Sử dụng thời gian làm việc nhà của trẻ em Việt Nam và các yếu tố ảnh hưởng

Số lượng thời gian trẻ em sử dụng để làm việc nhà không mang lại các sản

phẩm đầu ra bán được trên thị trường, nhưng nó lại có ý nghĩa vô cùng quan

trọng đối với gia đình và bản thân các em. Sử dụng số liệu Điều tra đánh giá các

mục tiêu trẻ em và phụ nữ Việt Nam năm 2011 và áp dụng kỹ thuật phân tích đa

biến bằng hồi quy tuyến tính, nghiên cứu cho thấy không có sự khác biệt giữa

trẻ em người Kinh/Hoa và dân tộc thiểu số trong độ tuổi 5-14, nhưng trẻ em lớn

tuổi hơn, giới tính là nữ, không đi học và sống ở khu vực nông thôn có số lượng

thời gian làm việc nhà nhiều hơn các trẻ em khác. Ngoài ra, số lượng thời gian

làm việc nhà của trẻ em còn phụ thuộc vào tuổi và học vấn của người mẹ, số

thành viên, số lượng người nữ trưởng thành, điều kiện sống, và vùng sinh sống

của hộ gia đình.

pdf 12 trang yennguyen 1020
Bạn đang xem tài liệu "Sử dụng thời gian làm việc nhà của trẻ em Việt Nam và các yếu tố ảnh hưởng", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Sử dụng thời gian làm việc nhà của trẻ em Việt Nam và các yếu tố ảnh hưởng

