Phật giáo trong đời sống người dân Làng Vân thế kỷ XVII - XIX qua nguồn sử liệu văn bia

Tóm tắt: Văn bia là một loại hình văn bản đá khá đặc biệt được

trình bày công phu, chạm trổ tinh tế, mang giá trị thẩm mỹ cao.

Loại hình văn bản này gắn với các nơi thờ cúng, lưu niệm, danh

lam cổ tích,. Vì thế, mỗi tấm bia từ hình thức đến nội dung đều

được quy ước chặt chẽ, hình thành phong cách, phản ảnh khả năng

nhận thức và thẩm mỹ của từng giai đoạn lịch sử xã hội. Văn bia ở

làng Vân từ đầu thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XIX là một nguồn tư

liệu có giá trị nghiên cứu về nhiều lĩnh vực, trong đó có tôn giáo.

Bài viết này trình bày vị trí của Phật giáo trong đời sống người

dân làng Vân thể hiện qua văn bia, đồng thời góp phần nghiên cứu

một khía cạnh văn hóa làng xã Việt Nam.

pdf 9 trang yennguyen 10260
Bạn đang xem tài liệu "Phật giáo trong đời sống người dân Làng Vân thế kỷ XVII - XIX qua nguồn sử liệu văn bia", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Phật giáo trong đời sống người dân Làng Vân thế kỷ XVII - XIX qua nguồn sử liệu văn bia

