Đánh giá các hoạt động can thiệp sớm trẻ khuyết tật

Tóm tắt. Đánh giá là một phần không thể thiếu và cần được thực hiện đối với tất cả các

hoạt động của quá trình can thiệp sớm. Những nhận xét, kết luận khách quan được đưa ra

do đánh giá thường xuyên là những thông tin hữu ích giúp cho việc kịp thời điều chỉnh các

hoạt động, nâng cao chất lượng của can thiệp sớm trẻ khuyết tật nhằm hướng tới mục tiêu

giúp trẻ đi học đúng độ tuổi.

pdf 6 trang yennguyen 5060
Bạn đang xem tài liệu "Đánh giá các hoạt động can thiệp sớm trẻ khuyết tật", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Đánh giá các hoạt động can thiệp sớm trẻ khuyết tật

Đánh giá các hoạt động can thiệp sớm trẻ khuyết tật
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1075.2015-0221
Educational Sci., 2015, Vol. 60, No. 8C, pp. 31-36
This paper is available online at 
ĐÁNH GIÁ CÁC HOẠT ĐỘNG CAN THIỆP SỚM TRẺ KHUYẾT TẬT
Nguyễn Đức Minh
Trung tâm Nghiên cứu Đánh giá kết quả giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam
Tóm tắt. Đánh giá là một phần không thể thiếu và cần được thực hiện đối với tất cả các
hoạt động của quá trình can thiệp sớm. Những nhận xét, kết luận khách quan được đưa ra
do đánh giá thường xuyên là những thông tin hữu ích giúp cho việc kịp thời điều chỉnh các
hoạt động, nâng cao chất lượng của can thiệp sớm trẻ khuyết tật nhằm hướng tới mục tiêu
giúp trẻ đi học đúng độ tuổi.
Từ khóa: Đánh giá, hoạt động, can thiệp sớm, trẻ em khuyết tật.
1. Mở đầu
Đánh giá việc thực hiện và kết quả đạt được cuối cùng là một phần không thể thiếu của mọi
hoạt động trong xã hội. Vì vậy, đánh giá cũng là phần không thể thiếu của việc can thiệp sớm trẻ
khuyết tật. Để bảo đảm chất lượng của can thiệp sớm thì hoạt động đánh giá cần được thực hiện
trong tất cả các giai đoạn, các hoạt động và các yếu tố tác động đến quá trình can thiệp sớm của
trẻ.
Theo N.Fallen và W.Umansky (1985), CTS là một quá trình tác động vào cuộc sống của trẻ
nhỏ bị khuyết tật và gia đình nhằm thay đổi xu hướng và hệ quả của khuyết tật hay sự chậm phát
triển. "Việc can thiệp phải được tiến hành trên từng cá nhân nhưng phải kết hợp điều chỉnh hoặc
phối hợp giữa các dịch vụ, chiến lược, kĩ thuật hoặc những đồ dùng cần thiết để giúp trẻ phát huy
hết tiềm năng" [14]. Can thiệp sớm đồng thời cũng vừa là chương trình hỗ trợ, giúp đỡ gia đình
của trẻ khuyết tật vượt qua được những vấn đề tâm lí, hướng dẫn gia đình các nội dung, phương
pháp, kĩ thuật can thiệp sớm và tìm các nguồn hỗ trợ, phối hợp với các chuyên gia trong việc thực
hiện những hoạt động can thiệp sớm cho trẻ, và là công tác nâng cao nhận thức, trách nhiệm của
cộng đồng trong chăm sóc, giáo dục trẻ khuyết tật nói riêng và trẻ em nói chung.
Muốn can thiệp sớm trẻ khuyết tật có hiệu quả thì sàng lọc phát hiện sớm, chẩn đoán, đánh
giá phát triển có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Công việc này giúp nhà chuyên môn xác định được
các mức độ khuyết tật, khả năng, nhu cầu của trẻ để kịp thời xây dựng và thực hiện chương trình,
biện pháp hạn chế tác động tiêu cực của khuyết tật và phát huy tối đa những mặt mạnh, cung cấp
những hỗ trợ cần thiết, giúp trẻ phục hồi chức năng, phát triển để có thể đi học đúng độ tuổi.
