Tầm soát bệnh thận và hệ niệu trong cộng đồng qua sử dụng bảng câu hỏi và máy siêu âm bụng xách tay
TÓM TẮT Siêu âm bụng là phương tiện chẩn đoán không xâm lấn đã được sử dụng rộng rãi trong tầm soát bệnh lý hệ thận niệu trên lâm sàng. Mục tiêu nghiên cứu: (1) Tần suất bất thường của thận và hệ niệu phát hiện bằng máy siêu âm xách tay trong cộng đồng, (2) Đánh giá các yếu tố nguy cơ liên quan đến sỏi niệu qua đối chiếu kết quả sỏi niệu trên siêu âm với bảng câu hỏi phỏng vấn. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu cắt ngang, tiền cứu, tiến hành trên 2019 TH (tuổi trung bình là 42 tuổi, nữ chiếm 54,4%). Tầm soát bệnh thận và hệ niệu bằng máy siêu âm xách tay kết hợp với bảng câu hỏi tầm soát bệnh thận, tiết niệu cùng các bệnh lý nội khoa khác. Kết quả: Tần suất bất thường hệ thận niệu trên siêu âm là 12,3% (245 TH), trong đó 7,8% sỏi niệu, 2,1% nang thận, 1,4% thận ứ nước, 0,8% bệnh lý chủ mô thận. Có sự gia tăng tỷ lệ sỏi niệu và nang thận theo tuổi và đạt đỉnh ở nhóm 50-59 tuổi. Tuổi và tiền căn sỏi niệu là 2 yếu tố liên quan đến sỏi niệu phát hiện bằng siêu âm. Kết luận: Hỏi tiền căn sỏi niệu và siêu âm bụng hỗ trợ cho việc tầm soát sỏi niệu trong cộng đồng
Tóm tắt nội dung tài liệu: Tầm soát bệnh thận và hệ niệu trong cộng đồng qua sử dụng bảng câu hỏi và máy siêu âm bụng xách tay
Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 20 * Số 4 * 2016 Chuyên Đề Niệu - Thận 170 TẦM SOÁT BỆNH THẬN VÀ HỆ NIỆU TRONG CỘNG ĐỒNG QUA SỬ DỤNG BẢNG CÂU HỎI VÀ MÁY SIÊU ÂM BỤNG XÁCH TAY Trần Thị Bích Hương*, Bùi Thị Ngọc Yến*, Nguyễn Thị Ánh Nguyệt**, Trần Ngọc Sinh***, Phan Thanh Hải**** TÓM TẮT Siêu âm bụng là phương tiện chẩn đoán không xâm lấn đã được sử dụng rộng rãi trong tầm soát bệnh lý hệ thận niệu trên lâm sàng. Mục tiêu nghiên cứu: (1) Tần suất bất thường của thận và hệ niệu phát hiện bằng máy siêu âm xách tay trong cộng đồng, (2) Đánh giá các yếu tố nguy cơ liên quan đến sỏi niệu qua đối chiếu kết quả sỏi niệu trên siêu âm với bảng câu hỏi phỏng vấn. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu cắt ngang, tiền cứu, tiến hành trên 2019 TH (tuổi trung bình là 42 tuổi, nữ chiếm 54,4%). Tầm soát bệnh thận và hệ niệu bằng máy siêu âm xách tay kết hợp với bảng câu hỏi tầm soát bệnh thận, tiết niệu cùng các bệnh lý nội khoa khác. Kết quả: Tần suất bất thường hệ thận niệu trên siêu âm là 12,3% (245 TH), trong đó 7,8% sỏi niệu, 2,1% nang thận, 1,4% thận ứ nước, 0,8% bệnh lý chủ mô thận. Có sự gia tăng tỷ lệ sỏi niệu và nang thận theo tuổi và đạt đỉnh ở nhóm 50-59 tuổi. Tuổi và tiền căn sỏi niệu là 2 yếu tố liên quan đến sỏi niệu phát hiện bằng siêu âm. Kết luận: Hỏi tiền căn sỏi niệu và siêu âm bụng hỗ trợ cho việc tầm soát sỏi niệu trong cộng đồng. Từ khóa: siêu âm, sỏi niệu, nang thận, câu hỏi tầm soát, tiền căn sỏi niệu. ABSTRACT SCREENING KIDNEY AND UROLOGIC DISEASES IN COMMUNITY BY USING VÀ QUESTIONAIRES AND PORTABLE ULTRASOUND Tran Thi Bich Huong, Bui Thi Ngoc Yen, Nguyen Thi Anh Nguyet, Tran Ngoc Sinh, Phan Thanh Hai * Y Hoc TP. Ho Chi Minh * Supplement of Vol. 20 - No 4 - 2016: 170 - 178 Background: Abdominal ultrasound is a noninvasive diagnostic exam, which has been widely used in screening kidney and urologic abnormalities. Purpose: (1) To evaluate the prevalence of kidney and urologic abnormalities when screened in community by portable ultrasound machine; (2) To identify the related factors of urolithiasis through comparing results urolithiasis on urinary ultrasonography with interview questionnaire. Methods: A prospective, cross - sectional study, conducted in 2019 participants (average age was 42, women accounted for 