Một số giải pháp nâng cao hiệu quả dạy học các học phần chuyên ngành bằng tiếng Anh trong đào tạo cử nhân quản lí công ở Việt Nam

Abstract: Raising the quality of human resources to meet the social demands in the integrative

conditions is one of the urgent requirements for every higher education training institutions. In the

current context, training human resources of public management at university level in our country

requires the proximity with the globe. Training high quality human resources requires universities

to implement the teaching specialized modules in English in English in their training programs.

On the basis of analyzing the difficulties of teaching specialized modules in English in training

graduates of public management, we propose some solutions to improve the efficiency of teaching

specialized modules in English in training Bachelor of Public Management in Vietnam

pdf 5 trang yennguyen 3620
Bạn đang xem tài liệu "Một số giải pháp nâng cao hiệu quả dạy học các học phần chuyên ngành bằng tiếng Anh trong đào tạo cử nhân quản lí công ở Việt Nam", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Một số giải pháp nâng cao hiệu quả dạy học các học phần chuyên ngành bằng tiếng Anh trong đào tạo cử nhân quản lí công ở Việt Nam

Một số giải pháp nâng cao hiệu quả dạy học các học phần chuyên ngành bằng tiếng Anh trong đào tạo cử nhân quản lí công ở Việt Nam
VJE Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt tháng 4/2019, tr 254-258 
254 
MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ DẠY HỌC 
CÁC HỌC PHẦN CHUYÊN NGÀNH BẰNG TIẾNG ANH 
TRONG ĐÀO TẠO CỬ NHÂN QUẢN LÍ CÔNG Ở VIỆT NAM 
Hoàng Văn Hảo - Trường Đại học Thủ đô Hà Nội 
Phạm Thùy Dương, Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội 
Ngày nhận bài: 15/02/2019; ngày sửa chữa: 28/02/2019; ngày duyệt đăng: 22/03/2019. 
Abstract: Raising the quality of human resources to meet the social demands in the integrative 
conditions is one of the urgent requirements for every higher education training institutions. In the 
current context, training human resources of public management at university level in our country 
requires the proximity with the globe. Training high quality human resources requires universities 
to implement the teaching specialized modules in English in English in their training programs. 
On the basis of analyzing the difficulties of teaching specialized modules in English in training 
graduates of public management, we propose some solutions to improve the efficiency of teaching 
specialized modules in English in training Bachelor of Public Management in Vietnam. 
Keywords: Specialized module, English, public management. 
1. Mở đầu 
Tiếng Anh đã trở thành phương tiện giao tiếp rất quan 
trọng trong tiến trình hội nhập và phát triển kinh tế, văn 
hoá - xã hội của mỗi quốc gia. Quá trình toàn cầu hóa 
đang diễn ra ngày càng sâu rộng với số lượng người sử 
dụng tiếng Anh ở nước ta không ngừng tăng. Sử dụng 
tiếng Anh là một nhu cầu thiết yếu đối với thế hệ trẻ trong 
thời đại mới bởi việc sử dụng hai ngôn ngữ sẽ giúp họ 
gặt hái được thành công trong môi trường hội nhập khu 
vực và cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa [1]. Điều 
này đặt ra vấn đề cần quan tâm về dạy và học ngoại ngữ 
ở các bậc học, trong đó có giáo dục đại học. Việc dạy các 
môn học khác trong chương trình đào tạo bằng ngoại ngữ 
được xem như một định hướng mang tính đột phá đã 
được đề cập trong Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ 
thống giáo dục quốc dân [2]. 
Hiện nay, sinh viên (SV) Việt Nam có rất nhiều điều 
kiện, môi trường học tập tiếng Anh, song tỉ lệ SV tốt 
nghiệp có thể sử dụng tiếng Anh trong môi trường làm 
việc còn rất thấp. Thực hiện đào tạo theo nhu cầu xã hội 
với nhân lực chất lượng cao ngành Quản lí công đòi hỏi 
phải đào tạo ra những công dân toàn cầu. Đào tạo chuyên 
ngành bằng tiếng Anh ngoài việc nâng cao trình độ tiếng 
Anh tổng quát cho người học còn thúc đẩy và tăng cường 
khả năng tiếp cận, khai thác các nguồn tài liệu khoa học, 
chuyên môn bằng tiếng Anh. Điều này hoàn toàn phù 
hợp với chính sách khuyến khích, đẩy mạnh hội nhập 
quốc tế nhằm phát triển giáo dục đại học Việt Nam ngang 
tầm khu vực và thế giới [3]. 
