Phát triển chủ đề học tập trong chương trình giáo dục Mầm non theo tiếp cận năng lực
Tóm tắt. Bài báo tập trung phân tích làm rõ bản chất và đặc điểm của chương trình giáo
dục mầm non; bản chất của phát triển các chủ đề học tập trong chương trình giáo dục mầm
non theo tiếp cận năng lực. Trên cơ sở đó tiến hành xây dựng hệ thống các chủ đề học tập
hướng vào việc phát triển các năng lực cốt lõi cho trẻ. Minh họa xây dựng kế hoạch dạy học
một đề tài cụ thể theo tiếp cận năng lực. Những đề xuất trong nghiên cứu này được xem
như gợi ý cho nhà trường và cho giáo viên mầm non về điều chỉnh chương trình, xây dựng
kế hoạch giáo dục và thiết kế dạy học cho trẻ. Góp phần cùng với các nhà giáo giải quyết
một trong những vấn đề có tính thời sự của lĩnh vực giáo dục mầm non giai đoạn hiện nay.
Bạn đang xem tài liệu "Phát triển chủ đề học tập trong chương trình giáo dục Mầm non theo tiếp cận năng lực", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên
Tóm tắt nội dung tài liệu: Phát triển chủ đề học tập trong chương trình giáo dục Mầm non theo tiếp cận năng lực
HNUE JOURNAL OF SCIENCE DOI: 10.18173/2354-1075.2017-0159 Educational Sci., 2017, Vol. 62, Iss. 9, pp. 138-148 This paper is available online at PHÁT TRIỂN CHỦ ĐỀ HỌC TẬP TRONG CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC MẦM NON THEO TIẾP CẬN NĂNG LỰC Phạm Quang Tiệp Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 Tóm tắt. Bài báo tập trung phân tích làm rõ bản chất và đặc điểm của chương trình giáo dục mầm non; bản chất của phát triển các chủ đề học tập trong chương trình giáo dục mầm non theo tiếp cận năng lực. Trên cơ sở đó tiến hành xây dựng hệ thống các chủ đề học tập hướng vào việc phát triển các năng lực cốt lõi cho trẻ. Minh họa xây dựng kế hoạch dạy học một đề tài cụ thể theo tiếp cận năng lực. Những đề xuất trong nghiên cứu này được xem như gợi ý cho nhà trường và cho giáo viên mầm non về điều chỉnh chương trình, xây dựng kế hoạch giáo dục và thiết kế dạy học cho trẻ. Góp phần cùng với các nhà giáo giải quyết một trong những vấn đề có tính thời sự của lĩnh vực giáo dục mầm non giai đoạn hiện nay. Từ khóa:Giáo dục mầm non, chương trình giáo dục, phát triển chương trình, tiếp cận năng lực. 1. Mở đầu Trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam hiện nay, nhiều vấn đề nổi lên và nhận được sự quan tâm lớn của các nhà khoa học cả trong và ngoài lĩnh vực giáo dục như dạy học theo tiếp cận năng lực, dạy học tích hợp, dạy học phân hóa, phát triển chương trình giáo dục, thiết kế và tổ chức hoạt động trải nghiệm cho người học. . . Dạy học theo tiếp cận năng lực là một trong những vấn đề có tính thời sự trong giai đoạn hiện nay, những công trình nghiên cứu về vấn đề này xuất hiện với mật độ khá lớn trên các tạp chí khoa học, danh mục đề tài khoa học các cấp cũng như trên các diễn đàn hội thảo về giáo dục. Chẳng hạn Nguyễn Ngọc Duy [4], Nguyễn Thị Ngà, Đặng Thị Oanh [2] với công trình nghiên cứu về phát triển năng lực tự học cho học sinh; Hoàng Thanh Thúy [3], Nguyễn Thị Chung, Nguyễn Hữu Phương [4], Dương Huy Cẩn [5] nghiên cứu về tăng cường năng lực cho sinh viên đại học; Đặng Văn Đức [6] nghiên cứu về đánh giá học sinh theo định hướng phát triển năng lực. Những nghiên cứu của các tác giả trên đây và nhiều nhà khoa học học đã luận giải khá đầy đủ và thuyết về bản chất của năng lực, cấu trúc năng lực đối của các đối tượng người học từ trẻ mầm non, học sinh phổ thông tới sinh viên đại học, phương thức dạy học và đánh giá người học theo tiếp cận năng lực. Những kết quả nghiên cứu trên đây là tiền đề quan trọng cho đề tài nghiên cứu của tôi về vấn đề xây dựng và phát triển chủ đề học tập cho trẻ mầm non. Phát triển chương trình giáo dục không phải là vấn đề mới, song nó thực sự trở nên “nóng” mới khoảng vài năm trở lại đây, khi mà tư tưởng đổi mới giáo dục Việt Nam dần được tạo dạng Ngày nhận bài: 25/5/2017. Ngày nhận đăng: 21/8/2017 Liên hệ: Phạm Quang Tiệp, e-mail: pqtiepsp2@gmail.com 138 Phát triển chủ đề học tập trong chương trình giáo dục mầm non theo tiếp cận năng lực theo hướng một chương trình và nhiều bộ sách giáo khoa. Với tinh thần ấy, việc phát triển chương trình không chỉ còn là câu chuyện của chuyên gia giáo dục, của cấp quản lí giáo dục vĩ mô, mà nó là công việc thường xuyên, liên tục của mọi nhà trường, mọi giáo viên (GV) từ mầm non tới phổ thông, đại học và sau đại học. Chính vì thế, cũng khoảng 5 năm trở lại đây có khá nhiều công trình ngiên cứu về vấn đề này, điển hình như các nghiên cứu của Trần Hữu Hoan [7] về phát triển chương trình đào tạo GV; Nguyễn Vũ Bích Hiền, Nguyễn Vân Anh, Vũ Thị Mai Hương, Phạm Ngọc Long, Nguyễn Thị Minh Nguyệt [8] về phát triển chương trình giáo dục nhà trường phổ thông. Những nghiên cứu đã chỉ ra được khung lí luận khá đầy đủ về chương trình giáo dục và phát triển chương trình giáo dục như bản chất và đặc điểm của chương trình giáo dục, các mô hình và các tiếp cận trong phát triển chương trình giáo dục, nguyên tắc phát triển chương trình giáo dục, quy trình chung để phát triển chương trình giáo dục. . . Tuy nhiên những nghiên cứu áp dụng khung lí thuyết về phát triển chương trình giáo dục ấy vào thực tiễn giáo dục còn thưa thớt, đặc biệt việc phát triển các chủ đề giáo dục trong chương trình giáo dục mầm non, hay việc phát triển chương trình đối với các môn học cụ thể ở nhà trường phổ thông nhìn chung còn để ngỏ. Chính vì thế những nghiên cứu ngày nay cần tập trung đi vào vấn đề cụ thể của phát triển chương trình nhà trường, phát triển chương trình môn, phát triển các chủ đề học tập cho trẻ mầm non theo tiếp cận hiện đại. Như vậy một trong những vấn đề có tính cấp thời của giáo dục mầm non hiện nay chính là phát triển các chủ đề giáo dục trong chương trình giáo dục mầm non để tạo ra các hoạt động giáo dục vừa thể hiện rõ tinh thần tích hợp đã được xác lập, vừa định hướng phát triển năng lực, kĩ năng sống cho trẻ, vừa phải làm cho các hoạt động giáo dục ấy có hơi thở của thực tiễn, gần gũi, gắn bó với đời sống của trẻ, vừa phải phù hợp với trẻ ở từng độ tuổi, từng vùng miền khác nhau. Với cách tiếp cận vấn đề như vậy, trong bài viết này chúng tôi tập trung vào phát triển chủ đề học tập trong chương trình giáo dục mầm non như là một cách gợi ý cho nhà trường mầm non và cho GV trong việc điều chỉnh chương trình, xây dựng kế hoạch giáo dục và thiết kế dạy học cho trẻ. Góp phần cùng với các nhà giáo giải quyết một trong những vấn đề được xem là có tính thời sự của lĩnh vực giáo dục mầm non giai đoạn hiện nay. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Chương trình giáo dục mầm non Chương trình giáo dục nói chung được hiểu là bản kế hoạch tổng thể về việc giáo dục trẻ ở một độ tuổi xác định, trong một khảng thời gian xác định với các điều kiện về nhân lực và cơ sở vật chất xác định. Trong chương trình giáo dục thể hiện được ít nhất bốn thành tố cơ bản sau đây: 1- Mục tiêu giáo dục (là những kết quả mong đợi mà trẻ đạt được sau khi thụ hưởng chương trình giáo dục); 2- Nội dung giáo dục (là những hợp phần tri thức khoa học mà trẻ cần tích lũy để đạt được trình mong muốn theo mục tiêu đã xác định); 3- Phương thức giáo dục (là cách thức, con đường cụ thể để triển khai hoạt động giáo dục giúp cho trẻ chiếm lĩnh được tri thức khoa học, các giá trị cần thiết – nội dung giáo dục); 4- Đánh giá kết quả giáo dục (là cách thức để xác định kết quả trẻ đạt được sau mỗi giai đoạn học tập trong quá trình thực hiện chương trình giáo dục). Chương trình giáo dục mầm non được xem là bản kế hoạch tổng thể quy định toàn bộ các vấn đề liên quan tới giáo dục trẻ từ 3 tháng tuổi đến 6 tuổi. Nội dung giáo dục trong chương trình gồm 5 lĩnh vực chính sau đây: giáo dục thể chất, giáo dục nhận thức, giáo dục ngôn ngữ, giáo dục tình cảm- xã hội và giáo dục thẩm mĩ. 5 lĩnh vực giáo dục này được các cấu trúc thành 9 chủ đề học tập chính, bao gồm: Bản thân, Gia đình, Trường mầm