54.4%). Screening kidney and urologic abnormalities used portable ultrasound should be combined with screening kidney - urologic disease and other internal medical conditions questionnaire. Results: The prevalence of kidney and urologic abnormality on ultrasound was 12.3% (245 patients), in which 7.8% urolithiasis, 2.1% kidney cyst, 1.4 hydronephrosis, 0.8% kidney structural abnormality. An increase in urolithiasis and kidney cyst rate related to age and peaked at 50-59 age groups. Age and urothiasis in history is two related factors of urolithiasis on ultrasound. * Bộ môn Nội, Đại học Y Dược TP.HCM, ** Bệnh viện Đa Khoa Đồng Nai, *** Bộ môn Ngoại Tiết Niệu, Đại học Y Dược TP.HCM, **** Trung tâm chẩn đoán Y Khoa MEDIC Tác giả liên lạc: PGS. Trần thị Bích Hương ĐT: 0938817385 Email: huongtrandr@yahoo.com Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 20 * Số 4 * 2016 Nghiên cứu Y học Chuyên Đề Niệu - Thận 171 Conclusion: Asking history and ultrasound should be combined to urolithiasis in community. Key words: urologic abnormality, urolithiasis, renal cyst, hydronepherosis, kidney structural abnormality. ĐẶT VẤN ĐỀ Siêu âm bụng là xét nghiệm hình ảnh học không xâm lấn được ứng dụng rộng rãi trên thế giới. Theo KDOQI 2002, cũng như KDIGO 2015, bất thường ở thận và hệ niệu trên siêu âm hoặc các xét nghiệm hình ảnh khác nếu tồn tại trên 3 tháng là 1 trong các tiêu chuẩn để chẩn đoán bệnh thận mạn. Theo Smith-Bindman và cs., năm 2014, nhận thấy không có sự khác biệt giữa siêu âm và CT Scan trong tầm soát sỏi niệu và biến chứng(8). Ở các nước đang phát triển như nước ta, siêu âm được trang bị rộng rãi ở nhiều đơn vị khám chữa bệnh và được chỉ định rộng rãi (đôi khi dẫn đến việc lạm dụng) trong tầm soát bệnh lý nội ngoại và sản khoa(12). Nghiên cứu NHANES ghi nhận tần suất sỏi niệu ở mọi đối tượng 20-74 tuổi, gia tăng tại Mỹ từ 3,2% năm 1976-1980 lên 5,2% năm 1988-1994.Tần suất này gia tăng theo tuổi và cao nhất ở người da trắng. Nghiên cứu về tầm soát sỏi niệu tại Thừa Thiên Huế, năm 2006, ghi nhận tần suất chung của sỏi niệu 6,29%, của vùng đồng bằng 8,6%, vùng núi 5,84% và ven biển là 5,03%(5). Trong chương trình tầm soát sớm và giáo dục bệnh thận trong cộng đồng tại Long An, ngoài mục tiêu tầm soát bệnh thận mạn trong cộng đồng qua xét nghiệm và bảng câu hỏi, chúng tôi còn sử dụng máy siêu âm để tầm soát bệnh lý thận niệu. Mục tiêu của nghiên cứu là: (1) Xác định tần suất bất thường của thận và hệ niệu phát hiện bằng máy siêu âm xách tay trong cộng đồng, (2) Đánh giá các yếu tố nguy cơ liên quan đến sỏi niệu qua đối chiếu kết quả sỏi niệu trên siêu âm với bảng câu hỏi phỏng vấn. ĐỐI TƯỢNG - PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Thiết kế nghiên cứu Nghiên cứu tiền cứu, cắt ngang. Đối tượng nghiên cứu Người trưởng thành ≥ 19 tuổi, cư ngụ tại tỉnh Long An đồng ý tham gia nghiên cứu. Tiêu chuẩn loại trừ Phụ nữ có thai, đang hành kinh, suy thận mạn giai đoạn cuối đã chẩn đoán hoặc đang chạy thận nhân tạo. Phương pháp nghiên cứu Được sự hỗ trợ của Viện Vệ Sinh Y Tế Công Cộng Thành Phố Hồ Chí Minh, Sở Y Tế Tỉnh Long An, Trung Tâm Y Tế Dự Phòng địa phương, chúng tôi mời ngẫu nhiên (từ danh sách địa phương gửi) những người trưởng thành ≥ 19 tuổi, cư ngụ tại tỉnh Long An, tham gia nghiên cứu. Sau khi đồng ý tham gia nghiên cứu, người tham gia được đo sinh hiệu, cân nặng, chiều cao, vòng eo, vòng bụng và hướng dẫn uống nhiều nước (do nhóm nghiên cứu cung cấp) cho đến khi mắc tiểu trước khi làm siêu âm bụng khảo sát hệ niệu. Khi làm siêu âm, người tham gia được hướng dẫn nằm bên phải của bác sĩ chuyên khoa siêu âm và bộc lộ toàn bộ vùng bụng. Bác