SV ngành Quản lí công tốt nghiệp cần phải có kiến 
thức toàn diện để đáp ứng yêu cầu đổi mới ngày càng 
năng động của khu vực công cũng như có thể hòa nhập 
trong môi trường quốc tế. Ngành này mới chỉ được đào 
tạo trình độ đại học với mã ngành đào tạo chính thức tại 
một số cơ sở đào tạo trong nước như Trường Đại học Nội 
vụ, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, Trường Đại học 
Kinh tế Quốc dân, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí 
Minh, Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh - 
Đại học Thái Nguyên. Song, một số chương trình sau đại 
học ngành Quản lí công và các ngành gần đã được triển 
khai đào tạo bằng tiếng Anh tại một số cơ sở với các 
chương trình chất lượng cao, chương trình liên kết đào 
tạo với nước ngoài. Ngay từ ở bậc đại học, việc được học 
tập các học phần chuyên ngành bằng tiếng Anh sẽ là tiền 
đề tích cực để người học có thể hướng tới những chương 
trình học tập cao hơn cũng bằng ngoại ngữ cũng như các 
chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Khả 
năng thích ứng với môi trường toàn cầu, cơ hội việc làm 
và khả năng thành công cao hơn cho các cử nhân Quản 
lí công là điều đặc biệt quan trọng mà các cơ sở đào tạo 
đại học phải hướng đến. 
Bài viết này đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu 
quả dạy học các học phần chuyên ngành bằng tiếng Anh 
trong đào tạo cử nhân quản lí công ở Việt Nam. 
2. Nội dung nghiên cứu 
2.1. Phương pháp nghiên cứu 
Phương pháp được sử dụng chủ yếu trong nghiên cứu 
này là phương pháp tổng hợp, phân tích, khảo sát thông 
qua phỏng vấn sâu. Thời gian khảo sát từ tháng 8/2018 
đến 12/2018. Các thông tin thứ cấp được thu thập thông 
qua các văn bản của các cơ quan hữu quan, tài liệu, báo 
cáo, các công trình nghiên cứu đã được công bố. Thông 
VJE Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt tháng 4/2019, tr 254-258 
255 
tin sơ cấp được thu thập thông qua phỏng vấn sâu cán bộ 
quản lí đào tạo, giảng viên (GV) giảng dạy học phần 
chuyên ngành Quản lí công của 05 cơ sở đào tạo ở phía 
Bắc, bao gồm: Học viện Hành chính Quốc gia, Trường 
Đại học Nội vụ Hà Nội, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, 
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Trường Đại học 
Kinh tế và Quản trị kinh doanh - Đại học Thái Nguyên. 
Các câu hỏi phỏng vấn được chia thành 3 nhóm: Nhóm 
câu hỏi phản ánh về sự cần thiết giảng dạy học phần 
chuyên ngành bằng tiếng Anh; nhóm câu hỏi phản ánh 
về những bất cập khi triển khai và nhóm câu hỏi cho 
thông tin gợi ý về các giải pháp đẩy mạnh giảng dạy các 
học phần chuyên ngành bằng tiếng Anh trong đào tạo cử 
nhân Quản lí công. 
