Bàn về tính phổ biến và tính đặc thù của nhà nước pháp quyền

Tóm tắt: Nhà nước pháp quyền là hướng nghiên cứu mang tính tổng hợp, vừa mang tính cơ bản, vừa mang tính cấp bách, thời sự, vừa có ý nghĩa tư tưởng, lý luận và thực tiễn quan trọng. Hướng nghiên cứu này bao gồm những vấn đề lịch sử, lý luận và những vấn đề thực tiễn ở những cấp độ khác nhau: thế giới, khu vực và từng quốc gia, dân tộc. Trong đó có hướng nghiên về tính phổ biến và tính đặc thù của nhà nước pháp quyền. Bài viết này phân tích và làm rõ tính phổ biến, tính đặc thù của nhà nước pháp quyền

pdf 9 trang yennguyen 1040
Bạn đang xem tài liệu "Bàn về tính phổ biến và tính đặc thù của nhà nước pháp quyền", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Bàn về tính phổ biến và tính đặc thù của nhà nước pháp quyền

Bàn về tính phổ biến và tính đặc thù của nhà nước pháp quyền
TẠP CHÍ KHOA HỌC 
Khoa học Xã hội, Số 9 (6/2017) tr. 57 - 65 
57 
BÀN VỀ TÍNH PHỔ BIẾN VÀ TÍNH ĐẶC THÙ 
CỦA NHÀ NƢỚC PHÁP QUYỀN 
Phạm Tuấn Anh 
Học viện Kỹ thuật Quân sự 
Tóm tắt: Nhà nước pháp quyền là hướng nghiên cứu mang tính tổng hợp, vừa mang tính cơ bản, vừa 
mang tính cấp bách, thời sự, vừa có ý nghĩa tư tưởng, lý luận và thực tiễn quan trọng. Hướng nghiên cứu này 
bao gồm những vấn đề lịch sử, lý luận và những vấn đề thực tiễn ở những cấp độ khác nhau: thế giới, khu vực và 
từng quốc gia, dân tộc. Trong đó có hướng nghiên về tính phổ biến và tính đặc thù của nhà nước pháp quyền. 
Bài viết này phân tích và làm rõ tính phổ biến, tính đặc thù của nhà nước pháp quyền. 
Từ khóa: Nhà nước pháp quyền, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tính đặc thù, tính phổ biến. 
1. Đặt vấn đề 
Tư tưởng về nhà nước pháp quyền là một trong những giá trị chung có tính phổ biến 
trong tư duy triết học, pháp lý và chính trị của nhân loại về một cách thức/phương thức tổ 
chức quyền lực nhà nước đáp ứng yêu cầu vận động, phát triển khách quan của nhiều quốc 
gia, dân tộc và thời đại nhằm từng bước giải phóng con người và xã hội, hướng tới xã hội dân 
chủ, công bằng, văn minh và cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc thực sự cho con người. 
“Trong lịch sử, học thuyết về nhà nước pháp quyền đã trở thành ngọn cờ tư tưởng của giai cấp 
tư sản trong việc tập hợp lực lượng đấu tranh lật đổ chế độ phong kiến bảo thủ trì trệ, độc tài 
và chuyên chế” [2]. 
Xét về phương diện lý luận, nhà nước pháp quyền là một hình thức tổ chức của quyền 
lực nhà nước, trong đó toàn bộ tổ chức và hoạt động của nhà nước đều được quy định bởi 
pháp luật và theo đúng các quy định của pháp luật. Quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền 
về thực chất là quá trình chuyển mô hình nhà nước, từ nhà nước mà quyền lực lâu nay thuộc 
về bộ máy nhà nước sang một nhà nước với nguyên tắc quyền lực thuộc về pháp luật; từ một 
hệ thống pháp luật xưa nay xác lập quyền lực của bộ máy cai trị và nghĩa vụ của nhân dân 
sang một hệ thống pháp luật xác lập quyền lực của nhân dân và quy định nghĩa vụ, trách 
nhiệm phục vụ nhân dân của bộ máy nhà nước. Như vậy, với nhà nước pháp quyền, một sự 
chuyển đổi vị trí thật sự diễn ra trong mối quan hệ giữa nhà nước và nhân dân: Nhân dân có 
cơ hội thật sự trở thành người chủ của quyền lực và có khả năng, điều kiện để làm chủ quyền 
lực; nhà nước, mà cụ thể là bộ máy nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà 
nước trở thành công cụ phục vụ nhân dân, chịu sự kiểm tra, giám sát của nhân dân trong một 
trật tự pháp luật tự do, dân chủ và công bằng. 
