Miễu thờ ở Cần Thơ
1. Khái quát về miễu thờ ở Cần Thơ
1.1. Khái niệm miễu thờ
Ở Cần Thơ nói riêng, Nam Bộ nói chung, từ “miếu” và “miễu” được sử dụng
phổ biến như nhau và được hiểu cùng một nghĩa chứ không có sự phân biệt rõ ràng.
Trong cuốn Từ điển từ ngữ Nam Bộ, Huỳnh Công Tín cho rằng: “Miễu chính
là miếu, nơi thờ thần linh, hoặc những nhân vật được thần thánh hóa.”(1)
Nhà văn Sơn Nam cũng cho rằng: “Miễu là do miếu nói trại ra”. Ông nói
thêm: “Nhà thờ riêng của dân (nhà thờ họ) gọi gia miếu. Nhà thờ dòng họ của triều
đại gọi Thế miếu.”(2)
Theo nhóm tác giả của công trình Hỏi và đáp về văn hóa Việt Nam thì: “Miếu
thường là ngôi đền nhỏ như miếu Thổ Địa, miếu cô, miếu cậu Nhìn chung không
phải là nơi thờ những thần linh có vai trò to lớn. Tuy nhiên trong một số trường hợp
cụ thể có thể thấy miếu là một kiến trúc khá lớn, đôi khi chiếm một diện tích mặt
bằng rất đáng kể, ví như Văn miếu, Võ miếu, Y miếu ”(3)
Từ các định nghĩa trên, chúng ta có thể hiểu: Miễu do miếu đọc trại ra, là một
đơn nguyên kiến trúc có quy mô nhỏ, kết cấu đơn giản, dùng để thờ các vị thần
linh có vai trò không quá lớn như miễu Cô Hồn, miễu Ông Tà . Tuy nhiên cũng
có một số trường hợp miễu thờ các vị thần có tầm ảnh hưởng sâu rộng như miễu
Bà Chúa Xứ, miễu Bà Cố Hỷ
Tóm tắt nội dung tài liệu: Miễu thờ ở Cần Thơ
51Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 1 (135) . 2017 MIỄU THỜ Ở CẦN THƠ Trần Phỏng Diều* 1. Khái quát về miễu thờ ở Cần Thơ 1.1. Khái niệm miễu thờ Ở Cần Thơ nói riêng, Nam Bộ nói chung, từ “miếu” và “miễu” được sử dụng phổ biến như nhau và được hiểu cùng một nghĩa chứ không có sự phân biệt rõ ràng. Trong cuốn Từ điển từ ngữ Nam Bộ, Huỳnh Công Tín cho rằng: “Miễu chính là miếu, nơi thờ thần linh, hoặc những nhân vật được thần thánh hóa.”(1) Nhà văn Sơn Nam cũng cho rằng: “Miễu là do miếu nói trại ra”. Ông nói thêm: “Nhà thờ riêng của dân (nhà thờ họ) gọi gia miếu. Nhà thờ dòng họ của triều đại gọi Thế miếu.”(2) Theo nhóm tác giả của công trình Hỏi và đáp về văn hóa Việt Nam thì: “Miếu thường là ngôi đền nhỏ như miếu Thổ Địa, miếu cô, miếu cậu Nhìn chung không phải là nơi thờ những thần linh có vai trò to lớn. Tuy nhiên trong một số trường hợp cụ thể có thể thấy miếu là một kiến trúc khá lớn, đôi khi chiếm một diện tích mặt bằng rất đáng kể, ví như Văn miếu, Võ miếu, Y miếu”(3) Từ các định nghĩa trên, chúng ta có thể hiểu: Miễu do miếu đọc trại ra, là một đơn nguyên kiến trúc có quy mô nhỏ, kết cấu đơn giản, dùng để thờ các vị thần linh có vai trò không quá lớn như miễu Cô Hồn, miễu Ông Tà. Tuy nhiên cũng có một số trường hợp miễu thờ các vị thần có tầm ảnh hưởng sâu rộng như miễu Bà Chúa Xứ, miễu Bà Cố Hỷ 1.2. Cơ sở hình thành miễu thờ ở Cần Thơ Miễu thờ ở Cần Thơ là một trong những loại hình tín ngưỡng dân gian tồn tại từ rất lâu đời. Nó được hình thành trên cơ sở dòng chảy tâm linh của các bậc tiền nhân mang theo từ quê nhà đến đây khai hoang lập ấp, cộng với thực tế khắc nghiệt của điều kiện tự nhiên lúc bấy giờ. Vào thế kỷ XVII, về cơ bản Cần Thơ vẫn còn là vùng đất hoang vu cho nên những người khẩn hoang phải luôn vật lộn với thời tiết, khí hậu, thú dữ cùng với những thiên tai địch họa khác. Đầu tiên, khi đặt chân đến vùng đất này, mọi thứ bày ra trước mắt họ đều lạ lẫm, từ cảnh vật, thổ ngơi cho đến thời tiết khí hậu. Đặc biệt, với cảnh đất đai hoang hóa, rừng rậm hoang vu đã khiến cho tâm lý con người * Trường Cao đẳng Cần Thơ. 52 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 1 (135) . 