non, Nghề nghiệp, Thực vật, Động vật, Giao thông, Nước và các Hiện tượng Tự nhiên, Quê hương, đất nước, Bác Hồ, Trường Tiểu học 139 Phạm Quang Tiệp (Dành cho trẻ 5 tuổi). Theo 9 chủ đề trọng tâm này, từ nhà trẻ tới mẫu giáo, từ mẫu giáo bé tới mẫu giáo lớn, chương trình được xây dựng theo hướng mở rộng, phát triển dần qua mỗi độ tuổi. 2.2. Năng lực và phát triển chương trình theo tiếp cận năng lực 2.2.1. Khái niệm năng lực Năng lực là khái niệm chỉ tổ hợp thuộc tính sinh học, tâm lí và xã hội của cá nhân cho phép cá nhân đó thực hiện thành công dạng hoạt động nhất định đáp ứng chuẩn hay quy định đã xác lập. Nền tảng của năng lực là thể chất, trí tuệ (tư duy, tri thức. . . ) và những yếu tố tâm lí khác như tình cảm, thái độ, ý chí. Năng lực không chỉ gồm tri thức, kĩ năng và thái độ. Đó chỉ là phần dễ thấy của năng lực. Những thứ đó cho dù đầy đủ vẫn chưa phải là năng lực. Chúng phải trải qua rèn luyện, thử thách lâu dài mới thành năng lực. Kinh nghiệm là thành tố quan trọng và bắt buộc cấu thành năng lực. Nó phản ánh bản chất xã hội của năng lực. Nếu quan niệm năng lực là khả năng thì rõ ràng chưa phản ánh được mặt thực hiện của năng lực. Trên thực tế, năng lực là cái có thật, là làm được, chắc chắn làm được, còn khả năng là cái có thể có và có thể không có, có thể làm được hiển nhiên là khác hẳn với chắc chắn làm được. Theo Đặng Thành Hưng [9], con người có 3 dạng năng lực tương đối khác nhau. Trong mỗi dạng đó đều tích tụ những yếu tố sinh học, tâm lí và xã hội. Đó là: - Năng lực trí tuệ (Kiến thức). - Năng lực hành động (Kĩ năng) - Năng lực cảm (Thái độ). 2.2.2. Phát triển chương trình theo tiếp cận năng lực Phát triển chương trình giáo dục có thể hiểu là việc điều chỉnh, thay đổi hay cấu trúc lại chương trình giáo dục cho phù hợp hơn với yêu cầu của thực tiễn, phù hợp hơn với đối tượng người học và thậm chí cả đối với người dạy. Theo đó, phát triển chương trình giáo dục bao hàm cả việc biên soạn hay xây dựng một chương trình mới hoặc cải tiến một chương trình giáo dục hiện có. Thuật ngữ “phát triển” chương trình giáo dục khi ấy có ý nghĩa bao trùm cả xây dựng, thiết kế hay biên soạn chương trình giáo dục, vì “phát triển” bao hàm cả sự thay đổi, bổ sung liên tục. Phát triển là một chu trình mà điểm kết thúc sẽ lại là điểm khởi đầu cho một chu trình mới. Kết quả của phát triển chương trình là một chương trình giáo dục mới và ngày càng tốt hơn nữa. Còn hoạt động xây dựng, thiết kế, biên soạn chương trình chỉ có ý nghĩa là một quá trình và kết quả dừng lại khi chúng ta có một chương trình mới. Từ quan niệm về cấu trúc của chương trình giáo dục trên đây ta thấy, việc phát triển chương trình giáo dục chính là quá trình liên tục điều chỉnh hay thay đổi về: mục đích giáo dục, nội dung giáo dục, phương thức giáo dục và đánh giá trong giáo dục. Mục đích cuối cùng của sự thay đổi ấy chính là để chương trình giáo dục ngày càng hoàn thiện hơn; phù hợp với đối tượng người học hơn, phù hợp với điều kiện thực tiễn hơn và đặc biệt là phù hợp với hiện thực sự phát triển của xã hội hơn. Trong số những thành tố cấu trúc của chương trình giáo dục thì mục đích giáo dục là yếu tố ít thay đổi nhất. Tuy nhiên, khi nó thay đổi thì thường tạo ra “cuộc cách mạng” trong giáo dục. Chẳng hạn, trong giai đoạn hiện nay chuyển từ mục đích giáo dục tập trung hình thành trang bị kiến thức cho người học sang mục đích hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực cho người học. Khi mục đích giáo dục thay đổi thì mọi thành tố khác cũng sẽ thay đổi theo. Nội dung giáo dục là thành tố có biên độ thay đổi lớn hơn. Cùng một mục đích giáo dục nhưng có nhiều nội dung 140 Phát triển chủ đề học tập trong chương trình giáo dục mầm non theo tiếp cận năng lực kháu nhau. Ví dụ, cùng một chương trình giáo dục mầm non nhưng có thể triển khai với nhiều bộ tài liệu hướng dẫn thực hiện khác nhau; không cần nhất loạt dạy trẻ một thứ nhưng cái đích cuối cùng vẫn hội tụ về cùng một