Có thể nói, nhà nước pháp quyền là một giá trị chung của nhân loại, là nhu cầu, mục 
đích hướng tới của con người và xã hội loài người. Theo nhận thức chung của cộng đồng 
quốc tế, tính phổ biến và tính đặc thù của nhà nước pháp quyền thể hiện ở những nội dung cơ 
bản được trình bày dưới đây. 
 Ngày nhận bài: 5/10/2016. Ngày nhận đăng: 25/12/2016 
Liên lạc: Phạm Tuấn Anh, e - mail: phamtuananhvp@yahoo.com 
58 
2. Tính phổ biến của nhà nƣớc pháp quyền 
2.1. Nhà nước pháp quyền là biểu hiện tập trung của chế độ dân chủ 
Tiêu chí đầu tiên và quan trọng nhất của nhà nước pháp quyền là toàn bộ quyền lực nhà 
nước thuộc về nhân dân. Nhân dân là chủ thể tối cao và duy nhất của quyền lực nhà nước, có 
quyền kiểm tra và giám sát việc thực hiện quyền lực nhà nước. Hạt nhân của lý luận nhà nước 
pháp quyền là vấn đề dân chủ. Dân chủ vừa là bản chất, vừa là điều kiện, là tiền đề để xây 
dựng nhà nước pháp quyền. Dân chủ luôn gắn liền với pháp luật và được bảo đảm bằng pháp 
luật. Dân chủ và phát huy dân chủ là nhiệm vụ trọng tâm của nhà nước pháp quyền. Quá trình 
dân chủ hóa đời sống xã hội cũng chính là quá trình xây dựng và hoàn thiện không ngừng của 
nhà nước pháp quyền. 
Nhà nước pháp quyền phải là một nhà nước dân chủ, không thể là một nhà nước phản 
dân chủ. Nhà nước pháp quyền không thể là nhà nước độc tài chuyên chế của các chế độ 
chiếm hữu nô lệ, phong kiến, nơi mà ở đó chế độ nhà nước gắn với tôn giáo với thần quyền, 
với chế độ thần dân hoặc chế độ nô lệ. Nhà nước pháp quyền phải là nhà nước của nhân dân, 
do nhân dân, vì nhân dân, không có điều ngược lại - nhà nước của một thế lực tôn giáo, quý 
tộc phong kiến. Nhà nước đó phải được tổ chức trên nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước 
phải thuộc về nhân dân. V.I. Lênin cho rằng: “Dân chủ là một hình thức nhà nước” [3], điều 
đó có nghĩa là, nhà nước pháp quyền cũng là một hình thức nhà nước. Nhà nước pháp quyền 
là một hình thức nhà nước được phân tích trong mối tương quan giữa nhà nước và pháp luật. 