sĩ siêu âm sử dụng máy siêu âm xách tay Sonoscape của Trung Tâm Chẩn đoán Y Khoa MEDIC. Thông tin về siêu âm thận và hệ niệu ghi nhận theo 1 mẫu nghiên cứu thống nhất bao gồm: - Về thận: nhận xét về độ phản âm của 2 thận, so với gan, giới hạn vỏ tủy, kích thước thận teo nhỏ, thận ứ nước (nếu có, mức độ ứ nước), sỏi thận (vị trí, kích thước, số lượng), nang thận (vị trí, kích thước, số lượng) và bướu thận. - Về niệu quản: tìm dấu hiệu của niệu quản dãn, sỏi niệu quản. - Về bàng quang: nhận xét về thành bàng quang, sỏi bàng quang, bướu bàng quang. - Với nam trên 60 tuổi: chúng tôi khảo sát thêm tiền liệt tuyến, đo kích thước tiền liệt tuyến để tính thể tích tiền liệt tuyến. Do giới hạn của thời gian siêu âm, chúng tôi không tiến hành đo thể tích nước tiểu tồn lưu ở các bệnh nhân có tiền liệt tuyến to. Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 20 * Số 4 * 2016 Chuyên Đề Niệu - Thận 172 Các bác sĩ tham gia nghiên cứu được tập huấn thống nhất về cách phỏng vấn bằng bảng câu hỏi dài 4 trang về các dữ kiện cá nhân và gia đình. Bảng câu hỏi gồm 3 nhóm câu hỏi sau: (1) Tiền căn liên quan bệnh lý thận-niệu: tiền căn sỏi niệu, tiểu đêm, nhiễm trùng tiểu, tiền căn bệnh thận; (2) Tiền căn các bệnh lý nội khoa như tăng huyết áp, đái tháo đường, suy tim, bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ, tai biến mạch máu não, bệnh mạch máu ngoại biên; (3) Thói quen sinh hoạt như hút thuốc lá, uống rượu, tập thể dục, ăn lạt. Sau khi hoàn tất hỏi bệnh, người tham gia nghiên cứu được bác sĩ khám lâm sàng, được trực tiếp thông báo kết quả khám và kết quả siêu âm. Nếu phát hiện bệnh lý cần cấp cứu, người tham gia được sơ cứu tại trạm y tế địa phương hoặc giới thiệu đến bệnh viện tỉnh để xác định chẩn đoán và điều trị. Kết quả siêu âm và kết luận tầm soát bệnh thận niệu, sau đó, được in và gửi đến người tham gia nghiên cứu kèm theo lời khuyên về điều trị hoặc thay đổi lối sống qua trạm y tế địa phương và mạng y tế công cộng tại địa phương. Định nghĩa biến số Các biến số liên quan trên siêu âm sử dụng trong nghiên cứu(4): Sỏi niệu: là cấu trúc phản âm, có bóng lưng phía sau ở nhu mô thận, đài bể thận, niệu quản, bàng quang. Nang thận: là cấu trúc phản âm trống, tăng âm phía sau ở vùng vỏ, tủy hoặc cận bể thận. Thận ứ nước: Dãn hệ thống đài bể thận với phản âm trống của ứ nước do tắc nghẽn đường dẫn tiểu. Thận ứ nước được phân thành 3 độ với độ 1 (dãn bể thận, các đài thận dãn nhẹ), độ 2 (bể thận dãn rõ rệt chèn ép làm nhu mô thận hẹp lại), độ 3 (bể thận và đài thận dãn thành một nang lớn, không phân biệt được bể thận và đài bể thận, nhu mô thận còn rất mỏng). Mất giới hạn vỏ tủy thận: khi có tăng âm vùng vỏ thận làm mất phân biệt về cấu trúc giữa vỏ và tủy thận. Tiền liệt tuyến to được định nghĩa thể tích tiền liệt tuyến ≥ 35 mL (với thể tích tiền liệt tuyến (TLT) tính trên siêu âm bằng (chiều dài x rộng x ngang của TLT x 0,52). Tăng huyết áp khi huyết áp tâm thu ≥140mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90 mmHg tại thời điểm khám bệnh trong 3 lần đo, hoặc tiền căn tăng huyết áp và đang dùng thuốc hạ áp. Chỉ số khối cơ thể (BMI) (kg/m2) tính bằng tỷ số giữa cân nặng/(chiều cao)2. Tăng vòng eo: khi vòng eo của nam ≥ 90 cm, nữ ≥ 80cm (theo tiêu chuẩn người Châu Á). Hút thuốc lá: khi có hút thuốc lá trong tiền căn và/ hoặc hiện đang hút thuốc lá. Ăn lạt khi bn chủ động giảm muối nhập, không chấm thêm trên bàn ăn, không ăn thực phẩm khô hoặc dự trữ. Tiền căn sỏi niệu khi tiền căn đã được siêu âm phát hiện sỏi, tiểu ra sỏi hoặc điều trị sỏi niệu. Tiền căn bệnh thận khi được thông báo qua khám có bệnh thận, niệu kèm hoặc không kèm suy thận. Thu