2017 vô cùng hoang mang, lo sợ. Trong vô vàn cái lo sợ, nỗi lo sợ về ma quỷ và ác thú là những ám ảnh thường trực đối với người lưu dân. Làm sao mà không sợ khi đứng trước cảnh tượng: Chèo ghe sợ sấu cắn chưn Xuống sông sợ đỉa lên rừng sợ ma. Bốn bề hoang vu, tứ bề đều xa lạ. Từ những chiếc lá rơi, khúc sông, ngọn lạch, đến cả tiếng chim kêu, tiếng con cá quẫy đuôi, cũng đều là những gì kỳ đặc, làm cho họ phải rụt rè, e ngại: Tới đây xứ sở lạ lùng Con chim kêu cũng sợ, con cá vùng cũng ghê. Với cảnh tượng như vậy, đối với người lưu dân, mọi thứ đều phủ một màn bí mật mà bản thân họ chưa khám phá hết được. Rồi từ những câu chuyện thực tế, kể cả những câu chuyện tưởng tượng, người ta bắt đầu kể cho nhau nghe về chuyện ma rừng, về chuyện chằn tinh, quỷ hiện hình người, cọp xé xác người, cá sấu nổi đầy sông càng khiến cho họ thêm sợ. Cho nên có thể nói, quá trình khai hoang mở cõi về phía Nam Tổ quốc của lưu dân Việt cũng là quá trình họ phải đương đầu với bao hiểm nguy, bất trắc. Và một trong những hiểm nguy đó là, con người phải thường trực đương đầu với nỗi lo sợ về tâm lý, là chuyện ma quỷ, chuyện Bà quở phạt và nỗi lo sợ xuất phát từ thực tế là các loài ác thú. Tâm lý lo sợ này đến nay chúng ta vẫn còn thấy qua các giai thoại còn truyền lại ở Cần Thơ.(4) Rồi trong quá trình khẩn hoang, nhiều người phải bỏ mạng nơi rừng sâu nước độc, người thì bị hùm tha sấu bắt, nào là dịch bệnh hoành hành làm chết cả xóm tất cả đó không khỏi làm cho họ hoang mang. Họ cảm thấy con người quá bé nhỏ so với thiên nhiên rộng lớn, và đặc biệt xung quanh con người có rất nhiều quyền năng chi phối mà con người không tài nào cưỡng lại được. Từ gốc cây, phiến đá, ngọn cỏ, một cái hang, một cái động, một khúc sông tất cả đều có linh hồn, tất cả đều trở nên linh thiêng và đe dọa sức khỏe, mạng sống của con người. Để cân bằng tâm lý, những người khẩn hoang bắt đầu nghĩ đến việc lập miễu để thờ cúng. Như vậy, miễu thờ ở Cần Thơ được hình thành cùng lịch sử khai phá vùng đất Cần Thơ. Lúc bấy giờ, các bậc tiền nhân vào Nam khẩn hoang lập ấp đã mang theo các loại hình tín ngưỡng dân gian từ quê nhà vào vùng đất mới. Đến đây, điều kiện thiên nhiên lúc đầu lạ lẫm, phủ màn huyền bí, cộng với thời tiết khắc nghiệt, thú dữ hoành hành là mảnh đất màu mỡ cho các loại hình tín ngưỡng dân gian nảy sinh. Lập miễu để thờ các đối tượng thần linh không chỉ là việc tiếp nối truyền thống văn hóa ở quê nhà, duy trì thuần phong mỹ tục mà lập miễu còn là một liệu 53Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 1 (135) . 2017 pháp tâm lý giúp người ta đứng vững trước một thực tế khắc nghiệt của thiên nhiên vào buổi đầu khai phá. Trong tâm thức dân gian, thần thánh là đấng siêu hình không nhìn thấy được nhưng đâu đâu cũng có, và đặc biệt, các vị này có một quyền năng siêu việt là có thể ban phước hay giáng họa cho con người. Nên lập miễu thờ thần cũng chính là mong các vị thần giúp cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, đồng thời tránh để các vị này quở phạt. Và khi người ta có được cuộc sống bình an, có được mùa vụ bội thu thì người ta hết lòng tôn kính các vị thần, nhớ ơn các vị đã giúp đỡ cho họ trong cuộc sống. Do đó, việc lập miễu còn nhằm thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tri ân các vị thần linh đã phù hộ độ trì cho mình có cuộc sống bình an, hạnh phúc. Bên cạnh đó, miễu thờ còn là hình ảnh để nhắc nhau về điều nhân nghĩa, về đạo lý ở đời mà nói theo nhà văn Sơn Nam thì: “Đình miễu là cơ ngơi làm biểu tượng nhắc nhở lòng nhân nghĩa, đạo lý tự giác, vì vậy mà tồn tại và phát triển trong thời gian dài, mãi đến nay, hãy còn sâu đậm.”(5) 1.3. Các loại miễu thờ ở Cần Thơ Cũng như các địa phương khác, miễu thờ ở Cần Thơ gồm hai dạng: dạng tồn tại độc lập, với một không gian riêng biệt, không có phối thờ với các vị thần khác và dạng có phối thờ - ở dạng này, miễu thờ thường được dựng trong không gian của một ngôi đình hay chùa khác. Việc phân biệt giữa miễu này với miễu kia là căn cứ vào tên gọi của vị thần được thờ chính trong ngôi miễu đó. Ví dụ: miễu Bà Chúa Xứ, miễu Bà Cố Hỷ, miễu Bà Thiên Hậu, miễu Bà Hỏa, miễu Ông Chúa Hổ, miễu Ông Tà, miễu Kim Hoàn, miễu Cô Hồn, miễu Thần Nông, Đa số các ngôi miễu này đều nằm ở ngã ba đường, ngã ba sông, hay ở cặp trục đường lớn để người dân dễ bề đến cúng bái, hành lễ. Về kiến trúc, phần lớn miễu thờ ở Cần Thơ có kiến trúc khá đơn giản, được cất nhỏ, gọn, trang trí đơn sơ. Diện tích của miễu thường khoảng từ 0,5-1m