Nhà nước pháp quyền với tính cách là những giá trị phổ biến, là biểu hiện của một trình độ 
phát triển dân chủ. Do đó, nhà nước pháp quyền không phải là một kiểu nhà nước mà là một 
cách thức/phương thức tổ chức nhà nước và xã hội trên nền tảng dân chủ và tôn trọng, bảo 
đảm, bảo vệ các quyền cơ bản của con người, quyền công dân. Trong ý nghĩa này, nhà nước 
pháp quyền được nhìn nhận như một cách thức tổ chức nền dân chủ, cách thức tổ chức nhà 
nước và xã hội trên nền tảng dân chủ. Điều này có nghĩa là nhà nước pháp quyền phải gắn 
liền với một nền dân chủ, tuy không phải là một kiểu nhà nước được xác định theo lý luận về 
hình thái kinh tế - xã hội, nhưng không thể xuất hiện trong một xã hội phi dân chủ. Điều này 
cắt nghĩa tại sao ý tưởng về một chế độ pháp quyền đã xuất hiện từ rất sớm trong lịch sử nhân 
loại, thậm chí từ thời Cổ đại bởi các nhà tư tưởng Hy Lạp, La Mã, hay tư tưởng pháp trị tại 
Trung Hoa Cổ đại, nhưng mãi đến khi nhà nước tư sản ra đời, với sự xuất hiện của nền dân 
chủ tư sản, nhà nước pháp quyền mới từ ý tưởng từng bước trở thành một nhà nước hiện thực. 
Nhà nước pháp quyền thể hiện tính dân chủ của nhân loại. Hay nói một cách khác, 
không thể có một nhà nước pháp quyền nào mà quyền lực nhà nước lại không thuộc về nhân 
dân. Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước là một trong những tiêu chí căn bản của nhà 
nước pháp quyền. Mục tiêu của nhà nước pháp quyền là xây dựng và thực thi một nền dân 
chủ, bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Nhân dân thực hiện quyền dân chủ của 
mình thông qua dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện. 
2.2. Nhà nước pháp quyền được tổ chức và hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và 
 pháp luật 
Nhà nước pháp quyền quản lý xã hội bằng pháp luật, thực chất là quản lý xã hội bằng ý 
chí phổ biến của nhân dân được luật hoá. Pháp luật do nhà nước ban hành giữ vị trí và có hiệu 
59 
lực thống trị không chỉ đối với xã hội mà còn đối với chính bản thân nhà nước. Pháp luật không 
chỉ là công cụ để duy trì và phát triển xã hội mà còn là công cụ duy trì sự tồn tại của chính nhà 
nước. Chức năng, quyền hạn của nhà nước phải do Hiến pháp và pháp luật quy định. 
Về nội dung, pháp luật trong nhà nước pháp quyền chi phối toàn bộ hoạt động của nhà 
nước, thể hiện và đáp ứng nhu cầu khách quan của xã hội, thúc đẩy xã hội phát triển. Xét về mặt 
cấu trúc, pháp luật của nhà nước pháp quyền là một thể thống nhất, có thứ bậc, trong đó Hiến 
pháp giữ vị trí cao nhất. Các đạo luật và các quy định dưới luật phải tuân thủ Hiến pháp cả về 
nội dung lẫn hình thức, cả thủ tục ban hành lẫn phạm vi hiệu lực. Pháp luật phải được áp dụng 
công bằng, nhất quán, phải bảo đảm tính dân chủ, công khai, sự minh bạch và dễ tiếp cận. 
Khác với nhà nước pháp trị, trong nhà nước pháp quyền, mọi lĩnh vực cần thiết phải có 
sự điều chỉnh bằng pháp luật, với phương châm “đối với cá nhân thì được làm tất cả những gì 
mà pháp luật không cấm, còn đối với cơ quan nhà nước chỉ được phép làm những gì mà pháp 
luật quy định”. Pháp luật của nhà nước pháp quyền còn có mục tiêu vì con người, quyền con 
người, quyền công dân. Bởi vì, tính tối cao của pháp luật cũng có thể có và rất cần phải có 
trong nhà nước cực quyền, bao gồm những đạo luật phản nhân quyền, tước bỏ đi mọi quyền 
tự nhiên của con người. Tuy nhiên, không phải mọi chế độ lập hiến, mọi hệ thống pháp luật 
đều có thể đưa lại khả năng xây dựng nhà nước pháp quyền, mà chỉ có Hiến pháp và hệ thống 
pháp luật tiến bộ, dân chủ, công bằng mới có thể làm cơ sở cho chế độ pháp quyền trong nhà 
nước và xã hội. Chúng ta đều thấy rõ là, các nhà nước phi dân chủ không thể xây dựng nhà 
nước pháp quyền bởi vì ở các nhà nước này, pháp luật không phải là sản phẩm của những 
thỏa thuận xã hội mà là kết quả của những ngẫu hứng chính trị. Nói cách khác, toàn bộ quá 
trình lập pháp, hành pháp, tư pháp ở những nhà nước phi dân chủ thường bị thao túng bởi một 
số lực lượng chính trị nhất định, không rành mạch về nguyên tắc và không hợp pháp về địa vị. 
