Những điều kiện tạo nên một sự hợp tác quốc tế có hiệu quả
TÓM TẮT
Thông qua việc nhìn lại lịch sử quá trình hợp tác giữa Đại học Joseph Fourier –
Cộng hòa Pháp với Việt Nam nói chung và với Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ
Chí Minh nói riêng; bài viết này sẽ cố gắng làm rõ những điều kiện tạo nên một sự hợp tác
quốc tế có hiệu quả. Chúng tôi hi vọng kinh nghiệm có được qua chương trình hợp tác này
sẽ mang lại những yếu tố góp phần phát triển quan hệ hợp tác quốc tế của một trường đại
học trong mục đích nâng cao chất lượng đào tạo và vị thế của Trường.
Bạn đang xem tài liệu "Những điều kiện tạo nên một sự hợp tác quốc tế có hiệu quả", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên
Tóm tắt nội dung tài liệu: Những điều kiện tạo nên một sự hợp tác quốc tế có hiệu quả
TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐHSP TPHCM Claude Comiti và tgk _____________________________________________________________________________________________________________ 107 NHỮNG ĐIỀU KIỆN TẠO NÊN MỘT SỰ HỢP TÁC QUỐC TẾ CÓ HIỆU QUẢ CLAUDE COMITI*, LÊ THỊ HOÀI CHÂU ** TÓM TẮT Thông qua việc nhìn lại lịch sử quá trình hợp tác giữa Đại học Joseph Fourier – Cộng hòa Pháp với Việt Nam nói chung và với Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng; bài viết này sẽ cố gắng làm rõ những điều kiện tạo nên một sự hợp tác quốc tế có hiệu quả. Chúng tôi hi vọng kinh nghiệm có được qua chương trình hợp tác này sẽ mang lại những yếu tố góp phần phát triển quan hệ hợp tác quốc tế của một trường đại học trong mục đích nâng cao chất lượng đào tạo và vị thế của Trường. Từ khóa: hợp tác, điều kiện, hiệu quả, thành công. ABSTRACT Conditions for a successful international cooperation In reviewing the history of cooperation between the University Joseph Fourier - France and Vietnam, in general, and with Ho Chi Minh City University of Education, in particular; this article clarifies the conditions for an effective international cooperation. Hopefully, the experience gained through this cooperation will bring elements contributing to the development of international cooperation relations of a university, improving the training quality and status of the university. Keywords: cooperation, conditions, effective, successful. * PGS TS, Trường Đại học Sư phạm TPHCM; Email: chaulth@hcmup.edu.vn ** Laboratoire LIG, Université Joseph Fourier 1. Mở đầu Quan hệ hợp tác giữa Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHSP TPHCM) và Đại học Josep Fourier (UJF) - nay là Đại học Grenoble Alpes (UGA) thuộc Cộng hòa Pháp, đã có từ hơn 20 năm nay, góp phần không nhỏ vào thành tích đào tạo cũng như nghiên cứu khoa học của cả hai trường. Trong các mối quan hệ quốc tế của ĐHSP TPHCM, chương trình hợp tác với UJF được đánh giá như một ví dụ điển hình về sự thành công. Vài con số thống kê đầu tiên minh hoạ cho thành quả của sự hợp tác đó : - 11 tiến sĩ, trong đó có 7 giảng viên của ĐHSP TPHCM, đã bảo vệ luận án ở UJF; - 6 tiến sĩ đã bảo vệ luận án ở ĐHSP TPHCM dưới sự đồng hướng dẫn của các giảng viên Pháp và Việt Nam; - 15 khóa thạc sĩ ngành Lí luận và Phương pháp dạy học toán đã được đào tạo tại ĐHSP TPHCM, với chất lượng được đánh giá cao bởi đội ngũ giảng viên cũng như cộng đồng các nhà nghiên cứu; Ý kiến trao đổi Số 10(88) năm 2016 ____________________________________________________________________________________________________________ 108 - 5 hội thảo quốc tế đã được tổ chức nhờ sự tài trợ của nước bạn và của chính ĐHSP TPHCM, 5 dự án hợp tác nghiên cứu khoa học đã được thực hiện, 1 trang web viết bằng ba thứ tiếng