Phật giáo trong đời sống người dân Làng Vân thế kỷ XVII - XIX qua nguồn sử liệu văn bia
78 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 7 - 2015 
NGÔ VĂN CƯỜNG * 
PHẬT GIÁO TRONG ĐỜI SỐNG NGƯỜI DÂN LÀNG VÂN 
THẾ KỶ XVII - XIX QUA NGUỒN SỬ LIỆU VĂN BIA 
Tóm tắt: Văn bia là một loại hình văn bản đá khá đặc biệt được 
trình bày công phu, chạm trổ tinh tế, mang giá trị thẩm mỹ cao. 
Loại hình văn bản này gắn với các nơi thờ cúng, lưu niệm, danh 
lam cổ tích,... Vì thế, mỗi tấm bia từ hình thức đến nội dung đều 
được quy ước chặt chẽ, hình thành phong cách, phản ảnh khả năng 
nhận thức và thẩm mỹ của từng giai đoạn lịch sử xã hội. Văn bia ở 
làng Vân từ đầu thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XIX là một nguồn tư 
liệu có giá trị nghiên cứu về nhiều lĩnh vực, trong đó có tôn giáo. 
Bài viết này trình bày vị trí của Phật giáo trong đời sống người 
dân làng Vân thể hiện qua văn bia, đồng thời góp phần nghiên cứu 
một khía cạnh văn hóa làng xã Việt Nam. 
Từ khóa: Phật giáo, làng Vân, văn bia. 
1. Khái quát về nguồn sử liệu văn bia làng Vân 
Làng Vân (tên chữ là Yên Viên) là một làng cổ truyền thuộc xã Vân Hà, 
huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Từ thời Lê đến cuối thời Nguyễn, làng 
Vân là lỵ sở của huyện Yên Việt (năm 1820 huyện Yên Việt đổi tên thành 
huyện Việt Yên). Đây là một làng có nguồn sử liệu văn bia phong phú, có 
giá trị nghiên cứu nhiều mặt của đời sống làng xã, trong đó có tôn giáo. 
Năm 2003, cuốn Địa chí Bắc Giang - Di sản Hán Nôm do Uỷ ban 
nhân dân tỉnh Bắc Giang xuất bản, công bố xã Yên Viên (làng Vân) có 
117 thác bản. Tuy nhiên, một số thác bản được công bố trên do thiếu thực 
tế khảo sát nên một số bia có 2 mặt, 3 mặt sau khi in dập biến thành 2 
thác bản văn bia1. Qua khảo sát thực địa kết hợp với so sánh đối chiếu 
với thác bản lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, chúng tôi thấy số 
lượng bia ký ở làng Vân có 107, trong đó chỉ có 91 bia còn hiện vật. 
Nguồn sử liệu văn bia cho biết làng Vân có 3 ngôi chùa: Diên Phúc, 
Khánh Độ và Quảng Lâm. Qua phân loại, chùa Diên Phúc có số lượng 
*
 Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Giang. 
Ngô Văn Cường. Phật giáo trong đời sống... 79 
 79
bia nhiều nhất, với 85 bia và cũng là nơi có nhiều văn bia nhất ở một ngôi 
chùa. 22 bia còn lại bao gồm bia ở điếm của các giáp có 8 bia (trong đó 
có 1 bia không rõ niên đại), chùa Quảng Lâm có 5 bia, chùa Khánh Độ có 
3 bia, Đình có 1 bia, Từ có 3 bia, Đền có 2 bia. Số bia này được tạo tác từ 
đầu thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX (chủ yếu từ thế kỷ XVII đến thế kỷ 
XIX). Tuy số văn bia ở chùa Diên Phúc nhiều, nhưng có một phần do dân 
làng Vân quy tụ về từ đình làng Vân, chùa Khánh Độ, chùa Quảng 
Lâm, Vì vậy, cũng chưa thể chắc chắn số bia hiện có ở chùa Diên Phúc 
hoàn toàn được tạo lập tại chùa Diên Phúc. 
Đây là nguồn sử liệu có giá trị nghiên cứu về nhiều lĩnh vực, trong đó 
có tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo. Chúng tôi muốn đi sâu tìm hiểu từ 
nguồn sử liệu này về vị trí của Phật giáo trong đời sống nhân dân làng 
Vân, góp phần nghiên cứu tôn giáo trong văn hóa làng xã Việt Nam. 
2. Một số nội dung được phản ảnh qua văn bia 