Sử dụng thời gian làm việc nhà của trẻ em Việt Nam và các yếu tố ảnh hưởng
 TAÏP CHÍ KHOA HOÏC XAÕ HOÄI soá 6 (202) 2015 
22
SỬ DỤNG THỜI GIAN LÀM VIỆC NHÀ CỦA 
TRẺ EM VIỆT NAM VÀ CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG 
TRẦN QUÝ LONG 
Số lượng thời gian trẻ em sử dụng để làm việc nhà không mang lại các sản 
phẩm đầu ra bán được trên thị trường, nhưng nó lại có ý nghĩa vô cùng quan 
trọng đối với gia đình và bản thân các em. Sử dụng số liệu Điều tra đánh giá các 
mục tiêu trẻ em và phụ nữ Việt Nam năm 2011 và áp dụng kỹ thuật phân tích đa 
biến bằng hồi quy tuyến tính, nghiên cứu cho thấy không có sự khác biệt giữa 
trẻ em người Kinh/Hoa và dân tộc thiểu số trong độ tuổi 5-14, nhưng trẻ em lớn 
tuổi hơn, giới tính là nữ, không đi học và sống ở khu vực nông thôn có số lượng 
thời gian làm việc nhà nhiều hơn các trẻ em khác. Ngoài ra, số lượng thời gian 
làm việc nhà của trẻ em còn phụ thuộc vào tuổi và học vấn của người mẹ, số 
thành viên, số lượng người nữ trưởng thành, điều kiện sống, và vùng sinh sống 
của hộ gia đình. 
1. GIỚI THIỆU 
Trẻ em làm việc phù hợp với độ tuổi 
và thể chất có nghĩa là giúp cha mẹ 
việc nhà, giúp cha mẹ trong hoạt động 
kinh doanh buôn bán của gia đình 
hoặc kiếm tiền tiêu vặt bằng cách làm 
thêm ngoài giờ học hoặc trong kỳ nghỉ. 
Các hoạt động trên góp phần vào sự 
phát triển của trẻ em cũng như tình 
hình kinh tế gia đình, giúp trẻ có được 
một số kỹ năng và kinh nghiệm, đồng 
thời chuẩn bị cho trẻ trở thành những 
thành viên có ích trong xã hội khi 
trưởng thành (UNICEF, 2010). 
Làm việc để giúp cha mẹ bằng cách 
chia sẻ công việc nhà hoặc trực tiếp 
đóng góp về tài chính, có thể xem như 
là một cách để trẻ em Việt Nam xây 
dựng lòng tin và tự trọng cho tương lai 
(UNICEF, 1994). Trẻ em đóng vai trò 
quan trọng trong công việc nhà vì giúp 
các thành viên người lớn trong gia 
đình có thời gian làm những công việc 
khác hiệu quả hơn (Joachim Theis và 
Hoàng Thị Huyền, 1997). Trẻ em tham 
gia làm việc nhà là biểu hiện chuẩn 
mực của lòng hiếu thảo, là một 
phương thức gia tăng giá trị nhân 
cách, phản ánh sức mạnh của truyền 
thống đã bắt rễ sâu xa trong một nền 
văn hóa phương Đông (Trần Quý 
Long, 2009, tr. 44-55). 
Nghiên cứu này được thiết kế nhằm 
trình bày và tìm hiểu thực trạng về số 
lượng thời gian mà trẻ em sử dụng để 
làm việc nhà trong gia đình và những 
yếu tố nhân khẩu học-xã hội nào có 
ảnh hưởng đến việc sử dụng số 
lượng thời gian làm việc nhà của trẻ 
em? 
Trần Quý Long. Thạc sĩ. Viện Nghiên cứu 
Gia đình và Giới. Viện Hàn lâm Khoa học 
xã hội Việt Nam. 
TRẦN QUÝ LONG – SỬ DỤNG THỜI GIAN LÀM VIỆC NHÀ 
23
2. ĐIỂM LUẬN 
Số lượng thời gian được trẻ em sử 
dụng khác nhau ở các hoạt động 
trong đời sống. Thời gian làm việc nhà 
trong gia đình của trẻ em được giải 
thích bởi những đặc điểm nhân khẩu 
học như tuổi, giới tính. Trẻ em bắt đầu 
giúp đỡ bố mẹ những công việc nhà 
khi còn nhỏ tuổi. Khối lượng công việc 
và số giờ làm việc phụ thuộc vào độ 
tuổi của trẻ em cho dù có đi học hay 
không. Khi trẻ em lớn hơn thì gia đình 
yêu cầu các em nhiều hơn và do đó 
thời gian trẻ em dành cho công việc 
tăng hơn. Một nghiên cứu đã được 
tiến hành với 431 trẻ em (228 trẻ em 
gái) tại 6 xã thuộc hai huyện của hai 
tỉnh Thanh Hóa và Hà Tĩnh ở khu vực 
Bắc Trung Bộ về tình hình lao động 
của trẻ em. Kết quả nghiên cứu cho 
thấy, hầu hết trẻ em ở nơi tiến hành 
khảo sát đã bắt đầu làm một số việc 
trong nhà và quanh nhà khi được 
khoảng 4 tuổi. Những công việc đầu 
tiên các em thường làm là quét sân và 
nhà, rửa bát, trông nhà và trông em. 
Khi lớn hơn, các em được giao nhiều 
nhiệm vụ hơn và khoảng 8-9 tuổi trẻ 
chịu trách nhiệm ngày càng lớn với 
những việc vặt trong nhà. Số lượng 
công việc trẻ em làm để giúp cha mẹ 
tăng lên rất nhiều khi các em được 10 
tuổi. Thông tin thu được qua phương 
pháp trẻ em tham gia ở một xã đồng 
bằng sông Hồng cho thấy, trẻ em 
trong độ tuổi 10-15 đã giúp đỡ cha mẹ 
trong hầu hết những công việc gia 
đình (Nguyễn Thị Vân Anh và Vân 
Anh, 1998, tr. 56-65). Sử dụng số liệu 
từ cuộc Điều tra mức sống ở Việt Nam 
năm 1992 và 1993 với số lượng mẫu 
4800 hộ gia đình, một nghiên cứu kết 
luận rằng, một đứa trẻ càng lớn thì 
càng sử dụng nhiều thời gian làm việc 
nhà. Biến số tuổi không chỉ phản ánh 
khả năng tham gia làm việc của trẻ 