thập và xử lý số liệu Số liệu được, nhập và xử lý số liệu bằng phầm mềm SPSS 16.0. Kiểm định sự khác biệt biến định tính bằng Chi-square, 2 nhóm có phân phối chuẩn bằng T-test. Dùng hồi quy tuyến tính logistic đơn biến và đa biến để khảo sát tác động của các biến số có ý nghĩa lên kết quả bất thường siêu âm. p<0,05 được xem là có ý nghĩa thống kê. KẾT QUẢ Trong năm 2012, chúng tôi tiến hành tầm soát bệnh thận ở 2062 người tại Long An, trong đó 2019 người được làm siêu âm bụng khảo sát thận và hệ niệu. Tuổi trung bình 42 ± 14 tuổi, nữ chiếm ưu thế hơn nam (54,38% so với 45,63%). Một phần ba dân số nghiên cứu có dư cân, tăng huyết áp, 8-10% có tiền căn bệnh thận, sỏi niệu và nhiễm trùng tiểu (bảng 1). Bảng 1: Đặc điểm của nhóm nghiên cứu Đặc điểm Chung (N=2013) Nam (N=921) Nữ (N=1098) Tuổi 42 ± 14 42 ± 14 42 ± 14 Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 20 * Số 4 * 2016 Nghiên cứu Y học Chuyên Đề Niệu - Thận 173 Đặc điểm Chung (N=2013) Nam (N=921) Nữ (N=1098) Chiều cao (cm) 158 ± 8 160 ± 8 156 ±8 Cân nặng (Kg) 55 ± 9 55 ± 9 54 ± 9 Chỉ số khối cơ thể (BMI) (Kg/m 2 ) 22± 3,3 22± 3,1 22 ± 3.4 Huyết áp trung bình (mmHg) 95 ± 13 98 ± 13 93 ± 14 Vòng eo (cm) 74 ± 9 74 ± 9 73 ± 9 Vòng bụng (cm) 90 ± 7 90 ± 6 89 ± 7 Tỷ lệ vòng eo/ vòng bụng 0,8 ± 0,1 0,8 ± 0,06 0,8 ± 0,07 Tần suất các bệnh lý hệ tiết niệu phát hiện trên siêu âm hệ niệu Nếu không kể đến bất thường về tiền liệt tuyến, 245 trường hợp (TH) (12,13%) có siêu âm bất thường về thận và hệ niệu, bao gồm sỏi thận (157 TH; 7,78%), thận ứ nước (29 TH; 1,4%), nang thận (42 TH; 2,08%) và bất thường chủ mô thận (16 TH; 0,79%) (bảng 2). Trong 158 TH có sỏi niệu trên siêu âm, hầu hết là sỏi thận (154 TH, 98,09%), chỉ có 3 TH phát hiện được sỏi ở niệu quản, có dãn niệu quản đi kèm, không TH nào có sỏi bàng quang. Ở 158 TH sỏi niệu, 16 TH kèm thận ứ nước, 9 TH kèm nang thận. Tỷ lệ nang thận ở người có sỏi niệu (9 TH, 5,7%) tăng gấp 3,3 lần người nang thận không sỏi niệu (3TH, 1,77%) (p=0,005). Trong 29 TH có thận ứ nước, 16 TH thận ứ nước kèm sỏi niệu. Trong 16 TH có bất thường chủ mô thận, 1 TH còn 1 thận trái, thận phải đã cắt do u thận. Chỉ 94/103 người nam trên 60 tuổi (n=103) được đo kích thước tiền liệt tuyến và 25 TH có thể tích tiền liệt tuyến > 35mL. Biểu đồ 1: Biểu đồ tỷ lệ sỏi niệu và nang thận theo tuổi Bảng 2: Các bất thường của thận và hệ niệu phát hiện trên siêu âm Chung (N=2019) Nam (N=921) Nữ (N=1098) p N1 N2 % * N2 %* N2 %* Sỏi đường tiết niệu trên siêu âm 157 7,8 82 8,9 75 6,83 0,06 - Sỏi thận 1 bên 148 7,33 76 8,25 72 6,56 - Sỏi thận 2 bên 6 0,3 5 0,54 1 0,09 - Sỏi niệu quản 3 0,15 1 0,11 2 0,18 Thận ứ nước 29 1,44 11 1,19 18 1,64 0,7 - Thận ứ nước 1 bên 26 1,29 10 1,09 16 1,46 - Thận ứ nước 2 bên 3 0,15 1 0,11 2 0,18 Nang thận 42 2,08 27 2,93 15 1,37 0,055 - 1 bên 35 1,73 21 2,28 14 1,28 - 2 bên 7 0,35 6 0,65 1 0,09 Bất thường chủ mô thận 16 0,79 9 1 7 0,64 0,36 Tổng 245 12,13 141 15,31 104 9,47 <0,001 Ghi chú: * là tỷ lệ phần trăm của N1 hoặc N2 chia cho N của từng nhóm Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 20 * Số 4 * 2016 Chuyên Đề Niệu - Thận 174 Đánh giá các yếu tố nguy cơ liên quan đến sỏi niệu Chúng tôi phân tích đơn biến tìm sự tương quan giữa sỏi niệu phát hiện trên siêu âm với các biến số qua hỏi bệnh có liên quan đến sỏi niệu như tuổi, giới, BMI > 23, tăng huyết áp, tiền căn (TC) đái tháo đường, TC nhiễm trùng tiểu, TC sỏi niệu, thói quen uống rượu, hút thuốc lá, ăn lạt (bảng 3). Sau phân tích đơn biến, chúng tôi dùng hồi quy logistic đa biến và tìm thấy 2 yếu tố có ý nghĩa ảnh hưởng lên sỏi niệu là tuổi và tiền căn sỏi niệu (bảng 3). Bảng 3: Khảo sát