Điều đó cho thấy, chừng nào pháp luật còn được xây dựng và sửa đổi, bổ sung dựa trên những 
nhận thức chính trị chủ quan của những chủ thể cầm quyền thì không thể tạo ra trạng thái ổn 
định của quyền lực pháp luật, tức là không thể xây dựng nhà nước pháp quyền theo đúng 
nghĩa. Nhà nước pháp quyền phải là nhà nước mà ở đó pháp luật giữ địa vị thống trị (thượng 
tôn), tức là pháp luật chi phối và điều chỉnh mọi sinh hoạt của đời sống xã hội và quyền lực 
của pháp luật phải ổn định. 
2.3. Quyền lực nhà nước trong nhà nước pháp quyền được tổ chức và thực hiện theo các 
nguyên tắc dân chủ: phân công quyền lực và kiểm soát quyền lực 
Xuất phát từ yêu cầu tổ chức quyền lực nhà nước, lý luận về nhà nước pháp quyền chỉ 
ra rằng: Quyền lực nhà nước phải được phân chia thành quyền lập pháp (làm ra pháp luật), 
quyền hành pháp (tổ chức thi hành pháp luật), quyền tư pháp (điều tra, xét xử). Sự phân chia 
quyền lực này được cụ thể hóa bằng việc giao cho các cơ quan nhà nước tương ứng thực hiện 
các quyền, cụ thể: quyền lập pháp được trao cho Quốc hội (hay Nghị viện), quyền hành pháp 
được trao cho Chính phủ, quyền tư pháp được trao cho Tòa án. Mục đích của việc phân chia 
quyền lực là nhằm không để quyền lực tập trung tất cả vào bất cứ một cơ quan hay cá nhân 
nào, để quyền lực được thực hiện đúng đắn, bảo đảm quyền lực của nhân dân, do nhân dân ủy 
nhiệm luôn được kiểm soát, không bị lạm dụng, tha hoá. 
60 
Mọi thiết chế quyền lực nhà nước phải được tổ chức và hoạt động trong khuôn khổ và 
bị kiểm soát bởi pháp luật, không ai có thể lạm dụng quyền lực. Để quyền lực không bị lạm 
dụng, tha hóa, thì phải sắp xếp quyền lực sao cho quyền lực ngăn chặn quyền lực, tham vọng 
phải được kiểm soát bằng pháp luật. Nhà nước pháp quyền được tổ chức ra để không ai có thể 
lạm dụng quyền lực, chống người khác, mưu lợi cho bản thân, cũng như của những người 
thân quen. Quyền lực nhà nước phải được kiểm soát từ nhiều góc độ khác nhau của quyền 
lực. Muốn cho một nhà nước chịu trách nhiệm tức là bị hạn chế quyền lực, thì quyền lực nhà 
nước phải được tổ chức theo nguyên tắc phân quyền. Bản thân của từng nhánh quyền lực tạo 
nên các cấu thành khác nhau của bộ máy nhà nước cũng phải có những đòi hỏi riêng, xuất 
phát từ chính nhiệm vụ và chức năng của chúng. 