x 1-1,5m x 1-1,5m, như miễu Bà Hỏa ở quận Ninh Kiều; miễu Thần Hổ ở quận Bình Thủy; miễu Bà Cố Hỷ ở huyện Phong Điền, Cá biệt có vài ngôi miễu có diện tích lớn hơn, khoảng 5-6m x 6-7m x 2,5-3m, như miễu Bà Chúa Xứ Thạnh An ở phường Phú Thứ, quận Cái Răng; miễu Bà Thiên Hậu ở phường Lê Bình, quận Cái Răng; miễu Bà Xóm Chài ở phường Hưng Phú, quận Cái Răng; Tuy diện tích có nhỏ hơn đình, chùa nhưng miễu thờ ở Cần Thơ đã phản ánh khát vọng của người dân địa phương về phương diện đời sống tinh thần - điều này được thể hiện qua số lượng miễu thờ, cũng như các đối tượng được thờ trong miễu trải dài trên khắp vùng đất Cần Thơ. 54 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 1 (135) . 2017 2. Đặc điểm miễu thờ ở Cần Thơ 2.1. Các đối tượng được thờ trong miễu Miễu thờ ở Cần Thơ rất đa dạng, bao gồm nhiều loại hình và nhiều đối tượng được thờ khác nhau. Ở đây, chúng tôi chủ yếu khảo sát các dạng miễu độc lập và các đối tượng được thờ là các vị nữ thần. 2.1.1. Bà Cậu Tín ngưỡng thờ Bà Cậu là tín ngưỡng dân gian của những người làm nghề liên quan đến sông nước. Cần Thơ tuy là địa phương không có biển nhưng lại có hệ thống sông ngòi chằng chịt, là vùng sông sâu nước chảy nên tín ngưỡng thờ Bà Cậu cũng rất phổ biến nơi đây. Theo như danh xưng, thì Bà Cậu bao gồm Bà và Cậu. Đây là những nhân vật cai quản vùng sông nước nên những người sống bằng nghề liên quan đến nước đều có lập bàn để thờ cúng họ, đặc biệt là những người sống bằng nghề “hạ bạc” - đánh bắt thủy sản - thì càng tin tưởng ở Bà Cậu hơn. “Bà ở đây hiểu là Mẹ, còn Cậu là Cậu Trài và Cậu Quý, hai con trai của Bà. Theo phong tục, trước khi ra khơi, ngư dân vào miếu vái Bà - Cậu. Theo truyền thuyết, Thiên Y A Na trôi dạt trên biển, thân xác Bà biến thành cây trầm hương, do tính linh thiêng cứu độ người trên biển nên ngư dân và những người đi biển tôn thờ Bà là nữ thần biển cùng với hai con trai của Bà là Cậu Trài - Cậu Quý. Ngư dân người Việt ở Nam Bộ rất tin tưởng tín ngưỡng Bà - Cậu và họ đều tự gọi nghề “hạ bạc” đi biển đánh cá của mình là nghề Bà - Cậu, ngay cả những người làm nghề xẻ mực, xẻ cá trên bờ, những người chủ vựa thu mua tôm cá, những người cung cấp xăng dầu, vật tư đánh bắt cho ngư dân tuy không trực tiếp mưu sinh, đối đầu với hiểm nguy nơi biển cả, nhưng họ vẫn tự nhận mình làm nghề Bà - Cậu. Họ xem Bà - Cậu là “tổ nghiệp” của mình. Có thể nói Bà - Cậu là dạng tín ngưỡng phổ biến nhất của dân chài và cư dân vùng biển Nam Bộ.”(6) Trong khi đó, Bà Cậu được Huình Tịnh Paulus Của ghi nhận trong Đại Nam quấc âm tự vị trong mục từ Bảy bà ba cậu là: “Bà chúa Tiên, bà chúa Ngọc, bà chúa Xứ, bà chúa Động, bà Cố Hỷ, bà Thủy, bà Hỏa; cậu Trày, cậu Quý đều là con bà chúa Ngọc, làm bạn với một vị thái tử Trung quấc mà đẻ ra cả thảy đều là thần quỷ hay làm họa phước; còn có cậu Lý, cậu Thông, nói theo vần kể có ba cậu. Về hai người sau không rõ sự tích.”(7) 2.1.2. Bà Chúa Xứ Đây là vị nữ thần cai quản đất đai ở địa phương. Người ta thờ Bà với niềm tin là nhờ Bà trông coi cuộc đất, giúp cho dân làng yên ổn làm ăn. Vì vậy, Bà Chúa Xứ đóng một vai trò hết sức quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân Nam 55Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 1 (135) . 2017 Bộ nói riêng, người dân Cần Thơ nói chung. Điều này được thể hiện ở việc hầu hết các địa phương ở Cần Thơ đều có miễu thờ Bà. 2.1.3. Bà Cố Hỷ Bà Cố Hỷ còn gọi là “Cố Hỷ phu nhân hoặc Cố Hỷ Thiên Phi là một nữ thần mang tính ác, thường ở trong rừng sâu núi thẳm có danh hiệu là Thượng Động Cố Hỷ. Tín ngưỡng này gốc của người Chăm, có thể là nữ thần Pô Nagar Việt hóa. Đây là dạng thần Tiền chủ (nên dân gian xưa có câu: “xưa từ đời bà Cố Hỷ”). Theo nhiều tài liệu, tín ngưỡng Cố Hỷ phu nhân được đưa từ vùng Phan Rang vào.”(8) Như vậy, Bà Cố Hỷ là vị nữ thần có gốc gác từ văn hóa Chăm và đã được Việt hóa. Trong quá trình Việt hóa Bà Cố Hỷ còn có tên gọi khác là Thiên Phi. Tuy nhiên trong thực tế, người dân Cần Thơ chẳng mấy ai lưu tâm đến lai lịch của Bà, mà người ta chỉ biết rằng đây là một vị nữ thần có đầy quyền năng trong việc định đoạt phúc họa cho con người. 