các yếu tố ảnh hưởng lên sỏi niệu phát hiện trên siêu âm Biến số N % sỏi niệu trên siêu âm OR Khoảng tin cậy 95% P Tuổi so sánh (19-20) 419 3,3 1 Tuổi 30-39 597 8,9 2,56 1,4 - 4,9 0,001* Tuổi 40-49 365 8,5 2,38 1,2 - 4,8 0,009* Tuổi 50-59 384 10,9 2,91 1,5 - 5,8 0,001* Tuổi 60-69 166 8,4 2,24 0,9 - 5,1 0,06 Tuổi 70-90 88 4,6 1,74 0,5 - 5,3 0,36 Giới nam 921 4,1 1,68 0,8 - 3,3 0,15 BMI>23 kg/m 2 676 2,7 1,10 0,7 -1,6 0,61 Tăng vòng eo 72 0,25 1,42 0,5 - 4,5 0,48 Tiền căn sỏi niệu 304 4,0 7,28 4,6- 11,4 < 0,0001* Tiền căn đái tháo đường 52 0,4 1,39 0,5 - 2.9 0,55 Tiền căn bệnh thận 224 2,5 1,009 0,6 -1,7 0,96 Tiền căn nhiễm trùng tiểu 168 0,9 1,28 0,72- 2,2 0,37 Tăng huyết áp 756 3,3 1,03 0,7- 1,5 0,84 Hút thuốc lá 657 2,9 1,22 0,7- 2,1 0,46 Uống rượu 800 3,6 1,04 0,5- 1,5 0,96 Thói quen tập thể dục 560 2,5 1,00 0,7- 1,5 0,96 Ăn lạt 96 0,7 1,91 0,9- 3,6 0,07 Ghi chú: OR: odds ratio (tỉ số chênh), (*): có ý nghĩa thống kê, với p<0,05 Biểu đồ 2: tỷ lệ sỏi niệu dựa vào siêu âm và tiền căn theo từng nhóm tuổi % Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 20 * Số 4 * 2016 Nghiên cứu Y học Chuyên Đề Niệu - Thận 175 Chúng tôi không tìm thấy khác biệt giữa nam và nữ về tỷ lệ sỏi niệu. Tỷ lệ sỏi niệu cao nhất tập trung ở nhóm tuổi từ 50-59. Khi chúng tôi phối hợp 2 yếu tố hoặc có sỏi niệu phát hiện trên siêu âm hoặc có tiền căn sỏi niệu, tỷ lệ sỏi niệu cũng cao ở nhóm từ 30-69 tuổi (bảng 4 và biểu đồ 2). Bảng 4 : Sỏi niệu phát hiện bằng siêu âm hoặc qua hỏi tiền căn theo nhóm tuổi Nhóm tuổi 19-29 30-39 40-49 50-59 60-69 70-99 Tổng Số người tham gia theo nhóm tuổi 419 597 365 384 166 88 2019 Số TH siêu âm có sỏi niệu 14 53 31 42 14 4 158 Số TH có tiền căn sỏi niệu 42 97 61 69 30 4 303 Số TH siêu âm và tiền căn đều có sỏi niệu 9 28 10 25 8 1 81 Số TH siêu âm có sỏi niệu hoặc có tiền căn sỏi niệu 47 122 82 86 36 7 380 BÀN LUẬN Siêu âm hệ thận niệu là xét nghiệm đơn giản, ít xâm lấn trong chẩn đoán các bệnh lý thận niệu. Máy siêu âm xách tay đầu tiên được đưa ra thị trường từ năm 1975, nhưng cho đến năm 1990, mới được sử dụng rộng rãi. Với những tiến bộ về kỹ thuật, các loại máy siêu âm xách tay ngày càng nhỏ, chất lượng hình ảnh cao được sử dụng(18). Tse KH và cs.(18) cho rằng máy siêu âm xách tay có hiệu quả trong việc phát hiện bệnh lý ở bụng như bệnh lý tiết niệu, thận ứ nước, bệnh lý gan mật, bệnh lý các mạch máu lớn như phình động mạch chủ và tràn dịch màng phổi. Khi so sánh siêu âm với CT Scan trong phát hiện sỏi niệu tại khoa cấp cứu trên 2759 bn, Smith-Bindman và cs. ghi nhận siêu âm có độ nhạy cảm (85%), độ đặc hiệu (50%) không khác với CT Scan (độ nhạy cảm 86% và độ đặc hiệu 53%). Ông cũng chứng minh, siêu âm do BS cấp cứu tiến hành tại phòng cấp cứu không khác với siêu âm do BS chuyên khoa siêu âm và chụp CT Scan trong việc phát hiện sỏi niệu, biến chứng của sỏi niệu. Trong khi siêu âm bụng cấp cứu do BS lâm sàng tiến hành tiết kiệm được thời gian lưu bệnh tại phòng cấp cứu (6,3giờ) hơn so với do BS chuyên khoa siêu âm (7 giờ). CT Scan ngược lại có độ tiếp xúc tại phòng cấp cứu với tia xạ (14,1mSv) cao hơn siêu âm (6,5mSv, nếu do BS tại phòng cấp cứu, và 4,7mSv do BS chuyên khoa)(8). Tần suất bất thường hệ niệu trong cộng đồng qua tầm soát bằng siêu âm của chúng tôi là 12,13% (245 TH/2019). Trong đó, sỏi niệu chiếm 7,8% tương đương với các báo cáo trong nước và trên thế giới gần đây (bảng 5). Theo kết quả điều tra tình hình sức khỏe trong cộng đồng tại Mỹ, NHANES (National Health and Nutrition Examination Survey) năm 2007 - 2010(11) qua hỏi tiền căn sỏi niệu trên 12 110 người Mỹ, tần suất sỏi niệu là 8,4%. Tần suất sỏi thay đổi giữa các chủng tộc, cao nhất ở người Mỹ da trắng, thấp nhất ở người da đen, còn người Châu Á và Hispanic có tần suất dao động giữa 2 chủng tộc trên. Nếu chỉ chọn người châu Á sống tại Mỹ và tầm soát bằng hỏi tiền căn, tần suất tiền căn sỏi niệu của người Châu Á tại Mỹ trong nghiên cứu NHANES chỉ 5,3% ở nam, 5,6% ở nữ, thấp hơn khi so với tần suất sỏi niệu qua hỏi tiền căn sỏi niệu của chúng tôi là 15%. Romero V và cs.