Việc phong thần ở Nam Bộ thời Pháp thuộc

Lịch sử Nam Bộ chính là lịch sử khai hoang lập ấp. Nhưng ấp chỉ là bước

đệm để lưu dân tiến tới lập thôn. Thông thường vài ba ấp hợp lại thành một thôn.

Cùng với quyết định hành chính của chính quyền cho phép thành lập thôn, thôn

dân tiến hành hoàn thiện dần thiết chế văn hóa tự chủ của thôn làng mình, bao gồm:

đình, chùa, miễu (miếu), võ (vũ).

Trong thiết chế đó, đình là cơ sở văn hóa quan trọng nhất, thể hiện sợi dây

khăng khít giữa nước với làng mà tiêu biểu nhất là sắc thần. Sắc thần là văn bản

do nhà vua công nhận và ban phong các mỹ hiệu cho một (hay một nhóm) vị thần

ở một thôn làng nào đó và giao cho các ngài làm Thành hoàng bổn cảnh hay phúc

thần bảo hộ thôn làng ấy; ngược lại, dân làng sở tại có trách nhiệm thờ phụng cúng

tế vị thần đó chu đáo.

Do đó, sắc thần là báu vật thiêng liêng nhất của thôn làng, thể hiện sự thừa

nhận về mặt pháp lý của triều đình đối với thôn làng. Đồng thời, sắc thần còn là cơ

sở để dân làng xác tín rằng toàn bộ cuộc sống của mình được thần linh bảo hộ, một

hình thức “bảo hiểm tinh thần” trong hoàn cảnh khai hoang phục hóa còn nhiều

bất trắc.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên không phải thôn làng nào cũng được vua ban

sắc phong thần. Những thôn làng không có sắc thần luôn cảm thấy nguy cơ bị sáp

nhập vào thôn làng khác và mặc cảm thiếu điểm tựa tinh thần, dẫn đến bất an trong

cuộc sống. Bởi vậy mà nạn trộm cắp, buôn bán sắc thần khá phổ biến ở Nam Bộ.

Thôn làng không có sắc thần có thể có nhiều lý do như: bị thiên tai hay chiến

tranh hủy hoại, bị trộm cắp hoặc do thôn làng lập trễ, khi Nam Kỳ đã rơi vào tay

thực dân Pháp.

pdf 11 trang yennguyen 1100
Bạn đang xem tài liệu "Việc phong thần ở Nam Bộ thời Pháp thuộc", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Việc phong thần ở Nam Bộ thời Pháp thuộc