2.1.4. Bà Hỏa Bà Hỏa là một trong năm vị nữ thần nằm trong tín ngưỡng dân gian của người dân Nam Bộ nói chung, người dân Cần Thơ nói riêng. Năm vị này được gọi bằng cái tên là Ngũ Hành Nương Nương. “Ngũ Hành Nương Nương là năm vị nữ thần biểu tượng năm chất cấu tạo vũ trụ. Vì vũ trụ sanh nên biểu tượng nữ, đồng bào thường gọi là Năm Mẹ: Thổ Đức Thánh Phi, Hỏa Đức Thánh Phi, Kim Đức Thánh Phi, Thủy Đức Thánh Phi và Mộc Đức Thánh Phi. Dân gian tin rằng năm vị thần vừa kể có quyền năng với các nghề liên quan đến đất đai, củi lửa, kim loại, nước nôi, cây gỗ. Do đó được đông đảo quần chúng tôn thờ, nhất là vùng ven thành phố.”(9) Chức năng của Bà Hỏa là trông coi củi lửa không để xảy ra hỏa hoạn ở gia đình cũng như xóm ấp. Sau này, đời sống kinh tế phát triển, người ta “gắn” cho Bà Hỏa thêm nhiều chức năng nữa, như: giúp mua may bán đắt, xua đi mọi bệnh tật, giữ cho cuộc sống được bình yên. Tục thờ Bà Hỏa có vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh trong dân gian, nhất là nơi thị tứ, chợ búa. “Trong tâm thức dân gian, nước (thủy) và lửa (hỏa) là hai yếu tố có tác động lớn đối với sinh hoạt hằng ngày của con người qua câu: Thủy hỏa đạo tặc.”(10) 2.1.5. Bà Thiên Hậu Bà Thiên Hậu hay còn gọi là Thiên Hậu Thánh Mẫu xưa nay được bà con người Hoa xem như một vị thần biển có công giúp đỡ ngư dân, thương buôn trong cuộc mưu sinh của họ. Bà thường hiển linh trợ giúp kịp thời những tàu, thuyền mỗi khi gặp sóng to gió lớn, phù hộ cho dân chài có được cuộc sống an lành, hạnh phúc. 56 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 1 (135) . 2017 Chính vì lẽ đó, hình ảnh của Bà luôn được cộng đồng người Hoa suy tôn là một vị thần - vị thần biển theo lệnh trời phò tá cho muôn dân. Và cũng chính vì điều đó mà qua các triều đại, Bà luôn được sự truy phong của triều đình. Các triều đại như Bắc Tống, Nam Tống, Nguyên, Minh, Thanh nhiều lần sắc phong cho Bà, tôn hiệu từ Phu nhân trở thành Thiên Phi rồi Thiên Hậu, cuối cùng cao nhất là Thiên Thượng Thánh Mẫu, đồng thời được đưa vào tự điển quốc gia. Từ đời Tống đến đời Thanh, triều đình tổng cộng 36 lần sắc phong cho Bà. Danh xưng quen thuộc nhất mà người Trung Quốc dành cho bà là Ma Tổ (mẹ tổ). Cái tên này xuất phát từ phương ngữ Phúc Kiến, đây là cách gọi thể hiện sự tôn kính đối với các bề trên là phụ nữ, danh hiệu này sau đời Minh - Thanh mới xuất hiện. Ngoài ra, bà còn có các tên hiệu như Nương Nương, Cô Ma, Nương Ma. Tất cả đều thể hiện sự gần gũi và tôn kính đối với Bà.(11) Tín ngưỡng thờ Bà Thiên Hậu theo chân những di thần nhà Minh và cả những lớp người Hoa sau này sang định cư ở Việt Nam. Miễu Ông Tà Miễu Bà Ngũ Hành Miễu Bà Cậu Gian chính điện ở miễu Ông Chúa Hổ 57Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 1 (135) . 2017 Người Hoa ở Cần Thơ đều rất tin ở uy lực, những phép mầu nhiệm mà Bà đã giúp họ trong suốt một chặng đường dài vượt biển từ Trung Hoa đến miền Nam Việt Nam, và Bà sẽ tiếp tục giúp đỡ họ trong cuộc sống hằng ngày. 2.2. Lễ cúng miễu Lễ hội ở các miễu thờ khá đơn giản, chủ yếu là cúng tế quanh năm và chọn một ngày nào đó làm ngày tế chính. Trong số hệ thống miễu thờ ở Cần Thơ, chỉ có vài nơi tổ chức ngày vía với quy mô lớn thành lễ hội, ảnh hưởng cả một địa bàn rộng lớn hay cả vùng, thu hút không chỉ cư dân địa phương đến lễ bái mà còn có khách từ các địa phương khác đến, như lễ vía Bà Cố Hỷ, lễ cúng Bà Xóm Chài, lễ vía Bà Thiên Hậu. Không kể vài ngôi miễu có hình thức cúng tế đơn giản, còn lại đa số lễ cúng miễu ở Cần Thơ đều được mô phỏng từ lễ cúng đình, có giản lược đôi chút. Mặc dù việc cúng tế không cầu kỳ, nhưng do ảnh hưởng về uy danh của đối tượng được thờ nên lễ cúng miễu cũng thu hút được đông đảo người dân từ các nơi đến tham dự. Sau đây là nghi thức cúng Bà Cậu ở miễu Bà Xóm Chài, thuộc khu vực 3, phường Hưng Phú, quận Cái Răng. Lễ cúng diễn ra vào các ngày 