(16) ghi nhận suất mắc toàn bộ của các nước Châu Á như Đài Loan (9,6%, năm 2002), Thái Lan (16,9%, năm 1997), Seoul, Hàn Quốc (5%, năm 1998), cao hơn các nước Âu Mỹ như Mỹ (5,2%, 1988-1994), Ý ( 1,7%, 1993-1994), Tây Ban Nha (10%, 1991). Theo chúng tôi, sự khác biệt về tần suất sỏi niệu giữa các nước do khác biệt về địa lý, phương thức tầm soát. Hầu hết các nghiên cứu tầm soát sỏi niệu qua hỏi bệnh sử, siêu âm tầm soát chủ yếu ở các đối tượng đã nhập viện, phụ nữ có thai hoặc trẻ em. Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 20 * Số 4 * 2016 Chuyên Đề Niệu - Thận 176 Bảng 5: Tỷ lệ sỏi niệu trong cộng đồng qua các nghiên cứu Tác giả Năm Địa điểm nghiên cứu Phương pháp Chẩn đoán sỏi Tỷ lệ sỏi niệu (%) Stamatelou K (17) 1976- 1980 NHANES Phỏng vấn 3,2 Stamatelou K (17) 1988-1994 NHANES Phỏng vấn 5,2 Charles DAJ (11) 2007-2010 NHANES Phỏng vấn 8,8 Kim HH (14) 2001 Hàn Quốc Phỏng vấn 3,5 Huang WY (13) 2010 Đài Loan Hồ sơ chi trả bảo hiểm y tế sỏi niệu 7,38 H.N.Hiệp (2) 1995 An Giang Siêu âm bụng 5,66 H.V.Thắng (3) 1999 Thừa Thiên Huế Siêu âm bụng 7,71 N.T.K. Hoa (5) 2006 Thừa Thiên Huế Siêu âm và X-quang bụng 6,29 Chúng tôi 2012 Long An Siêu âm 7,8 Suất mắc toàn bộ của sỏi niệu gia tăng trên toàn thế giới ở cả 2 giới nam và nữ, người da trắng và da đen từ những năm cuối của thể kỷ 20. Theo nghiên cứu NHANES, tỷ lệ sỏi thận trong cộng đồng của năm 2010 đã tăng ở mọi chủng tộc, tăng 63% ở người nam da trắng và tăng 114% ở người da đen so với năm 1994(10). Tỷ lệ sỏi niệu tăng cao ở nam được giải thích do tăng protein nhập ở nam giới, làm tăng bài tiết phosphate, magnesium ra nước tiểu, giảm nồng độ citrate trong nước tiểu. Ở nữ, tỷ lệ sỏi niệu ít hơn, do tăng nồng độ citrate trong nước tiểu ngăn chặn thành lập sỏi, do estrogen làm giảm bài tiết calcium niệu, giảm độ bão hòa calcium oxalate(6).Chúng tôi không tìm được sự khác biệt giữa nam và nữ về tỷ lệ mắc sỏi niệu, tương tự như tác giả Nguyễn Thị Kim Hoa, trong khi đó, nghiên cứu của tác giả Hoa Nghĩa Hiệp, tỷ lệ mắc sỏi niệu ở nam cao hơn nữ (nam chiếm 55,26% số TH mắc sỏi niệu, p<0,05). Nguyên nhân gia tăng sỏi niệu do sự tăng sử dụng và tăng độ nhạy cảm của các xét nghiệm hình ảnh trong tầm soát sỏi niệu, gia tăng việc phát hiện sỏi không triệu chứng, tăng tỷ lệ béo phì, đái tháo đường, hội chứng chuyển hóa. Qua phân tích đa biến, nghiên cứu NHANES ghi nhận có sự liên quan có ý nghĩa thống kê giữa tiền căn sỏi thận, gout, đái tháo đường và béo phì. Ở Mỹ, tỷ lệ mắc sỏi thận ở người béo phì (11,2%) cao hơn người thừa cân (9,2%) và thấp nhất ở người có cân nặng bình thường (6,1%). Người béo phì có liên quan với tăng bài tiết natrium, calcium, acid uric và oxalat qua thận cũng như tăng bài tiết acid qua nước tiểu, những điều này làm tăng nguy cơ hình thành sỏi niệu. Người đái tháo đường cũng có nguy cơ sỏi niệu cao hơn người bình thường (OR: 1.59, p< 0.001)(11). Chúng tôi không tìm được sự tương quan giữa đái tháo đường, béo phì, tăng huyết áp với sỏi niệu trong nhóm nghiên cứu. Chế độ ăn, lượng nước uống và khí hậu là 2 yếu tố khác góp phần gia tăng sỏi niệu(16). Lượng nước uống dưới 1L nước làm tăng cao nguy cơ sỏi niệu và uống từ 2-2,5L nước làm giảm nguy cơ này. Tăng lượng thực phẩm bột đường