điểm. Phương pháp giáo dục là yếu tố cơ động, linh hoạt nhất. Yếu tố này thay đổi thường xuyên trong quá trình giáo dục. Về cơ bản, xu hướng chung của sự vận động ấy là chuyển trọng tâm từ thầy sang trò. Dần dần người học sẽ được làm, được hoạt động và được học những thứ các em muốn học. Những gì người học có thể tự làm được trong quá trình học tập thì sẽ được thầy trao cơ hội để làm và để học. Đánh giá trong giáo dục luôn được xem là mắt khâu then chốt, có chức năng chi phối toàn bộ quá trình giáo dục. Xu hướng chung của những điều chỉnh trong đánh giá giáo dục ngày nay là thực hiện theo hướng nhân văn hơn (tức là tôn trọng người học, vì sự tiến bộ của người học), thực chất hơn (tức là đánh giá đúng với những gì người học đã đạt được trong và sau quá trình học tập). Lịch sử xây dựng và phát triển chương trình giáo dục đã trải qua 3 thời kì và cũng là 3 cách tiếp cận khác nhau [7]. Phát triển chương trình theo tiếp cận nội dung chính là việc làm chương trình ở thời kì đầu của nền giáo dục, giai đoạn này tri thức khoa học còn hạn chế và chương trình giáo dục chính là nội dung tri thức mà loài người tích lũy được. Việc phát triển chương trình thời kì này thực chất là bổ sung, cập nhật hay cấu trúc lại các nội dung khoa học cho phù hợp với với sự phát triển của các lĩnh vực khoa học. Chính vì thế, hạn chế lớn nhất của tiếp cận nội dung trong phát triển chương trình chính là làm cho chương trình ngày càng trở nên cồng kềnh, nặng nề và quá tải đối với người học. Giai đoạn kế tiếp là phát triển chương trình giáo dục theo tiếp cận mục tiêu, cách tiếp cận này khắc phục được hạn chế của sự tăng trưởng không kiểm soát của nội dung học vấn trong chương trình do khoa học ngày càng phát triển, giúp cho chương trình giáo dục có tính hướng đích rõ ràng và ngày càng trở nên tinh gọn. Song chính ưu điểm đó lại trở thành hạn chế trong bối cảnh ngày nay, khi mà thực tiễn đòi hỏi nền giáo dục phải có tính cơ động, linh hoạt hơn, không chỉ trang bị cho người học tri thức khoa học nền tảng mà còn tạo cơ hội để người học phát triển được tối đa tiềm năng của mình (H.Gardner). Giai đoạn hiện nay chương trình giáo dục được phát triển theo tiếp cận năng lực. Một hệ thống các năng lực cốt lõi của con người hiện đại được xác lập và xuất phát từ các năng lực ấy mà chọn lựa nội dung dạy học phù hợp và đặc biệt là chọn lựa cách dạy, cách học, cách đánh giá hướng vào việc hình thành và phát triển các năng lực đó cho trẻ. Đồng thời chương trình phải tính đến sự phát triển tiềm năng, tố chất ở trẻ. 2.3. Phát triển chủ đề học tập theo tiếp cận năng lực 2.3.1. Xác định hệ thống năng lực cần hình thành cho trẻ mầm non Theo quan niệm hiện đại, mỗi lĩnh vực giáo dục được xem như một dạng năng lực chuyên biệt cần giáo dục cho trẻ. Như vậy, đối với trẻ mầm non trong giai đoạn hiện nay cần tập trung giáo dục các năng lực sau đây: 1- Năng lực ngôn ngữ; 2- Năng lực nhận thức; 3- Năng lực xã hội; 4- Năng lực nghệ thuật – thẩm mĩ; 5- Năng lực hoạt động thể chất. Những năng lực này giúp cho trẻ ở độ tuổi mầm non thích ứng được với môi trường hoạt động của lứa tuổi và cũng là để giúp trẻ sẵn sàng tham gia vào các bậc học tiếp theo với phạm vi rộng lớn của các mối quan hệ trong cuộc sống. Năng lực ngôn ngữ: năng lực này được thể hiện ở việc mở rộng vốn từ của trẻ (về tên cấu tạo, đặc điểm chung/đặc điểm riêng của gọi các yếu tố của khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, quá trình biến đổi, trạng thái phát triển, quá trình sinh học); hệ thống hóa vốn từ theo chủ đề, theo loại từ liên quan đến môi trường tự nhiên và môi trường xã hội; rèn luyện cách diễn đạt cho trẻ về các hiểu biết, yêu cầu, mong muốn gắn với bối cảnh giao tiếp. Năng lực ngôn ngữ với các đơn vị ngôn ngữ như trên xoay quanh năng lực nghe (nghe – hiểu về những nội dung kiến thức về khoa 141 Phạm Quang Tiệp học tự nhiên và khoa học xã hội; lắng nghe tích cực và hiệu quả để có phản hồi phù hợp); năng lực nói (thể