nhiều tài liệu sau khi nộp cho các cơ quan quản lý nhà nước về xuất bản, kể cả ở Cục Xuất bản, khi có nhu cầu giải phóng kho chỉ được chuyển cho thư viện. Điều đó đã ảnh hưởng đáng kể tới mục đích lưu giữ lâu dài các xuất bản phẩm lưu chiểu. Để khắc phục tình trạng này, tại Khoản a Điều 6 Nghị định 72/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Thư viện năm 2000 đã quy định Sở Văn hoá - Thông tin sau khi thu nhận lưu chiểu các xuất bản phẩm địa phương theo quy định của Luật Xuất bản, có trách nhiệm chuyển giao cho thư viện cấp tỉnh mỗi tên tài liệu ít nhất 01 bản [9, tr.420]. Tiếc rằng có rất ít Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (nay là Sở Thông tin và Truyền thông) làm được điều này. Nhận thấy tính ưu việt của chế độ lưu chiểu, những năm gần đây lãnh đạo nhiều trường đại học, nhiều cơ sở nghiên cứu lớn đã ra quyết định thu nhận và bảo quản lâu dài ở dạng giấy và điện tử/số các sản phẩm khoa học nội sinh của mình. Với những cách làm hợp lý, sáng tạo như vậy, các thư viện nước ta sẽ thu thập và bảo quản ngày càng đầy đủ hơn di sản thư tịch của dân tộc Việt Nam. Như vậy, công tác lưu chiểu đã có lịch sử lâu đời trên thế giới và ở Việt Nam, hoạt động mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia cũng như cho các thư viện. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết công tác này trong kỷ nguyên số. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Bách khoa toàn thư Việt Nam, tập 2. - H.: NXB từ điển bách khoa, 2002. - Tr. 796. 2. Chỉ thị của Bộ Văn hóa số 599V H/CT ngày 11/6/1957 về việc nộp lưu chiểu văn hóa phẩm//Về công tác thư viện: các văn bản pháp quy trong hệ thống thư viện công cộng.- H.: Vụ Thư viện, 1997. -tr. 65 - 68.. 3. Legal deposit - Wikipedia, the free encyclopedia//en.wikipedia.org/wiki/Legal_ deposi. Truy cập ngày 10/5/2016. 4. Luật Liên bang về lưu chiểu tài liệu: được Duma quốc gia Nga thông qua ngày 23/11/1994 (tiếng Nga). 5. Luật Xuất bản số 22-L/CTN ngày 07 tháng 7 năm 1993 ban/Quyen-dan-su/Luat-Xuat-ban-1993- 22-L-CTN-38479.aspx 6. Luật Xuất bản Số: 30/2004/QH11 ngày 03 tháng 12 năm 2004//www.moj.gov.vn/vbpq/ lists/vn%20bn%20php%20lut/view_detail. aspx?itemid=18583. 7. Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xuất bản số 12/2008/QH12 ngày ngày 03 tháng 6 năm 2008 vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Luat-xuat-ban- 2008-sua-doi-12-2008-QH12-66866.aspx. 8. Luật Xuất bản số 19/2012/QH13 của Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua ngày 20 tháng 11 năm 2012 // luatxuatban.net/2014/03/luat-xuat-ban-so- 19-2012-QH13.html. 9. Nghị định 72/2002/NĐ-CP ngày 6/8/2002 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Thư viện//Về công tác thư viện: các văn bản pháp quy hiện hành về thư viện. - H.: Vụ Thư viện, 2008... 10. Nguyễn Lân. Từ điển từ và ngữ Việt Nam. - H.:NXB thành phố Hồ Chí Minh, 2000. - Tr. 1114. 11. Sắc lệnh ngày 31/1/1946 “Đặt thể lệ lưu chiểu văn hóa phẩm” của Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ cộng hòa// Về công tác thư viện: các văn bản pháp quy trong hệ thống thư viện công cộng. - H.: Vụ Thư viện, 1997. 12. Talalakina O.I. Lịch sử thư viện nước ngoài: giáo trình. - M.: Kniga, 1982. 13. Thực trạng lưu chiểu điện tử ở Pháp, một phương thức bổ sung và bảo quản nguồn tài liệu này/Trần Mỹ Dung dịch//Tạp chí Thư viện Việt Nam, 2013, số 1. (Ngày Tòa soạn nhận được bài: 12-6-2017; Ngày phản biện đánh giá: 15-10-2017; Ngày chấp nhận đăng: 20-10-2017).
File đính kèm:
- luu_chieu_va_hoat_dong_thu_vien.pdf