Đánh giá là một hoạt động quan trọng các hoạt động can thiệp sớm trẻ khuyết tật. Những
nhận xét, kết luận khách quan được đưa ra do đánh giá thường xuyên là những thông tin hữu ích
giúp cho việc kịp thời điều chỉnh các hoạt động, nâng cao chất lượng của can thiệp sớm trẻ khuyết
tật nhằm hướng tới mục tiêu giúp trẻ đi học đúng độ tuổi.
Ngày nhận bài: 10/7/2015. Ngày nhận đăng: 15/10/2015.
Liên hệ: Nguyễn Đức Minh, e-mail: ducminhvision@gmail.com.
31
Nguyễn Đức Minh
Như vậy, đánh giá các hoạt động can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật cần bắt đầu ngay từ khi
sàng lọc phát hiện, chẩn đoán dạng tật và mức độ khuyết tậtđánh giá phát triển đến khi trẻ tham gia
hoạt động học tập ở tiểu học và chú trọng đến các chương trình, kế hoạch, phương pháp, kĩ thuật
can thiệp sớm, công tác gia đình, cộng đồng, hoạt động của các liên đới đối với trẻ và gia đình của
trẻ, các điều kiện, hoàn cảnh,. . . của cả quá trình thực hiện can thiệp sớm.
Các nghiên cứu hiện nay tại Việt Nam chủ yếu tập trung vào phát hiện sớm, chẩn đoán,
đánh giá trẻ, sử dụng các phương pháp can thiệp trẻ mà chưa chú trọng đến đánh giá các hoạt động
can thiệp sớm trẻ khuyết tật. Điển hình là các nghiên cứu của các tác giả: Nguyễn Nữ Tâm An
(2012) [1], Nguyễn Thị Hương Giang (2012) [2], Trần Thị Thu Hà và cộng sự (2010) [3], Nguyễn
Thị Bích Hạnh (2007) [4], Trần Thị Minh Thành (2011) [8], Nguyễn Văn Lê (2012) [7], Trần Thị
Lệ Thu (2012) [9], Nguyễn Thị Hoàng Yến [10, 11, 12, 13], Lê Thúy Hằng [6], Nguyễn Thị Hạnh
[5]. Bài viết này, chúng tôi bàn đến các nội dung đánh giá các hoạt động can thiệp sớm trẻ khuyết
tật tại Việt Nam.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Khái niệm can thiệp sớm và đánh giá các hoạt động can thiệp sớm trẻ
khuyết tật
* Can thiệp sớm là sự hướng dẫn, giáo dục sớm cho trẻ khuyết tật và những người trong
môi trường gần nhất của trẻ. Sự hướng dẫn, giáo dục sớm được đề cập tới trong định nghĩa về can
thiệp sớm cho trẻ khuyết tật bao gồm các dịch vụ tổng hợp: Tư vấn và hướng dẫn gia đình; Chẩn
đoán và đánh giá y tế và tâm lí; Chăm sóc y tế; Chăm sóc thính học; Chăm sóc thị lực; Các dịch
vụ chỉnh trị (vật lí trị liệu, ngôn ngữ trị liệu, chỉnh âm. . . ); Giáo dục đặc biệt.
* Đánh giá có thể được hiểu như một quá trình thu thập thông tin để nhằm mục đích đưa ra
một quyết định.
* Đánh giá các hoạt động can thiệp sớm trẻ khuyết tật là hoạt động đánh giá công tác phát
hiện sớm, chẩn đoán, đánh giá phát triển, xây dựng và thực hiện kế hoạch can thiệp sớm, đánh giá
kết quả can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật nhằm thu thập những thông tin hữu ích giúp nhà chuyên
môn kịp thời điều chỉnh các hoạt động, nâng cao chất lượng của can thiệp sớm trẻ khuyết, hướng
tới mục tiêu giúp trẻ đi học đúng độ tuổi.