em mà còn làm nổi bật việc trẻ em là 
nguồn cung cấp lao động riêng cho hộ 
gia đình (Amy Liu và Yuk Chu, 1997, 
tr. 91-98). 
Theo cách phân công lao động truyền 
thống thì trẻ em gái có trách nhiệm với 
các công việc nội trợ nhiều hơn so với 
trẻ em trai. Kết quả phân tích của một 
nhóm tác giả cho thấy, con gái làm 
công việc nội trợ nhiều hơn so với con 
trai 2,486 giờ một tuần (Amy Liu và 
Yuk Chu, 1997, tr. 91-98). Trong thực 
tế thì chính hoàn cảnh của từng hộ gia 
đình quyết định việc phân chia lao 
động giữa các thành viên gia đình, và 
không nhất thiết có sự phân công lao 
động theo giới tính. Tuy nhiên, tính 
trung bình, trẻ em gái làm việc nhà 
nhiều hơn trẻ em trai. Kết quả này 
phản ánh hình mẫu chung trên khắp 
thế giới nơi mà người ta đều xác định 
rằng, nhìn chung phụ nữ và trẻ em gái 
làm việc nhiều giờ hơn nam giới và trẻ 
em trai (Joachim Theis và Hoàng Thị 
Huyền, 1997). Con cái là một nguồn 
giúp đỡ công việc nội trợ trong gia 
đình, nhưng có mức độ khác nhau 
giữa con trai và con gái. Mặc dù số 
con trai và con gái trung bình trong 
mỗi hộ gia đình của mẫu nghiên cứu 
là như nhau nhưng con gái là yếu tố 
đáng kể trong việc giảm công việc nội 
trợ của người vợ (Vũ Tuấn Huy và 
Deborah S. Carr, 2000, tr. 43-52). Kết 
 TAÏP CHÍ KHOA HOÏC XAÕ HOÄI soá 6 (202) 2015 
24
quả khảo sát vị thành niên ở 6 tỉnh/ 
thành phố được lựa chọn là Lai Châu, 
Quảng Ninh, Hà Tây, Quảng Nam-Đà 
Nẵng, TPHCM và Kiên Giang cho thấy, 
trẻ vị thành niên sử dụng trên dưới 
10% thời gian trong ngày (tương 
đương khoảng 2,5 giờ đồng hồ) cho 
các công việc nhà, và các em gái 
dùng thời gian nhiều gấp đôi các em 
trai (Barbara S. Mensch và cộng sự, 
2000). 
Các nghiên cứu cho thấy rằng không 
chỉ những đặc điểm nhân khẩu riêng 
của trẻ em có tầm quan trọng, mà 
những đặc điểm của bố mẹ và những 
chiều cạnh khác của hộ gia đình cũng 
là vấn đề quan trọng trong sử dụng 
thời gian làm việc nhà của trẻ em. Thu 
nhập cao hơn của hộ gia đình là một 
yếu tố quan trọng có thể dẫn đến trẻ 
em dành nhiều thời gian cho việc học 
hành và ít thời gian cho công việc nội 
trợ (Amy Liu và Yuk Chu, 1997, tr. 91-
98). 
Phân bố thời gian của trẻ em ở một 
mức độ nào đó phụ thuộc vào anh em 
của chúng làm cái gì. Nói cách khác 
một đứa trẻ làm cái gì bị ảnh hưởng 
không chỉ bởi địa vị của chúng trong 
sự phân công chung của tất cả trẻ em 
trong gia đình, mà còn bởi yếu tố giới 
của anh chị em của chúng (Amy Liu 
và Yuk Chu, 1997, tr. 91-98). Gia đình 
đông con cũng có thể là lý do khiến 
các em lớn hơn trong gia đình phải 
nghỉ học sớm, vì cha mẹ cần các em 
phụ giúp và cũng vì cha mẹ không thể 
lo cho tất cả các con đi học cùng lúc 
được (Joachim Theis và Hoàng Thị 
Huyền, 1997). Sự hiện diện của ông 
bà cho thấy trẻ em làm công việc nội 
trợ ít hơn, làm nổi bật vai trò của ông 
bà như một nguồn lao động có khả 
năng trong hộ gia đình (Amy Liu và 
Yuk Chu, 1997, tr. 91-98). 
Trẻ em ở khu vực đô thị có xu hướng 
làm việc nội trợ ít hơn so với trẻ em 
nông thôn. Kết quả này gợi ý rằng trẻ 
em trong khu vực đô thị có thể có 
nhiều thời gian rỗi hơn trẻ em ở khu 
vực nông thôn (Amy Liu và Yuk Chu, 
1997, tr. 91-98). Do các gia đình ở 
vùng nông thôn Việt Nam có thu nhập 
thấp, nhất là những vùng khó khăn và 
miền núi, trẻ em thường phải đỡ đần 
việc nhà và làm thêm. Trẻ vị thành 
niên nông thôn sử dụng thời gian 
nhiều gấp hai lần so với các em ở 
thành thị. Sự khác biệt nông thôn-
thành thị là kết quả rất đáng lưu ý vì 
đặc điểm công việc nhà khá khác 
nhau giữa hai khu vực. Song dù ở đâu 
thì vẫn có thể kết luận rằng các em 
gái phải dành nhiều thời gian đảm 
đương việc nhà hơn các em trai 
(Barbara S. Mensch và cộng sự, 2000). 
3. SỐ LIỆU, BIẾN SỐ VÀ KỸ THUẬT 
PHÂN TÍCH 
Số liệu 
Nghiên cứu này sử dụng số liệu của 
cuộc Điều tra đánh giá các mục tiêu 
về trẻ em và phụ nữ Việt Nam lần thứ 
4 vào năm 2011 (MICS 4). Đây là 
cuộc điều tra được thiết kế nhằm cung 
cấp các ước lượng tin cậy cho nhiều 
chỉ tiêu phản ánh tình hình trẻ em và 
phụ nữ ở cấp quốc gia, thành thị và 
nông thôn, và 6 vùng ở Việt Nam. 
Mẫu điều tra MICS 4 bao gồm 12.000 
TRẦN QUÝ LONG – SỬ DỤNG THỜI GIAN LÀM VIỆC NHÀ 
25
hộ gia đình đã được chọn dựa trên 
các địa bàn của Tổng điều tra dân số 
và nhà ở năm 2009. Trong số những 
hộ gia đình được chọn, 11.642 hộ gia 