Việt – Pháp – Anh được thiết lập, 1 cuốn sách song ngữ phục vụ cho đào tạo và nghiên cứu được xuất bản cùng với nhiều bài báo xuất hiện trên các tạp chí chuyên ngành có uy tín ở trong và ngoài nước v.v. ... Lưu ý rằng quan hệ hợp tác trong nghiên cứu và đào tạo giáo viên giữa hai nước Pháp – Việt đã được chính thức khởi động từ năm 1987 ở miền Bắc và miền Trung, nhưng sau đó lại chỉ phát triển ở miền Nam, mà cụ thể là ở ĐHSP TPHCM. Nhờ đâu mà ĐHSP TPHCM đạt được thành công trong khi những trường đầu tiên tham gia chương trình hợp tác lại không tiếp tục phát triển được quan hệ với UJF? Qua bài viết này, chúng tôi sẽ chỉ ra một số yếu tố trả lời cho câu hỏi đó. Đặc biệt, từ việc nhìn lại lịch sử hình thành và phát triển quan hệ hợp tác giữa hai trường, chúng tôi sẽ chỉ ra những điều kiện để một chương trình hợp tác quốc tế được duy trì bền vững và đạt hiệu quả cao. 2. Quá trình hình thành và phát triển quan hệ hợp tác Giai đoạn 1. Hình thành quan hệ hợp tác Từ năm 1984, trong một dịp đến thăm Viện đào tạo giáo viên (Institution de Formation des Maîtres) của UJF, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam thời ấy đã bày tỏ mong muốn có sự hợp tác nghiên cứu với Cộng hòa Pháp trong lĩnh vực dạy học và đào tạo giáo viên. Tuy nhiên, suốt 4 năm sau đó hầu như vẫn không có một chương trình hợp tác nào được thiết lập giữa các trường sư phạm của hai nước. Phải đợi đến 1989, khi vị Viện trưởng này giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo, yêu cầu giúp đỡ cho công cuộc cải cách hệ thống giáo dục Việt Nam mà Ông đưa ra mới lôi cuốn được sự chú ý của Bộ Ngoại giao Pháp. Quan niệm rằng có thể tạo ra bước tiến mới cho cộng đồng Pháp ngữ, Bộ Ngoại giao Pháp đã xây dựng một kế hoạch hợp tác kéo dài nhiều năm (1990 – 1995) với Việt Nam và hỗ trợ tài chính để thực hiện. Từ 1989 đến 1995, nhiều hoạt động được triển khai. Tất cả các hoạt động này đều liên quan đến việc nghiên cứu những hiện tượng nảy sinh từ thực tế dạy – học, mà về phía Pháp thì nơi chịu trách nhiệm là Viện đào tạo giáo viên của UJF. Trong những năm đầu, các chuyên gia của UJF sang Việt Nam, thực hiện một số đợt giảng dạy kéo dài 3 tuần, nhằm giới thiệu những kiến thức ban đầu về Didactic cho các nhà quản lí, nhà nghiên cứu, đặc biệt là cho đội ngũ giảng viên các Trường Đại học Sư phạm (ĐHSP) Hà nội, Vinh, Huế, Quy Nhơn, TPHCM. Chính hoạt động này là nguồn gốc cho việc kí kết một Thỏa ước giữa liên trường ĐHSP Việt Nam với UJF và Viện đại học đào tạo giáo viên (IUFM – Institution Universitaire de Formation des Maîtres) của Grenoble. Từ thỏa thuận đó đã hình thành một chương trình đào tạo tại Pháp dành cho TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐHSP TPHCM Claude Comiti và tgk _____________________________________________________________________________________________________________ 109 các trường ĐHSP của Việt Nam : qua những đợt giảng dạy kéo dài ba tuần, các chuyên gia của UJF chọn ra một số cán bộ đã tham gia học tập để giới thiệu với Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam. Nếu thành công trong kì thi tiếng do Đại sứ quán tổ chức, những cán bộ này sẽ nhận được học bổng 9 tháng của Bộ ngoại giao Pháp để sang Grenoble học tập. Tại Grenoble, họ theo học một số chuyên đề của IUFM và đồng thời hoàn thành khóa đào tạo DEA (Diplôme d’étude approfondie, loại bằng cấp tương đương với bằng thạc sĩ của Việt Nam) về Didactic các môn học. Khoảng hai chục giảng viên toán, tin, vật lí của các trường ĐHSP đã hoàn thành chương trình đào tạo này. Kết thúc giai đoạn đó, Hội thảo thứ nhất của các nước nói tiếng Pháp