hiện băn khoăn, thắc mắc hoặc những hiểu biết của mình về các sự vật, hiện tượng; sử dụng vốn từ khoa học để nói về thế giới xung quanh một cách tự nhiên, chủ động và logic); năng lực đọc (đọc những hình ảnh, sơ đồ, tranh minh họa cấu tạo, quá trình phát triển, sự biến đổi tính chất, trạng thái của các yếu tố xung quanh; đọc sáng tạo những nội dung về khoa học thông qua tranh ảnh hoặc hình vẽ về các kiến thức có nội dung về khoa học); năng lực viết (chủ yếu trẻ mầm non thể hiện sự hiểu biết của mình bằng “chữ tượng ... học tập cho trẻ thì người thiết kế còn phải tính toán đến logic của các lĩnh vực khoa học, chẳng hạn như ngôn ngữ, hay toán học; chú ý đến đặc điểm phát triển về tâm lí, và sinh học của trẻ. Dưới đây xin giới thiệu một số chủ đề học tập dành cho trẻ mầm non. Các chủ đề này có tính chất gợi ý và nó có thể được sử dụng chung cho trẻ mọi độ tuổi. Tuy nhiên ở mỗi độ tuổi thì mục tiêu, yêu câu, nội dung và phương thức hoạt động phải được thiết kế ở một trình độ khác nhau. 1) Chủ đề Bản thân, bao gồm các chủ đề nhánh: Vệ sinh răng miệng; Vệ sinh cơ thể; Tên của con; Giác quan của con; Cơ thể con; Bé và các bạn; Bé và những người thân yêu. 2) Chủ đề Màu sắc diệu kì, gồm các chủ đề nhánh: Những chiếc kẹo màu xinh xắn; Màu sắc quanh con; Màu sắc mùa thu; Màu sắc cầu vồng. 3) Chủ đề Những câu chuyện cổ tích, gồm các chủ đề nhánh: Câu chuyện 3 chú lợn con; Câu chuyện Cô gái tóc vàng và 3 chú gấu; Câu chuyện Vịt con xấu xí. 4) Chủ đề Lễ hội, gồm các chủ đề nhánh: Ngày Tết thật vui; Lễ hội mùa xuân; Tết Trung thu; Ngày hội của cô giáo; Tấm thiệp giáng sinh; Pháo hoa chào đón năm mới. 5) Chủ đề Thực vật, gồm các chủ đề nhánh: Rễ cây; Thân cây; Lá cây diệu kì; Thật nhiều loại hoa; Vườn quả của bé; Những loại hạt khác nhau. 6) Chủ đề Động vật, gồm các chủ đề nhánh: Cá; Chim; Thú nuôi; Động vật ở trong rừng; Côn trùng. 7) Chủ đề Nghệ thuật kịch, gồm các chủ đề nhánh: Vở kịch "Dê đen và dê trắng qua cầu"; Vở kịch "Dê con nghe lời mẹ"; Vở kịch "Cô bé quàng khăn đỏ"; Vở kịch "Gấu con bị đau răng". 8) Chủ đề Những đồ ăn thú vị, gồm các chủ đề nhánh: Những món bánh ngon; Có thật nhiều món mì; Cầu vồng thực phẩm; Cửa hàng bánh pizza; Cửa hàng đồ uống. 9) Chủ đề Giao thông, gồm các chủ đề nhánh: Phương tiện giao thông đường bộ; Phương tiện giao thông đường thủy; Phương tiện giao thông đường hàng không; Phương tiện giao thông đường sắt. 10) Chủ đề Đất nước Việt Nam tươi đẹp, gồm các chủ đề nhánh: Việt Nam quê hương tôi; Thủ đô Hà Nội 2.3.3. Minh họa phát triển chủ đề Thực vật Theo cách cấu trúc như trên, mỗi chủ đề học tập có thể được thực hiện trong từ 2 đến 4 tuần và mỗi chủ đề nhánh có thể tổ chức thực hiện trong khoảng một tuần học với 4 đến 6 đề tài cụ thể. Dưới đây sẽ minh họa cấu trúc các nhánh của chủ đề Thực vật thành các đề tài học tập cho trẻ mầm non. 1) Chủ đề nhánh Rễ cây, gồm các đề tài sau: Rễ của nhiều loại cây; Củ cải trắng – củ cải 143 Phạm Quang Tiệp đỏ; Cà rốt thật nhiều màu; Củ cải – cà rốt; Trồng cây từ rễ. 2) Chủ đề nhánh Thân cây, gồm các đề tài sau: Cành cây và thân cây; Cây rau muống; Cây su hào; Cây xanh là ngôi nhà của những chú chim; Trồng cây từ thân. 3) Chủ đề nhánh Lá cây diệu kì, gồm các đề tài sau: Đặc điểm lá cây; Sự thay đổi của lá cây; Lá cây bốn mùa; Rau bắp cải; Trồng cây từ lá. 4) Chủ đề nhánh Các loài hoa, gồm các đề tài sau: Bông hoa mùa Hè; Những cành hoa ngày Tết; Nhuộm màu hoa; Những giỏ hoa đẹp; Vườn hoa bé trồng. 