Việc phong thần ở Nam Bộ thời Pháp thuộc
3Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 3 (146) . 2018
* Chi hội Văn nghệ dân gian tại Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh.
VIỆC PHONG THẦN Ở NAM BỘ THỜI PHÁP THUỘC
 Lê Công Lý*
1. Vai trò của sắc thần trong lịch sử khẩn hoang Nam Bộ
Lịch sử Nam Bộ chính là lịch sử khai hoang lập ấp. Nhưng ấp chỉ là bước 
đệm để lưu dân tiến tới lập thôn. Thông thường vài ba ấp hợp lại thành một thôn. 
Cùng với quyết định hành chính của chính quyền cho phép thành lập thôn, thôn 
dân tiến hành hoàn thiện dần thiết chế văn hóa tự chủ của thôn làng mình, bao gồm: 
đình, chùa, miễu (miếu), võ (vũ). 
Trong thiết chế đó, đình là cơ sở văn hóa quan trọng nhất, thể hiện sợi dây 
khăng khít giữa nước với làng mà tiêu biểu nhất là sắc thần. Sắc thần là văn bản 
do nhà vua công nhận và ban phong các mỹ hiệu cho một (hay một nhóm) vị thần 
ở một thôn làng nào đó và giao cho các ngài làm Thành hoàng bổn cảnh hay phúc 
thần bảo hộ thôn làng ấy; ngược lại, dân làng sở tại có trách nhiệm thờ phụng cúng 
tế vị thần đó chu đáo.
Do đó, sắc thần là báu vật thiêng liêng nhất của thôn làng, thể hiện sự thừa 
nhận về mặt pháp lý của triều đình đối với thôn làng. Đồng thời, sắc thần còn là cơ 
sở để dân làng xác tín rằng toàn bộ cuộc sống của mình được thần linh bảo hộ, một 
hình thức “bảo hiểm tinh thần” trong hoàn cảnh khai hoang phục hóa còn nhiều 
bất trắc.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên không phải thôn làng nào cũng được vua ban 
sắc phong thần. Những thôn làng không có sắc thần luôn cảm thấy nguy cơ bị sáp 
nhập vào thôn làng khác và mặc cảm thiếu điểm tựa tinh thần, dẫn đến bất an trong 
cuộc sống. Bởi vậy mà nạn trộm cắp, buôn bán sắc thần khá phổ biến ở Nam Bộ. 
Thôn làng không có sắc thần có thể có nhiều lý do như: bị thiên tai hay chiến 
tranh hủy hoại, bị trộm cắp hoặc do thôn làng lập trễ, khi Nam Kỳ đã rơi vào tay 
thực dân Pháp.
Trong trường hợp làng lập trễ, dân làng mà đứng đầu là hương chức thường 
vẫn không chấp nhận tình trạng đình làng mình không có sắc, nghĩa là không có 
thần Thành hoàng hay phúc thần bảo hộ. Để hợp thức hóa cho vị Thành hoàng làng 
mình, người ta có thể có nhiều cách, từ việc làm sao để có được sắc thần của làng 
khác rồi cứ thờ khống, đến việc cạo sửa sắc thần của làng khác hay ngụy tạo, tức 
làm giả sắc thần.
VĂN HÓA - LỊCH SỬ
4 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 3 (146) . 2018
Có làng không còn cách nào khác, bèn tự đặt ra nguyên tắc để có vị thần 
Thành hoàng theo cách riêng. Chẳng hạn, làng Thạnh An, tổng An Phú Tân, hạt Bà 
Rịa (nay là xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh), do nằm ở nơi 
cù lao heo hút, làng lập trễ vào thời Pháp thuộc, nên theo tờ khai thần tích thần sắc 
vào năm 1938 thì không có đình làng mà chỉ có miễu thờ Ngũ hành nương nương 
thay thế cho thần Thành hoàng và ngôi đình: “Mấy làng không có thờ thần Thành 
hoàng cũng phải thờ Bà trong năm vị Ngũ hành. Lập làng không có Thần [Thành 
hoàng] thì phải thờ Ngũ hành”.(1)
2. Việc phong thần ở Nam Bộ thời Pháp thuộc
Ngoài những cách thức nói trên, còn có một cách khá phổ biến để các làng 
lập trễ có được một sắc phong thần một cách hợp pháp (dù không hợp lý) là: Xin 
phép chính quyền Pháp thuộc để gửi đơn xin triều đình Huế cấp sắc phong thần 
cho làng mình!
Việc này tỏ ra không hợp lý, bởi lẽ lúc bấy giờ toàn bộ Nam Kỳ đã rơi vào 
tay thực dân Pháp, triều đình Huế đã mất hết quyền lực cai trị vùng đất này, thì làm 
sao có thể ban sắc phong thần bảo hộ một vùng đất đã không còn thuộc về “thiên 
tử”. Hơn nữa, ở câu cuối trong mỗi đạo sắc phong thần, nhà vua thường dặn dò 
trách nhiệm của vị thần phải “bảo ngã lê dân” (bảo vệ dân đen của trẫm), nên có 
thể đụng chạm đến quyền lực hành chính thực tế của chính quyền Pháp thuộc trên 