2.1. Lịch sử xây dựng, sửa chữa chùa 
Như trên đã đề cập, nguồn sử liệu văn bia cho biết, làng Vân có 3 ngôi 
chùa: Diên Phúc, Khánh Độ, Quảng Lâm, trong đó văn bia phản ảnh về 
chùa Diên Phúc là nhiều nhất. Văn bia tạo năm Đức Long thứ 7 (1635) có 
2 mặt: Mặt 1 có tiêu đề “Diên Phúc tự chung các điền bi ký”; Mặt 2 có 
tiêu đề “Thủy tạo điền công đức bi”. Đây là văn bia có niên đại sớm nhất 
ở làng Vân. Mặt 1 của văn bia cho biết, chùa Diên Phúc vốn là thổ trạch, 
ruộng ao, bến đò của vị tướng quân họ Trịnh ở hai bên sông: từ ba đoạn 
đường đê thuộc huyện Yên Phong đến ruộng Tam Bảo xứ Đồng Tròn2. 
Trong quá trình sưu tầm tài liệu, chúng tôi được ông Nguyễn Văn Yên ở 
xóm 2, làng Vân cung cấp một cuốn sách chép tay, chữ Hán, giấy dó khổ 
25 cm x 15 cm, niên đại sách thời Nguyễn. Sách ghi lai lịch Trịnh tướng 
quân tên là Trịnh Lam, quê ở Thanh Hóa, làm thượng tướng quân dưới 
triều Lê, có công đánh giặc. Sau đó, có công xây dựng chùa Diên Phúc, 
mở trường dạy học nên được nhân dân thờ ở chùa và xây dựng đền thờ. 
Đền Trung ở làng Vân hiện nay thờ Trịnh tướng quân với thần hiệu: 
“Tiền triều Phụ quốc Thượng tướng quân Trịnh tướng công thần vị”. 
Nguồn sử liệu văn bia cũng cho biết, thế kỷ XVII, các nhà sư ở chùa 
Diên Phúc tu tập theo dòng thiền. Nhiều văn bia thường xuất hiện cụm từ 
“Thiền sư”, tiêu biểu là bia “Phật pháp tăng bảo” tạo năm Cảnh Trị thứ 3 
(1665) cho biết nhà sư Chân Pháp Xuân thuộc thiền phái Trúc Lâm, tu 
theo Hạnh đầu đà mà Ca Diếp được coi là Đầu đà đệ nhất (Nguyên văn 
80 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 7 - 2015 
 80
dịch âm “Trúc Lâm đầu đà đại giác huệ khánh minh tĩnh, pháp hiệu Diêm 
Chân Pháp Xuân thiền sư”). Phật hoàng Trần Nhân Tông cũng tu theo 
Hạnh đầu đà này. 
Chùa Diên Phúc có 31 văn bia liên quan đến việc xây dựng, sửa chữa, 
tôn tạo, hiến đất vườn cúng dường các công trình trong chùa, trong đó có 
27 bia có niên đại (niên đại sớm nhất là năm 1635, muộn nhất là năm 
1891), phản ảnh quá trình liên tục việc hưng công, xây dựng, hoàn thiện 
các công trình của chùa Diên Phúc. Thời kỳ triều Lê là thời kỳ chùa Diên 
Phúc mở mang xây dựng nhiều công trình phụ trợ nhất như: gác chuông, 
đúc chuông, đào giếng, xây tường, lát gạch đường vào chùa, xây dựng 
hậu đường,... trong khi ở thời kỳ triều Nguyễn có nhiều lần trùng tu, sửa 
chữa nhất: triều Tự Đức có 11 lần tiến hành sửa chữa chùa, tô tượng hậu; 
triều Thành Thái 3 (1891): 2 lần. 
Không rõ chùa Khánh Độ được xây dựng vào năm nào, nhưng qua 
một văn bia tạo tác năm Vĩnh Thịnh thứ 2 (1706) khắc ghi việc huyện sĩ 
kiêm trùm trưởng xã Yên Viên cúng 9 thửa ruộng vào chùa Khánh Độ để 
xin gửi giỗ khi qua đời cho bản thân và cha mẹ vì không có con, không 
người thờ phụng thì có thể đoán định chùa Khánh Độ đã có trước năm 
1706. Văn bia phản ánh về việc công đức, tu bổ chùa Khánh Độ không 
nhiều, chỉ có một văn bia tạo năm Minh Mệnh thứ 16 (1835) cho biết 
chùa Khánh Độ được trùng tu; một văn bia tạo năm Tự Đức thứ 8 (1855) 
ghi về việc chùa Khánh Độ làm tòa hậu đường. Nhưng đáng chú ý bia 
“Trùng tu Khánh Độ tự bi ký” tạo năm Minh Mệnh thứ 16 cho biết chi 
tiết ở chùa Khánh Độ có thực hành pháp tu Mật, hoặc có yếu tố Đạo giáo. 