5) Chủ đề nhánh Vườn quả của bé, gồm các đề tài sau: Chùm vải – chùm nhãn; Quả na – quả mít; Quả bơ – quả xoài; Chanh – cam – bưởi; Buồng chuối – buồng cau. 6) Chủ đề nhánh Những loại hạt khác nhau, gồm các đề tài sau: Hạt thóc; Hạt ngô; Hạt đỗ; Hạt bưởi; Trồng cây từ hạt Cách cấu trúc các nhánh và các đề tài trong mỗi chủ đề nhánh như ví dụ trên đây vừa giúp làm giàu kiến thức cho trẻ, đồng thời cũng tạo cơ hội để trẻ được thao tác với các dạng vật liệu, các sự vật, hiện tượng phong phú trong hiện thực đời sống; tham gia vào nhiều hoạt động trải nghiệm, khám phá để phát triển năng lực. Bên cạnh đó, cách cấu trúc các chủ đề, đề tài như trên cũng giúp GV dễ dàng mở rộng đề tài, phát triển thêm các chủ đề nhánh, tạo sự đa dạng cho hoạt động học tập của trẻ. 2.3.4. Minh họa thiết kế các hoạt động giáo dục trẻ trong một đề tài cụ thể Thiết kế hoạt động giáo dục trẻ về đề tài “Nhuộm màu hoa” trong chủ đề nhánh Các loài hoa. 1- Mục tiêu * Trẻ 3-4 tuổi - Năng lực ngôn ngữ: mở rộng vốn từ về tên gọi và đặc điểm của hoa. - Năng lực tìm hiểu toán và khoa học: so sánh đặc điểm của hoa, sự chuyển màu của hoa, số lượng và hình dạng cánh hoa. - Năng lực nghệ thuật – thẩm mĩ: quy tắc pha màu, cắm hoa vào bình. - Năng lực xã hội: hợp tác nhóm nhỏ, nhóm lớn. - Năng lực hoạt động thể chất: vận động theo nhạc, trò chơi vận động. * Trẻ 4-5 tuổi - Năng lực ngôn ngữ: mở rộng vốn từ về tên gọi và đặc điểm của hoa. - Năng lực tìm hiểu toán và khoa học: so sánh, phân loại đặc điểm của hoa, sự chuyển màu của hoa, số lượng và hình dạng cánh hoa, ích lợi của hoa. - Năng lực nghệ thuật – thẩm mĩ: quy tắc pha màu, cắm hoa vào giỏ. - Năng lực xã hội: hợp tác nhóm nhỏ, nhóm lớn. - Năng lực hoạt động thể chất: vận động theo nhạc, trò chơi vận động. * Trẻ 5-6 tuổi - Năng lực ngôn ngữ: mở rộng vốn từ về tên gọi và đặc điểm của hoa. - Năng lực tìm hiểu toán và khoa học: so sánh, phân loại đặc điểm của hoa, sự chuyển màu của hoa, số lượng và hình dạng cánh hoa, ích lợi của hoa, yếu tố ngoại cảnh ảnh hưởng đến hoa. - Năng lực nghệ thuật – thẩm mĩ: quy tắc pha màu, bảng pha màu, cắm hoa nghệ thuật. 144 Phát triển chủ đề học tập trong chương trình giáo dục mầm non theo tiếp cận năng lực - Năng lực xã hội: hợp tác nhóm nhỏ, nhóm lớn. - Năng lực hoạt động thể chất: vận động theo nhạc, trò chơi vận động. 2- Các hoạt động * Thiết kế hoạt động dành cho trẻ 3-4 tuổi Vật liệu: hoa màu trắng, màu nước, khay đựng màu nước, giấy trắng, khăn lau, xốp cắm hoa (hoặc bột nặn), khay cắm hoa. Tiến hành: Hoạt động 1: Trò chơi “Thi kể nhanh về hoa” GV cho trẻ kể nhanh những hiểu biết của mình về đặc điểm của hoa. Hoạt động 2: Thí nghiệm “Nhuộm màu cho hoa” - GV cho trẻ chọn bông hoa mình thích từ giỏ hoa, để trẻ tự quan sát và nói đặc điểm của bông hoa mình đã chọn. - GV chuẩn bị khay màu nước cho trẻ chỉ và gọi tên những màu có trong khay. - GV hỏi trẻ: Bông hoa sẽ thế nào nếu chấm các cánh hoa vào màu nước? - Để trẻ đưa ra những dự đoán của mình. - GV cho trẻ chấm bông hoa của mình vào màu nước, trẻ vừa làm vừa quan sát, sau đó trẻ nói về bông hoa sau khi đã chấm vào màu nước. So sánh với dự đoán ban đầu của trẻ về sự thay đổi của bông hoa, so sánh với bông hoa trước khi nhuộm màu. Hoạt động 3: Cắm hoa vào bình theo nhóm - GV chia trẻ thành các nhóm - GV hướng dẫn trẻ lấy đồ dùng học tập cho các bạn. Sau khi có đồ dùng, GV để trẻ nói tên những thứ đồ dùng mình có. GV giải thích việc trẻ sẽ dùng những bông hoa của các bạn trong nhóm và cắm thành một bình hoa thật đẹp. Theo hướng dẫn sau: Con sẽ chọn hoa gì để cắm? Ngoài hoa ra còn cần trang trí thêm bình hoa bằng những thứ gì? Để hoa được tươi và đẹp, cần làm gì cho bình hoa? Bình hoa sẽ được đặt ở đâu trong lớp học? Trong nhà của con? - Sau khi các nhóm cắm hoa xong, GV cho trẻ các nhóm tập giới thiệu về giỏ hoa của nhóm mình. * Thiết kế hoạt động dành cho trẻ 4-5 tuổi Vật liệu: hoa màu trắng, màu nước, tăm bông, bút lông, khay đựng màu nước, giấy trắng, khăn lau, xốp cắm hoa, khay cắm hoa. Tiến hành: Hoạt động 1: Trò chơi “Thi kể nhanh về hoa” GV cho trẻ kể nhanh những hiểu biết của mình về hoa. Hoạt động 2: Thí nghiệm “Nhuộm màu cho hoa” - GV cho trẻ chọn bông hoa mình thích từ giỏ hoa, để trẻ tự quan sát và nói đặc điểm của bông hoa mình đã chọn. - GV cho các trẻ trong nhóm so sánh đặc điểm của những bông hoa mà mình và các bạn đã lấy. 145 Phạm Quang Tiệp - GV chuẩn bị khay màu nước cho trẻ chỉ và gọi tên những màu có trong