đất Nam Kỳ.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do(2) mà hầu hết các đơn xin này đều được nhà nước 
Pháp thuộc đồng ý và chuyển ra triều đình Huế phê chuẩn cấp sắc phong. 
Ban đầu việc cấp sắc này còn vì mục đích văn hóa, nhưng càng về sau càng 
trở nên phức tạp nên năm 1885, vua Đồng Khánh phê chuẩn: “Từ trước phong 
tặng, mỗi hiệu đã được bao nhiêu chữ. Nay mỗi lần nhân ân điển, lại được gia 
phong, tất đến chồng chất, không chữ nào nghĩ được rất không ý nghĩa, nghe rất 
không nhã, mà gần như là nịnh thần, không thích hợp; viết sắc cấp, thấy rất phức 
tạp, sai lầm, chỉ tốn phí vô ích. Ân cấp mỗi vị một đạo, mà đình gia phong mỹ tự.
Vua bảo rằng: Tiết đại khánh và các lễ tiết có luôn, duy đại lễ tấn quang, 
trăm năm mới gặp một lần, nên gia tặng tất cả 4 chữ: “Cộng bảo trung hưng”, 
để tỏ sự mong mỏi, cảm kích; còn thì theo thế làm việc, rồi lại cho chữ ‘cộng’ đổi 
làm chữ ‘dực’”.(3)
Đối với Nam Bộ thuộc địa của Pháp, đạo sắc thần đầu tiên nhà Nguyễn ban 
cấp là vào năm 1915. Sách Đại Nam thực lục chính biên, Đệ lục kỷ phụ biên chép: 
“Năm Ất Mão, Duy Tân thứ 9 [1915 Tây lịch], ban cấp sắc thần cho các thôn ấp 
ở thành phố Sài Gòn, là theo ý dân mong muốn”.(4) Ở đây, “ý dân” cũng trùng hợp 
5Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 3 (146) . 2018
với ý muốn của triều đình: Vừa thỏa mãn tình cảm quyến luyến giữa con dân Nam 
Kỳ với triều đình, vừa tỏ chút uy thế còn sót lại của một triều đại sắp cáo chung.
Tuy nhiên, càng về sau, triều đình Huế càng suy yếu và chỉ còn hư danh nên 
việc phong thần cũng trở nên dễ dãi hơn và thường theo yêu cầu của người đứng 
đơn và nộp tiền lệ phí. 
Theo sách Đại Nam thực lục chính biên, Đệ thất kỷ, đến năm Khải Định thứ 
9 (1924), tháng 4, Bộ Lễ dự kiến tổng chi phí để ban cấp sắc phong cho thần kỳ cả 
nước lên đến khoảng 70.000 - 80.000 đồng (tính theo thời giá(5) thì tương đương 
1.875 tấn lúa), ngân sách không kham nổi, nên vua chuẩn y cho mỗi làng có nhu 
cầu xin cấp sắc thần thì phải làm đơn nộp kèm 2 đồng tiền phí tổn cho mỗi đạo sắc 
(tương đương giá tiền 50kg lúa đương thời) gửi ra triều đình Huế.(6) Trong đơn ghi 
rõ yêu cầu phong cho vị thần nào và thậm chí danh hiệu gì. Một số gia đình giàu 
và có thế lực nhân cơ hội đó bỏ ra một số tiền lớn(7) xin cấp sắc phong ông bà tổ 
tiên mình làm phúc thần. 
Nhờ nguồn kinh phí đó nên sắc phong đời Khải Định và Bảo Đại được làm 
bằng chất liệu tốt hơn, đẹp hơn và cách thức trình bày khoa học hơn: Ghi rõ ràng 
danh hiệu, thậm chí họ tên vị thần và địa chỉ chi tiết của cơ sở thờ tự (có tên ấp, xã, 
tổng, huyện, tỉnh, trong khi các sắc phong thời Tự Đức về trước chỉ ghi tên thôn 
và huyện). 
Tuy nhiên, cũng chính vì quá chiểu theo nội dung của từng đơn xin mà việc 
cấp sắc thần giai đoạn này cũng tỏ ra tùy tiện hơn, nên cho ra đời nhiều thần hiệu 
lạ lẫm, vượt ra ngoài điển lệ trước đó.(8)
 Chúng tôi sơ bộ thống kê được danh sách các làng xã được ban cấp sắc thần 
trong giai đoạn đặc biệt này như sau:
- Đình Tương Bình Hiệp (ấp 2, phường Tương Bình Hiệp, thành phố Thủ 
Dầu Một, tỉnh Bình Dương): Sắc Khải Định cửu niên 1924 (ngày 25 tháng 7) 
phong thần hiệu “Đoan túc Dực bảo Trung hưng tôn thần” cho Tiến sĩ Phan Thanh 
Giản làm thần xã Tương Bình Hiệp, tổng Bình Phú, tỉnh Thủ Dầu Một.
- Đình An Sơn (xã An Sơn, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương): Sắc Khải 
Định cửu niên 1924 (ngày 27 tháng 7) phong thần hiệu “Quảng hậu Chánh trực 
Hữu thiện Đôn ngưng chi thần” cho Bổn cảnh Thành hoàng thôn Bình Sơn (tên cũ 
của thôn An Sơn trước năm 1927), tổng Bình Chánh, tỉnh Thủ Dầu Một.(9) 
- Đình Tân An/ Bến Th[u]ế (phường Tân An, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh 
Bình Dương): Sắc Tự Đức nhị thập nhất niên 1868 (ngày 19 tháng 11) phong thần 
hiệu “Bảo An Chánh trực Hữu thiện Đôn ngưng chi thần” cho Bổn cảnh Thành 