Văn bia này cho biết vào những năm hạn hán, mất mùa, người dân làng 
Vân đều tiến hành cầu đảo ở chùa Khánh Độ và luôn được linh ứng. 
Thông tin về chùa Quảng Lâm (người dân gọi là Chùa Dộc) rất ít, chỉ 
có một văn bia năm Minh Mệnh thứ 20 cho biết hơn 200 người cung tiến 
vào chùa Quảng Lâm và một văn bia năm Tự Đức thứ 12 ghi việc trùng 
tu chùa Quảng Lâm. 
2.2. Phản ảnh việc lập gửi, cúng Hậu 
Gần 50% (53/107) văn bia phản ảnh việc gửi, cúng Hậu của người dân 
làng Vân. Các văn bia này đều có tiêu đề: Hậu Phật bi, hoặc Hậu Phật bi 
ký và có nội dung xin bầu Hậu, gửi Hậu, gửi giỗ. Tuy nhiên, cũng có một 
số văn bia tuy phản ảnh việc gửi giỗ nhưng ghi là: Ký kỵ chi bi, hoặc Ký 
kỵ bi ký. Đối với việc bầu Hậu giáp thường có tiêu đề: Bản giáp hậu bi 
Ngô Văn Cường. Phật giáo trong đời sống... 81 
 81
ký, Bản giáp hậu bi. Có 85 bia là bia lập hậu Phật, Hậu giáp, hậu Thần, 
hậu Hiền. Trong đó, bia Hậu Phật có 74/85 chiếm tỷ lệ 87 %. Sau đó là 
bia Hậu giáp 8/85 chiếm tỷ lệ 9,4 %, bia Hậu thần 2/85, chiếm tỷ lệ 2,3 
%; bia hậu Hiền có 1/85, tỷ lệ 1,1 %. 
Hậu Phật là người cúng dường tiền, của để được thờ cúng trong chùa. 
Ở khía cạnh này, văn bia được coi là văn bản khoán ước giữa chủ thể xin 
bầu Hậu Phật với nhà chùa, chức dịch trong làng xã. Gia đình xin bầu 
Hậu ký văn bản với đại diện của dân làng. Ví dụ, bia “Hậu Phật bi”, niên 
đại Cảnh Hưng thứ 39 (1778) ghi: “Thường nghe: Phật lấy từ bi làm gốc 
để khai thông cửa cứu độ chúng sinh. Người ta muốn được hương hỏa thì 
phải có duyên biết việc quy y nhà Phật. Nay ông Đỗ Công Kim, tự Phúc 
Đa, vợ là bà Đỗ Thị Phiên hiệu Từ Kiến, sống ở trần thế mà thường nghĩ 
tới các bậc người thân đã từng đẹp duyên loan phượng nên hằng mong 
về sức lớn của nhà Phật mà được hưởng sự thờ cúng lâu dài. Vì thế thu 
gom tài vật của nhà cúng cho nhà Phật để được có duyên ở chùa”, hoặc 
bia “Hậu Phật bi ký” tạo năm Tự Đức thứ 13 (1860) ghi: “Kỳ lão, hương 
lão, lý dịch cùng toàn xã Yên Viên, huyện Việt Yên, phủ Lạng Giang 
cùng nhau lập bia để làm cho giáo lý từ bi nhà Phật được ban ra rộng 
khắp. Nhập vào giáo Pháp là có thể quy y nhà Phật vậy Một người có 
lòng tốt như thế lại có người chồng cũ và người con gái đã quá cố nên bà 
muốn đặt hậu cho các vị và bản thân mình được gửi giỗ ở chùa, thật là 
việc thiện lắm thay, và việc đó cũng có thể phổ hóa đạo Phật từ bi rộng 
khắp được. Bản xã xét việc đã cùng nhau đồng lòng cho bà được gửi giỗ 
ở chùa để nối tiếp việc hương hỏa mai sau. Hằng năm, các tăng ni làm lễ 
tế độ cho các vị vào ngày giỗ chạp”. 
Việc gửi hậu ở chùa đã giải tỏa cho những gia đình không có người 
thừa tự. Do vậy, họ công đức vào chùa tiền, ruộng để sau này vào các tiết 
lệ, ngày giỗ sẽ được nhà sư siêu độ cho vong linh siêu thoát. Việc gửi 
Hậu có nhiều hoàn cảnh khác nhau, thông thường nhất là lo cho bản thân 
và người thân. Lo cho bản thân có thể là trường hợp không có chồng, 
góa, không có con, hoặc không có con trai nối dõi. Lo cho người thân là 
các trường hợp: ông ngoại; chồng, con gái và bản thân; con trai và bản 
thân; bà ngoại; em trai mất sớm; chị gái, anh rể và cháu con anh rể; chị 
gái mất sớm; mẹ cả và người thân của mẹ; vợ cả; mẹ kế; bố mẹ nuôi; dì. 