khay. - GV hỏi trẻ: làm thế nào để biến bông hoa màu trắng thành bông hoa nhiều màu sắc? - Để trẻ dự đoán những cách nhuộm màu hoa khác nhau. - GV để trẻ nhuộm màu hoa theo cách mà trẻ đã dự đoán. - Sau khi trẻ đã nhuộm màu hoa, GV cho trẻ so sánh đặc điểm bông hoa sau khi mình đã nhuộm với bông hoa bạn đã nhuộm, so sánh đặc điểm của bông hoa trước khi nhuộm và sau khi nhuộm. Hoạt động 3: Cắm hoa theo nhóm - GV chia trẻ thành các nhóm - GV hướng dẫn trẻ lấy đồ dùng học tập cho các bạn. Sau khi có đồ dùng, GV để trẻ nói tên những thứ đồ dùng mình có. GV giải thích việc trẻ sẽ dùng những bông hoa của các bạn trong nhóm và cắm thành một giỏ hoa thật đẹp. Theo hướng dẫn sau: Con sẽ chọn hoa gì để cắm? Ngoài hoa ra còn cần trang trí thêm bình hoa bằng những thứ gì? Để hoa được tươi và đẹp, cần làm gì cho giỏ hoa? Người ta sử dụng giỏ hoa để làm gì? Con sẽ sử dụng giỏ hoa để làm gì? Ở đâu? - Sau khi các nhóm cắm hoa xong, GV cho trẻ các nhóm tập giới thiệu về giỏ hoa của nhóm mình. - GV cho các nhóm trẻ chọn giỏ hoa nhóm mình thích nhất và giải thích vì sao đó là giỏ hoa thích nhất. * Thiết kế hoạt động dành cho trẻ 5-6 tuổi Vật liệu: hoa màu trắng, màu nước, tăm bông, bút lông, khay đựng màu nước, giấy trắng, khăn lau, xốp cắm hoa, khay cắm hoa. Tiến hành: Hoạt động 1: Trò chơi “Thi kể nhanh về hoa” GV cho trẻ kể nhanh những hiểu biết của mình về hoa. Hoạt động 2: Thí nghiệm “Nhuộm màu cho hoa” - GV hỏi trẻ: làm thế nào để biến bông hoa màu trắng thành bông hoa nhiều màu sắc? - Để trẻ dự đoán những cách nhuộm màu hoa khác nhau. - GV để trẻ nhuộm màu hoa theo cách mà trẻ đã dự đoán. - Sau khi trẻ đã nhuộm màu hoa, GV cho trẻ so sánh đặc điểm bông hoa sau khi mình đã nhuộm với bông hoa bạn đã nhuộm, so sánh đặc điểm của bông hoa trước khi nhuộm và sau khi nhuộm. Hoạt động 3: Cắm hoa theo nhóm - GV chia trẻ thành các nhóm - GV hướng dẫn trẻ lấy đồ dùng học tập cho các bạn. Sau khi có đồ dùng, GV để trẻ nói tên những thứ đồ dùng mình có. GV giải thích việc trẻ sẽ dùng những bông hoa của các bạn trong nhóm và cắm thành một giỏ hoa nghệ thuật theo chủ đề. Theo hướng dẫn sau: Chủ đề cắm hoa của nhóm các con là gì? 146 Phát triển chủ đề học tập trong chương trình giáo dục mầm non theo tiếp cận năng lực Con sẽ chọn hoa gì để cắm? Ý nghĩa của loại hoa mà các con chọn là? Giỏ hoa đó sẽ dành tặng cho ai? Ngoài hoa ra còn cần trang trí thêm bình hoa bằng những thứ gì? Để hoa được tươi và đẹp, cần làm gì cho giỏ hoa? Người ta sử dụng giỏ hoa để làm gì? Con sẽ sử dụng giỏ hoa để làm gì? Ở đâu? Giỏ hoa và bình hoa có công dụng khác nhau như thế nào? Vậy hoa được sử dụng trong cuộc sống để làm gì? - Sau khi các nhóm cắm hoa xong, GV cho trẻ các nhóm tập giới thiệu về giỏ hoa của nhóm mình. GV hỏi trẻ: Có những loại hoa nào? Những loại hoa khác nhau ở đặc điểm nào? Những bông hoa cần gì để tươi và đẹp? - GV cho các nhóm trẻ chọn giỏ hoa nhóm mình thích nhất và giải thích vì sao đó là giỏ hoa thích nhất. - GV hỏi trẻ: + Ngoài những loại hoa trong lớp, con còn biết thêm những loại hoa nào hãy kể cho các bạn cùng nghe. + Ngoài việc cắm hoa để làm đẹp, hoa còn được dùng để làm gì? 3. Kết luận Phát triển chương trình giáo dục nói chung và phát triển các chủ đề học tập cho trẻ mầm non nói riêng là một phần công việc của người GV và nhà trường mầm non nhằm tạo ra những hoạt động giáo dục đa dạng, phong phú, đồng thời sát hợp với điều kiện thực tiễn và khả năng học tập của trẻ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Để thực hiện việc phát triển các chủ đề học tập cho trẻ thành công, nhất là trong xu thế dạy học theo hướng hình thành và bồi dưỡng năng lực hoạt động thực tiễn cho trẻ càng đòi hỏi ở người GV không chỉ kiến thức chuyên môn (kiến thức về chương trình giáo dục, phương pháp giáo dục, thiết kế dạy học. . . ) mà còn đòi hỏi ở họ kinh nghiệm sống và cả niềm đam mê, sáng tạo. Người GV phải coi hoạt động tìm kiếm và thiết kế các đề tài học tập cho trẻ như