Trong cơ cấu tổ chức quyền lực nhà nước, quyền tư pháp phải được độc lập để bảo vệ 
pháp luật, bảo đảm các quyền và tự do của con người, các quyền cơ bản của công dân. Sự độc 
lập của quyền tư pháp là một trong những yếu tố căn bản của nhà nước pháp quyền nhằm hạn 
chế sự tùy tiện, lạm quyền của các nhánh quyền lực nhà nước khác; bởi vì, trong nhà nước 
pháp quyền, pháp luật giữ địa vị thống trị (thượng tôn) mà Tòa án là cơ quan phán xét về các 
vi phạm pháp luật, vi phạm các quyền công dân từ phía cá nhân, tổ chức và cả từ phía nhà 
nước. Tòa án cũng là nơi phán xét các quyết định của các cơ quan hành pháp nếu có biểu hiện 
vi phạm quyền công dân hoặc vi phạm thẩm quyền của các cơ quan khác. Một trong những 
đòi hỏi của cơ quan tư pháp trong nhà nước pháp quyền là phải độc lập trước các nhánh quyền 
lực nhà nước khác. Khi vai trò của các nhà lập pháp và quan tòa được trao cho hai cơ quan 
khác nhau, sự quản lý tùy tiện sẽ không còn hoặc ít nhất cũng là có cơ chế để hạn chế. Khi 
quyền làm luật được tách khỏi quyền giải thích và áp dụng luật, thì chính nền tảng của pháp 
quyền sẽ được tăng cường. Tính độc lập của tư pháp không những cho phép Tòa án đưa ra 
những phán quyết đúng đắn, mà còn có thể chống lại sự lạm quyền của các nhánh quyền lực 
khác. 
Trong nhà nước pháp quyền cần phải có cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả để ngăn 
ngừa sự lạm dụng quyền lực của các cơ quan nhà nước, ngăn chặn, loại bỏ những hoạt động 
sai trái của các thiết chế quyền lực nhà nước, phát hiện và điều chỉnh được việc thực thi quyền 
lực nhà nước. Mặt khác, kiểm soát quyền lực còn nhằm bảo đảm cho các cơ quan nhà nước hoạt 
động đúng giới hạn do Hiến pháp và pháp luật định ra, vừa tuân thủ sự thượng tôn Hiến pháp và 
pháp luật, đồng thời đảm bảo tính hiệu quả, hiệu lực trong vận hành của bộ máy nhà nước. Kiểm 
soát quyền lực nhà nước được thực hiện dưới nhiều hình thức, qua nhiều kênh và nhiều cấp độ 
khác nhau, đó là việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm sát bằng cơ chế xã hội như báo chí, các tổ 
chức, đoàn thể quần chúng, cá nhân... trong tổng thể bộ máy nhà nước hay trong từng hệ thống cơ 
quan nhà nước. 
2.4. Nhà nước pháp quyền tôn trọng, đề cao và bảo đảm quyền con người, quyền công dân 
trong mọi lĩnh vực hoạt động của nhà nước và xã hội 
Quyền con người, quyền công dân là tiêu chí căn bản để đánh giá tính pháp quyền của 
chế độ nhà nước. Mọi hoạt động của nhà nước đều phải xuất phát từ sự tôn trọng và bảo đảm, 
bảo vệ quyền con người, quyền công dân, tạo mọi điều kiện cho công dân thực hiện quyền 
61 
của mình theo đúng các quy định của pháp luật. Mối quan hệ giữa cá nhân công dân và nhà 
nước được xác định chặt chẽ về phương diện pháp luật và mang tính bình đẳng. Mô hình quan 
hệ giữa nhà nước và cá nhân công dân được xác định theo nguyên tắc: Đối với cơ quan nhà 
nước chỉ được làm những gì pháp luật cho phép; đối với công dân được làm tất cả những gì 
mà pháp luật không cấm. Các quyền cơ bản và thiêng liêng nhất của con người như quyền 
được sống, quyền bình đẳng, quyền mưu cầu hạnh phúc, quyền sở hữu tài sản... phải được nhà 
nước tôn trọng và bảo đảm, bảo vệ bằng pháp luật. Nhà nước pháp quyền bảo đảm cho mọi cá 
nhân công dân đều có quyền bình đẳng và tự do trước pháp luật, có đủ cơ hội về mặt pháp lý 
để phát huy mọi khả năng vốn có của mình. Mối quan hệ trách nhiệm pháp lý giữa công dân 
và nhà nước là đặc trưng quan trọng của nhà nước pháp quyền; trong đó, nhà nước thừa nhận 
và có nghĩa vụ, trách nhiệm bảo đảm tự do, bình đẳng của công dân, không được can thiệp vô 
hạn vào đời sống của cá nhân công dân. Nhà nước được xây dựng trên nền tảng của xã hội 
công dân. Một xã hội mà ở đó công dân là chủ thể, nhà nước có nghĩa vụ, trách nhiệm phải 
phục vụ lợi ích chính đáng của công dân, mà không có điều ngược lại. Pháp luật phải đứng 
trên nhà nước và nhà nước phải có nghĩa vụ, trách nhiệm tuân thủ pháp luật. Để bảo đảm cho 
tính chất này, nhà nước pháp quyền đề cao vị trí, vai trò của hệ thống Tòa án. Tính độc lập 
của Tòa án phải được tuân thủ một cách nghiêm ngặt. Chỉ có Tòa án mới có chức năng phán 
xét các tranh chấp, mâu thuẫn trong xã hội. 