2.2. Những bất cập chính khi triển khai giảng dạy các 
học phần chuyên ngành bằng tiếng Anh trong đào tạo 
cử nhân Quản lí công 
Các cơ sở đào tạo ngành Quản lí công trình độ đại 
học tuy nhận thấy tầm quan trọng của việc giảng dạy các 
học phần chuyên ngành bằng tiếng Anh, song quá trình 
thực hiện ở các trường còn gặp những khó khăn nhất 
định. Theo đánh giá của cơ sở đào tạo được khảo sát, rào 
cản lớn trong việc dạy học các học phần chuyên ngành 
bằng tiếng Anh hiện nay là trình độ tiếng Anh không đều 
của SV. SV tham gia xét tuyển đầu vào với khối xét tuyển 
có môn tiếng Anh thường có trình độ ngoại ngữ tốt hơn, 
song mặt bằng chung, trình độ tiếng Anh đầu vào của SV 
ngành này còn thấp so với SV trong khối ngành kinh tế 
và quản lí. Thời lượng học tập tiếng Anh của SV trước 
khi vào đại học là khác nhau. Để có thể tham gia và đảm 
bảo yêu cầu học phần, trình độ tiếng Anh của sinh tối 
thiểu phải ở trình độ B1 theo khung tham chiếu châu Âu 
(bậc 3/6) thậm chí cao hơn. Trong khi đó, các cơ sở đào 
tạo chỉ yêu cầu chuẩn đầu ra năng lực ngoại ngữ của SV 
tốt nghiệp ở trình độ B1. Học phần chuyên ngành được 
giảng dạy bằng tiếng Anh phần lớn từ học kì 4 hoặc 5 trở 
đi của chương trình đào tạo bậc đại học. Tuy nhiên, việc 
tổ chức thực hiện vẫn gặp khó khăn nếu như giai đoạn 
tích luỹ kiến thức tiếng Anh ở các học kì trước không 
được coi trọng. Không thể phủ nhận một thực tế hiện nay 
là khi tham gia học phần chuyên ngành bằng tiếng Anh, 
một bộ phận SV chưa xác định cho mình động cơ, thái 
độ học tập tích cực cũng như chưa có kế hoạch cụ thể, 
phù hợp với khả năng để hoàn thành học phần. GV 
chuyên ngành thấy khó khi triển khai những nội dung, 
phương pháp học tập hiệu quả. 
Đội ngũ GV tham gia giảng dạy ngành Quản lí công 
thường là người có tâm huyết với ngành và công tác đào 
tạo. Đội ngũ GV trẻ hiện nay ở các cơ sở đào tạo đại học 
ngành này sẽ có nhiều lợi thế, ưu điểm để tiếp tục nâng 
cao cả trình độ chuyên môn và năng lực ngoại ngữ. Tuy 
nhiên, khả năng truyền đạt bằng tiếng Anh của GV 
thường gặp phải hạn chế nhất định bởi phương pháp 
giảng dạy đòi hỏi phải thực sự sinh động. Hiện nay, số 
lượng GV vừa có kiến thức chuyên sâu về Quản lí công 
vừa có khả năng dạy học chuyên ngành này bằng tiếng 
Anh không nhiều. Bất cập về đội ngũ giảng dạy học phần 
chuyên ngành bằng tiếng Anh thể hiện ở chỗ những GV 
dày dạn kinh nghiệm, giàu chuyên môn thì có thể bị hạn 
chế về trình độ Anh ngữ. Trong khi đó, GV tốt về ngoại 
ngữ lại thiếu kiến thức chuyên sâu, ngại tập trung cho 
nghiên cứu, giảng dạy về quản lí khu vực công. Thêm 
vào đó, việc thu hút những người đã từng học tập ở nước 
ngoài, có kinh nghiệm thực tiễn tham gia giảng dạy 
chuyên ngành Quản lí công ở cơ sở giáo dục đại học là 
cực kì khó khăn. 
Hiệu quả của việc giảng dạy chuyên ngành bằng tiếng 
Anh sẽ được nâng lên khi giáo trình, tài liệu học tập đáp 
ứng được yêu cầu. Tuy một số trường đại học đi tiên 
phong trong đào tạo ngành này ở Việt Nam đã có nhiều 
nỗ lực trong việc biên soạn, xuất bản giáo trình để phục 
vụ công tác đào tạo nhưng để chuẩn bị đề cương bài 
giảng, tài liệu học tập bằng tiếng Anh là một áp lực lớn 
đối với cơ sở đào tạo. Tìm kiếm, lựa chọn tài liệu sẵn có 
từ sách của nước ngoài cho các học phần cơ sở ngành sẽ 
có nhiều thuận lợi hơn so với các học phần chuyên sâu 
của ngành Quản lí công. Điều này đòi hỏi sự tham gia 
biên soạn của đội ngũ GV trực tiếp tham gia giảng dạy. 
Đầu tư các nguồn lực cho công việc này ở các cơ sở đào 
tạo lại gặp không ít khó khăn, chưa kể thời gian để biên 
soạn tài liệu học tập bằng tiếng Anh đáp ứng được yêu 
cầu đào tạo không thể ngắn được. 