hoàng thôn Tương An (tên khác của thôn Tân An), huyện Bình An, tỉnh Biên Hòa.
6 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 3 (146) . 2018
- Đình Tương Hiệp (phường Hiệp An, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình 
Dương): Sắc Khải Định cửu niên 1924 (ngày 25 tháng 7) gia phong “Trung đẳng 
thần” cho thần hiệu “Dực bảo Trung hưng Linh phò tôn thần” làng Tương Hiệp, 
tổng Bình Phú, tỉnh Thủ Dầu Một.
- Đình Tân Lập Phú (khu phố Phú Xuân, phường Phú Thịnh, thị xã Bình 
Long, tỉnh Bình Phước): Sắc Bảo Đại thập nhị niên (1937) phong cho thần Thành 
hoàng làng này danh hiệu “Tĩnh Hậu trung đẳng thần” (theo bản khai thần tích 
thần sắc ngày 13/12/1938 của ông Bang biện Trần Văn Cầu, làng Tân Lập Phú, 
tổng Tân Minh, quận Hớn Quản, tỉnh Thủ Dầu Một).
- Đình Ninh Thạnh, tổng Giai Hòa, huyện Thái Bình, tỉnh Tây Ninh: sắc vua 
Bảo Đại phong Đỗ Hữu Vị làm thần làng này.
- Đình Long Hải, tổng An Phú Thượng, quận Long Điền, tỉnh Bà Rịa: Sắc 
Bảo Đại thập nhất niên (1936) phong Quận công Nguyễn Huỳnh Đức làm thần 
làng này.
- Đình Hòa Thanh (nay thuộc khóm 1, thị trấn Cầu Kè, huyện Cầu Kè, tỉnh 
Trà Vinh): Sắc Khải Định nhị niên (1917) phong thần hiệu Bổn thổ Thành hoàng 
cho thôn Hòa Thanh, tổng Tuân Giáo, tỉnh Cần Thơ.
- Đình thần (nay thuộc ấp Đại Mông, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà 
Vinh): Sắc Khải Định nhị niên (1917)(10) phong thần hiệu Bổn thổ Thành hoàng cho 
thôn Đại Trinh Trường, tổng Thành Hóa Trung, tỉnh Trà Vinh.
- Đình thần (nay thuộc khóm 2, thị trấn Tiểu Cần, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà 
Vinh): Sắc Khải Định nhị niên (1917) phong thần hiệu Bổn thổ Thành hoàng thôn 
Tiểu Cần, tổng Tuân Giáo, tỉnh Trà Vinh. 
- Đền Trần Trung Tiên (nay thuộc ấp Tân Đại, xã Hiếu Tử, huyện Tiểu Cần, 
tỉnh Trà Vinh): Sắc Khải Định cửu niên 1924 (ngày 25 tháng 7) phong Trần Trung 
Tiên làm thần xã Hiếu Tử, tổng Ngãi Long Thượng, tỉnh Trà Vinh. 
- Đình Giồng Đình (nay thuộc ấp Giồng Đình, xã Đại An, huyện Trà Cú, tỉnh 
Trà Vinh): Sắc Khải Định nhị niên (1917) phong thần hiệu Bổn thổ Thành hoàng 
cho xã Đại Dư, tổng Thành Hóa Thượng, tỉnh Trà Vinh.
- Đình Trần Trung Tiên (nay thuộc khóm 2, phường 2, thành phố Trà Vinh, 
tỉnh Trà Vinh): Sắc Khải Định nhị niên (1917) phong Trần Trung Tiên làm thần xã 
Long Đức, tổng Trà Nhiêu, tỉnh Trà Vinh.
- Đình Thanh Lệ (nay thuộc ấp Long Bình B, phường 4, thành phố Trà Vinh, 
tỉnh Trà Vinh): Sắc Khải Định nhị niên (1917) phong thần cho xã Long Đức, tổng 
Trà Nhiêu Thượng, tỉnh Trà Vinh.(11)
7Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 3 (146) . 2018
- Đình Hưng Quới (nay thuộc xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng 
Tháp): sắc Khải Định cửu niên 1924 (ngày 25 tháng 7) phong thần hiệu “Hoằng 
phu Hậu vọng Tuế hiển Phổ chiếu Linh quang Thiên trợ Dõng liệt Hoằng tế Quang 
nghĩa Thanh đức Thần công Hùng liệt Thuần chánh Linh thùy Hỏa lôi Thiên trụ 
Nhục thu tôn thần, gia tặng Túy mục thượng đẳng thần” cho ấp Tân Phú Đông, xã 
Tân Vĩnh Hòa, tổng An Trung , huyện Vĩnh An, tỉnh Sa Đéc.
- Đình Thường Phước (nay thuộc xã Thường Phước, huyện Hồng Ngự, tỉnh 
Đồng Tháp): sắc Bảo Đại thập cửu niên 1944 (ngày 22 tháng 3) phong thần hiệu 
“Tĩnh hậu Dực bảo Trung hưng trung đẳng thần” cho Thành hoàng bổn cảnh thôn 
Thường Phước, tổng An Thành, quận Tân Châu, tỉnh Châu Đốc.
- Chùa Phước Hưng (nay thuộc Phường 1, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng 
Tháp): sắc Khải Định cửu niên 1924 (ngày 25 tháng 7) phong thần hiệu “Hàn Lâm 
Viện, Tham tướng, Đại Lý Tự khanh, Thẩm hình Viện sứ, Hình Bộ Thượng thơ hiển 
linh tôn thần, nguyên tặng Đoan túc Quang ý Dực bảo Trung hưng tôn thần, gia 
tặng Trác vĩ thượng đẳng thần” cho ấp Tân Phú Đông, xã Tân Vĩnh Hòa, tổng An 
Trung, huyện Vĩnh An, tỉnh Sa Đéc.
- Đình Vĩnh Phước (nay thuộc phường 1, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp): 