đình đã có mặt trong thời gian điều tra 
và 11.614 hộ gia đình đã được phỏng 
vấn thành công, đạt tỷ lệ hộ trả lời 
99,8% (Tổng cục Thống kê, 2011). 
Trong cuộc điều tra này, có 7.511 trẻ 
em trong độ tuổi 5-14 được chọn từ 
11.614 hộ gia đình để phỏng vấn qua 
người đại diện hộ gia đình. Tuy nhiên, 
chỉ có 3.938 trẻ em tham gia làm việc 
nhà trong vòng 7 ngày trước cuộc 
khảo sát, vì thế đây cũng là số lượng 
mẫu tham gia trong nghiên cứu này. 
Biến số phụ thuộc 
Trong bảng hỏi của MICS 4 (2011), có 
một câu hỏi xác định số lượng thời 
gian làm việc nhà được tính bằng giờ 
của trẻ em 5-14 tuổi trong khoảng thời 
gian 7 ngày trước thời điểm khảo sát. 
Các công việc được đề cập đến bao 
gồm: Đi chợ, dọn dẹp, giặt quần áo, 
nấu ăn hoặc chăm sóc trẻ em, người 
già, người ốm. Kết quả phân tích ban 
đầu cho thấy số lượng thời gian làm 
việc nhà của trẻ em không có phân 
phối chuẩn và lệch dương (positive 
skewness) do vậy bắt buộc phải 
chuyển sang dạng thang đo logarit 
nhằm giảm lệch chuẩn hơn. Vì thế, 
biến số phụ thuộc trong nghiên cứu 
này là logarit số lượng thời gian làm 
việc nhà của trẻ em trong vòng 7 ngày 
trước cuộc khảo sát. 
Biến số độc lập 
Các biến số cơ bản về đặc trưng nhân 
khẩu học và tình trạng kinh tế, xã hội 
ở cấp độ cá nhân và hộ gia đình sử 
dụng trong nghiên cứu đóng vai trò là 
các biến số độc lập trong mối liên hệ 
với số lượng thời gian làm việc nhà 
của trẻ em (biến số phụ thuộc). 
Những biến số phản ánh đặc trưng 
của trẻ em 
Mỗi trường hợp trẻ em được khảo sát 
đều có những thông số cơ bản như 
tuổi, giới tính, thành phần dân tộc, và 
tình trạng đi học có thể chi phối đến 
số lượng thời gian làm việc nhà của 
trẻ em. Biến số tuổi trẻ em nhận giá trị 
liên tục (continuous variable) từ 5 đến 
14 và được xác định vào thời điểm 
điều tra. Các biến số còn lại là các 
biến giả (dummy variable) và chỉ nhận 
một trong hai giá trị, bằng 1 nếu điều 
kiện được thỏa mãn và bằng 0 nếu 
ngược lại. Chẳng hạn, nếu giới tính 
trẻ em là nữ thì biến giả tương ứng sẽ 
bằng 1, và ngược lại sẽ bằng 0. 
Có hai biến số phản ánh đặc trưng 
của người mẹ/người chăm sóc chính 
là tuổi và trình độ học vấn. Tuổi người 
mẹ là biến số liên tục còn học vấn 
người mẹ được xây dựng với tính 
chất là biến số giả với giá trị 1 là 
‘Trung học phổ thông trở lên’ và 0 là 
‘Trung học cơ sở trở xuống’. 
Những biến số phản ánh đặc trưng 
của gia đình được đưa vào phân tích 
bao gồm số thành viên gia đình (cũng 
là một biến số liên tục), chênh lệch 
nam - nữ về số người trưởng thành 
trong hộ gia đình, mức sống, nơi cư 
trú ‘thành thị-nông thôn’, và 6 vùng 
địa lý tự nhiên, kinh tế-xã hội của 
quốc gia. 
 TAÏP CHÍ KHOA HOÏC XAÕ HOÄI soá 6 (202) 2015 
26
Về biến số chênh lệch nam - nữ là 
người trưởng thành trong hộ gia đình, 
do những khác biệt giới, nam và nữ 
giữ vai trò khác nhau trong cuộc sống 
gia đình. Trong bối cảnh xã hội Việt 
Nam, người phụ nữ thường gánh 
trách nhiệm quản lý các công việc gia 
chánh, giáo dục chăm sóc trẻ em 
trong khi nam giới thiên về vai trò làm 
kinh tế. Cũng như vậy, quyền quyết 
định trong công việc của gia đình như 
đầu tư kinh doanh sản xuất, học hành, 
chăm sóc con cái không giống nhau 
giữa hai giới. Sự chênh lệch nam nữ 
trong số thành viên trưởng thành của 
hộ (tính từ 18 tuổi trở lên) có thể có 
tác động đến các hoạt động phúc lợi 
gia đình (Đặng Nguyên Anh, 2000, tr. 
61-74), bao gồm cả việc phân bố thời 
gian làm việc nhà của trẻ em. Nhằm 
đo lường được ảnh hưởng của biến 
số này, nghiên cứu sử dụng một biến 
số so sánh số thành viên nam - nữ là 
người trưởng thành trong hộ gia đình. 
Biến số này phản ánh ba tình huống 
trong thực tế: nam nữ ngang bằng 
nhau, nam nhiều hơn nữ, và nữ nhiều 
hơn nam trong một hộ gia đình. 
Biến số tình trạng kinh tế hộ gia đình 
được xây dựng dựa trên phương 
pháp phân tích thành phần cơ bản với 
những thông tin về sở hữu hàng hóa 
và tài sản của gia đình để gán quyền 
số cho mỗi loại tài sản của gia đình, 
đồng thời tính điểm giàu nghèo cho 
mỗi gia đình trong mẫu khảo sát. Các 
tài sản được sử dụng để tính toán bao 
gồm: radio, tivi, điện thoại di động, 
điện thoại cố định, tủ lạnh, xe đạp, xe 
máy, ô tô, thuyền, điện, loại sàn nhà, 
loại mái nhà, loại tường, loại nhiên 
liệu, số phòng ngủ, nước và công 
trình vệ sinh. Sau đó, mỗi gia đình 