vùng Đông Nam Á về “Didactic các môn học và công tác đào tạo giáo viên” đã được tổ chức tại TPHCM vào năm 1995, với sự tham gia của trên 200 thành viên đến từ Lào, Căm- pu-chia, Việt Nam, Pháp. Ba Đại sứ quán Pháp ở ba nước Đông Nam Á đã hỗ trợ tài chính cho hội thảo. Một trong những lí do để ĐHSP TPHCM được chọn làm đơn vị đăng cai tổ chức hội thảo là Hiệu trưởng nhà trường thời đó nhiệt thành bày tỏ ý muốn phát triển quan hệ hợp tác với UJF. Ở giai đoạn này ta có thể rút ra điều kiện thứ nhất của sự thành công: có chương trình hành động dài hạn được thể chế hóa, cho phép triển khai một pha tiên quyết theo mục đích hợp tác cùng được hai bên xác định. Trong trường hợp này, chương trình đó đã tạo nên sự thay đổi : quan hệ hợp tác không mang tính giúp đỡ một chiều mà là nhu cầu của cả hai bên đối tác. Cụ thể, chương trình nhắm đến sự tìm hiểu một mặt là của các nhà quản lí, nhà nghiên cứu Việt Nam về quy trình đào tạo giáo viên ở Pháp, về những công cụ lí thuyết cho phép xem xét hệ thống dạy học, mặt khác là của các chuyên gia didactic ở Grenoble về những điều kiện dạy học và đào tạo ở đất nước đối tác. Việc tìm hiểu song phương này đã tạo thuận lợi để cả yêu cầu lẫn hiệu quả giúp đỡ ngày càng được nâng cao. Một pha có tính quyết định như vậy đòi hỏi sự khiêm tốn ở cả hai phía : phía Việt Nam không ngại ngần bày tỏ những khiếm khuyết của hệ thống giáo dục, những nhu cầu, những khó khăn ; phía Pháp xác định rằng mục đích không phải là “xuất khẩu” những tri thức hoàn thiện mà là giúp đối tác tìm hiểu một số lí thuyết được hình thành qua các nghiên cứu ở nước ngoài, làm cho các lí thuyết đó thích nghi với hoàn cảnh của Việt Nam để chính đối tác có thể sử dụng nó vào nghiên cứu các vấn đề nảy sinh từ hệ thống giáo dục của họ. Giai đoạn 2: Tiến tới xây dựng một êkip giảng viên đại học có trình độ cao trong Didactic Toán ở ĐHSP TPHCM Bối cảnh thay đổi và nhu cầu cũng nâng cao: Ngay từ những năm 1990, một số cuộc cải cách lớn đã làm nảy sinh nhu cầu về đội ngũ chuyên gia có khả năng phân tích, đánh giá hệ thống giáo dục Ý kiến trao đổi Số 10(88) năm 2016 ____________________________________________________________________________________________________________ 110 cũng như thiết kế các đồ án dạy học và đào tạo giáo viên. Yêu cầu hợp tác tiến lên một bước: vấn đề bây giờ là phải làm sao để giảng viên của các trường cao đẳng, ĐHSP đạt trình độ cao và được trang bị những công cụ không thể thiếu để đảm bảo trọng trách của họ trong lòng hệ thống giáo dục đất nước. Yêu cầu này liên quan đến nhiều nước đối tác của Việt Nam như Pháp, Canada, Australie, Singapour Nó không còn trực tiếp gắn liền với cộng đồng Pháp ngữ nữa. Trước tình hình đó, năm 1995 chính phủ Pháp quyết định ngừng tài trợ tài chính cho các chương trình hợp tác giáo dục để chuyển kinh phí sang cho AUPELF-UREF, tổ chức từ nay chịu trách nhiệm phát triển hệ song ngữ Pháp – Việt trong các trường đại học ở Đông Nam Á. Bối cảnh mới này đã làm cho chương trình hợp tác giữa các trường ĐHSP Việt Nam với UJF mất đi nguồn tài chính vốn được đặt trong kế hoạch của Bộ Ngoại giao Pháp. Tuy nhiên, một thành quả cần phải ghi nhận là phần lớn những cán bộ phụ trách hệ thống giảng dạy song ngữ Pháp – Việt tại các trường ĐHSP đều đã được đào tạo về Didactic ở UJF. Ý thức được sự cần thiết phải có một đội ngũ mạnh để đảm nhiệm trọng trách đào tạo nghề cho sinh viên, Trường ĐHSP TPHCM có chủ trương củng cố tổ phương pháp giảng dạy của các khoa. Nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa liên trường ĐHSP Việt Nam và UJF, trường đã chú ý đến việc xây dựng một êkip