2.5. Nhà nước pháp quyền gắn liền với một cơ chế bảo vệ Hiến pháp và pháp luật phù hợp 
Nền tảng của nhà nước pháp quyền là Hiến pháp và một hệ thống pháp luật tiến bộ, dân 
chủ và công bằng. Vì vậy, một cơ chế bảo vệ Hiến pháp và pháp luật luôn là một yêu cầu, một 
điều kiện cần thiết nhằm bảo đảm cho Hiến pháp và pháp luật luôn được tôn trọng, đề cao và 
tuân thủ nghiêm minh. Hình thức và phương thức bảo vệ Hiến pháp và pháp luật ở các quốc 
gia, dân tộc trên thế giới có thể rất đa dạng và khác nhau, nhưng đều hướng tới mục tiêu là 
bảo đảm địa vị tối cao, bất khả xâm phạm của Hiến pháp, loại bỏ hành vi trái với tinh thần và 
quy định của Hiến pháp, không phụ thuộc vào chủ thể của các hành vi này. “Hiến pháp là cơ 
sở của mọi hình thức tổ chức quyền lực công khai, mọi chủ thể trong xã hội, kể cả các cơ 
quan nhà nước bất kể ở cương vị nào đều phải tuân thủ Hiến pháp. Các chính sách và quyết 
định của nhà nước đều phải dựa vào Hiến pháp và pháp luật, phục tùng Hiến pháp, pháp luật 
và tất cả các mối quan hệ qua lại giữa nhà nước và cá nhân công dân cũng phải dựa trên cơ sở 
của pháp luật” [1]. Hiến pháp phải là bản văn có hiệu lực pháp lý tối cao có tác dụng hạn chế 
quyền lực của các cơ quan tối cao trong bộ máy nhà nước, bảo đảm cho mọi cơ quan nhà 
nước tôn trọng Hiến pháp và pháp luật. Các cơ quan nhà nước phải đặt trong vòng kiểm soát 
của Hiến pháp và pháp luật, với mục đích bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong một 
xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến cơ sở phải 
được tổ chức và hoạt động trong một cơ chế tự kiểm tra một cách mặc nhiên, tránh tình trạng 
để cho đến hậu quả khôn lường phải nhờ vào sự xét xử của các cơ quan tư pháp. Đồng thời, 
để bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, nhà nước pháp quyền luôn đòi hỏi phải xây dựng và thực 
thi một chế độ tư pháp thật sự dân chủ, minh bạch và trong sạch để duy trì và bảo vệ pháp chế 
trong mọi lĩnh vực hoạt động của nhà nước và xã hội. 