sắc Khải Định lục niên 1921 (14 tháng 9) phong thần hiệu cho Tống Phước Hòa là 
“Khâm sai Chưởng cơ tặng Dực vận công thần, Đặc tấn trụ quốc, Thượng tướng 
quân, Cẩm Y vệ, Chưởng vệ sự, Chưởng dinh Hòa quận công thụy Trung Túc, gia 
phong Quảng ân Thực đức trung đẳng thần, gia tặng Trác vĩ Dực bảo Trung hưng 
thượng đẳng thần”, giao cho xã Vĩnh Phước, tổng An Trung, huyện Vĩnh An, tỉnh 
Vĩnh Long thờ phụng.
Hình 1: Sắc Bảo Đại thập cửu niên 1944 phong cho Thành hoàng bổn cảnh
thôn Thường Phước. Ảnh: Nguyễn Thanh Thuận.
8 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 3 (146) . 2018
 - An Khương vạn (Sa Đéc): sắc Khải Định cửu niên 1924 (ngày 25 tháng 7) 
phong thần hiệu “Hoằng ân Quảng trạch Hoằng bác Linh tịnh Uông nhuận Trừng 
trạm tôn thần, gia tặng Uông nhuận trung đẳng thần” cho Thủy phủ Hà bá Long 
cung chi thần ở tổng An Trung, huyện Vĩnh An, tỉnh Sa Đéc. 
 - Đình Hòa Long (nay thuộc thị trấn Lai Vung, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng 
Tháp): sắc Khải Định nhị niên 1917 (ngày 18 tháng 3) phong thần hiệu“Hiệp 
quang Dực bảo Trung hưng thượng đẳng thần” cho Kỷ Tín Thành hoàng tôn thần 
xã Hòa Long, tổng An Thới, hạt Sa Đéc.
 - Miếu Ông Bà Chủ chợ Câu Lãnh Đỗ Công Tường (nay thuộc phường 
2, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp): sắc Bảo Đại thập niên 1935 (ngày 19 
tháng 4) phong thần hiệu “Dực bảo Trung hưng Linh phò chi thần” cho Khai lập 
thị ấp Câu Lãnh Đỗ Công Tường tôn thần ở xã Mỹ Trà, tỉnh Sa Đéc.(12)
Ngoài ra, cuốn Đình Nam Bộ xưa và nay (1999, tr. 149 - 151) cũng cung cấp 
thêm danh sách một số thần linh ở Nam Bộ được sắc phong thời Pháp thuộc như sau:
- Đình Vĩnh Nguơn (Châu Đốc): sắc Khải Định cửu niên 1924 (ngày 25 tháng 
7) phong mỹ tự “Đoan túc Dực bảo Trung hưng Linh phò chi thần” cho Nguyễn 
Hữu Lễ tôn thần ở thôn Vĩnh Nguơn, tổng Châu Phú, tỉnh Châu Đốc.
- Đình Vĩnh Tế (Châu Đốc): sắc Khải Định cửu niên 1924 (ngày 25 tháng 7) 
phong mỹ tự “Đoan túc Dực bảo Trung hưng tôn thần” cho Khâm sai Thống chế 
Hình 2: Sắc Khải Định cửu niên 1924 phong cho Hà bá Long cung chi thần ở An Khương vạn. 
Ảnh: Nguyễn Thanh Thuận.
9Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 3 (146) . 2018
Án thủ Châu Đốc đồn, lãnh Bảo hộ Cao Miên quốc ấn, kiêm quản Hà Tiên trấn, 
Trụ quốc Đô tráng Võ tướng quân Nguyễn công tôn thần [Nguyễn Văn Thoại] ở 
thôn Vĩnh Tế, tổng Châu Phú, tỉnh Châu Đốc.
- Đình Thoại Sơn: sắc Bảo Đại thập bát niên 1943 (ngày 15 tháng 8) phong 
mỹ tự “Quang ý Dực bảo Trung hưng trung đẳng thần” cho Khâm sai Thống chế 
Thoại Ngọc hầu quý công tôn thần [Nguyễn Văn Thoại] ở thôn Thoại Sơn, tổng 
Định Phú, tỉnh Long Xuyên.
- Đình Long Hồ: sắc Bảo Đại bát niên 1933 (ngày 21 tháng 7) phong mỹ tự 
“Đoan túc Dực bảo Trung hưng chi thần” cho Hiệp tá Đại học sĩ, Nam Kỳ Kinh 
lược chánh sứ, Toàn quyền đại thần Phan công [Phan Thanh Giản], cấp cho thôn 
Long Hồ, tổng Bình Long, quận 1, tỉnh Vĩnh Long.
- Đình Thành Phố: sắc Bảo Đại bát niên 1933 (ngày 15 tháng 8) phong mỹ 
tự “Trác vĩ Dực bảo Trung hưng thượng đẳng thần” cho Chưởng Hậu quân Tánh 
quốc công tôn thần [Võ Tánh], cấp cho thôn Thành Phố, tổng Hòa Lạc Hạ, tỉnh 
Gò Công.
- Đình An Hội: sắc Bảo Đại thập nhất niên 1936 phong mỹ tự “Đoan túc Dực 
bảo Trung hưng tôn thần” cho Lâm Thao quận công tôn thần [Châu Văn Tiếp], cấp 
cho thôn An Hội (Cái Nhum), tỉnh Vĩnh Long.
- Đình Long Thạnh: sắc Bảo Đại thập thất niên 1942 (ngày 10 tháng 10) 
phong mỹ tự “Trác vĩ Dực bảo Trung hưng thượng đẳng thần” cho Đức Quốc công 
Võ Công Tánh tướng công chi thần [Võ Tánh], cấp cho thôn Long Thạnh, tổng 
Hòa Đồng Hạ, tỉnh Gò Công.
- Đình Gia Lộc: sắc Bảo Đại bát niên 1933 (ngày 19 tháng 8) phong mỹ 
tự “Dực bảo Trung hưng Linh phò chi thần” cho Tiền hiền Trùm cả Đặng Văn 
Trước, cấp cho thôn Gia Lộc, tổng Hàm Ninh Hạ, quận Thanh Ích (Trảnh Bàng), 