2.3. Đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả 
dạy học các học phần chuyên ngành bằng tiếng Anh 
trong đào tạo cử nhân Quản lí công 
Từ những trình bày và phân tích nêu trên cho thấy, 
việc tổ chức giảng dạy các học phần chuyên ngành Quản 
lí công bằng tiếng Anh không thể thực hiện được trong 
ngắn hạn mà cần có kế hoạch phù hợp với sự nỗ lực, 
quyết tâm của các cơ sở đào tạo. Để có thể lựa chọn bước 
đi phù hợp với điều kiện của mỗi trường cũng như bối 
cảnh chung hiện nay, chúng tôi đề xuất một số giải pháp 
cụ thể như sau: 
2.3.1. Đổi mới đào tạo tiếng Anh cơ bản, tiếng Anh 
chuyên ngành nhằm nâng cao năng lực tiếng Anh của 
sinh viên trước khi bước vào học các học phần chuyên 
ngành Quản lí công 
Các trường cần xây dựng chương trình tiếng Anh 
nhằm phát triển toàn diện các kĩ năng của SV. Cần phải 
xóa bỏ triệt để tình trạng đào tạo tiếng Anh như một học 
phần, bắt đầu từ việc xác định chuẩn đầu ra trong một 
thực tế là SV đã học tiếng Anh nhiều năm trước ở phổ 
VJE Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt tháng 4/2019, tr 254-258 
256 
thông. Như đã trình bày ở trên, để SV có thể tham gia 
học tập học phần chuyên ngành bằng tiếng Anh thì trình 
độ tối thiểu phải đạt mức B1 theo khung tham chiếu châu 
Âu. Giáo trình tiếng Anh trong đào tạo cơ bản và chuyên 
ngành cần phải có hệ thống. Học tiếng Anh từ cơ bản 
phải có sự liên hệ với phát triển và nâng cao kiến thức 
chuyên môn của SV ngành Quản lí công. Việc tích lũy 
vốn tự vựng Quản lí công của SV là vô cùng cần thiết 
cho giai đoạn học tập chuyên ngành sau này. SV cần phải 
được rèn luyện các kĩ năng bổ trợ khác trong học tiếng 
Anh như thuyết trình, làm việc nhóm hay viết báo cáo. 
Để làm được điều đó, cơ sở đào tạo phải chú trọng trong 
việc thiết kế chương trình đào tạo với sự tham gia phối 
hợp chặt chẽ của GV giảng dạy [4]. Bên cạnh đó, các 
trường cần quan tâm tới sĩ số chuẩn của lớp học tiếng 
Anh, tạo môi trường thực hành ngôn ngữ tốt cho SV, 
thực hiện khoa học việc đánh giá trình độ và kĩ năng giao 
tiếp, kĩ năng trình bày. SV cần phải giảm được những áp 
lực, khó khăn của kiến thức chuyên ngành khi học 
chuyên ngành Quản lí công bằng tiếng ngay từ giai đoạn 
học tiếng Anh cơ bản hay tiếng Anh chuyên ngành. 
2.3.2. Nâng cao động lực và khích lệ thái độ học tập của 
sinh viên trong quá trình giảng dạy 
Theo phương châm “lấy người học làm trung tâm”, 
trong quá trình dạy - học, tìm hiểu nhu cầu của người học 
là công việc mà GV tham gia dạy các học phần chuyên 
ngành bằng tiếng Anh nên làm để thay đổi, điều chỉnh và 
bổ sung tài liệu học tập cũng như cải tiến phương pháp 
giảng dạy nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả đào tạo. GV 
tham gia giảng dạy cần tìm hiểu về các yếu tố động lực 
có ảnh hưởng sẽ giúp đưa ra cách thức giảng dạy và nâng 
cao được năng lực của người học [5]. Khi trình độ Anh 
ngữ của SV có thể đáp ứng, việc tạo hứng thú cho SV 
học chuyên ngành bằng tiếng Anh sẽ không phải là khó 
khăn quá lớn. Vì vậy, để khích lệ thái độ tích cực học tập, 
GV bước đầu nên tránh những vấn đề quá chuyên sâu, 
khó hiểu. Mặt khác, để giúp cho SV có ý thức về tầm 
quan trọng của học phần chuyên ngành, GV nên động 
viên, khuyến khích họ tự tìm thêm những tài liệu có liên 
quan đến học phần họ đang học và khích lệ để họ hiểu 
được nội dung của tài liệu, văn bản đó thông qua tự học. 