Didactic Toán. Chủ trương này được thể hiện qua việc tuyển dụng vị tiến sĩ đầu tiên về Didactic Toán được đào tạo ở Pháp, vốn là cán bộ giảng dạy của một trường ĐHSP khác, đồng thời đề nghị các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Leibniz nhận làm đồng hướng dẫn khoa học cho hai giảng viên của trường đã có bằng DEA do UJF cấp: với sự tài trợ của UJF và vùng Rhône-Alpes, hai học bổng đã được dành cho họ làm luận án ở Grenoble. Điều kiện thứ hai đảm bảo cho sự thành công của quan hệ hợp tác quốc tế: thừa nhận và đánh giá đúng năng lực của đội ngũ cán bộ được đào tạo ở trình độ cao. Giai đoạn 3. Cùng xây dựng dự án mới: mở tại Trường ĐHSP TPHCM một cơ sở đào tạo về Didactic Toán ở trình độ trên đại học Vào giai đoạn này quan hệ hợp tác được đặt trước hai nghịch thế. Trường ĐHSP TPHCM để hoàn thành trọng trách của trường sư phạm trọng điểm cần phải: đào tạo giáo viên cho các trường trung học phổ thông và một số trường cao đẳng, đại học; bồi dưỡng thường xuyên đội ngũ giáo viên các tỉnh phía Nam; tham gia nghiên cứu những vấn đề nảy sinh từ thực tế trong bối cảnh thực hiện cuộc cải cách hệ thống giáo dục trên nhiều phương diện. UJF và Viện Nghiên cứu Leibniz thì lại bận tâm đến việc phát huy ảnh hưởng trên trường quốc tế, đồng thời cũng có nhiều tri thức, kĩ năng muốn được chia sẻ. Êkip Didactic Toán của TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐHSP TPHCM Claude Comiti và tgk _____________________________________________________________________________________________________________ 111 Leibniz đã tham gia vào chương trình hợp tác với Việt Nam ngay từ buổi khởi đầu, nay mong muốn tiến lên một bước mới nhằm mang lại những lợi ích mà theo họ là căn bản và quý giá, đồng thời kiểm chứng tính hữu hiệu của các công cụ lí thuyết ở một đất nước có nhiều sự lựa chọn khác với những gì đã được thực hiện trong lòng hệ thống giáo dục nước Pháp. Việc ba tiến sĩ đầu tiên về Didactic Toán do UJF đào tạo được nhóm lại thành một êkip làm việc tại ĐHSP TPHCM đã tạo điều kiện cho bước tiến quan trọng này của chương trình hợp tác. Thêm vào đó còn có sự trợ giúp nhiệt thành, bền bỉ của một số giảng viên công tác tại khoa Tiếng Pháp, đã bảo vệ luận án tiến sĩ ở Đại học Rouen và vẫn duy trì quan hệ hợp tác với trường đại học này. Kể từ đó một giai đoạn hợp tác mới bắt đầu : ĐHSP TPHCM xin phép Bộ mở mã số đào tạo thạc sĩ hai chuyên ngành Lí luận và Phương pháp dạy học Toán và tiếng Pháp. Trường trở thành cơ sở đào tạo thạc sĩ về các chuyên ngành này theo một chương trình hoàn toàn mới. Điều đáng nói là dù không còn bất cứ sự hỗ trợ tài chính nào của Bộ Ngoại giao Pháp, sự hợp tác vẫn được duy trì, dựa vào mong muốn kiên định của cả hai bên đối tác. Cụ thể là ĐHSP TPHCM trợ cấp tiền ở và phương tiện đi lại trong thành phố cho chuyên gia Pháp, còn Viện Nghiên cứu Leibniz thì tìm kinh phí từ mọi nguồn để có thể hỗ trợ tiền vé máy bay cho những chuyến công tác của các giảng viên Pháp – Việt. Dưới đây là những mốc quan trọng và một số kết quả chủ yếu của giai đoạn hợp tác này. Tháng 9 năm 1999 : Hội thảo Didactic và Phương pháp giảng dạy với sự tham gia của Khoa Toán, Khoa Tiếng Pháp, Viện Nghiên cứu Leibniz, nhằm làm rõ những điểm chung cũng như sự khác biệt của hai trường phái khoa học, từ đó soạn thảo các chuyên đề thuộc phần chuyên ngành cho chương trình đào tạo thạc sĩ Lí luận và Phương pháp dạy học Toán tại ĐHSP TP HCM. Tính mới mẻ của chương trình nằm ở những lí thuyết được hình thành từ Pháp. Trong bài báo, để nói một cách ngắn gọn, chúng tôi đã và sẽ gọi Lí luận và Phương pháp dạy học theo trường phái