Mặc dù phổ biến việc xin bầu hậu là do không có người hương hỏa, 
nhưng cũng có trường hợp do sùng Phật nên xin bầu Hậu để tạc bia. 
82 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 7 - 2015 
 82
Một lý do khác để được bầu Hậu là khi làng, xã cần tiền để nộp thuế, 
sửa chữa đình, chùa, Những trường hợp này không phân biệt người 
trong hay ngoài làng, hễ giúp đỡ tiền hoặc ruộng đều được dân làng xã bầu 
Hậu cúng giỗ lâu dài. Thủ tục bầu Hậu có thể khái quát như sau: Khi làng 
xã có việc, thông báo bầu Hậu, hoặc những người có nguyện vọng cung 
tiến tiền, ruộng để được bầu Hậu thì đại diện các chức sắc trong làng, xóm 
(nếu là hậu thần, hậu giáp), và đại diện của nhà chùa (nếu là hậu Phật) họp 
bàn và ra văn bản cam kết giữa làng, xã với người được bầu Hậu. Văn bản 
ghi rõ số tiền, ruộng của người xin bầu Hậu; lý do mong được bầu là Hậu. 
Dân làng cam kết khắc bia, thỏa thuận số vật phẩm cúng giỗ và thời gian 
giỗ hằng năm. Ví dụ, “Ký kị bi ký” tạo năm Tự Đức thứ 12 (1859) ghi: 
“Nguyễn Công Thuế ở bản xã là người lương thiện đã qua đời, vợ là 
Nguyễn Thị Thượng, hiệu Từ Trang, chưa mất, không cải giá, có lòng bố 
thí. Nay chùa Diên Phúc sửa chữa, bà xin cung tiến 160 quan, 2 sào ruộng 
tốt để nhà chùa dùng vào việc trên. Dân xã đã thuận tình bầu chồng bà làm 
Hậu Phật, gửi giỗ tại chùa. Ông Nguyễn Công Thuế, tự Phúc Trí, giỗ ngày 
12 tháng 3. Con gái Nguyễn Thị Thúng, con rể Đỗ Thế Bính, ký”. Hoặc 
“Hậu thạch bi ký” tạo năm Tự Đức thứ 34 (1881) ghi: “Hương lão, Cai 
tổng, Chánh phó lý, chức dịch xã Yên Viên, huyện Việt Yên, phủ Đa Phúc 
hội họp tại chùa Diên Phúc, bàn việc sửa hành lang, tô tượng, chi phí khá 
nhiều. Lúc ấy, bà Diêm Thị Tứ xuất 200 quan tiền giao cho bản xã chi 
dùng, xin gửi giỗ cho cha mẹ”. 
Số ruộng Hậu ở làng Vân tính từ năm 1635 đến năm 1916 có 46 mẫu, 
6 sào, 3 thước, chứng tỏ số lượng người được bầu Hậu rất nhiều. Điều đó 
cũng được chứng minh qua việc hầu như tuần nào các chùa, đình, giáp 
của làng Vân cũng có lễ cúng hậu. Đến ngày giỗ Hậu, nhà sư ở chùa trên 
cơ sở số quỹ, số tiền lãi, hoặc số thóc thu được từ ruộng Hậu, tiến hành 
cúng Hậu. Xưa kia, việc cúng Hậu được duy trì nên trước các bia đá có 
bát hương thờ Hậu để đến ngày lễ, tiết Hậu, làng hoặc chùa thực hiện 
việc cúng giỗ ở trước bia. Việc được dân làng xã trọng vọng trước khi 
mất, được khắc bia lưu truyền về công đức, được tưởng nhớ và được 
cúng giỗ đã khiến cho truyền thống và nguyện vọng được bầu Hậu phổ 
biến ở làng Vân qua các thời kỳ. Chứng minh rõ nhất là qua niên đại 107 
văn bia, năm nào cũng có bia lập Hậu. 
Trường hợp không có sẵn tiền, ruộng, vườn, người xin bầu Hậu bán 
nhà để mua ruộng cúng dường. Bia Mậu ký tạo năm Tự Đức thứ 7 (1854) 
ghi việc ông Nguyễn Khắc Thịnh cùng vợ là Nguyễn Thị lo không có 
Ngô Văn Cường. Phật giáo trong đời sống... 83 
 83
người thờ cúng cha mẹ nên đã họp họ xin bán ngôi nhà ngói mới làm của 
cha mẹ, lấy tiền mua 2 sào ruộng gửi giỗ tại chùa Diên Phúc. Điều đặc 
biệt là người mẹ của Nguyễn Khắc Thịnh chưa mất, nhưng lo việc gửi 
giỗ cho người thân nên đã thực hiện trước việc gửi và bầu Hậu Phật. 
Cùng năm Tự Đức thứ 7 (1854), bia Ký kỵ ghi việc hai vợ chồng họ 
Nguyễn bán tài sản cha mẹ để lại để mua ruộng gửi giỗ cho cha mẹ. 