2.2. Nội dung đánh giá các hoạt động trong can thiệp sớm trẻ khuyết tật
Các nội dung chính của đánh giá can thiệp sớm trẻ khuyết tật bao gồm:
- Đánh giá việc chẩn đoán và phát hiện sớm; Đánh giá việc xác định năng lực và nhu cầu
của trẻ; Đánh giá việc xây dựng chương trình, kế hoạch can thiệp sớm;
- Đánh giá việc thực hiện các hoạt động theo chương trình, kế hoạch can thiệp sớm đã được
xây dựng; Đánh giá những yếu tố tác động đến quá trình can thiệp sớm;
- Đánh giá việc đánh giá trong quá trình can thiệp sớm.
2.2.1. Đánh giá các hoạt động chẩn đoán và phát hiện sớm
Chẩn đoán các khuyết tật (kể cả trước khi sinh) có nguy cơ mắc phải của trẻ rất quan trọng.
Chẩn đoán chính xác sẽ là tiền đề tốt cho việc chuẩn bị để xây dựng kế hoạch hỗ trợ, can thiệp
và chuẩn bị trước tâm lí cho gia đình của trẻ. Chẩn đoán còn là cơ sở để tư vấn cho gia đình có
nên tiếp tục tìm kiếm các địa chỉ khám, đánh giá khác để xác định rõ hơn việc trẻ có nguy cơ mắc
khuyết tật hay không hoặc chuẩn bị các phương án hỗ trợ cho trẻ nều nguy cơ có thể đã tương đối
32
Đánh giá các hoạt động can thiệp sớm trẻ khuyết tật
rõ và sẽ xẩy ra trong thời điểm không xa.
Dựa trên những chẩn đoán ban đầu, việc phát hiện những dấu hiệu, biểu hiện khuyết tật của
trẻ cần được thực hiện và ghi lại. Những thông tin về phát hiện ban đầu sẽ rất cần thiết cho việc
đánh giá mức độ, xu hướng phát triển của khuyết tật và là cơ sở cho việc tư vấn, hỗ trợ gia đình
đưa trẻ đến những cơ sở khám, chữa bệnh hoặc đánh giá về tâm lí giáo dục nhằm xác định cụ thể
khả năng và nhu cầu của trẻ.
Đánh giá các hoạt động chẩn đoán, phát hiện khuyết tật của trẻ là nhằm xác định xem việc
chẩn đoán, phát hiện đã được thực hiện đúng quy trình và các thông tin ghi nhận có được sắp xếp,
phân loại một cách khoa học, đầy đủ để làm cơ sở cho việc đưa ra những nhận định ban đầu phục
vụ cho việc tư vấn cũng như chuẩn bị tâm thế của gia đình và giáo viên một cách chính xác hay
chưa. Những thông tin về chẩn đoán, phát hiện không chính xác, chưa đầy đủ sẽ không giúp ích
nhiều cho gia đình và cán bộ làm công tác can thiệp sớm mà ngược lại còn gây hoang mang, lo
lắng cho họ nữa. Do đó, những nhận định, kết luận của đánh giá việc chẩn đoán, phát hiện khuyết
tật của trẻ cần được thực hiện nghiêm túc để có thể xác định về nhận định, kết luận ban đầu giúp
công tác can thiệp sớm được thực hiện đúng hướng và kịp thời.
2.2.2. Đánh giá hoạt động xác định khả năng và nhu cầu của trẻ
Xác định khả năng và nhu cầu của trẻ là hoạt động quan trọng trong quá trình can thiệp sớm
cho trẻ. Đánh giá hoạt động này nhằm mục đích kiểm tra độ chân thực của các thông tin như:
- Trẻ đã được đưa đến đúng địa chỉ cần được đánh giá, xác định khả năng và nhu cầu;
- Trẻ đã được đánh giá bởi đúng các chuyên gia về lĩnh vực khuyết tật mà trẻ mắc phải;
- Việc xác định khả năng và nhu cầu của trẻ đã được thực hiện theo đúng quy trình;
- Những thông tin về khả năng, nhu cầu của trẻ đã rõ ràng và có thể phục vụ cho việc xây
dựng kế hoạch chăm sóc, can thiệp sớm;
- Những nhu cầu cần chú ý và có thể điều chỉnh để phù hợp với điều kiện thực tế của gia
đình và sự hỗ trợ dự báo có thể huy động để giúp cho trẻ và gia đình. . .