tỉnh Tây Ninh.
- Đình Thiện Mỹ: sắc Bảo Đại thập cửu niên 1944 (ngày 22 tháng 3) phong 
mỹ tự “Quang ý Dực bảo Trung hưng trung đẳng thần” cho Tiền triều Thống chế 
đại quan Điều bát chi thần [Nguyễn Văn Tồn], cấp cho thôn Thiện Mỹ, tổng Bình 
Lễ, quận Trà Ôn, tỉnh Cần Thơ.
- Đình ấp Tân An (hộ Hòa Mỹ, thành phố Sài Gòn, nay thuộc quận 1, Thành 
phố Hồ Chí Minh): sắc Duy Tân ngũ niên 1911 (ngày 8 tháng 6 nhuận) phong mỹ 
tự “Tư hóa Mặc vận Thuận thành Hòa tự Tư nguyên Trang huy Dực bảo Trung 
hưng thượng đẳng thần” cho Ngũ hành nương nương tôn thần; phong mỹ tự “Bảo 
an Chánh trực Hữu thiện Đôn ngưng Dực bảo Trung hưng chi thần” cho Bổn cảnh 
Thành hoàng chi thần.
10 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 3 (146) . 2018
- Đình Bình Thọ (tổng An Điềm, quận Thủ Đức, tỉnh Gia Định): sắc Bảo Đại 
bát niên 1933 (ngày 10 tháng 6) phong mỹ tự “Đôn ngưng Dực bảo Trung hưng 
tôn thần” cho Bổn cảnh Thành hoàng tôn thần.
- Đình Ninh Thạnh (quận Thới Bình, tỉnh Tây Ninh): sắc Bảo Đại bát niên 
1933 (ngày 9 tháng 8) phong mỹ tự “Dực bảo Trung hưng Linh phò chi thần” cho 
Linh Sơn thánh mẫu tôn thần.
- Đình Hòa Định (tổng Hòa Hảo/Chợ Gạo, tỉnh Mỹ Tho): sắc Bảo Đại thập 
cửu niên 1944 (ngày 22 tháng 3) chuẩn y cho phép phụng sự Hậu Tắc tôn thần (tức 
Thần Nông).
Ngoài ra, cũng có trường hợp người có công 
với chính quyền thực dân Pháp, khi mất được 
họ can thiệp để triều đình Huế phong thần. 
Chẳng hạn ông Nguyễn Văn Có, nguyên 
là lính canh tại dinh tỉnh trưởng Tân An, 
có công cứu vợ quan tỉnh trưởng khỏi chết 
đuối nên khi chết được tỉnh trưởng (người 
Pháp) đề nghị triều đình Huế phong thần, gọi 
là “ông thần Có” và đem thần vị vào thờ tại 
chánh điện đình Bình Lập (phường 3, thành 
phố Tân An, tỉnh Long An) tới nay.(13)
Nhưng đặc biệt hơn chính là những “bản 
sao” sắc thần được gọi là “điệp cấp” do 
Tham biện tỉnh (người Pháp) và triều đình 
Huế “liên kết” phát hành trên đất Nam Bộ. 
Theo nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường, 
một số công chức ở Vĩnh Long, Sa Đéc, Cần 
Thơ, Long Xuyên đã gợi ý hương chức Hội 
tề làm đơn xin sắc thần gởi lên Tham biện, 
chuyển lên Thống đốc Nam Kỳ, chuyển ra 
Hình 3: Bài vị “ông thần Có” ở đình 
Bình Lập. Ảnh: Lê Công Lý.
Khâm sứ Trung Kỳ, rồi đến Bộ Lễ. Từ đó, Bộ Lễ bàn với Cơ Mật Viện thương 
lượng với chính phủ Pháp để cấp cho những làng có đơn xin một số bản sao sắc 
Bổn cảnh Thành hoàng chi thần (Tự Đức ngũ niên).
Những bản sao này dân chúng gọi là “điệp cấp”, nội dung giống hệt như sắc 
Bổn cảnh Thành hoàng, viết trên giấy lệnh màu trắng, kích thước khoảng 0,65m x 
0,45m. Ở một góc tờ điệp cấp này có dòng chữ “Lễ Bộ cung lục, cấp sắc thần nhất 
đạo, mỗ thôn tuân chiếu phụng sự”.
11Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 3 (146) . 2018
Ngày nay, thấy thôn Tân Hoa và thôn Tân Ngãi, huyện Vĩnh Bình; thôn 
Trường Lộc huyện Vĩnh Trị; thôn Tân Thuận Đông huyện Tây Xuyên; thôn Tân 
Thuận huyện Vĩnh An (vùng Vĩnh Long, Tam Bình, Thốt Nốt, Cao Lãnh) còn mấy 
tờ điệp cấp thời điểm này.
Đặc biệt, ở một góc tờ điệp cấp của thôn Tân Thuận huyện Vĩnh An (nay ở 
sát thành phố Cao Lãnh) ghi rất kỹ: “Lễ Bộ cung lục cấp sắc thần nhất đạo, phụng 
giao Quý tòa, chuyển sức đệ do Sa Đéc hạt, Tân Thuận thôn phụng sự. Duy Tân 
ngũ niên, ngũ nguyệt, thập lục nhật” (12/6/1911).
Do đơn xin bản sao sắc thần viết bằng chữ Quốc ngữ nên có khi sai chính 
tả mà Bộ Lễ không biết, dẫn đến những trường hợp dở khóc dở cười. Chẳng hạn: 
Hương chức làng Tân Bình Điền (nay thuộc ấp Bắc 1, xã Tân Điền, huyện Gò Công 
Đông, tỉnh Tiền Giang) làm đơn xin sắc phong cho “Lê Văn Việc”. Đơn xin viết 
chữ Quốc ngữ ra đến Bộ Lễ và được bộ này cấp sắc phong bằng chữ Nho đề “黎文
役” [Lê Văn Việc]. Khổ nỗi, chữ 役 đọc theo âm Nôm là “Việc”, nhưng trong sắc 
thần lại được đọc theo âm Hán là “Dịch”. Thành ra làng này được nhận một sắc 