Nếu như ở thế kỷ XVII, nửa đầu XVIII, việc đứng ra hưng công, tham 
gia trực tiếp giao kết với đối tượng gửi giỗ, bầu Hậu là nhà sư trụ trì thì 
đến nửa cuối thế kỷ XVIII, thế kỷ XIX, thậm chí đến đầu thế kỷ XX, bộ 
phận chức sắc làng xã tham gia trực tiếp vào việc bầu Hậu và tham gia 
ký, giao kết văn bản gửi giỗ, bầu Hậu. Điều này cho thấy, bộ máy quản lý 
làng xã ở Vân ngày càng quan tâm đến công việc của nhà chùa. 
Chủ thể tham gia vào việc công đức, cung tiến ruộng, tiền xin được 
bầu Hậu có nhiều thành phần khác nhau về giới tính, độ tuổi, nghề 
nghiệp, địa vị trong xã hội. Ví dụ, các khóa sinh, cử nhân, tú tài công đức 
với tư cách là những người soạn lời văn, viết chữ; các chức dịch tham gia 
vào việc lập văn bản giao kết lập bia; thành phần xã hội khá đa dạng, từ 
trụ trì chùa đến các sãi vãi, quan phủ, huyện, chức dịch tổng, xã. Ở góc 
độ giới tính, có 53/85 văn bia ghi riêng người nữ công đức, chiếm tỷ lệ 
62,3 %; Nam giới có 18/85, chiếm tỷ lệ 21,1 %. Số còn lại là 14/85 văn 
bia ghi gia đình gồm cả vợ chồng, dòng họ tham gia, chiếm tỷ lệ 16,4 %. 
Người xin bầu Hậu không chỉ có ở làng Vân mà còn có người ở nơi khác 
đến xin được lập Hậu, thể hiện qua “Hậu Phật bi” tạo năm Chính Hòa thứ 
7 (1686): “Tiền tướng thần Kiêm huyện sĩ xã Thổ Hà, huyện Việt Yên, 
phủ Bắc Hà là Trịnh Hữu, tự Sùng Nghiêm, hiệu Đức Thắng, huệ Pháp 
Bảo, vợ là Nguyễn Thị Quy, hiệu Từ Nguyên nhà có 100 quan sử tiền, 
đem cung tiến cho chùa Diên Phúc, xin làm Hậu Phật..”. 
2.3. Góp phần thể hiện mỹ thuật Phật giáo 
Nhìn chung, về hình thức, văn bia thường có hai dạng. Một dạng có 
bố cục trên tự (hoặc ký) dưới minh. Dạng hai là một bài ký (hoặc chí), 
nhưng cũng thường có hai phần chính là phần dẫn và phần ký sự. Phần 
dẫn là một đoạn văn mang tính nghị luận, dẫn vấn đề được nêu ở phần 
ký. Phần ký là phần chính của văn bia, nêu nội dung văn bia. Văn bia 
có niên đại muộn không tuân theo quy tắc này, nhưng về cơ bản đều 
có hai phần đã nói ở trên. Ngoài các phần chính, văn bia hoàn chỉnh 
còn có các chi tiết như tên bia, niên hiệu, lạc khoản ghi họ tên, chức 
84 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 7 - 2015 
 84
tước của người soạn văn bia, khắc đá.Văn bia làng Vân có giá trị trực 
tiếp nghiên cứu về mỹ thuật Phật giáo. Trang trí văn bia làng Vân cho 
thấy quá trình phát triển liên tục có kế thừa. Chủ đề trang trí hóa văn 
trên bia được quy định chặt chẽ nhưng có tính sáng tạo. 100 % các văn 
bia làng Vân đều trang trí trên trán bia. Dù trang trí đơn giản hoặc cầu 
kỳ thì trán bia bao giờ cũng là nơi hội tụ, trung tâm của văn bia về 
trang trí. Chủ đề trang trí chủ yếu của trán bia làng Vân là Mặt Trời, 
Mặt Trăng, vòng tròn âm dương, chữ Thọ, rồng, phượng Diềm bia 
trang trí chủ yếu là hoa văn dây cúc, nậm rượu, cuốn thư, rồng, 
phượng, lá đề. Tuy nhiên, trang trí văn bia phản ánh về Phật giáo 
không nhiều, thể hiện qua một số biểu tượng như lá đề, bia tượng 
Phật, chữ thập Trong số các bia ở làng Vân, có duy nhất 1 tấm bia 
tượng. Đó là bia “Hậu Phật bi ký” dành cho bà Diêm Thị Đen, người 
cung tiến 44 sào ruộng vào chùa Diên Phúc, xin được bầu Hậu và tạc 
tượng Hậu, đồng thời gửi giỗ những người thân. Mặt trước của bia 