13, 14 tháng Giêng âm lịch. Trong ngày này, lễ hội đã thu hút hàng trăm lượt người từ các nơi đến tham dự. Từ tờ mờ sáng ngày 13, người dân quanh vùng lần lượt đến miễu để chuẩn bị lễ vật cúng Bà. Lễ vật gồm có, heo trắng nguyên con, đầu heo, gà, vịt, bánh trái, nhang đèn, mọi thứ chuẩn bị sẵn, đúng 9 giờ lễ cúng Bà bắt đầu. Ban tế tự đứng nghiêm chỉnh, học trò lễ mỗi bên khoảng 5 người đứng nghiêm trang để chuẩn bị làm theo lời xướng của Hương lễ. Khi giờ lành đã điểm, Hương lễ xướng: - Tịnh túc th ... điều tốt lành trong thời gian tới. Để chuẩn bị cho buổi lễ này, người ta đã phân công công việc sẵn trước đó, như làm thuyền, chuẩn bị vật phẩm cúng thần, chỉ định những người phụ giúp cuộc lễ. 59Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 1 (135) . 2017 Trước khi hành lễ, người ta đem tất cả các vật phẩm đến miễu Bà để làm lễ ra mắt và cũng là để cho Bà chứng giám. Thông thường, người ta bài trí một cuộc lễ như sau: Người ta đặt chiếc thuyền tống ôn ngay giữa sân ở trước miễu Bà. Chiếc thuyền này được làm rất công phu từ nhiều ngày trước đó. Đáy thuyền là bốn khúc chuối to kết lại như một chiếc bè, trên đó người ta lấy tre, trúc đan lại làm khung thuyền, xung quanh thân thuyền được dán bằng giấy màu đủ loại, vừa cho kín đáo vừa cho ra vẻ chiếc thuyền hơn. Trên thuyền còn có hình nhân được làm bằng đất với tư thế đang chèo thuyền, xung quanh thuyền có treo một hàng quần áo được cắt bằng giấy, ngụ ý dùng cho những người nghèo ở cõi âm mặc. Bên hông thuyền có ghi ngày tháng năm cúng, xung quanh thuyền và trên cabine có treo cờ, kết dây, trang trí hoa màu nên trông chiếc thuyền rất đẹp. Thuyền tống ôn có chiều cao khoảng 1m; dài khoảng 1,2m; ngang khoảng 0,5m. Trước mũi thuyền là một bàn hương án được đặt hướng về chính điện của miễu Bà, với rất nhiều lễ vật được bày biện gọn gàng, ngăn nắp, bao gồm các vật phẩm để cúng như: gà luộc, gạo, muối, bánh, trái cây và mấy lá bùa trừ tà. Đến giờ hành lễ, trưởng Ban tế tự đứng trước chiếc thuyền khấn nguyện các vị thần được thờ tự trong miễu với nội dung hôm nay là ngày, tháng, năm, bổn miễu có làm lễ Tống ôn, cầu mong các vị thần tiên giúp dân làng xua đi những điều xui xẻo, những tai ương bệnh tật, tai nạn trên sông, đồng thời phù hộ cho dân làng được gia đạo bình an, làm ăn phát đạt, tôm cá đầy khoang. Xong đâu đó, người ta đưa thuyền tống ôn này lên một chiếc ghe để chở ra giữa sông thả xuống. Chiếc thuyền thả trôi trên sông cứ trôi mãi trôi mãi đến khi hư thì thôi chứ không ai dám vớt. Dân gian quan niệm rằng, đó là con thuyền chở bao điều xui xẻo, dịch bệnh nên phải tránh xa. Mỗi khi nó tấp vào bờ, người ta liền vội vã tìm cách đẩy nó ra, vì ai cũng sợ nó đem các thứ dịch bệnh, những điều xui xẻo đến nhà mình. Dịp này, trên sông có nhiều ghe, xuồng đậu ken đặc cả khúc sông nên rất nhộn nhịp, vui tươi. Mặc dù người dân nơi đây không biết Bà Cậu là ai nhưng niềm tin của họ đối với Bà Cậu là tuyệt đối, không mảy may nghi ngờ, họ tin rằng, mọi bất trắc trên sông nước mà quá trình làm nghề họ gặp phải đều có Bà Cậu che chở, giúp đỡ nên họ thờ Bà và Cậu. Vì lẽ đó, tín ngưỡng thờ Bà Cậu của người dân Cần Thơ là thể hiện sự tri ân của dân làng đối với đấng bề trên, mà cụ thể ở đây là Bà Cậu đã cho họ một cuộc sống ấm no đủ đầy, bình an, hạnh phúc. Đồng thời qua đó còn thể hiện lòng ước mong mỗi cuộc hải trình ra khơi được đi đến nơi về đến chốn, sóng yên gió lặng, tôm cá đầy khoang 60 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 1 (135) . 