được gia quyền theo số thành viên và 
tổng thể các gia đình được chia thành 
5 nhóm có quy mô bằng nhau và 
được xếp loại từ nhóm 20% nghèo 
nhất tới nhóm 20% giàu nhất dựa trên 
điểm giàu nghèo của gia đình. Chỉ số 
giàu nghèo được giả định có thể nắm 
bắt được tiềm năng của cải lâu dài 
của gia đình thông qua những thông 
tin về tài sản của gia đình và nhằm 
mục đích sắp xếp các gia đình theo 
mức sống từ nhóm nghèo nhất đến 
nhóm giàu nhất. Chỉ số giàu nghèo 
không nhằm cung cấp thông tin về 
nghèo đói tuyệt đối, thu nhập hoặc 
mức chi tiêu tại thời điểm khảo sát 
của gia đình (Tổng cục Thống kê, 
2011). 
Kỹ thuật phân tích 
Mặc dù kỹ thuật phân tích hai chiều 
cũng làm sáng tỏ khi xem xét các tác 
động của các yếu tố đối với số lượng 
thời gian làm việc nhà của trẻ em, 
nhưng phương pháp này cũng có 
nhược điểm là các tác động có thể 
tương quan lẫn nhau, và do đó có thể 
không phải tất cả đều thể hiện tác 
động độc lập. Để giải quyết vấn đề 
này, cần phải thực hiện một mô hình 
hồi quy đa biến nhằm xác định quan 
hệ nhân quả giữa các yếu tố nhân 
khẩu học, kinh tế-xã hội đối với số 
lượng thời gian làm việc nhà của trẻ 
em. 
Bởi vì biến số phụ thuộc có tính chất 
là liên tục nên mô hình hồi quy tuyến 
TRẦN QUÝ LONG – SỬ DỤNG THỜI GIAN LÀM VIỆC NHÀ 
27
tính được áp dụng. Hồi quy tuyến tính 
cố gắng quy các điểm rời rạc của dữ 
liệu về một đường thẳng theo phương 
pháp bình phương nhỏ nhất thông 
thường (OLS). 
4. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU 
Thống kê mô tả 
Thống kê mô tả cho tất cả biến số 
dùng để phân tích được trình bày 
trong Bảng 1. Kết quả phân tích cho 
thấy, trong tổng số 3.938 trẻ em 5-14 
tuổi tham gia nghiên cứu, số lượng 
thời gian làm việc nhà của trẻ em 
trong vòng 7 ngày trước thời điểm 
khảo sát trung bình là 6,68 giờ, và có 
phân phối từ 1 đến 56 giờ. Độ tuổi 
trung bình của trẻ em tham gia nghiên 
cứu khoảng 11 tuổi. 
Trong mẫu phân tích, tỷ lệ trẻ em nam 
và trẻ em nữ gần như tương đương 
nhau, 46% và 54%. Trẻ em dân tộc 
Kinh/Hoa chiếm tỷ lệ 83% và có đến 
96% trẻ em đang đi học tại thời điểm 
Bảng 1.  ... rở xuống chiếm 82% 
trong mẫu nghiên cứu, còn lại là tỷ lệ 
của nhóm người mẹ có học vấn trung 
học phổ thông trở lên, 18%. Tuổi trung 
bình của người mẹ/người chăm sóc 
chính khoảng 40 tuổi (xem Bảng 1). 
Số thành viên gia đình trong mẫu 
nghiên cứu có số trung bình là 4,7 
người với khoảng biến thiên từ 2 
người đến 15 người. Hai phần ba số 
hộ gia đình có tỷ lệ ngang nhau về số 
thành viên nam và nữ trưởng thành. 
Còn lại là số nam nhiều hơn số nữ với 
23% và số nữ nhiều hơn số nam là 
12%. Tỷ lệ hộ gia đình phân loại theo 
5 nhóm mức sống đã có sự thay đổi 
chút ít về cơ cấu mẫu, theo đó, hộ 
nghèo nhất có tỷ lệ tăng lên 25%, 
trong khi hộ giàu nhất giảm xuống còn 
13%. 
Gần bốn phần năm số lượng hộ gia 
đình trong mẫu nghiên cứu cư trú ở 
khu vực nông thôn, 78%. Tỷ lệ cư trú 
ở khu vực thành thị là 22%. Trong 6 
vùng tham gia vào mẫu của nghiên 
cứu, tỷ lệ được nhìn thấy là thấp nhất 
ở khu vực Tây Nguyên, 8%, tỷ lệ thấp 
thứ hai là vùng Đông Nam Bộ, khoảng 
13%. Các vùng còn lại có tỷ lệ không 
khác nhau nhiều, chênh lệch khoảng 
5%. 
Phân tích đa biến 
Kết quả ước lượng hồi quy đa biến 
bằng thủ tục OLS cho thấy, tuổi của 
trẻ em là một biến số quan trọng và có 
mối quan hệ đồng biến với số lượng 
thời gian làm việc nhà của trẻ em khi 
tính đến tác động của các biến số độc 
lập khác trong mô hình. Khi trẻ em 
tăng thêm 1 tuổi thì xác suất làm việc 
nhà của trẻ em cũng tăng theo tương 
ứng với 10,3% và rất có ý nghĩa thống 
kê (p=0,000). Điều này hàm ý rằng sự 
tín nhiệm của gia đình đối với trẻ trong 
công việc nhà tăng dần lên theo số 
tuổi của các em. 
Trẻ em gái phải làm việc nhà với số 
lượng thời gian nhiều hơn trẻ em trai. 
Khi tính đồng thời tác động của các 
biến độc lập khác có trong mô hình, 
số lượng thời gian trẻ em gái phải làm 
việc nhà cao hơn 17,9% so với trẻ em 
trai (p=0,000). Điều này là một bất lợi 
cho trẻ em gái, bởi vì nếu xét thực tế 
cùng được đi học như nhau nhưng số 
lượng thời gian làm việc nhà của trẻ 
em gái nhiều hơn sẽ ảnh hưởng đến 
việc học hành, nghỉ ngơi và giải trí của 
các em. 
Một kết quả quan trọng là với các tác 
động khác không đổi, tác động của 
biến số ‘dân tộc Kinh/Hoa’ đến số 