Việc tìm hiểu những vấn đề lí luận, thực tiễn về quản lí 
công ở các quốc gia trên thế giới sẽ giúp SV vừa nâng 
cao được cả chuyên môn và ngôn ngữ. Phương pháp 
giảng dạy kết hợp với seminar, tăng cường tổ chức các 
hoạt động học thuật thông qua các cuộc thi nhỏ với các 
chủ đề như mô hình cải cách hành chính, đạo đức công 
vụ, văn hóa công sở... sẽ giúp SV hào hứng nghiên cứu, 
chuẩn bị tốt để cạnh tranh với nhau do đó sẽ khích lệ thái 
độ học tập của SV. 
2.3.3. Nâng cao kĩ năng giảng dạy bằng tiếng Anh của 
giảng viên chuyên ngành 
Việc giảng dạy bằng tiếng Anh là một nét đặc trưng 
trong đào tạo nhân lực chất lượng cao. Đặc điểm này vừa 
là thể hiện sức hút của chương trình đối với người học 
nhưng cũng đồng thời là áp lực rất lớn đối với các cơ sở 
đào tạo khi phải đối mặt với vấn đề chất lượng của GV. 
GV giảng các học phần chuyên ngành Quản lí công bằng 
tiếng Anh vừa phải cải thiện khả năng tiếng Anh vừa phải 
nâng cao kĩ năng giảng dạy. Các GV cần triển khai các 
phương pháp giảng dạy hiện đại như dạy học theo dự án, 
tăng cường hình thức thảo luận, thuyết trình. Do đó, việc 
đào tạo và thường xuyên bồi dưỡng GV thông qua các 
khóa tập huấn phương pháp, nâng cao năng lực là cần 
thiết [6]. Các trường nên đưa nội dung dự giờ và nghe 
giảng từ GV có kinh nghiệm đối với các GV trẻ là một 
yêu cầu bắt buộc. Trong điều kiện GV giàu kinh nghiệm 
giảng dạy bằng tiếng Anh của chuyên ngành còn ít thì có 
thể dự giờ từ GV giảng dạy các học phần cơ sở ngành 
như Kinh tế học vĩ mô, Quản lí học. Đây là cách học tập 
kinh nghiệm trực quan và sinh động nhất giúp nâng cao 
năng lực giảng dạy bằng tiếng Anh của GV nói chung. 
GV có thể tự đúc kết kinh nghiệm giảng dạy và học tập 
được ngay những kĩ năng cần thiết cho việc giảng dạy 
bằng ngoại ngữ để áp dụng đối với các học phần chuyên 
ngành Quản lí công. Mỗi trường có thể tạo áp lực nâng 
cao kĩ năng giảng dạy bằng tiếng Anh của GV thông qua 
việc cho đăng kí kế hoạch thực hiện giảng dạy bằng tiếng 
Anh đối với GV ngành này bởi giáo cần có một kế hoạch, 
lộ trình cụ thể khi dạy bằng tiếng Anh những học phần 
rất chuyên sâu của ngành như Quản lí tổ chức công, Quản 
lí tài chính công, Quản lí dịch vụ công. 
2.3.4. Thu hút giảng viên có trình độ chuyên môn và năng 
lực tiếng Anh tốt 
Hiện nay, cho dù có nhiều khó khăn trong việc tìm 
kiếm và phát triển đội ngũ GV ngành Quản lí công, các 
trường vẫn cần có đẩy mạnh việc thu hút số GV được 
đào tạo, nghiên cứu ở nước ngoài bằng ngôn ngữ Anh. 
Nếu đội ngũ này tham gia quá trình đào tạo thì hoàn toàn 
có thể đáp ứng ngay yêu cầu giảng dạy các học phần 
chuyên ngành bằng tiếng Anh. Ngoài đội ngũ GV cơ 
hữu, các cơ sở giáo dục đại học cũng cần có chiến lược 
và chủ động thu hút, mời giảng các chuyên gia ở các Bộ, 
ngành về phân tích, hoạch định chính sách công cũng 
như các nhà quản lí ở các cơ quan, doanh nghiệp giàu 
kinh nghiệm thực tiễn trong khu vực công. Các cơ sở cần 
xây dựng được cho mình đội ngũ GV không chỉ mạnh về 
lí luận mà còn có thực tế phong phú để đáp ứng được yêu 
cầu giảng dạy ngành này trong bối cảnh cải cách khu vực 
công đang diễn ra một cách mạnh mẽ. 