2017 2.3. Giao thoa văn hóa ở miễu thờ Cần Thơ Cũng như các địa phương khác, Cần Thơ là vùng đất cộng cư của các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer. Trong quá trình định cư và khai phá ở vùng đất này, cả ba dân tộc đã cùng chung lưng đấu cật chống chọi lại thiên nhiên khắc nghiệt của buổi đầu khai phá. Khi đất đai đã được thuần, cả ba dân tộc lại cùng đoàn kết với nhau mà cày cấy, đánh bắt, nuôi trồng tạo nên sự chung sống hòa bình trên vùng đất mới. Vì lẽ đó, văn hóa của cả ba dân tộc tuy có nét riêng nhưng cũng có những điểm chung và chịu ảnh hưởng qua lại lẫn nhau. Việc người Kinh và người Hoa lập miếu thờ thần NeakTa của người Khmer là điều hết sức bình thường. Ngược lại, người Khmer, người Hoa có niềm tin với Bà Chúa Xứ, Bà Cố Hỷ của người Chăm và Bà Thiên Hậu của người Hoa cũng không có gì lạ. Nét nổi bật trong giao thoa văn hóa ở miễu thờ Cần Thơ là tục múa bóng rỗi trong lễ cúng miễu. Đây là loại hình diễn xướng dân gian rất phổ biến ở Cần Thơ. Múa bóng rỗi còn được gọi là múa bóng, hay bóng rỗi, “là một bộ phận không thể thiếu trong tục thờ Bà ở Nam Bộ. Đây là hình thức diễn xướng tâm linh chẳng những tạo ra không gian thiêng cho buổi cúng mà còn những công đoạn của nghi thức cúng Bà.”(12) Ở múa bóng rỗi, người Việt đã Việt hóa điệu múa Pajao của các bà Bóng người Chăm để tạo ra múa bóng. Theo nghi thức múa bóng của người Chăm thì người múa bóng phải là thiếu nữ đồng trinh hoặc người phụ nữ đã qua sinh đẻ. Còn trong múa bóng ở Cần Thơ của người Việt thì những người hành nghề múa bóng phần lớn là những người lại cái, trẻ tuổi, hoặc những người phụ nữ lớn tuổi. Những người này cho rằng việc hành nghề của họ là do có căn, có số, hay còn gọi là căn đồng. Các bà Bóng nếu gốc là nam thì đều ăn mặc, đi đứng, nói năng, cư xử như là một phụ nữ. Múa bóng rỗi có hai bộ phận là múa bóng và hát rỗi. Múa thông qua những động tác tạo hình biểu hiện sự kính dâng lễ vật lên thần linh. Đây là phần lúc nào cũng được mọi người quan tâm chờ đón. Múa, ngoài việc thể hiện tấm lòng của con người dâng lễ vật lên các đấng bề trên, múa còn thể hiện những động tác uyển chuyển của cơ thể thu hút được sự quan tâm của đông đảo mọi người. Một số bà Bóng do có công tập luyện nên những động tác múa tỏ ra khá điêu luyện, khéo léo như là làm xiếc, khiến người xem lúc nào cũng hồi hộp, tò mò chờ xem. Múa dâng lễ vật lên thần linh thường có các động tác và công thức sau: Múa dâng bông Người ta dùng một cái chén để đầy bông trang trong đó, đưa cho bà Bóng. Bà Bóng tiếp nhận chén bông trang, bắt đầu thể hiện những điệu múa uốn lượn cơ thể, động tác tay chân, miệng hát rỗi theo nhịp sên, phách của ban nhạc. Động tác cuối 61Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 1 (135) . 2017 cùng của múa dâng bông là để chén bông trên đầu, múa lượn bằng cổ đôi ba vòng rồi quỳ xuống. Sau đó có người bước đến lấy chén bông trên đầu đặt lên bàn thờ. Múa dâng mâm Mâm vàng là một thứ đồ mã, dán trên chiếc mâm nhôm. Người ta dùng các loại giấy khác màu để tạo hình ngôi tháp. Tùy theo địa phương, theo lò của các bà Bóng mà hình dạng, màu sắc của mâm vàng có những sắc thái khác nhau. Mâm vàng hình tháp là lễ vật mang tính linh thiêng để dâng lên các vị nữ thần. Múa mâm vàng có nhiều động tác, như dùng tay cuộn để dâng mâm, đội mâm lên đỉnh đầu, trên trán, trên cằm, trên môi, chuyển mâm trên vai, trên lưng, thậm chí dùng bàn chân để dâng mâm. Hình tượng múa mang tính thần kỳ, khác thường, gần với xiếc tạp kỹ. Khi múa dâng mâm thì người chơi đờn cò, kèn, thanh la, trống đệm theo, tạo nên không khí vừa linh thiêng vừa sôi động. Sau khi múa xong, người ta đem mô hình ngôi tháp đó đốt đi. Múa dâng lộc Thường là một mâm trầu cau được phủ vải đỏ, bà Bóng bưng mâm này múa xong thì đem lộc này dâng thần linh và phát cho mọi người để lấy lộc. Cũng có người dùng tiền để mua lộc này. Múa ghế Tiếc mục này lúc nào cũng gây được sự hứng thú cho người xem. Bà Bóng dùng 7 - 8 cái ghế chất chồng lên nhau, rồi dung miệng cắn chân ghế và bắt đầu múa. Cứ mỗi động tác uốn éo của bà Bóng lập tức một tràng pháo tay vang lên, và người ta thi nhau để tiền vào lòng những chiếc ghế đó, như là một sự tưởng thưởng cho công sức và sự khéo léo của người múa. Múa bông huệ Bà Bóng dùng hai nhánh bông huệ dài. Một cắn ở miệng, một nhánh để thẳng đứng, đầu của nhánh thẳng xuống tiếp xúc với đầu của nhánh còn lại. Trên các nhánh huệ này có rất nhiều tiền của người xem gắn vào để thưởng công cho họ. Múa mâm vàng Múa dâng bông 62 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 1 (135) . 