Đánh giá việc xác định khả năng, nhu cầu của trẻ khuyết tật là nhằm tránh những sai sót
dẫn tới chậm trễ hoặc lệch hướng khi thực hiện các hoạt động can thiệp về y tế, giáo dục và xã hội
tiếp theo.
2.2.3. Đánh giá việc xây dựng chương trình, kế hoạch can thiệp sớm
Chương trình, kế hoạch can thiệp sớm là văn bản dự kiến về thời gian, nội dung, phương
pháp, phương tiện, người chủ trì, phối hợp và những kết quả dự kiến. . . sẽ triển khai để giúp trẻ
dựa vào khả năng của mình, khắc phục những hạn chế do khuyết tật gây ra để phát triển để có thể
hòa nhập và phát triển. Chương trình, kế hoạch can thiệp sớm được xây dựng tốt cần đảm bảo các
tiêu chí như: đáp ứng được khả năng, nhu cầu của trẻ, phù hợp với điều kiện, mức độ phát triển
của giáo dục, kinh tế, văn hóa, xã hội địa phương và gia đình. Chương trình, kế hoạch xây dựng rất
tốt nhưng nhà trường, gia đình, xã hội không thể đáp ứng được thì sẽ trở thành viển vông, xa thực
tiễn, không thể hiện thực hóa. Nhưng nếu chương trình, kế hoạch được xây dựng có mục tiêu quá
thấp sẽ cản trở tới sự phát triển của trẻ.
Chương trình, kế hoạch phù hợp với đặc điểm phát triển cá nhân của trẻ và điều kiện phát
triển kinh tế, văn hóa, xã hội của gia đình và nhà trường sẽ là sức mạnh tổng hợp giúp trẻ khắc
phục những hạn chế và phát huy tối đa năng lực để học tập, rèn luyện phát triển và hòa nhập cộng
đồng. Các tiêu chí chính cần chú trọng trong đánh giá chương trình và kế hoạch can thiệp sớm trẻ
khuyết tật gồm:
33
Nguyễn Đức Minh
- Các mục tiêu cần đạt sau một năm, hoặc 3-5 năm.
- Những mục tiêu cần đạt sau một giai đoạn (một năm, nửa năm, hàng quý, hàng tháng hoặc
sau một/một số hoạt động. . . ).
- Nội dung cần thực hiện can thiệp sớm (y tế, giáo dục, tâm lí, xã hội. . . ).
- Những hoạt động cụ thể để thực hiện những nội dung nhằm tới mục tiêu.
- Thời gian thực hiện các nội dung/hoạt động can thiệp sớm.
- Các phương pháp thực hiện can thiệp sớm.
- Các phương tiện cần thiết khi thực hiện quá trình can thiệp sớm.
- Người chủ trì và phối hợp trong các hoạt động.
- Nhiệm vụ, vị trí cụ thể của trẻ, giáo viên, phụ huynh và những người tham gia can thiệp
sớm.
- Những nguồn hỗ trợ cần thiết để thực hiện chương trình, kế hoạch can thiệp sớm.
- Kết quả dự kiến để làm tiêu chí đánh giá sau thời gian quy định của các hoạt động can
thiệp sớm.
- Kế hoạch và các tiêu chí đề xuất để đánh giá quá trình và kết quả thực hiện các hoạt động
can thiệp sớm.
- Những điều chú ý, có thể cần điều chỉnh khi thực hiện chương trình, kế hoạch can thiệp
sớm.