làm tăng tỷ lệ béo phì, protein động vật, tăng lượng muối sodium ăn vào có liên quan với việc tăng tốc độ mắc sỏi niệu, trong khi tăng kalium và calcium làm giảm nguy cơ sỏi niệu. Curhan và cs. nghiên cứu tiền cứu đoàn hệ trên 50,000 nam về khẩu phần Calcium và các chất dinh dưỡng khác lên nguy cơ tạo sỏi. Ông ghi nhận giảm nhập calcium nhập làm tăng nguy cơ sỏi niệu, nhất là sỏi calcium Oxalate. Giảm nhập calcium làm tăng hấp thu oxalate ở đường tiêu hóa ở người bình thường và bn sỏi niệu, dẫn đến tăng 16-56% lượng oxalate bài tiết trong nước tiểu. Lượng oxalate trong nước tiểu giữ vai trò quan trọng hơn calcium trong nước tiểu trong việc tạo sỏi, vì độ bão hòa calcium oxalate nhanh chóng đạt khi chỉ cần tăng nhẹ oxalate trong nước tiểu(9). Tần suất sỏi niệu gia tăng theo tuổi. Theo Curhan, tại Mỹ, suất mới mắc sỏi niệu ở nam, bắt đầu tăng ở 20 tuổi, đạt đỉnh khi 40-60 tuổi Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 20 * Số 4 * 2016 Nghiên cứu Y học Chuyên Đề Niệu - Thận 177 với 3 người nam mỗi 1000 dân mỗi năm và giảm dần ở lứa tuổi cao hơn. Ở nữ, suất mới mắc cao nhất ở 20 tuổi (2,5/1000/năm) và giảm còn 1/1000/ năm ở 50 tuổi(10). Chúng tôi ghi nhận tuổi và tiền căn sỏi niệu là 2 yếu tố liên quan chặt chẽ đến sỏi niệu. Nếu chẩn đoán sỏi dựa vào siêu âm, và/hoặc tiền căn sỏi niệu, chúng tôi ghi nhận tỷ lệ sỏi niệu tăng dần theo tuổi, thấp nhất ở nhóm 19-29 tuổi, đạt đỉnh ở nhóm tuổi 50-59 (10,96%) và giảm dần ở tuổi trên 60. Kết quả của chúng tôi tương tự của Iguchi(19) trên 3000 TH mắc sỏi ở Kaizuka có tuổi từ 20-59 tuổi, có sự gia tăng tỷ lệ mắc sỏi theo độ tuổi, đạt 10,3% ở nhóm tuổi 50-59 tuổi. Baker và cs. (1993) cũng ghi nhận tuổi thường dễ mắc sỏi calcium oxalate nhất là 50-60 tuổi(7). Ở người lớn tuổi, sự hấp thu các chất dinh dưỡng giảm, nên làm giảm sự tạo sỏi Calcium và có thể là yếu tố khiến tần suất mới mắc sỏi niệu giảm và cơ chế bệnh sinh của thành lập sỏi niệu ở nam trên 60 tuổi cũng khác hơn các nhóm tuổi khác. Siêu âm là phương tiện tối ưu để phát hiện nang thận. Theo Eknoyan G, tần suất nang thận đơn độc thay đổi tùy nghiên cứu thay đổi từ 7- 10%, gia tăng theo tuổi, và nam có tỷ lệ gấp đôi nữ(1). Ravine D năm 1993(15) ghi nhận tỷ lệ nang thận tăng dần theo tuổi ở cả 2 nhóm nang thận 1 bên và 2 bên, tần suất nang thận 1 bên là 0% ở độ tuổi 15-29, 1,7% ở độ tuổi 30-49, 11,5% ở độ tuổi 50-70 và 22,1% ở độ tuổi trên 70. Tần suất nang thận 2 bên là 1% ở độ tuổi 30-49, 4% ở độ tuổi 50- 70 tuổi và 9% ở độ tuổi trên 70. Nghiên cứu chúng tôi, tỷ lệ nang thận thấp khoảng 2,08% (nang thận 1 bên là 1,73%, nang thận 2 bên là 0,35%), gia tăng theo tuổi và nam có khuynh hướng nhiều hơn nữ tuy không có ý nghĩa thống kê. HẠN CHẾ CỦA ĐỀ TÀI (1) Do số lượng BS siêu âm ít và thời gian thực địa giới hạn, nên kết quả siêu âm chỉ dừng lại ở mức ghi nhận bất thường chung của hệ niệu theo bảng yêu cầu; (2) Các đối tượng chỉ được tiến hành siêu âm 1 lần. KẾT LUẬN Qua nghiên cứu chúng tôi ghi nhận tỷ lệ bất thường của hệ thận niệu phát hiện được bằng máy siêu âm xách tay trong cộng đồng là 12,13%, với 7,8% sỏi niệu, 1,14% thận ứ nước 2,08% nang thận, 0,8% bất thường chủ mô thận. Tuổi và tiền căn sỏi niệu là 2 yếu tố liên quan với sỏi niệu. Tần suất sỏi niệu và nang thận gia tăng theo tuổi và giảm dần sau 60 tuổi. Với việc sử dụng siêu âm bụng rộng rãi tại Việt Nam, chúng tôi kiến nghị có thể tầm soát sỏi niệu qua hỏi tiền căn sỏi trong cộng đồng tại nước ta, tương tự nghiên cứu tại các nước trên thế giới. Lời cảm ơn: Chân thành cảm ơn Hội Niệu -Thận TP Hồ Chí Minh, Sở Y Tế Long An, Ban Giám đốc và nhân viên Trung tâm MEDIC, Viện Vệ Sinh Y Tế