VJE Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt tháng 4/2019, tr 254-258 
257 
2.3.5. Xây dựng chương trình đào tạo khoa học gắn với 
liên kết các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước 
Việc đào tạo ngành Quản lí công tại Việt Nam nói 
chung cần tiếp tục tham khảo các chương trình của nhiều 
quốc gia trong khu vực và các nước tiên tiến khác trên 
thế giới. Lựa chọn các học phần với nội dung cụ thể đưa 
vào đào tạo bằng tiếng Anh phải được thực hiện đồng bộ, 
có tính khoa học cao, gắn với điều kiện cụ thể hiện nay 
(tính phù hợp của từng học phần tại Việt Nam, điều kiện 
GV cụ thể của GV ngành này trong nước...). Điều này 
vừa đáp ứng yêu cầu thực tiễn ở nước ta, vừa giúp SV có 
thể dễ dàng học tập (bậc đại học và sau đại học) tại các 
trường trong nước cũng như trên thế giới, người học sau 
khi tốt nghiệp cũng có nhiều lợi thế trong môi trường làm 
việc quốc tế. Hoạt động này cần có sự liên minh tham gia 
của các trường trong đào tạo Quản lí công ở Việt Nam, 
cùng mở rộng quan hệ với các cơ sở đào tạo đại học khác 
ở các nước phát triển. Các trường không nên cùng một 
lúc đưa vào giảng dạy tất cả các học phần chuyên ngành 
bằng tiếng Anh mà việc này cần có lộ trình thống nhất. 
Để giảm gánh nặng cho các cơ sở đào tạo, việc phân công 
đảm nhận phát triển và thực hiện giảng dạy cho mỗi cơ 
sở có ý nghĩa trong việc phát huy thế mạnh tổng thể trong 
đào tạo và rút ngắn thời gian đưa nhiều hơn số lượng các 
học phần được giảng dạy bằng tiếng Anh. 
2.3.6. Đầu tư cho thư viện và tài liệu học tập 
Đào tạo bậc đại học yêu cầu rất cao đối với việc tự 
học và tự nghiên cứu của SV, đặc biệt là SV học bằng 
tiếng nước ngoài. Để hình thành một môi trường học tập 
và nghiên cứu có hiệu quả cho SV, nâng cao chất lượng 
đào tạo các học phần chuyên ngành bằng tiếng Anh trong 
đào tạo cử nhân Quản lí công, các cơ sở đào tạo cần đầu 
tư nâng cấp thư viện với chất lượng phục vụ ngày càng 
tốt hơn, thư viện phải đáp ứng nhu cầu tự học và tạo môi 
trường cho SV tự chủ hơn trong việc học tập; bổ sung 
cho thư viện nguồn tài liệu có nguồn gốc từ nước ngoài 
là rất cần thiết trong quá trình đào tạo. Sử dụng nguồn tài 
liệu thực trong cuộc sống (báo, tạp chí, mạng trực tuyến) 
là nguồn tài liệu hữu ích để nâng cao vốn từ vựng chuyên 
ngành cho SV [7]. Để phục vụ đào tạo ngành này, các cơ 
sở có thể tiếp cận tạp chí bằng tiếng Anh được xuất bản 
trong nước bởi Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí 
Minh, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân hay Đại học 
Quốc gia Hà Nội. Các nhà trường cần đẩy mạnh mô hình 
thư viện điện tử nhằm đáp ứng nhiều hơn nhu cầu nghiên 
cứu, giảng dạy và học tập. Trong điều kiện đào tạo ngành 
Quản lí công ở nước ta hiện nay, cần thực hiện đồng thời 
việc lựa chọn, sử dụng tài liệu có sẵn bằng tiếng Anh của 
nước ngoài và tổ chức biên soạn tài liệu giảng dạy. Như 
đã phân tích ở trên, điều này sẽ giảm được áp lực trong 
giai đoạn đầu triển khai. Đồng thời, nó vẫn đảm bảo việc 
tiệm cận với trình độ đào tạo của các nước tiên tiến trong 
khu vực và thế giới. 