2017 Bằng những điệu múa thuần thục, nhuần nhuyễn, bà Bóng di chuyển qua lại nhưng nhánh huệ không bao giờ rớt. Múa dao Động tác này gần như động tác làm xiếc của bà Bóng. Bà ta dùng miệng cắn một đầu cán dao, mũi dao đưa ra ngoài. Năm, sáu cây dao còn lại được chất chồng lên theo hình thẳng đứng, rồi người Bóng di chuyển nhiều lần bằng những động tác múa. Múa khạp Động tác này tỏ ra khá tốn sức của người múa. Nhưng đồng thời cũng thể hiện được sự điêu luyện của người múa. Động tác này cũng khá nguy hiểm khi mà một bà Bóng già ngoài 60 dùng tay nâng khạp quay nhiều lần rồi sau đó chỉ đặt một cạnh của miệng khạp lên trán mình rồi buông tay ra, lắc lư điệu múa. Tiết mục này thật sự làm cho người xem nể phục. Vì vậy, động tác này, bà Bóng thường nhận được nhiều tiền hơn cả. Người người thi nhau thảy tiền vào khạp để thưởng cho công sức của người múa. Bà Bóng, ngoài tài nghệ múa do luyện tập, còn có khả năng sáng tác lời ca theo yêu cầu của gia chủ, của người chủ tế theo nền nhạc đệm có sẵn cố định. Người hát rỗi mặc lễ phục đứng trước bàn thờ nữ thần, tay cầm trống nhỏ, gọi là trống rỗi, vừa gõ làm nhịp cho hát mời nữ thần về dự nghi lễ. Lời hát nghe tha thiết, ca ngợi các vị nữ thần, mời các vị về ngôi đền để chứng kiến cảnh mọi người đang trông chờ, mong mỗi thần linh về dự và phù hộ độ trì cho họ như thế nào. Lời hát có nhiều dị bản để phù hợp với từng vị nữ thần, các giọng hát, vần điệu cũng khá đa dạng.(13) Tóm lại, múa bóng rỗi là một nghệ thuật diễn xướng và hát chịu ảnh hưởng văn hóa Chăm. Nội dung múa bóng thể hiện truyền thống tri ân, uống nước nhớ nguồn của con người đối với thần linh, đối với tổ tiên và những người đã khuất. Múa bóng là một nghi thức của tín ngưỡng dân gian trong việc thờ các nữ thần, như: Bà Hỏa, Bà Chúa Xứ 3. Miễu thờ trong đời sống người dân Cần Thơ 3.1. Thể hiện lòng kính trọng, biết ơn Miễu thờ là một hình thái tín ngưỡng dân gian rất phổ biến ở Cần Thơ. Người ta lập miễu là để thờ cúng các vị thần đã ban cho họ sức khỏe, tiền tài, giúp cho họ có được một cuộc sống bình an. Bởi lúc đầu, khi đến đây lập nghiệp, các lưu dân đã gặp phải biết bao khó khăn do các hiện tượng tự nhiên gây ra. Để tạo sự bình an trong tâm lý, họ mới xây đình, dựng miễu để thờ thần, những mong các vị này phù hộ cho họ có được cuộc sống bình an, đồng thời cũng để tri ân các bậc tiền 63Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 1 (135) . 2017 nhân đã có công tạo lập vùng đất, để tạ ơn những con vật đã giúp đỡ họ trong cuộc sống hằng ngày mà giai thoại về miễu Ông Chúa Hổ ở khu vực Thới Đông, phường Phước Thới, quận Ô Môn là một ví dụ điển hình. 3.2. Thể hiện lòng nhân ái, bao dung Miễu thờ không chỉ thờ các đối tượng có công, che chở cho cuộc sống của người dân, mà nơi đây còn thờ cả những linh hồn đói lạnh, lang thang, vất vưởng như miễu Cô Hồn; Không chỉ thờ các vị thần của dân tộc mình mà còn thờ các vị thần của các dân tộc khác, như trường hợp thờ NeakTa của người Khmer, Bà Cố Hỷ của người Chăm và Bà Thiên Hậu của người Hoa. Cho nên có thể nói, miễu thờ ở Cần Thơ còn thể hiện tính nhân ái, bao dung là vậy. 3.3. Thể hiện ước mơ về một cuộc sống ấm no, đủ đầy Đây là ước mơ của cả xã hội loài người. Bởi trong cuộc sống, ai mà muốn mình sống trong thiếu thốn, đặc biệt trong bối cảnh vùng đất Cần Thơ cách đây trên ba thế kỷ khi mà cuộc sống đầy bất trắc khó khăn thì ước mơ này càng trở nên thiết thực hơn. Để thể hiện khát vọng này, họ mới lập miễu thờ các vị thần mà theo họ là có thể giúp họ thực hiện ước mơ này. 4. Kết luận Miễu thờ là một hình thức thờ tự phổ biến ở Cần Thơ. Nó ra đời cùng với những bước chân của người lưu dân vào Nam khẩn hoang lập ấp. Lúc bấy giờ, sơn lam chướng khí còn nhiều, thiên nhiên hoang vắng, thú dữ tràn đầy đã khiến cho họ có ý niệm về thần chi phối, nên họ xây đình, lập miễu là để tạo sự bình an trong tâm hồn. Nội dung tín ngưỡng ở miễu thờ Cần Thơ rất