hình thành từ Pháp là Didactic, đúng như cách gọi của cộng đồng nghiên cứu Pháp. Chương trình này được thừa nhận là tương đương với chương trình đào tạo thạc sĩ (trước đây là DEA, hiện nay là Master 2) của UJF về Didactic các môn khoa học. Điều đó cho phép những học viên biết tiếng Pháp và bảo vệ luận văn trước một hội đồng có sự tham gia của các chuyên gia Pháp có thể đăng kí làm luận án tại UJF (theo thỏa thuận kí kết giữa hai trường). Tháng 9 năm 2000: tiếp nhận khóa thạc sĩ đầu tiên với 10 học viên, trong đó có 3 người biết tiếng Pháp. Trong hai năm đầu, 300 giờ dạy được các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Leibniz đảm nhiệm, thực hiện qua 4 chuyến công tác, mỗi chuyến kéo dài 3 tuần. Giảng viên Việt Nam chịu trách nhiệm chuẩn bị tài liệu, dịch bài giảng cho những học Ý kiến trao đổi Số 10(88) năm 2016 ____________________________________________________________________________________________________________ 112 viên không biết tiếng Pháp, trợ giảng cho chuyên gia Pháp, đồng thời độc lập đảm nhiệm một số giờ dạy. Giữa các giảng viên Pháp và Việt thường xuyên có sự trao đổi về chuyên môn để hướng dẫn học viên làm luận văn tốt nghiệp. Sau khi hoàn thành khóa học, 3 học viên biết tiếng Pháp của khóa thạc sĩ đầu tiên đã nhận được học bổng sang UJF làm luận án tiến sĩ. Kể từ năm 2003, việc giảng dạy các chuyên đề thạc sĩ hoàn toàn do nhóm giảng viên Việt Nam được đào tạo ở UJF đảm nhiệm. Tháng 6 năm 2005 : Hội thảo quốc tế lần thứ hai về Didactic và Phương pháp giảng dạy Toán đã được Khoa Toán - Tin Trường ĐHSP TPHCM tổ chức, với sự tham gia của hơn 100 nhà nghiên cứu, giảng viên các trường cao đẳng, đại học và giáo viên phổ thông. Nhiều nghiên cứu sinh theo học ở các cơ sở khác tỏ ra quan tâm đặc biệt đến những công cụ lí thuyết do Didactic cung cấp cho việc xem xét các vấn đề nảy sinh từ thực tiễn của hệ thống giáo dục. Tháng 3 năm 2007 : Nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu Didactic của cộng đồng các nhà nghiên cứu Ngành Lí luận và Phương pháp dạy học toán, đồng thời phát huy ảnh hưởng của mình, ĐHSP TPHCM, thông qua Khoa Toán – Tin, đã tổ chức ở Đà Lạt Trường xuân Didactic Toán. Hơn bốn mươi nghiên cứu sinh và giảng viên trẻ đến từ khắp các miền Bắc, Trung, Nam đã tham dự. Êkip giảng viên Pháp – Việt chịu trách nhiệm về mặt khoa học trong chương trình đào tạo. Hơn thế, một trang web Didactic Toán viết bằng ba thứ tiếng Việt – Pháp – Anh được hình thành. Đầu năm 2008 : ĐHSP TPHCM được Bộ Giáo dục - Đào tạo đồng ý cho mở mã số đào tạo Tiến sĩ chuyên Ngành Lí luận và Phương pháp dạy học Toán. Điều đó giúp cho những thạc sĩ không biết tiếng Pháp có thể tiếp tục nghiên cứu Didactic Toán ở cấp độ cao hơn. Năm 2009 : Cuốn sách song ngữ Việt – Pháp Những yếu tố cơ sở của Didactic Toán (Eléments fondamentaux de didactique des mathématiques) được xuất bản và phổ biến trên toàn quốc. Năm 2010, 2012 : Hội thảo quốc tế lần thứ ba, thứ tư về Didactic và Phương pháp giảng dạy Toán lại được Khoa Toán - Tin - ĐHSP TP HCM tổ chức. Năm 2015 : Hội thảo lần thứ năm với quy mô tương tự được tổ chức ở Huế nhờ sự cộng tác giữa ĐHSP TPHCM, ĐHSP Huế và UJF. Các hội thảo là dịp để êkip giảng viên Pháp – Việt, nghiên cứu sinh, thạc sĩ báo cáo kết quả nghiên cứu được thực hiện trong khuôn khổ hợp tác. Uy tín và chất lượng đào tạo ngành Didactic Toán của ĐHSP TPHCM được nâng cao, lôi cuốn sự quan tâm của cộng đồng nghiên cứu lĩnh vực Lí luận và Phương pháp dạy học. Tính đến tháng 7 năm 2016 : 11 tiến sĩ đã bảo vệ luận án ở Pháp (với 10 học bổng của bạn và 1 học bổng theo dự án 911 của Việt Nam). Bảy