phong cho “Tả quân Lê Văn Dịch tôn thần”, mỹ tự “Dực bảo Trung hưng Linh phò 
chi thần”, trong khi lẽ ra là phải là “Tả quân Lê Văn Duyệt 黎文悅”. 
Hơn nữa, theo quy định năm 1890, đời Thành Thái: Phong tặng cho các vị 
công thần thành 3 bậc: “Trác vĩ Dực bảo Trung hưng thượng đẳng thần”, “Quang 
ý Dực bảo Trung hưng trung đẳng thần” và “Đoan túc Dực bảo Trung hưng tôn 
thần”. Những thần hiệu đã biết là chính thần, tỏ ra linh ứng nhưng chưa rõ ràng 
thì phong “Dực bảo Trung hưng Linh phò chi thần”. Chính vì triều đình Huế cũng 
không biết “Lê Văn Dịch” này là ai nên mới phong mỹ tự “Dực bảo Trung hưng 
Linh phò chi thần”!
3. Sắc phong thần thời Pháp thuộc với nỗ lực giữ gìn truyền thống
Phần lớn sắc phong của triều Nguyễn thời Pháp thuộc dành cho các vị nhiên 
thần (với mỹ tự “Linh phò chi thần”) và nhân thần là các bậc khai quốc công thần 
của nhà Nguyễn (với mỹ tự “Dực bảo Trung hưng”). Đây chính là các vị thần 
không dính dáng với vấn đề chính trị đương thời mà chỉ có tác dụng phục vụ 
nhu cầu tâm linh nói chung của người dân ở vùng đất mới. Còn như các lãnh tụ 
khởi nghĩa chống Pháp đương thời hy sinh như Trương Định, Nguyễn Trung Trực, 
Thiên Hộ Dương, thì mặc dù người dân vô cùng ngưỡng mộ nhưng vẫn đương 
nhiên không được triều đình Huế phong thần, mà ngược lại người dân phải thờ 
phụng lén lút để che mắt thực dân Pháp.
Việc phong thần của triều đình Huế cho các thôn làng Nam Bộ thời Pháp 
thuộc một mặt là giải pháp để xoa dịu vết thương tâm của người dân khi mảnh đất 
12 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 3 (146) . 2018
mà họ vừa đánh đổi cả xương máu lẫn tính mạng ra để khai phá lại nhanh chóng lọt 
vào tay ngoại xâm. Về phía triều đình Huế, đó là cách để vớt vát chút hồi quang từ 
mảnh đất trung hưng và cũng để xoa dịu vết thương tâm của hậu duệ nhà Nguyễn 
khi mảnh đất chôn nhau cắt rốn của nhiều thế hệ hoàng tộc, quê ngoại của vua Tự 
Đức rơi vào tay ngoại bang.
Do đó, các đạo sắc thần ở Nam Bộ giai đoạn này có một ý nghĩa đặc biệt, thể 
hiện rõ tinh thần hướng về nguồn cội và ý chí thống nhất nước nhà. Sắc phong và 
việc phong sắc là sản phẩm của Nho giáo chính thống rõ nét. Nhưng trong hoàn 
cảnh nô lệ bởi ngoại bang, nó lại trở thành biểu tượng của truyền thống dân tộc nên 
được đa số dân chúng trân trọng và gìn giữ, thậm chí được văn hóa dân gian bảo 
vệ và nuôi dưỡng.
Đặc biệt, giai đoạn này có cả những sắc phong của triều đình Huế dành cho 
nhiều người Việt phục vụ đắc lực cho thực dân Pháp tưởng như vong bản (như phi 
công Đỗ Hữu Vị, lính canh Nguyễn Văn Có), cho thấy rõ sức sống mãnh liệt của 
căn cước văn hóa Việt Nam.
 L C L
CHÚ THÍCH
(1) Thần tích thần sắc làng Thạnh An, tổng An Phú Tân, tỉnh Bà Rịa, Hội Khảo cứu Phong tục 
Đông Dương (1938), Viện Thông tin Khoa học xã hội, Hà Nội (1995), ký hiệu TTTS 17937.
(2) Có thể để tỏ vẻ dân chủ và đẹp lòng triều đình Huế trong ngoại giao, cũng có thể thực dân 
Pháp nắm bắt nhu cầu tìm kiếm nguồn bổ sung ngân sách cho triều đình Huế nên tạo điều 
kiện, bởi vì tất cả các trường hợp xin cấp sắc thần này đều phải đóng lệ phí cho triều đình.
(3) Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, tập 9, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 
2006, tr.211.
(4) Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, Đệ lục kỷ phụ biên, Cao Tự 
Thanh dịch và giới thiệu, Nxb Văn hóa-Văn nghệ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2012, mục 1961.
(5) Theo thời giá, 1 tạ lúa (68kg) giá khoảng 3 đồng.
(6) Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, Đệ thất kỷ, Cao Tự Thanh dịch 
và giới thiệu, Nxb Văn hóa - Văn nghệ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2012, tr.515 - 516.
(7) Theo nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường, có gia đình đã bỏ ra đến 500 đồng bạc để xin 