62 
2.6. Nhà nước pháp quyền gắn bó mật thiết với xã hội dân sự 
Nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường và xã hội dân sự là ba trụ cột của một xã hội 
phát triển hiện đại, là thành tựu phát triển mang tính phổ biến, tự thân nó không mang bản 
chất giai cấp. Việc phát triển nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường và xã hội dân sự theo 
định hướng nào là do giai cấp cầm quyền lựa chọn phù hợp với lợi ích của giai cấp và dân tộc. 
Theo quan niệm hiện đại, xã hội dân sự được hiểu là một bộ phận độc lập tương đối của đời 
sống xã hội đối với nhà nước, trong đó tồn tại và vận hành các nhóm xã hội, các tổ chức văn 
hóa, tôn giáo, tinh thần, thể hiện các lợi ích khác nhau của con người. Cùng với sự phát triển 
kinh tế thị trường và dân chủ hóa đời sống xã hội, các tổ chức dân sự được hình thành ngày 
càng nhiều, hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện, tự quyết và tự chủ về tài chính. Các tổ chức 
dân sự chia sẻ trách nhiệm và hỗ trợ nhà nước trong việc đáp ứng các nhu cầu đa dạng và 
phong phú của các thành viên trong xã hội đồng thời tham gia vào việc góp ý, phản biện xã 
hội theo yêu cầu của nhà nước đối với những chính sách, thể chế tác động đến đời sống của 
các thành viên thuộc tổ chức của mình. Nhà nước pháp quyền thông qua Hiến pháp và pháp 
luật quy định nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền hạn của nhà nước và công dân, xác lập khuôn 
khổ pháp lý cho việc phát huy tiềm năng và trách nhiệm của mọi cá nhân công dân, tổ chức 
trong việc xây dựng xã hội dân chủ, công bằng và phồn vinh, hài hòa giữa những lợi ích vật 
chất và tinh thần của con người. Dựa trên nền tảng pháp quyền, nhà nước và xã hội dân sự 
cùng tồn tại và phát triển. Nhà nước pháp quyền không đồng nhất nhà nước với xã hội, mà đòi 
hỏi phải tôn trọng, đề cao xã hội dân sự, tạo mọi điều kiện phát huy sức mạnh của mọi thiết 
chế xã hội. 
3. Tính đặc thù của nhà nƣớc pháp quyền 
Nếu như tính phổ biến gắn với cái chung thì tính đặc thù gắn với cái riêng, cái đơn nhất. 
Nếu như tính phổ biến của nhà nước pháp quyền thể hiện ở tính có thể phổ cập, có thể áp 
dụng đối với tất cả các khu vực, quốc gia, dân tộc trên thế giới, thì tính đặc thù của nhà nước 
pháp quyền được dùng để chỉ những đặc điểm, những mặt riêng nhất định trong một quốc gia, 
dân tộc cụ thể. 
Bên cạnh tính phổ biến, nhà nước pháp quyền còn chứa đựng tính đặc thù. Tính đặc thù 
của nhà nước pháp quyền thể hiện ở các đặc điểm cơ bản sau: 
3.1. Đặc điểm đặc thù về điều kiện lịch sử, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và trình độ 
phat triển của từng quốc gia, dân tộc 
Nhà nước pháp quyền, “xét ở phương diện giá trị trừu tượng lẫn ở phương diện giá trị 
hiện thực là một trong những hiện tượng xã hội gắn liền với quá trình phát triển của xã hội 
loài người nói chung, của từng xã hội khu vực và của từng xã hội quốc gia, dân tộc. Quá trình 
này nhìn một cách tổng thể trải qua các giai đoạn khác nhau theo logic phát triển từ thấp đến 
cao, từ chưa hoàn thiện đến hoàn thiện” [4]. Ở từng giai đoạn phát triển có những đặc điểm 
riêng do các điều kiện lịch sử, chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và trình độ phát triển của 
từng quốc gia, dân tộc và các điều kiện khác quy định. Chính những đặc điểm riêng đó quy 
định tính đặc thù khái quát của nhà nước pháp quyền. 