Đánh giá văn bản được xây dựng về chương trình và kế hoạch thực hiện can thiệp sớm trẻ
khuyết tật sẽ xác định lại một lần nữa sự hợp lí trong ưu tiên các nội dung, hoạt động của can thiệp
sớm, đưa ra đề xuất, kết luận về bổ sung những nội dung cần thiết hoặc loại bỏ những nội dung,
hoạt động không hợp lí để bảo đảm, nâng cao chất lượng của can thiệp sớm. Đánh giá chương
trình, kế hoạch can thiệp sớm là điều kiện tiên quyết để khi đưa vào thực hiện sẽ tránh được những
hạn chế và nâng cao hiệu quả của can thiệp sớm trẻ khuyết tật.
2.2.4. Đánh giá việc thực hiện chương trình, kế hoạch can thiệp sớm
Thực hiện chương trình can thiệp sớm là những hoạt động nhằm hiện thực hóa các mục
tiêu, nội dung, phương pháp,. . . đã được xây dựng. Đánh giá quá trình thực hiện chương trình, kế
hoạch can thiệp sớm nhằm thu thập, xử lí, phân tích một cách hệ thống những thông tin trong can
thiệp sớm trẻ khuyết tật để kịp thời phát huy, điều chỉnh các hoạt động, thời gian, sự đáp ứng các
nhu cầu,. . . giúp trẻ phát triển tốt nhất trong khả năng của mình hướng tới đi học hòa nhập đúng
độ tuổi.
Đánh giá quá trình thực hiện chương trình nhằm xác định xem những mục tiêu, nội dung,
phương pháp, phương tiện được dự kiến trong các hoạt động cũng như thời gian dự kiến, trách
nhiệm của các liên đới tham gia can thiệp sớm. . . đã đạt được ở mức độ nào, có thực tế không, hay
cần phải điều chỉnh, thay đổi để có thể đạt hiệu quả cao hơn.
Chương trình, kế hoạch can thiệp sớm dù có được xây dựng rất tốt cũng rất khó có thể đảm
bảo phù hợp hoàn toàn với thực tế cuộc sống luôn thay đổi. Vì vậy, việc đánh giá cần được thực
hiện thường xuyên trong suốt quá trình thực hiện để có thể đưa ra những nhận xét, quyết định cần
thiết giúp cho việc điều chỉnh mục tiêu, nội dung và phương pháp. . . thích ứng và sát nhất với thực
tế khách quan.
Điều quan trọng cần chú ý trong đánh giá quá trình can thiệp sớm trẻ khuyết tật là đánh giá
cả sự chuẩn bị của trẻ, gia đình và các cơ sở chăm sóc giáo dục (y tế, giáo dục) khi trẻ chuyển tiếp
các giao đoạn từ nhà tới cơ sở y tế/giáo dục hoặc từ cơ sở y tế về nhà và đến cơ sở giáo dục cũng
34
Đánh giá các hoạt động can thiệp sớm trẻ khuyết tật
như sự kết hợp giữa cơ sở giáo dục với y tế, gia đình và các cá nhân, tổ chức xã hội đã được xây
dựng trong chương trình, kế hoạch can thiệp sớm trẻ khuyết tật.
Kết quả của đánh giá sau khi thực hiện chương trình, kế hoạch can thiệp sớm trẻ khuyết tật
sau một giai đoạn là cơ sở quan trọng nhất cho việc xây dựng chương trình, kế hoạch chăm sóc,
giáo dục trẻ khuyết tật trong các giai đoạn tiếp theo, nhằm tới mục tiêu giúp trẻ chuẩn bị kiến thức,
kĩ năng và tâm thế để đi học đúng độ tuổi.