lượng thời gian làm việc nhà của trẻ 
em không có ý nghĩa thống kê. Qua 
đó có thể nói rằng, không có sự chênh 
lệch về số lượng thời gian làm việc 
nhà giữa trẻ em người Kinh/Hoa và 
người dân tộc thiểu số. 
Đối với các em không đi học, số 
lượng thời gian làm việc nhà trong 
tuần trước thời điểm khảo sát cao hơn 
so với trẻ em đang đi học. Khi tính 
đến ảnh hưởng của các biến số khác 
trong mô hình, hệ số hồi quy của biến 
số ‘đi học’ mang dấu âm (-) cho thấy 
số lượng thời gian làm việc nhà của 
trẻ em đang đi học thấp hơn so với trẻ 
em không đi học 12,3%. 
TRẦN QUÝ LONG – SỬ DỤNG THỜI GIAN LÀM VIỆC NHÀ 
29
Tuổi của người mẹ/người chăm sóc 
chính không ảnh hưởng đến số thời 
gian làm việc nhà của trẻ em. Nói 
cách khác, cho dù người mẹ/người 
chăm sóc chính có số tuổi như thế 
nào thì số lượng thời làm việc nhà của 
trẻ em là giống nhau trong cùng một 
điều kiện. Ngược lại, yếu tố học vấn 
của người mẹ/người chăm sóc chính 
có xu hướng ảnh hưởng đến số lượng 
thời gian làm việc nhà của trẻ em. Hệ 
số hồi quy trong 
mô hình của 
biến số học vấn 
mẹ từ trung học 
phổ thông trở lên 
mang dấu âm 
cho thấy số 
lượng thời gian 
làm việc nhà của 
trẻ em thấp hơn 
so với nhóm trẻ 
em có mẹ với 
học vấn từ trung 
học cơ sở trở 
xuống. 
Kết quả phân 
tích cho thấy rõ, 
khi gia đình tăng 
thêm một thành 
viên thì số lượng 
thời gian làm 
việc nhà của trẻ 
em giảm xuống. 
Điều này nói lên 
rằng, khi có 
nhiều thành viên 
trong gia đình thì 
việc nhà của trẻ 
em đã được chia 
sẻ phần nào. Số lượng thời gian làm 
việc nhà của trẻ em cũng được chia 
sẻ từ các thành viên nữ giới trưởng 
thành trong gia đình. So với những gia 
đình có số lượng nam và nữ trưởng 
thành bằng nhau, trẻ em trong gia 
đình có số thành viên nữ trưởng thành 
nhiều hơn số nam giới có số lượng 
thời gian làm việc nhà thấp hơn 6,6% 
(xem Bảng 2). 
Bảng 2. Mô hình hồi quy về tác động của các yếu tố đến số 
lượng thời gian làm việc nhà của trẻ em (thủ tục OLS) 
 Hệ số Giá trị t Giá trị p
Biến số phụ thuộc 
Logarit số thời gian làm việc nhà của trẻ 
em trong 7 ngày trước khảo sát 
Biến số độc lập 
Hằng số ,783 6,597 ,000 
Tuổi của trẻ em ,096 19,642 ,000 
Trẻ em nữ (có=1) ,161 7,196 ,000 
Dân tộc Kinh/Hoa (có=1) ,050 1,287 ,198 
Đi học (có=1) -,130 -2,211 ,027 
Tuổi của mẹ -,002 -1,579 ,114 
Học vấn mẹ >=THPT (có=1) -,057 -1,692 ,091 
Số thành viên gia đình -,027 -3,485 ,000 
Số nữ trưởng thành < số nam -,020 -,542 ,588 
Số nữ trưởng thành > số nam -,067 -2,392 ,017 
Trung bình -,060 -1,919 ,055 
Giàu -,146 -4,136 ,000 
Giàu nhất -,258 -5,693 ,000 
Nông thôn (có=1) ,063 1,991 ,047 
Miền núi phía Bắc ,091 2,163 ,031 
Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung ,075 2,098 ,036 
Tây Nguyên ,150 2,958 ,003 
Đông Nam Bộ ,123 3,055 ,002 
Đồng bằng sông Cửu Long -,125 -3,304 ,001 
Ghi chú: Các nhóm tham khảo bao gồm: Trẻ em nam; Dân tộc thiểu 
số; Không đi học; Học vấn mẹ từ trung học cơ sở trở xuống; Số 
thành viên nam trưởng thành bằng số thành viên nữ; Mức sống gia 
đình nghèo nhất và nghèo; Thành thị; và Đồng bằng sông Hồng. 
Nguồn: Điều tra đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ, 2011. 
 TAÏP CHÍ KHOA HOÏC XAÕ HOÄI soá 6 (202) 2015 
30
Mức sống của gia đình là một yếu tố 
quan trọng trong việc quyết định giảm 
số lượng thời gian dành cho việc nhà 
của trẻ em và mối quan hệ giữa hai 
yếu tố này là nghịch biến. Nói cách 
khác, khi tính đến tác động của các 
biến số độc lập khác trong mô hình, 
gia đình có mức sống cao hơn thì trẻ 
em có số lượng thời gian làm việc 
nhà thấp hơn. Cụ thể, so với nhóm 
có điều kiện sống nghèo và nghèo 
nhất (từ 40% trở xuống trong nhóm 
ngũ phân vị), số lượng thời gian làm 
việc nhà của trẻ em ở nhóm mức 
sống trung bình thấp hơn 6,2%. Trong 
khi đó, số lượng thời gian làm việc 
nhà của trẻ em ở nhóm giàu và giàu 
nhất lần lượt thấp hơn 13,9% và 
23,2%, tác động này rất có ý nghĩa 
thống kê (p=0,000). 
Tác động của yếu tố nơi cư trú là khá 
rõ ràng. Một khi kiểm soát được ảnh 
hưởng của các yếu tố khác trong mô 
hình, số lượng thời gian làm việc nhà 
của trẻ em ở khu vực nông thôn cao 
hơn 6,7% so với trẻ em ở khu vực 
thành thị. 
Trẻ em ở các vùng khác (ngoại trừ 
vùng Đồng bằng sông Cửu Long) đều 
có số lượng thời gian làm việc nhà 
cao hơn vùng so sánh là đồng bằng 
sông Hồng, trong đó khu vực Tây 