người trong TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐHSP TPHCM Claude Comiti và tgk _____________________________________________________________________________________________________________ 113 số đó là giảng viên của ĐHSP TPHCM. Những tiến sĩ còn lại, tuy không phải là giảng viên của Trường, nhưng cũng tham gia vào việc đào tạo sau đại học ngành Lí luận và Phương pháp dạy học Toán do Trường quản lí. Trong khuôn khổ đào tạo đó đã có 15 khóa thạc sĩ với gần 200 học viên được cấp bằng. Hai tiến sĩ đã bảo vệ luận án dưới sự đồng hướng dẫn của các giảng viên Pháp – Việt. Bốn tiến sĩ còn lại đã làm việc với sự hướng dẫn của các giảng viên Việt Nam. Hiện nay êkip giảng viên Việt đang hướng dẫn thêm gần chục nghiên cứu sinh khác. Cần phải nói rằng, không chỉ phát huy ảnh hưởng ở miền Nam, chất lượng cũng như chương trình đào tạo của chuyên ngành Didactic Toán đã khiến không ít ứng viên ở miền Trung và miến Bắc bày tỏ ý muốn làm luận án tại ĐHSP TPHCM. Để đáp ứng nhu cầu thực tế ngày càng nhiều đó, ĐHSP TPHCM cần phải tăng cường hơn nữa lực lượng giảng viên có trình độ cao. Một kết quả khác cũng cần phải được nêu lên: với mong muốn giúp ĐHSP TPHCM phát triển các tổ phương pháp giảng dạy khác, UJF nhận đào tạo một sinh viên tốt nghiệp hệ song ngữ của Khoa Vật lí. Nghiên cứu sinh này đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Didactic Vật lí ở Grenoble. Vào tháng 10 năm 2006, một cán bộ trẻ của khoa Vật lí được sang Pháp học tập trong khuôn khổ hợp tác giữa hai trường. Hợp tác nghiên cứu khoa học: 10 học bổng cho các nghiên cứu sinh sang UJF học là do lãnh sự quán Pháp hoặc AUF cấp; ngoài ra, kinh phí của 5 dự án nghiên cứu khoa học do phía bạn tài trợ đã tạo điều kiện cho 2 giảng viên của trường tiếp tục sang Pháp nghiên cứu sau khi đã bảo vệ luận án tiến sĩ. Hơn thế, nhờ vào đó mà đều đặn hàng năm các giảng viên Pháp có thể tiếp tục sang làm việc tại ĐHSP TPHCM. Đó là các dự án : - MIRA 2002-2004: Algorithmique et programmation dans l’enseignement des mathématiques à l’aide de la calculatrice : étude didactique pour la création d’un site Internet de formation des enseignants ; - DUO - France 2003 Integrating pocket calculators within mathematics teaching; - DUO - France 2005 Creation of an trilingual web site (french-vietnamese- english) in didactics of mathematics; - MIRA 2008 Modélisation mathématique de phénomènes variables dans l'enseignement à l'aide de la géométrie dynamique ; - MIRA 2011-2012: L’enseignement des Statistiques et Probabilité dans la formation des médecins (có sự tham gia của Trường Đại học Y Dược TPHCM). Do về sau, phía bạn gặp khó khăn trong việc tìm nguồn tài trợ nên ĐHSP TPHCM đã đóng góp thêm một phần kinh phí để duy trì mối quan hệ hợp tác này. Nhìn lại giai đoạn này, có thể khẳng định điều kiện thứ ba của sự thành công: quan hệ hợp tác đạt nhiều thành quả như vậy là nhờ việc cùng nhau xây Ý kiến trao đổi Số 10(88) năm 2016 ____________________________________________________________________________________________________________ 114 dựng tuần tự các bước thực hiện sao cho phù hợp với bối cảnh, và nhờ sự kiên định duy trì mối quan hệ của cả hai bên. Đặc biệt, việc tự nhận trách nhiệm về một phần kinh phí của ĐHSP TPHCM đã giúp duy trì dài lâu mối quan hệ hợp tác. Trong khi đó, khi không còn sự tài trợ của Bộ Ngoại giao Pháp, các trường ĐHSP khác dần dần không còn trong chương trình hợp tác của UJF, dù trước đây họ từng là những đối tác có mặt trước so với ĐHSP TPHCM. Chủ trương kiên định của ĐHSP TPHCM được thực thi bởi các đơn vị cơ sở, ở đây Khoa Toán – Tin, Phòng Sau đại học đóng vai trò quan trọng. Lãnh đạo các đơn vị này luôn ủng hộ, tìm mọi cách để duy trì quan hệ một cách có hiệu quả. Đặc biệt, Khoa Toán – Tin đã đóng góp nhiều công sức vào các hoạt động hợp tác. Những cán bộ liên quan trực tiếp cũng đã làm việc với một tinh thần trách nhiệm cao. Đây là điều kiện thứ tư của sự thành công: những nhân tố đã được đào tạo tại Pháp cần tiếp tục hoạt động nghiên cứu khoa học tại Việt Nam và tình nguyện gánh những nhiệm vụ để duy trì và phát triển mối quan hệ hợp tác. 3. Kết luận Đánh giá chung về thành quả hợp tác Chương trình hợp tác với UJF (nay là UGA) ngày càng phát triển, góp phần quan trọng vào việc xây dựng đội ngũ cũng như phát huy ảnh hưởng của ĐHSP TPHCM. Thông qua chương trình đó, trong khoảng thời gian ngắn ĐHSP TPHCM đã có được một êkip mạnh, đáp ứng những điều kiện cho phép để mở mã số đào tạo thạc sĩ và sau đó là tiến sĩ chuyên ngành Lí luận và Phương pháp dạy học Toán. Đây là một nhân tố quan trọng đối với việc nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo và vị thế của ĐHSP TPHCM. Nó đã thu hút được ngày càng nhiều giảng viên các trường đại học, cao đẳng sư phạm ; học viên; giáo viên phổ thông theo học chuyên ngành và đều thực sự cảm thấy bổ ích và say mê. Đó chính là động lực để một số giáo viên sau khi được đào tạo tại ĐHSP TPHCM đã chủ động nhóm lại với nhau, nhằm vận dụng những công cụ lí thuyết được trang bị vào nghiên cứu các vấn đề nảy sinh từ thực tiễn dạy học của chính bản thân cũng như của đồng nghiệp, hay tham gia vào những dự án lớn hơn do giảng viên ĐHSP TPHCM chủ trì. Như thế, thông qua đội ngũ thạc sĩ Lí luận và Phương pháp dạy học Toán do mình đào tạo, ĐHSP TPHCM đang góp phần tích cực vào công cuộc nâng cao chất lượng giáo dục. Việc chuyển giao công nghệ cho ĐHSP TPHCM đạt hiệu quả cao: Các giảng viên Việt Nam không chỉ làm chủ hoàn toàn chương trình đào tạo thạc sĩ mà còn chủ trì khá nhiều đề tài nghiên cứu cấp Bộ, là đồng hướng dẫn cho các nghiên cứu sinh được tiếp tục đào tạo tại UJF hoặc tại chính ĐHSP TPHCM; tham gia viết sách giáo khoa và được đánh giá cao trong đội ngũ tác giả Năng lực của họ được nuôi dưỡng, phát triển nhờ tiếp xúc thường xuyên với cộng đồng Didactic Pháp (qua những chuyến công TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐHSP TPHCM Claude Comiti và tgk _____________________________________________________________________________________________________________ 115 tác hàng năm ở Viện Nghiên cứu Leibniz và qua các trường hè Didactic Toán tổ chức ở Pháp). Sự hợp tác dài lâu này hoàn toàn không phải theo một chiều duy nhất. Nếu như quan hệ lúc khởi đầu là hỗ trợ của Pháp đối với Việt Nam, thì nay nó đã được chuyển thành sự cộng tác khoa học của hai êkip Pháp – Việt, bao gồm những nghiên cứu chung trên một số chủ đề đang được Việt Nam quan tâm, chẳng hạn như “khai thác công nghệ thông tin vào dạy học toán theo quan điểm tích hợp, liên môn, tích cực hóa hoạt động học tập của học sinh và gắn toán học với thực tiễn”. Hiện nay chủ đề nghiên cứu chung đang được phát triển theo một hướng còn ít được nghiên cứu ở Việt Nam, đó là dạy toán trong các trường đào tạo nghề, ví dụ như đại học y – dược, đại học kinh tế. Theo các chuyên gia Pháp, những năm tham gia giảng dạy và đồng hướng dẫn luận văn các khóa thạc sĩ cũng mang lại cho họ nhiều lợi ích: Việc đối chiếu sự lựa chọn của hai thể chế dạy học khác nhau (ở Việt Nam và Pháp) là cơ sở để các nhà nghiên cứu đặt ra một số câu hỏi về những kiến thức mới. Việc đồng hướng dẫn các luận án tiến sĩ đã dẫn họ đến chỗ triển khai một phương pháp luận