2.3.7. Tăng cường giám sát quá trình giảng dạy, đồng 
thời đảm bảo quyền lợi của sinh viên 
Quá trình giảng dạy các học phần chuyên ngành 
bằng tiếng Anh cần được giám sát chặt chẽ. Các nhà 
trường phải yêu cầu GV giảng dạy bằng tiếng Anh các 
học phần thực hiện đúng và đầy đủ các quy định về lịch 
trình giảng dạy, quản lí lớp... theo quy định. Quy định rõ 
ràng về quyền lợi của GV cũng như của SV khi giảng 
dạy, học tập các học phần chuyên ngành bằng tiếng Anh 
là rất hữu ích. SV phải nắm rõ về quyền lợi cũng như 
các quy định khi tham gia học tập các học phần 
này. Thông tin về GV, sách, tài liệu học tập, tham khảo, 
phương pháp và hình thức đánh giá cần được công khai 
trong kế hoạch giảng dạy của học phần. Những học phần 
học tập bằng tiếng Anh nên được cân nhắc ghi rõ trong 
bảng điểm kết quả học tập khi tốt nghiệp để có sự phân 
biệt với việc giảng dạy bằng tiếng Việt thông thường. 
Bên cạnh đó, mỗi cơ sở đào tạo cần lấy ý kiến SV về 
việc dạy học các học phần chuyên ngành bằng tiếng Anh 
để có được thông tin phản hồi, sự điều chỉnh trong tổ 
chức đào tạo ngành Quản lí công. 
2.3.8. Hình thành cộng đồng học tập đối với sinh viên 
ngành Quản lí công 
Triển khai giảng dạy các học phần chuyên ngành 
trong đào tạo cử nhân bằng tiếng Anh không ngoài mục 
đích để chương trình đào tạo ngành này kế thừa được 
những thành tựu của các nước phát triển nói riêng và giáo 
dục đại học ở nước ta hội nhập được với quốc tế nói 
chung. Từ góc độ của người học, việc hình thành một 
cộng đồng học tập là vô cùng quan trọng. Trong bối cảnh 
số trường đào tạo ngành Quản lí công còn ít ở Việt Nam 
thì cộng đồng học tập của SV sẽ có nhiều lợi ích, góp 
phần thúc đẩy việc học tập suốt đời cho người học. Ngoài 
thời gian học tập ở giảng đường đại học, SV có nhiều cơ 
hội tiếp xúc với nhau để trau dồi kiến thức, hình thành 
phẩm chất, kĩ năng nghề nghiệp, kĩ năng cá nhân như 
việc tham gia sinh hoạt câu lạc bộ chẳng hạn. Khi các 
trường tổ chức giảng dạy các học phần chuyên ngành 
bằng tiếng Anh, cộng học tập của SV sẽ phát huy vai trò 
của mình trong việc giúp họ tăng khả năng học hỏi về cả 
chuyên môn và ngoại ngữ. SV sẽ tăng tính tự chủ, có ý 
thức ngành nghề, chủ động tìm hiểu và cập nhật những 
vấn đề thực tiễn chẳng hạn như về Chỉ số hiệu quả quản 
trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) hay 
Chỉ số về sự hài lòng của người dân, tổ chức với sự phục 
vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS). 
Để cộng đồng học tập thực sự có hiệu quả, các hình 
thức tổ chức với trách nhiệm xây dựng của các thành viên 
rất quan trọng. Bên cạnh đó, chúng ta cần xem xét cụ thể 
VJE Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt tháng 4/2019, tr 254-258 
258 
các yếu tố văn hoá giáo dục, kết hợp hài hoà giữa phương 
Đông và phương Tây để hạn chế những “rào cản” cho 
việc áp dụng cộng đồng học tập [8]. Vì đặc thù các 
trường hiện đang đào tạo ngành Quản lí công ở nhiều 
tỉnh, thành trong cả nước nên cộng đồng học tập của SV 
này cũng phải được lựa chọn những hình thức, cách thức 
tổ chức cho phù hợp, hiệu quả nhằm thu hút được số 
đông SV tham gia. Mức độ đa dạng của cộng đồng sẽ 
càng giúp nâng cao hiệu quả của việc đào tạo ngành này 
nói chung và việc dạy học các học phần chuyên ngành 
bằng tiếng Anh nói riêng. 
3. Kết luận 
Tổ chức giảng dạy học phần chuyên ngành Quản lí 
công bằng tiếng Anh là một hướng đi đúng đắn, phù hợp 
với xu thế và đòi hỏi thực tiễn hiện nay. Điều này đòi hỏi 
các cơ sở đào tạo vừa phải tháo gỡ những bất cập chung 
thường gặp vừa phải có kế hoạch triển khai với một 
ngành mang tính đặc thù. Các trường đại học không chỉ 
nâng cao chất lượng đào tạo, uy tín của mình mà còn đem 
lại nhiều lợi ích cho cả GV và SV. Một số giải pháp được 
đề xuất trong bài viết này có thể là sự tham khảo cho các 
cơ sở đào tạo trong việc khắc phục những bất cập để có 
thể thực hiện có hiệu quả việc giảng dạy các học phần 
chuyên ngành bằng tiếng Anh trong đào tạo cử nhân 
Quản lí công nhằm góp phần đào tạo nhân lực chất lượng 
cao ngành này ở Việt Nam. 