Nguyên cao hơn 16,2%, Đông Nam 
Bộ cao hơn 13,6%. So với đồng bằng 
sông Hồng, trẻ em ở khu vực Đồng 
bằng sông Cửu Long có số lượng thời 
gian làm việc nhà thấp hơn khoảng 
12%. Điều này thể hiện đặc điểm văn 
hóa của vùng Đồng bằng sông Cửu 
Long là người phụ nữ thường ở nhà 
làm công việc nội trợ, vì thế số lượng 
thời gian làm việc nhà của trẻ em ở 
khu vực này phần nào thấp hơn so 
với các vùng khác trong cả nước. 
5. THẢO LUẬN VÀ KẾT LUẬN 
Bản chất của công việc nhà ngày 
càng thay đổi nhanh khi nền kinh tế 
Việt Nam đang chuyển sang kinh tế thị 
trường. Từ xưa đến nay, người ta vẫn 
thường gọi công việc nội trợ là “việc 
vặt”. Mặc dù được đánh giá thấp, 
nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy vai 
trò của việc nhà vô cùng quan trọng 
và đó là một khối lượng công việc rất 
lớn, tiêu tốn rất nhiều thời gian và sức 
lực của người thực hiện. Số lượng và 
thời gian trẻ em tham gia vào các 
công việc nhà trong gia đình không 
mang lại các sản phẩm đầu ra bán 
được trên thị trường nhưng nó lại có ý 
nghĩa quan trọng đối với gia đình và 
bản thân các em. 
Kết quả phân tích cho thấy những đặc 
điểm nhân khẩu học-xã hội của trẻ em 
như tuổi, giới tính, thành phần dân tộc, 
và được đi học hay không có ý nghĩa 
quan trọng trong việc giải thích số 
lượng thời gian trẻ em ở độ tuổi 5-14 
làm việc nhà trong vòng 7 ngày trước 
thời điểm khảo sát MICS 4. Nhìn 
chung, trẻ em càng lớn tuổi hơn càng 
dùng nhiều thời gian làm việc nhà hơn. 
Tầm quan trọng của biến số tuổi trẻ 
em, một mặt phản ánh khả năng tham 
gia làm việc nhà của trẻ em tăng lên 
do phát triển về mặt sinh học, mặt 
khác làm nổi bật trẻ em là nguồn cung 
cấp dịch vụ lao động riêng trong nội 
bộ gia đình như các nghiên cứu đã đề 
cập. 
TRẦN QUÝ LONG – SỬ DỤNG THỜI GIAN LÀM VIỆC NHÀ 
31
Trong thực tế, chính hoàn cảnh của 
từng hộ gia đình quyết định việc phân 
công làm việc nhà giữa các thành viên 
trong gia đình, không nhất thiết có sự 
phân chia theo giới tính. Mặc dù vậy, 
nghiên cứu này cho thấy phân công 
lao động trong việc nhà vẫn bảo lưu 
giá trị truyền thống khi số lượng thời 
gian làm việc nhà của trẻ em gái nhiều 
hơn trẻ em trai. Tình trạng này xảy ra 
ở hầu hết các nước trên thế giới, khi 
con gái đến tuổi thiếu nữ, các em 
thường được mong đợi dành nhiều 
thời gian hơn cho việc nhà như nấu 
nướng, dọn dẹp, đi lấy nước và chất 
đốt, và chăm sóc em nhỏ. Trong khi 
đó, con trai thường sử dụng nhiều 
thời gian cho công việc đồng áng hay 
làm việc kiếm tiền (Ngân hàng thế giới, 
2001). Sự dai dẳng của mô hình phân 
công lao động nội trợ có tính chất 
phân biệt giới qua các kết quả nghiên 
cứu gần đây (Trần Quý Long, 2008; 
Vũ Tuấn Huy, 2004; Vũ Tuấn Huy và 
Deborah S. Carr, 2000) có thể là hệ 
quả của quá trình xã hội hóa vai trò 
giới ngay từ khi trẻ em tham gia các 
công việc gia đình như thế này. Kết 
quả phân tích của nghiên cứu gợi ý 
rằng nếu cứ tiếp tục với mô hình này 
thì trẻ em gái sẽ gặp nhiều bất lợi hơn 
trong cuộc sống, thậm chí phải trả giá 
bằng việc không tham gia hoặc từ bỏ 
học đường sớm, sức khỏe thể chất và 
tinh thần cũng trở nên yếu kém hơn. 
Vì thế, giảm sự chênh lệch về số 
lượng thời gian làm việc nhà giữa trẻ 
em nữ và trẻ em nam là điều hết sức 
cần thiết. 
Kết quả phân tích cho thấy, trẻ em đi 
học có số lượng thời gian làm việc 
nhà ít hơn so với trẻ em không được 
đi học. Đối với các em không đi học 
thì thời gian làm việc trong mỗi ngày 
lên đến khoảng 8 giờ hoặc nhiều hơn 
(Joachim Theis và Hoàng Thị Huyền, 
1997). Điều này làm phức tạp thêm 
các chính sách nhằm giảm thời gian 
của trẻ em trong lao động và tăng thời 
gian đi học của chúng. Không chỉ đối 
với các nhà lập chính sách phải tính 
phí giáo dục trực tiếp có tính khả thi 
đối với hộ gia đình, mà họ phải xem 
xét chi phí cơ hội gia đình phải gánh 
vác do những người lao động không 
có việc làm hoặc đã nghỉ hưu trong 
khi trẻ em còn đang đi học (Amy Liu 
và Yuk Chu, 1997, tr. 91-98) . 
Trẻ em trong gia đình có số lượng 
thành viên nhiều hơn, hoặc số thành 
viên nữ nhiều hơn số thành viên nam 
trưởng thành, có khả năng sử dụng số 
thời gian cho làm việc nhà ít hơn. Do 
đó bất cứ chính sách nào nhằm ảnh 
hưởng đến hành vi phân bố thời gian 
của trẻ em không chỉ nhằm mục tiêu 
vào những khu vực có ảnh hưởng 
trực tiếp đến trẻ em, mà còn phải chú 