một phần công việc trong hoạt động nghề nghiệp. Giáo dục theo tiếp cận năng lực là xu thế của thời đại, nhằm hình thành cho trẻ những năng lực thiết yếu để thích ứng và phát triển trong môi trường hoạt động của lứa tuổi. Trong những năm qua, lĩnh vực giáo dục mầm non đã có nhiều cải tiến cả về nội dung và phương pháp giáo dục. Nội dung giáo dục trẻ được xây dựng theo hướng tích hợp mà không cấu trúc trúc theo logic của khoa học như trước nên tránh được chồng chéo, nặng nền, quá tải; phương pháp giáo dục tập trung vào tích cực hóa trẻ, tăng cường tương tác và trải nghiệm, qua đó không chỉ dạy tri thức mà dạy cách học và phát triển năng lực. Những thay đổi này đã góp phần đáng kể trong nâng cao chất lượng giáo dục mầm non. Để tiếp túc cải tiến, nâng cao chất lượng giáo dục trẻ, giai đoạn hiện nay cần tập trung nghiên cứu những vấn đề sau: vận dụng các mô hình, phương pháp dạy học hiện đại trong giáo dục mầm non, chẳng hạn như giáo dục STEM, giáo dục STEAM, dạy học theo dự án. . . ; đổi mới đánh giá trẻ mầm non theo tiếp cận năng lực, đổi mới đánh chất lượng cơ sở giáo dục mầm non. . . 147 Phạm Quang Tiệp TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Nguyễn Ngọc Duy, 2014. Phát triển năng lực tự học cho học sinh thông qua việc sử dụng sơ đồ tư duy trong dạy học phần hóa học vô cơ lớp 11 trung học phổ thông. Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Số 59(6), tr. 132-142. [2] Nguyễn Thị Ngà, Đặng Thị Oanh, 2007. Thiết kế tài liệu tự học có hướng dẫn - một biện pháp rèn luyện năng lực tự học cho học sinh chuyên hóa phổ thông. Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Số 52(6), tr. 118-126. [3] Hoàn Thanh Thúy, 2017. Xây dựng quy trình rèn luyện kĩ năng thiết kế bài học theo tiếp cận năng lực cho sinh viên khoa Tâm lí – Giáo dục trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Số 61(8), tr. 23-28. [4] Nguyễn Hữu Chung, Nguyễn Thị Phương, 2017. Phát triển năng lực tự học cho học sinh thông qua thiết kế tài liệu tự học có hướng dẫn theo môđun trong dạy học hóa học chương Hidro – nước ở trường trung học cơ sở. Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Số 62(1), tr. 85-95. [5] Dương Huy Cẩn, 2009. Tăng cường năng lực tự học cho sinh viên hóa học ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội bằng phương pháp tự học có hướng dẫn theo môđun. Luận án tiến sĩ, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. [6] Đặng Văn Đức, 2017. Đổi mới kiểm tra đánh giá trong dạy học địa lí theo định hướng phát triển năng lực. Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Số 62(1), tr. 96-104. [7] Trần Hữu Hoan, 2010. Xây dựng chương trình giáo dục đào tạo theo tiếp cận CDIO. Tạp chí Quản lý giáo dục, Học viện QLGD – Bộ GD và ĐT, số 11/2010, tr. 8-12. [8] Nguyễn Vũ Bích Hiền (Chủ biên), 2015. Phát triển chương trình giáo dục nhà trường phổ thông. Nxb Giáo dục Việt Nam [9] Đặng Thành Hưng, 2016. Năng lực cơ bản của giáo viên dạy nghề. Tạp chí Khoa học dạy nghề, Số 28-29, tháng 1+2, tr. 36-39. ABSTRACT Developing learning topics in preschool education curriculum based on competency approach Pham Quang Tiep Faculty of Primary Education, Hanoi Pedagogical University 2 The article focuses on clarifying the concepts and characteristics of preschool education curriculum; the concept of developing learning topics in preschool education curriculum in the competency approach. On that basis, developing a system of learning topics that focus on developing core competencies for children. Demonstrate a lesson plan for one specific topic based on a competency approach. The recommendations in this article are considered as suggestions for the preschool and teachers on building curriculum adjustment, plan for education, and lessons for children. Keywords: Preschool education, educational program, program development, capacity approach. 148
File đính kèm:
- phat_trien_chu_de_hoc_tap_trong_chuong_trinh_giao_duc_mam_no.pdf