Tài liệu tham khảo 
[1] European Commission (2010). European Language 
Policy and CLIL: A Selection of EU funded Projects. 
[2] Thủ tướng Chính phủ (2017). Quyết định số 
2080/QĐ-TTg ngày 22/12/2017 về phê duyệt điều 
chỉnh, bổ sung Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ 
thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025. 
[3] Quốc hội (2018). Luật số 34/2018/QH14 ngày 
19/11/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật 
Giáo dục đại học. 
[4] Tar I. - Varga K. C. - Wiwczaroski T. B. (2009). 
Imrpoving ESP Teaching through Collaboration: 
The Situation in Hungary. ESP World, Issue 1 (22), 
Vol. 8, pp. 46-51. 
[5] Zohreh Molaee - Fariborz Dortaj (2015). Improving 
L2 Learning: An ARCS Instructional-motivational 
Approach. Procedia - Social and Behavioral 
Sciences, Vol. 171, pp. 1214-1222. 
[6] Trần Thị Thanh Thủy - Hà Hồng Nga (2015). Thực 
trạng dạy và học tiếng Anh chuyên ngành ở Trường 
Đại học Sư phạm Hà Nội: Thách thức và giải pháp. 
Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 
(Khoa học xã hội), số 60 (6), tr 124-130. 
[7] Nguyễn Thị Thanh Vân (2014). Nâng cao vốn từ 
vựng tiếng Anh chuyên ngành qua hoạt động cá 
nhân. Tạp chí Ngôn ngữ và đời sống, số 11 (229), tr 
47-50. 
[8] Nguyễn Thị Mai Hương - Nguyễn Thị Mộc Lan 
(2017). Xây dựng cộng đồng học tập tiếng Anh: 
Những vấn đề cần suy nghĩ khi lựa chọn mô hình 
học tập của phương Tây. Tạp chí Khoa học, Trường 
Đại học Sư phạm Hà Nội (Khoa học xã hội), số 62 
(11), tr 126-133. 
NGHIÊN CỨU NHU CẦU HỌC TIẾNG ANH... 
(Tiếp theo trang 263) 
Tài liệu tham khảo 
[1] Bouzidi H. (2009). Between the ESP Classroom and 
the Workplace: Bridging the Gap. English Teaching 
Forum, No. 3. 
[2] Canale, M. and Swain, M. (1980). Theoretical bases 
of communicative approaches to second language 
teaching and testing. Applied Linguistics 1, 
pp. 1-47. 
[3] Hutchinson, T. and A. Water (1987). English for 
Specific Purposes: A Learning centred Approach. 
Cambridge: CUP. 
[4] Lawson, K. H. (1979). Philosophical Concepts and 
Values in Adult Education. Milton: Open 
University. 
[5] Luka, I. (2009). Development of Students’ English 
for Specific Purposes. Competence in Tourism 
Studies at tertiary Level. English for Specific 
Purposes World, Issue 4 (25), Vol. 8, Online Journal 
for Teachers at  retrieved on 12 
March 2010. 
[6] Savas, B. (2009). Role of Functional Academic 
Literacy in ESP teaching: ESP Teacher Training in 
Turkey for Sustainable Development. The Journal of 
International Social Research, Vol. 2/9. 
[7] Widdowson, H. G. (1978). Teaching Language as 
Communication. London: OUP. 
[8] Widdowson, H.G. (1981). English for Specific 
Purposes: Criteria for Course Design in English for 
Academic and Technological Purposes. Eds. L. 
Selinker, E. Tarone, and V. Hanzeli Rowley. Mass; 
Newburry. 
[9] Zhang, Zuocheng (2007). Towards an Integrated 
Approach to Teaching Business English: A Chinese 
Experience. English for Specific Purposes, Vol. 26, 
No. 4, pp. 399-410. 

File đính kèm:

  • pdfmot_so_giai_phap_nang_cao_hieu_qua_day_hoc_cac_hoc_phan_chuy.pdf