ý đến những quan hệ lẫn nhau có thể 
có giữa các thành viên của hộ gia 
đình (Amy Liu và Yuk Chu, 1997, tr. 
91-98). Điều kiện sống của hộ gia 
đình yếu kém hơn là một yếu tố quan 
trọng có thể dẫn đến việc trẻ em dành 
ít thời gian hơn cho việc học hành và 
dành nhiều thời gian hơn cho các 
công việc nhà. Nếu các chi phí cơ hội 
của việc mất lao động trẻ em làm việc 
nhà cao thì có khả năng ngăn cản các 
hộ gia đình nghèo đầu tư vào giáo dục 
 TAÏP CHÍ KHOA HOÏC XAÕ HOÄI soá 6 (202) 2015 
32
cho trẻ em, đặc biệt cho con gái, 
những người mà các chi phí cơ hội 
này lớn hơn. 
Trẻ em ở khu vực nông thôn phải làm 
việc nhà với số lượng thời gian nhiều 
hơn trẻ em thành thị. Kết quả này cho 
thấy, do cuộc sống khó khăn và vất vả 
nên nhiều gia đình ở khu vực nông 
thôn nhìn nhận trẻ em như những 
người trợ giúp việc nhà chính. Khối 
lượng công việc nội trợ trong gia đình 
nông thôn rất nhiều và phong phú, do 
đó sự hỗ trợ từ các thành viên là điều 
rất cần thiết. Rõ ràng, nếu thiếu sự hỗ 
trợ của các thành viên khác trong gia 
đình, đặc biệt là con cái, sẽ dẫn đến 
số lượng công việc nội trợ dành cho 
phụ nữ nhiều hơn (Trần Quý Long, 
2008, tr. 53-65). Ngược lại, do mức 
sống tương đối cao nên nhiều gia 
đình ở khu vực thành thị đã mua sắm 
nhiều trang thiết bị vật chất tiện nghi 
và hiện đại, hoặc có thể thuê người 
làm toàn bộ thời gian hay bán thời 
gian nên phần nào giảm bớt số lượng 
thời gian làm việc nhà cho trẻ em. 
Thêm vào đó, do cơ hội phát sinh thu 
nhập, phụ nữ ở nông thôn phải tham 
gia hoạt động sản xuất với cường độ 
cao hơn vì thế nhu cầu sử dụng thời 
gian làm việc nhà của trẻ em có thể 
cao hơn so với khu vực thành thị. 
Công ước quốc tế về Quyền trẻ em đã 
chỉ ra rằng đối với sự phát triển của 
trẻ em việc nghỉ ngơi cũng quan trọng 
như dinh dưỡng, chăm sóc sức khoẻ 
và giáo dục. Bảo vệ quyền này là rất 
quan trọng đối với những trẻ phải làm 
việc nhà và có rất ít thời gian để vui 
chơi, tham gia các hoạt động giải trí 
phù hợp với lứa tuổi, hoặc không tiếp 
cận được với những địa điểm vui chơi. 
Nghiên cứu về phát triển con người 
cũng nhấn mạnh rằng trẻ em có 
những nhu cầu riêng và mức độ các 
nhu cầu này được đáp ứng có ảnh 
hưởng đáng kể đến kết quả phát triển 
thành thanh niên và người lớn của 
chúng. Nếu việc sử dụng số lượng 
thời gian làm việc nhà của trẻ em 
nhiều hơn thời gian để học tập, vui 
chơi và giải trí thì đó là điều các gia 
đình cần phải hết sức cân nhắc.  
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN 
1. Amy Liu và Yuk Chu. 1997. Mô hình sử dụng thời gian của trẻ em Việt Nam. Tạp chí 
xã hội học, số 2. 
2. Barbara S. Mensch, Đặng Nguyên Anh và Wesley H Clark. 2000. Vị thành niên và 
biến đổi xã hội ở Việt Nam. Hội đồng Dân số và Viện Xã hội học, Hà Nội. 
3. Đặng Nguyên Anh. 2000. Cấu trúc hộ gia đình và sức khỏe trẻ em: những phát hiện 
qua khảo sát nhân khẩu học và sức khỏe 1997. Tạp chí Xã hội học, số 4. 
4. Joachim Theis và Hoàng Thị Huyền. 1997. Từ việc nhà đến khai thác vàng: Lao động 
trẻ em ở nông thôn Việt Nam. Save the Children, Hà Nội. 
5. Ngân hàng thế giới. 2001. Đưa vấn đề giới vào phát triển. Hà Nội: Nxb. Văn hóa-
Thông tin. 
6. Nguyễn Thị Vân Anh và Vân Anh. 1998. Sự thay đổi cơ cấu ngành nghề và việc 
chăm sóc, giáo dục trẻ em: Khảo sát tại một xã ven đô. Tạp chí Xã hội học, số 4. 
TRẦN QUÝ LONG – SỬ DỤNG THỜI GIAN LÀM VIỆC NHÀ 
33
7. Tổng cục Thống kê. 2011. Việt Nam - Điều tra đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ 
nữ. Hà Nội: Nxb. Thống kê. 
8. Trần Quý Long. 2008. Lao động nội trợ của phụ nữ nông thôn và các yếu tố tác động. 
Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới, số 6. 
9. Trần Quý Long. 2009. Trẻ em và sự tham gia lao động đóng góp thu nhập cho gia 
đình. Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới, số 4. 
10. UNICEF. 1994. Phân tích tình hình phụ nữ và trẻ em. Hà Nội. 
11. UNICEF. 2010. Báo cáo phân tích tình hình trẻ em tại Việt Nam. Hà Nội. 
12. Vũ Tuấn Huy. 2004. Xu hướng gia đình ngày nay (Một vài đặc điểm từ nghiên cứu 
thực nghiệm tại Hải Dương). Hà Nội: Nxb. Khoa học xã hội. 
13. Vũ Tuấn Huy và Deborah S. Carr. 2000. Phân công lao động nội trợ trong gia đình. 
Tạp chí Xã hội học, số 4. 

File đính kèm:

  • pdfsu_dung_thoi_gian_lam_viec_nha_cua_tre_em_viet_nam_va_cac_ye.pdf