2.2.5. Đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình can thiệp sớm trẻ khuyết tật
Xã hội luôn thay đổi nên các yêu tố ảnh hưởng đến việc can thiệp sớm trẻ khuyết tật cũng
luôn thay đổi. Việc đánh giá các thay đổi của điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội trong qua trình can
thiệp cho trẻ khuyết tật vì vậy cần được chú trọng. Khi xây dựng mục tiêu và kế hoạch can thiệp
sớm trẻ khuyết tật, các yếu tố tác động như trình độ của chuyên gia, cán bộ quản lí giáo dục, y tế,
xã hội và của phụ huynh cũng như các điều kiện khác như cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị hỗ
trợ, các nguồn lực có thể vận dụng, huy động giúp cho trẻ và gia đình đã được tính đến. Tuy nhiên,
các tính toàn này đều chỉ trong tầm dự kiến vì trong quá trình thực hiện, mọi yếu tố đều có thể
có thay đổi. Ví dụ: giáo viên, chuyên gia y tế, xã hội có trình độ, chuyên môn tốt chuyển đi hoặc
đến, kinh tế gia đình phát triển hơn hoặc có những kĩ thuật, phương pháp can thiệp mới hiệu quả
hơn,. . .
Vì vậy, đánh giá các yếu tố ảnh hưởng tới những hoạt động can thiệp sớm trẻ khuyết tật một
cách thường xuyên, có hệ thống để kịp thời điều chỉnh mục tiêu, kế hoạch phù hợp với thực tiễn là
việc làm có tính chất bắt buộc trong cả quá trình can thiệp sớm.
2.2.6. Đánh giá hoạt động đánh giá trong quá trình can thiệp sớm
Đánh giá các hoạt động trong suốt quá trình can thiệp sớm là việc quan trọng nhằm thu
thập, phân tích, xử lí các thông tin về các mức độ và chất lượng của hoạt động được thực hiện so
với mục tiêu đặt ra nhằm kịp thời có những điều chỉnh thích hợp để nâng cao hiệu quả của can
thiệp sớm. Để thực hiện đúng thì đánh giá cần luôn tuân thủ việc hướng tới mục tiêu cần đánh giá
của hoạt động và phải bảo đảm tính khách quan. Nói các khác là cần đảm bảo độ tin cậy, độ giá
trị và tính khách quan. Đánh giá việc đánh giá trong quá trình can thiệp sớm là nhằm xác định
xem việc đánh giá có tập trung vào mục đích, nội dung, phương pháp. . . hoặc các vấn đề trong
can thiệp sớm cần đánh giá hay không và việc sử dụng các nhận xét, kết luận của đánh giá vào cải
thiện hoạt động can thiệp sớm cho trẻ đã được thực hiện ra sao. Nếu đánh giá trong quá trình can
thiệp sớm được thực hiện một cách hình thức, không góp phần vào việc cải thiện việc can thiệp
sớm cho trẻ thì cần phải kịp thời có những nhận xét, kết luận, khuyến nghị để hoạt động này cần
được quan tâm đúng mức và đi vào thực chất.
3. Kết luận
Đánh giá các hoạt động trong can thiệp sớm là hoạt động rất cần thiết. Thực hiện đánh giá
các hoạt động trong can thiệp sớm sẽ cung cấp các thông tin, nhận xét, kết luận cần thiết, hữu ích
giúp cho việc kịp thời phát huy hay điều chỉnh các mục tiêu, kế hoạch, nội dung, phương pháp. . .
can thiệp sớm phù hợp hơn đối với sự phát triển của trẻ và các điều kiện, yếu tố tác động đến can
thiệp sớm trẻ khuyết tật. Việc đánh giá cần được thực hiện đối với tất cả các hoạt động trong can
thiệp sớm và chú trọng đánh giá thường xuyên trong quá trình thực hiện hơn là đánh giá kết quả
cuối cùng sau khi thực hiện. Triển khai đánh giá các hoạt động trong quá trình càn thiệp sớm sẽ
bảo đảm chất lượng và hiệu quả của cộng tác này, giúp trẻ khuyết tật phát triển tốt nhất tiềm năng,
khắc phục những hạn chế để có thể đi học lớp 1 đúng độ tuổi.