cấp sắc theo ý muốn của mình, trong khi quy định chỉ có 2 đồng.
(8) Chẳng hạn, thần hiệu “Hoằng phu Hậu vọng Tuế hiển Phổ chiếu Linh quang Thiên trợ Dõng 
liệt Hoằng tế Quang nghĩa Thanh đức Thần công Hùng liệt Thuần chánh Linh thùy Hỏa lôi 
Thiên trụ Nhục thu tôn thần, gia tặng Túy mục thượng đẳng thần” do vua Khải Định phong 
cho đình Hưng Quới (nay thuộc xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) năm 1924 
có quá nhiều mỹ tự nên không rõ là vị thần nào và thần tích ra sao.
(9) Đây là sắc thần do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phục chế năm 2011, không rõ căn 
cứ vào dữ liệu nào. Thư mục Thần tích thần sắc (1995) và Tìm hiểu liễn đối Hán Nôm trong 
các đình, chùa, miếu tỉnh Bình Dương (2017) không ghi nhận sắc phong nào tại đình này.
13Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 3 (146) . 2018
(10) “Phàm xã này thần hiệu đã được phong tặng mà xã kia chưa được phong tặng, không xét 
ra linh tích rõ ràng, sự tích nhã chánh, thì chiếu lệ ban cấp sắc phong một đạo. Nếu xã nào 
thờ chung các vị sơn thần, thủy thần, dương thần, âm thần tới hai ba vị thì cấp chung một 
đạo”. Theo Đại Nam thực lục chính biên, Đệ thất kỷ, Cao Tự Thanh dịch và giới thiệu, sđd, 
tr.142 - 143.
(11) Thông tin các đình thần trên địa bàn tỉnh Trà Vinh trích từ nguồn Ngô Văn Tưởng, “Danh 
sách các ngôi đình còn lưu giữ sắc thần trên địa bàn tỉnh Trà Vinh” (2018).
(12) Thông tin các đình thần trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp do Nguyễn Thanh Thuận cung cấp. Xin 
cám ơn.
(13) Mặc dù không có sắc phong, nhưng căn cứ vào thần vị [chữ Hán] của “ông thần Có” có thể 
biết hương chức làng Bình Lập không phải tự ý thờ ông tại chánh điện đình: “Nguyễn Văn 
Có vi binh, tử tại trận nhất thiên cửu bách thập tứ [1914], trung thần quốc gia. Hương đảng 
thừa lệnh quan giả khắc trung thần kỹ trí tại đình dĩ biểu hậu thế”.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Huỳnh Ngọc Đáng chủ biên (2017), Tìm hiểu liễn đối Hán Nôm trong các đình, chùa, miếu 
tỉnh Bình Dương, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội.
2. Huỳnh Ngọc Trảng - Trương Ngọc Tường (1999), Đình Nam Bộ xưa và nay, Nxb Đồng Nai.
3. Nguyễn Hiếu Học (2012), Những ngôi đình tiêu biểu ở Bình Dương, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ 
Chí Minh.
4. Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam thực lục chính biên, tập 9, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
5. Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2012), Đại Nam thực lục chính biên, Đệ lục kỷ phụ biên, Cao 
Tự Thanh dịch và giới thiệu, Nxb Văn hóa - Văn nghệ, Thành phố Hồ Chí Minh.
6. Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2012), Đại Nam thực lục chính biên, Đệ thất kỷ, Cao Tự Thanh 
dịch và giới thiệu, Nxb Văn hóa - Văn nghệ, Thành phố Hồ Chí Minh.
7. Viện Thông tin Khoa học xã hội (1996), Thư mục thần tích thần sắc, Hà Nội.
TÓM TẮT
Từ năm 1867, mặc dù 6 tỉnh Nam Kỳ đã mất trọn về tay thực dân Pháp nhưng ảnh hưởng 
của triều đình Huế trên đất Nam Kỳ vẫn được duy trì ít ra là mặt văn hóa, thể hiện ở việc nhà 
Nguyễn vẫn tiếp tục phong thần để “bảo ngã lê dân” Nam Kỳ. Chính việc làm khéo léo này đã giúp 
dân Nam Kỳ bảo lưu được truyền thống văn hóa để hội nhập mà không mất gốc.
ABSTRACT
DEIFICATION IN SOUTH VIETNAM DURING THE FRENCH DOMINATION
From 1867, although the six provinces of Cochinchina had fallen into the hands to the 
French colonists, the influence of the Huế royal court on Cochinchina was maintained at least in 
terms of culture, which is reflected in the fact that the Nguyễn dynasty still continued its deification 
to protect the people of Cochinchina. This clever action helped the people of Cochinchina preserve 
their cultural traditions for integration without losing their origin.

File đính kèm:

  • pdfviec_phong_than_o_nam_bo_thoi_phap_thuoc.pdf