Công Cộng TP. Hồ Chí Minh, đã tham gia dự án STEP về tầm soát và giáo dục phòng ngừa bệnh thận trong cộng đồng. Chân thành cảm ơn Ban Lãnh đạo các Trạm Y Tế Huyện, Phường, Xã, Ban Giám hiệu các Trường trung học cơ sở, Ủy Ban Nhân Dân Huyện, phường, xã tại 13 huyện, phường, xã của tỉnh Long An, các bác sĩ nội trú và sinh viên Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, các bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện Chợ Rẫy, đã tham gia dự án này. Chân thành cảm ơn công ty Johnson and Johnson, công ty Janssen Cilag và tổ chức Give2Asia đã tài trợ cho dự án này. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Abbagani S, et al. (2010). Kidney stone disease: etiology and evaluation. Intern J Appl Biol Pharma Techn, 1:173-182. 2. Baker P W, et al. (1993). Influence of season, age and sex on renal stone formation in South Australia. Med J Aust, 159:390- 392. 3. Bindman RS and et al (2014). Ultrasonography versus Computed Tomography for Suspected Nephrolithiasis. New Engl J Med, 371:1100-1120. 4. Charles DSJ (2012). Prevalence of Kidney Stones in the United States. Eur Urol, 62:160-165. 5. Curhan G C, et al. (1993). A Prospective Study of Dietary Calcium and Other Nutrients and the Risk of Symptomatic Kidney Stones. N Engl J Med, 833-838. 6. Curhan GC (2007). Epidemiology of Stone Disease. Urol Clin North Am, 34:287-293. 7. Eknoyan G (2009). A Clinical View of Simple and Complex Renal Cysts. J Am Soc Nephrol, 20:1874-1876. 8. Groen R, et al. (2011). Review: indications for ultrasound use in low- and middLe-income countries. Tropical med and Intern Health, 16:1525-1535. 9. Hoa Nghĩa Hiệp (1995). Đối chiếu kết quả siêu âm với Xquang và một số triệu chứng lâm sàng trong việc phát hiện Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 20 * Số 4 * 2016 Chuyên Đề Niệu - Thận 178 sớm sỏi thận tại 2 bệnh viện Châu Đốc và Tân Châu tỉnh An Giang. Luận án phó tiến sĩ khoa học, Học Viện Quân Y. 10. Hoàng Viết Thắng (1998). Nghiên cứu tỷ lệ mắc bệnh sỏi hệ tiết niệu qua điều tra cơ bản tại xã Phong sơn – Tỉnh thừa thiên Huế. Tập san Nghiên cứu và thông tin y học, Trường Đại học Y Huế, 6:46. 11. Huang WY and et al (2012). Epidemiology of Upper Urinary Tract Stone Disease in a Taiwanese Population: A Nationwide, Population Based Study. J Urol, 189:2158-2163. 12. Kim HH and et al (2002). Prevalence and epidemiologic characteristics of urolithiasis in Seoul, Korea. Urol, 59:517-521. 13. Lê Đăng Liêm (2011), Đường tiết niệu. In: Võ tấn Đức, Nguyễn Quang Thái Dương. Siêu âm chẩn đoán, Tập 1. Nhà xuất bản Y học, TP. Hồ Chí Minh. 14. Nguyễn Thị Kim Hoa (2006). Nghiên cứu dịch tễ học lâm sàng sỏi hệ tiết niệu ở người lớn tại một số vùng của tỉnh Thừa Thiên Huế. Luận Án Tiến Sĩ, Đại học Huế. 15. Ravinie D (1993). An Ultrasound Renal Cyst Prevalence Survey: Specificity Data for Inherited Renal Cystic Diseases. Am J Kidney Dis, 22:803-807. 16. Romero V (2010). Kidney Stones: A Global Picture of revalence, Incidence, and Associated Risk Factors. Rev Urol, 12: e86-e96. 17. Stamatelou KK (2003). Time trends in reported prevalence of kidney stones in the United States: 1976–1994. Kidney Int, 6:1817-1823. 18. Tse KH, Luk WH, and Lam MC (2014). Pocket-sized versus standard ultrasound machines in abdominal imaging. Singapore Med J, 55:325-333. 19. Uguchi M (1996). Prevalence of urolithiasis in Kaizuka City, Japan epidemiologic study of urinary stones. Int J Urol, 3:175- 179. Ngày nhận bài báo: 17/5/2016 Ngày phản biện nhận xét bài báo: 25/5/2016 Ngày bài báo được đăng: 30/06/2016
File đính kèm:
- tam_soat_benh_than_va_he_nieu_trong_cong_dong_qua_su_dung_ba.pdf