khắc tượng nổi ngồi xếp bằng theo tư thế tọa thiền. Tấm bia này được 
đặt ở gian sau, hành lang của chùa. 
Văn bia khắc năm Chính Hòa thứ 13 (1692) có mặt 1 (ký hiệu: 
N06227-29) ghi tiêu đề: Diên Phúc tự; mặt 2 (ký hiệu N023848) có tiêu 
đề: Hậu Phật bi; mặt 3 (ký hiệu N023901) có tiêu đề: Cúng tiền điền. Đây 
là loại bia 4 mặt được chạm khắc tinh xảo với đỉnh và trán bia chạm khắc 
hình búp sen. Biểu tượng về hoa sen trong Phật giáo được 2/107 văn bia 
thể hiện. Tuy hoa văn trang trí trên bia thể hiện mỹ thuật Phật giáo không 
nhiều nhưng góp phần vào nghiên cứu mỹ thuật Phật giáo trong những 
thế kỷ XVII - XIX. 
Qua nguồn sử liệu văn bia làng Vân cho thấy rằng Phật giáo từ thế kỷ 
XVII - XIX tiếp tục phát triển hưng thịnh trong đời sống người dân làng 
Vân. Đó là minh chứng phong phú cho sự tồn tại của Phật giáo dân gian 
tồn tại lâu dài trong làng xã và có sự hòa nhập với văn hóa làng xã với 
nhiều thành phần xã hội tham gia. Chính dòng Phật giáo này tồn tại lâu 
dài qua các thời kỳ bởi nó đã gần gũi, hòa đồng với phong tục, đáp ứng 
nhu cầu của người dân làng Vân./. 
Ngô Văn Cường. Phật giáo trong đời sống... 85 
 85
CHÚ THÍCH: 
1 Các thác bản văn bia là mặt 2 hoặc mặt 3 của một bia bị chuyển nhầm sang văn 
bản văn bia khác, đó là các thác bản có ký hiệu: 
- Thác bản có ký hiệu N06223 ghi tiêu đề: Diên Phúc tự chung các điền bi ký 
tạo năm Đức Long thứ 7 (1635); Thác bản ký hiệu N06233 ghi tiêu đề: Thủy tạo 
điền công đức bi, tạo năm Ất Hợi. Hai thác bản này đều cùng một bia tạo năm 
Đức Long 7 (1635) và năm Đức Long thứ 7 cũng là năm Ất Hợi, bị lưu nhầm 
thành hai văn bia khác nhau. 
- Tấm bia có niên đại năm Khánh Đức thứ 3 (1651) có 2 mặt, nhưng bị chuyển 
thành 2 bia khác nhau với thác bản có ký hiệu N023847 ghi tiêu đề: Diên Phúc 
tự tạo khai các sở lập bi, và thác bản có ký hiệu N023924 ghi tiêu đề: Sáng lập 
tín thí tam bảo thị bi, ghi niên đại năm Tân Mão. Năm Khánh Đức thứ 3 (1651) 
cũng là năm Tân Mão. 
- Thác bản có ký hiệu N023921 có tiêu đề: Phật pháp tăng bảo, ghi niên đại 
năm Cảnh Trị thứ 3 (1665); Thác bản có ký hiệu N023912 ghi tiêu đề: Hoàng 
thượng vạn niên, ghi niên đại năm Kỷ Tỵ. Năm 1665 là năm Ất Tỵ, nhưng đây 
là bia 2 mặt và bị chuyển thành 2 văn bia khác nhau, ghi niên đại từ Ất Tỵ sang 
Kỷ Tỵ, cách nhau 2 giáp, tức 24 năm. 
- Thác bản có ký hiệu N023846 ghi tiêu đề: Diên Phúc tự tân tạo hậu đường lập 
bi kí, ghi niên đại năm Chính Hòa thứ 5 (1684). Thác bản có ký hiệu N023923, 
ghi tiêu đề: Sáng lập các nhân tín thí, ghi niên đại năm Giáp Tý. Năm 1684 
cũng là năm Giáp Tý. 
- Thác bản có ký hiệu N06227-29 ghi tiêu đề: Diên Phúc tự, ghi niên đại năm 
Chính Hòa thứ 13 (1692); Thác bản có ký hiệu N023848, tiêu đề: Hậu Phật bi; 
Thác bản có ký hiệu N023901 ghi tiêu đề: Cúng tiền điền. Đây là một bia có 4 
mặt, ghi việc bà Nguyễn Thị Tăng, hiệu Từ Đức cung tiến ruộng và tiền vào 
chùa, nhưng đã chuyển thành 3 văn bản bia khác nhau. 
- Thác bản có ký hiệu N023958 ghi tiêu đề: Hậu Phật bi ký và Thác bản có ký 
hiệu N023903 khắc tượng hậu nổi tọa thiền, ghi niên đại năm Vĩnh Thịnh thứ 
10 (1714). Đây là tấm bia có 2 mặt, ghi việc bà Diêm Thị Đen cung tiến ruộng, 
tiền vào chùa. Hai mặt của bia này đã được tạo thành 2 thác bản khác nhau. 