35
Nguyễn Đức Minh
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Nguyễn Nữ Tâm An, 2012. Một số vấn đề về chẩn đoán trẻ rối loạn phổ tự kỉ. Tạp chí Khoa
học Đại học Quốc gia Hà Nội, Khoa học Xã hội - Nhân văn 28, tr.143-147.
[2] Nguyễn Thị Hương Giang, 2012. Nghiên cứu phát hiện sớm tự kỉ bằng M-CHAT 23, đặc
điểm dịch tễ lâm sàng và can thiệp sớm phục hồi chức năng cho trẻ. Luận án tiến sĩ, Trường
Đại học Y Hà Nội.
[3] Trần Thị Thu Hà, Nguyễn Hương Giang, 2010. Nghiên cứu sàng lọc phát hiện sớm Tự kỉ
bằng MCHAT - 23 ở trẻ em 18 - 24 tháng tuổi. Tạp chí Y học thực hành.
[4] Vũ Thị Bích Hạnh, 2007. Tự kỉ - Phát hiện và can thiệp sớm. Nxb Y học, Hà Nội.
[5] Nguyễn Thị Hạnh, 2015. Đánh giá mức độ phát triển trẻ khuyết tật ở trường mầm non hòa
nhập. Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 60(1), pp. 103-110.
[6] Lê Thị Thúy Hằng, 2015. Can thiệp sớm trẻ khuyết tật, Giáo trình CĐSP mầm non. Nxb GD,
Hà Nội
[7] Nguyễn Văn Lê, 2012. Tăng cường năng lực cho nguồn lực can thiệp sớm giáo dục trẻ khuyết
tật ở Việt Nam. Nhiệm vụ hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ theo Nghị định thư.
[8] Trần Thị Minh Thành, 2013. Thực trạng đánh giá phát triển cho trẻ rối loạn tự kỉ và giải
pháp. Tạp chí Giáo dục - Số đặc biệt.
[9] Trần Thị Lệ Thu, 2012. Đại cương can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật trí tuệ. Nxb Đại học Quốc
gia, Hà Nội.
[10] Nguyễn Thị Hoàng Yến và cộng sự, 2007. Một số công cụ chẩn đoán đánh giá và ứng dụng
trong giáo dục đặc biệt cho trẻ khuyết tật. Tạp chí tâm lí học, tr.2.
[11] Nguyễn Thị Hoàng Yến, 2015. Nghiên cứu biện pháp can thiệp sớm và giáo dục hòa nhập
cho trẻ tự kỉ ở nước ta hiện nay và trong giai đoạn 2011- 2020. Đề tài khoa học cấp Nhà
Nước, Mã số: ĐTĐL.2011-T/11.
[12] Nguyễn Thị Hoàng Yến (chủ biên), Đỗ Thị Thảo, 2010. Đại cương giáo dục trẻ khuyết tật trí
tuệ. Nxb Đại học Sư phạm.
[13] Nguyễn Thị Hoàng Yến, 2013. Tự kỉ - Những vấn đề lí luận và thực tiễn. Nxb Đại học Sư
phạm.
[14] Richard M. Gargiulo, Jennifer L. Kilgo. Young Children with Special Needs: An Introduction
to Early Childhood Special Education (Part I).
[15] Washington State Office of Superintendent of Public Instruction, 2008. A Guide to
Assessment in Early Childhood; Infancy to Age Eight.
[16] Wipula Dahanayake, 2009. Developing a Model for Home-Based Early Interventions for
Children with Disabilities. ACCU, Tales of Hope II.
ABSTRACT
Some problems of evaluation activities early intervention in children with disabilities
Assessment is an indispensable part and should be done for all the activities of the early
intervention process. The comments and conclusions, which are objectively given by regular
assessments, is useful information for timely adjustments of the activities and quality-improvement
for the early intervention of children with disabilities, aiming to help children go to school at the
right age.
Keywords: Assessment of Activities, Early intervention, Children with Disabilities.
36

File đính kèm:

  • pdfdanh_gia_cac_hoat_dong_can_thiep_som_tre_khuyet_tat.pdf