nghiên cứu theo quan điểm so sánh. Điều đó giúp họ hiểu rõ hơn hệ thống giáo dục Việt Nam, đồng thời cũng bổ sung thêm kiến thức về hệ thống dạy học của Pháp. Những thành quả này góp phần làm phong phú thêm lí thuyết Didactic ra đời từ Pháp. Phía sau bao điều quý giá, tình bạn đã nảy sinh: Các chuyên gia Pháp xem Việt Nam như quê hương thứ hai của họ và lãnh đạo ĐHSP TPHCM cũng đã không ít lần phát biểu là Trường coi họ như giảng viên của Trường. Triển vọng Nhiều yêu cầu mới đã phát sinh từ thực tế của giáo dục đại học Việt Nam những năm qua – một nền giáo dục khá phát triển về số lượng nhưng chưa đủ về chất lượng và còn có khoảng cách không nhỏ so với nhiều nước trong khu vực. Song song với cuộc cải cách đang thực hiện ở bậc phổ thông về quy trình đào tạo, nội dung, chương trình và phương pháp dạy học, không thể không cải tiến và hiện đại hóa nền giáo dục đại học. Các trường ĐHSP đứng trước những trọng trách nặng nề: Phải tự hoàn thiện mình để có thể đào tạo lớp lớp sinh viên đáp ứng được đòi hỏi của tương lai, đồng thời chịu trách nhiệm nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên đang trực tiếp thực hiện công cuộc cải cách nền giáo dục phổ thông. Để làm được điều đó, trước hết những trường này phải có kế hoạch nâng cao trình độ giảng viên đại học, đặc biệt là đối với bộ môn Lí luận và Phương pháp dạy học. Ngoài những nhiệm vụ đó, ở vị trí một trường ĐHSP trọng điểm, Trường ĐHSP TPHCM còn phải giúp một số trường đại học, cao đẳng ở khu vực phía Nam nâng cao trình độ giảng viên. Ý thức được điều này, Khoa Toán-Tin Trường ĐHSP TPHCM đã và đang chú trọng củng cố tổ phương pháp dạy học Ý kiến trao đổi Số 10(88) năm 2016 ____________________________________________________________________________________________________________ 116 toán. Tổ còn giúp đỡ Trường ĐHSP Huế, Đại học Cần Thơ trong việc hướng dẫn luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ, sau khi đã giảng dạy một số nội dung về Didactic Toán cho các lớp thạc sĩ của trường bạn, v.v. Cũng chính trong bối cảnh ấy mà Hội thảo Quốc tế lần thứ sáu về Didactic Toán đang được hai bên đối tác tích cực chuẩn bị để tổ chức vào năm 2017. Đồng thời, một dự án nghiên cứu mới về vấn đề dạy toán cho sinh viên các ngành y – dược và kinh tế đang được triển khai. Trong nội bộ ĐHSP TP HCM, mô hình hợp tác giữa Khoa Toán - Tin và UJF đã bắt đầu được mở rộng tại các Khoa Giáo dục Tiểu học, Công nghệ Thông tin. Hơn thế, những đề tài nghiên cứu đã thực hiện sẽ góp phần mang lại cơ sở lí luận và thực tiễn quan trọng cho lần thay đổi sách giáo khoa phổ thông sắp tới mà Việt Nam đang chuẩn bị. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Bessot A., Comiti C. (2004) Some Comparative Studies between France and Vietnam curriculums, Mathematics Education in Different Cultural Traditions: A comparative study of East Asia and the West, Krugel Ed. 2. Bessot A., Comiti, C. Lê Thị Hoài Châu, Lê Văn Tiến (2016), La tradiction didactique française dans une coopération entre la France et le Viet Nam, La tradiction didactique française au delà des frontières – Exemples de collaborations avec l’Afrique, l’Amérique latin et l’Asie, tr.125-139. 3. Comiti C., Trần Văn Tấn., Birebent A., Bessot A. (2006) Comment créer les conditions d’une coopération réussie ? Une étude de cas. Actes électroniques du colloque international Espace Mathématique Francophone 2006, Sherbrooke, Canada. (Ngày Tòa soạn nhận được bài: 21-8-2016; ngày phản biện đánh giá: 12-9-2016; ngày chấp nhận đăng: 21-10-2016)
File đính kèm:
- nhung_dieu_kien_tao_nen_mot_su_hop_tac_quoc_te_co_hieu_qua.pdf