2 Nguyên văn: 原 古 跡 鄭 將 軍 名 藍 延 福 寺 土 宅 池 田 津 渡 两 
邊 江 至 安 豊 縣 堤 路 三 段 至 同  處 三 宝 田 
Phiên âm: Nguyên cổ tích Trịnh Tướng Quân danh lam Diên Phúc tự thổ trạch 
trì điền tân độ lưỡng biên giang chí an phong đê lộ tam đoạn chí Đồng Tròn xứ 
Tam bảo điền. 
TÀI LIỆU THAM KHẢO 
1. Trần Thị Kim Anh (2004), “Bia hậu ở Việt Nam”, Hán Nôm, số 3: 54 - 63. 
2. Trần Lâm Biền, Chu Quang Trứ (1975), Nghệ thuật chạm khắc cổ Việt Nam qua 
các bản rập, Viện Nghệ thuật Bộ Văn hóa xuất bản, Hà Nội. 
3. Đoàn Trung Còn, Nguyễn Minh Hiển, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính (2004), Chư 
kinh tập yếu, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội. 
4. Địa phương chí tỉnh Bắc Ninh qua tư liệu Hán Nôm, Nxb. Khoa học xã hội, Hà 
Nội, 2009: 279. 
86 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 7 - 2015 
 86
5. Địa chí Bắc Giang - Di sản Hán Nôm, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang xuất 
bản, 2003. 
6. Trần Thu Hường (2003), Văn bia đình làng Bắc Bộ thế kỷ XVII, Luận văn thạc 
sĩ, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Hà Nội. 
7. Nguyễn Thị Hường (2005), Nghiên cứu văn bia chữ Nôm, Luận văn Thạc sĩ, Đại 
học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Hà Nội. 
8. Trịnh Khắc Mạnh (2008), Một số vấn đề văn bia Việt Nam, Nxb. Khoa học xã 
hội, Hà Nội. 
9. Lê Đình Phụng (1987), “Tìm hiểu nghệ thuật trang trí bia đá thế kỷ XVIII”, 
Khảo cổ học, số 2. 
10. Đinh Khắc Thuân (1987), “Một số vấn đề về niên đại văn bia Việt Nam”, Nghiên 
cứu Hán Nôm, số 2. 
11. Ngô Đức Thọ (chủ biên, 1993), Văn khắc Hán - Nôm Việt Nam, Nxb. Khoa học 
xã hội, Hà Nội. 
12. Viện Nghiên cứu Hán Nôm (1983), Một số vấn đề văn bản học Hán Nôm, Nxb. 
Khoa học xã hội, Hà Nội. 
13. Hà Văn Thư, Trần Hồng Đức (2004), Tóm tắt niên biểu lịch sử Việt Nam, Nxb. 
Văn hóa thông tin, Hà Nội. 
14. Phạm Thị Thùy Vinh (2003), Văn bia xứ Kinh Bắc và sự phản ánh sinh hoạt 
làng xã, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội. 
15. Nguyễn Thị Xuân (2011), Bia đá thế kỷ XVII của một số chùa ở ngoại thành Hà 
Nội (khảo sát 10 huyện phía Tây và phía Nam Hà Nội), Luận văn thạc sĩ lịch sử, 
Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Hà Nội. 
Abstract 
BUDDHISM IN THE VÂN VILLAGERS’ LIFE 
FROM THE XVII TO THE XX CENTURY THROUGH THE 
HISTORICAL DOCUMENTS OF THE STELE INSCRIPTION 
The stele inscription was stone text which was elaborately decorated, 
meticulously carved, aesthetic value. This kind of text was attached to 
places of worship, memorials, monuments, etc.. Thus, a stele from the 
form to the content had strict regulations, style formation, cognitive and 
aesthetic ability of each social historical stage. The stele inscription in the 
Vân village from the 17th to the beginning of the 20th century was the 
precious data in many domains included religion. The author presented 
the status of the Buddhism of the Vân’s villagers’ life through the stele 
inscription and simultaneously contributed to the research on the village 
culture of Vietnam. 
Keywords: Buddhism, Vân village, stele inscription. 

File đính kèm:

  • pdfphat_giao_trong_doi_song_nguoi_dan_lang_van_the_ky_xvii_xix.pdf