phong phú và đa dạng, bao gồm nhiều đối tượng được thờ khác nhau. Mặc dù họ không biết rõ lai lịch của các vị thần được thờ nhưng họ xác tín rằng, các vị đó có khả năng ban phát cho sức khỏe, phúc lộc, tiền tài nên họ rất thành tâm tôn kính. Lễ hội ở miễu tuy đơn giản nhưng cũng phán ánh được khát vọng về văn hóa tín ngưỡng trong đời sống tâm linh của người dân Cần Thơ. Giao lưu văn hóa là một trong những đặc điểm nổi bật trong miễu thờ Cần Thơ. Điều này đã minh chứng cho sự đoàn kết, chung sống hòa bình giữa các dân tộc trên một vùng đất, và cũng chính điều này làm cho văn hóa dân gian ở Cần Thơ đa dạng, phong phú, có được bản sắc riêng. T P D CHÚ THÍCH (1) Huỳnh Công Tín (2007), Từ điển từ ngữ Nam Bộ, Nxb KHXH, tr.828-829. (2) Sơn Nam (1994), Đình miễu và lễ hội dân gian, Nxb Tổng hợp Đồng Tháp, tr.26. 64 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 1 (135) . 2017 (3) Nhiều tác giả (1998), Hỏi và đáp về văn hóa Việt Nam, Nxb Văn hóa Dân tộc, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, Hà Nội, tr. 181. (4) Ví dụ chuyện Cá vồ ma hoặc chuyện Bà Cố Hỷ trong Huỳnh Minh (1966), Cần Thơ xưa và nay, Nxb Cánh bằng, tr. 180. (5) Sơn Nam, Sđd, tr. 14. (6) Phan Thị Yến Tuyết (2016), “Hệ thống nữ thần biển trong tín ngưỡng thờ Mẫu và nữ thần ở vùng biển Nam Bộ”, trong cuốn Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Nam Bộ bản sắc và giá trị, Võ Văn Sen - Ngô Đức Thịnh - Nguyễn Văn Lên (Đồng chủ biên), Nxb ĐHQG TPHCM, tr. 72-73. (7) Huình Tịnh Paulus Của (1895), Đại Nam quấc âm tự vị, Sài Gòn, tr. 19. (8) Võ Thanh Bằng (Chủ biên) (2008), Tín ngưỡng dân gian ở Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb ĐHQG TPHCM, tr. 79. (9) Huỳnh Ngọc Trảng - Trương Ngọc Tường (1999), Đình Nam Bộ xưa và nay, Nxb Đồng Nai, tr. 135. (10) Tiền Văn Triệu (2016), “Tín ngưỡng thờ Bà Hỏa và Hỏa Đức tự ở thành phố Sóc Trăng”, trong cuốn Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Nam Bộ bản sắc và giá trị, Sđd, tr. 629. (11) Về sự tích Bà Thiên Hậu, xem Phan Thị Hoa Lý (2012), “Sự hình thành và phát triển của tín ngưỡng Thiên Hậu”, Tạp chí Văn hóa dân gian, số 1, tr. 16-17. (12) Nguyễn Hữu Hiếu (2015), Tục thờ thần qua am miếu Nam Bộ, Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 86. (13) Xem thêm Nguyễn Hữu Hiếu, Sđd, tr. 86-130. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Võ Thanh Bằng (chủ biên) (2008), Tín ngưỡng dân gian ở Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb ĐHQG TPHCM. 2. Nguyễn Đăng Duy (1997), Văn hóa tâm linh Nam Bộ, Nxb Hà Nội. 3. Nguyễn Hữu Hiếu (2015), Tục thờ thần qua am miếu Nam Bộ, Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.86. 4. Lê Như Hoa (chủ biên) (2001), Tín ngưỡng dân gian Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội. 5. Võ Văn Sen - Ngô Đức Thịnh - Nguyễn Văn Lên (Đồng chủ biên) (2016), Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Nam Bộ bản sắc và giá trị, Nxb ĐHQG TPHCM. 6. Phạm Văn Tú (2004), “Miếu thờ ở Cà Mau - một hình thức thờ tự phổ biến”, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 5. TÓM TẮT Miễu thờ là loại hình thờ tự phổ biến của người dân Cần Thơ. Để hiểu rõ về loại hình thờ tự này, bài viết chủ yếu khảo sát các loại miễu thờ độc lập đã và đang tồn tại trên địa bàn thành phố Cần Thơ, ở các phương diện: Quá trình hình thành miễu thờ; Các đối tượng được thờ trong miễu; Lễ hội ở miễu và giao thoa văn hóa ở miễu. Cuối cùng, bài viết chỉ ra vai trò của miễu thờ trong đời sống người dân Cần Thơ. ABSTRACT SHRINES IN CẦN THƠ Shrines are commonly built in Cần Thơ. In order to understand this type of worship, the article mainly examines the types of independent shrines which have been existing in Cần Thơ City in terms of the process of founding shrines; figures worshipped in the shrines and festivals as well as and cultural interference at the shrines. Finally, the article shows the role of shrines in the life of Cần Thơ people.
File đính kèm:
- mieu_tho_o_can_tho.pdf