63 
Tính đặc thù của nhà nước pháp quyền được xác định bởi hàng loạt yếu tố. Các yếu tố 
này về thực chất là rất đa dạng, phong phú và phức tạp, được xác định bởi các điều kiện về 
lịch sử, truyền thống văn hoá, tâm lý xã hội của từng quốc gia, dân tộc, chế độ chính trị, chế 
độ kinh tế, văn hoá và môi trường địa lý... Các yếu tố này không chỉ tạo ra các đặc sắc, tính 
riêng biệt của từng quốc gia, dân tộc trong quá trình dựng nước, giữ nước và phát triển của 
mình mà còn quyết định mức độ tiếp thu và dung nạp các giá trị phổ biến của nhà nước pháp 
quyền. Việc thừa nhận tính đặc thù của nhà nước pháp quyền có ý nghĩa nhận thức luận quan 
trọng. Với ý nghĩa này, nhà nước pháp quyền là một phạm trù vừa mang tính phổ biến vừa 
mang tính đặc thù. Nhà nước pháp quyền vừa là một giá trị chung của nhân loại, vừa là một 
giá trị riêng của từng quốc gia, dân tộc. Không thể có một mô hình nhà nước pháp quyền 
chung thống nhất cho mọi quốc gia, dân tộc. Từng quốc gia, dân tộc, tuỳ thuộc vào các đặc 
điểm lịch sử, chính trị, kinh tế, xã hội, truyền thống văn hóa, môi trường địa lý và trình độ 
phát triển mà xây dựng cho mình một mô hình nhà nước pháp quyền thích hợp. 
Tính đặc thù của nhà nước pháp quyền luôn gắn với từng quốc gia, dân tộc và từng khu 
vực trên thế giới. Bởi vậy, tính phổ biến của nhà nước pháp quyền chỉ có thể được bảo đảm 
chắc chắn khi tính đến những đặc thù khác nhau ở từng khu vực, từng quốc gia, dân tộc trong 
những điều kiện cụ thể về lịch sử, văn hóa, tôn giáo, chế độ chính trị, chế độ kinh tế. Trong số 
các yếu tố tạo ra tính đặc thù của nhà nước pháp quyền, thì yếu tố văn hóa truyền thống có 
ảnh hưởng sâu đậm nhất và tồn tại lâu dài theo thời gian. 
3.2. Đặc điểm đặc thù trong cách thức xây dựng mô hình tổ chức nhà nước pháp quyền 
của từng quốc gia, dân tộc 
Nhà nước pháp quyền không phải là một kiểu nhà nước, nên về phương diện lý luận và 
thực tiễn phải thừa nhận rằng, trên thế giới ngày nay đều có thể xây dựng Nhà nước pháp 
quyền tư sản và đều có thể xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Với ý nghĩa này, 
không thể xuất phát từ cơ sở và nội dung của hình thái kinh tế - xã hội vốn được quan niệm là 
cơ sở để xác định các kiểu nhà nước trong lịch sử để đối lập Nhà nước pháp quyền tư sản với 
Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Không thể quan niệm nhà nước pháp quyền là sản 
phẩm, là giá trị riêng của dân chủ tư sản để phủ nhận nhu cầu và khả năng xây dựng nhà nước 
pháp quyền trong điều kiện của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Sự phủ nhận quan điểm nhà 
nước pháp quyền như một kiểu nhà nước có ý nghĩa nhận thức luận quan trọng trong việc 
nhìn nhận đầy đủ, đúng đắn và sâu sắc về bản chất của nhà nước pháp quyền. Ý nghĩa nhận 
thức luận này thể hiện ở những điểm cơ bản sau: 
Thứ nhất, chỉ từ khi xuất hiện dân chủ tư sản, mới có cơ hội và điều kiện để xuất hiện 
nhà nước pháp quyền. Trên thực tế tồn tại khái niệm nhà nước pháp quyền tư sản và về thực 
chất nhà nước pháp quyền đang được tuyên bố xây dựng ở hầu hết các quốc gia tư bản phát 
triển và đang phát triển. 
Thứ hai, nhà nước pháp quyền không những có thể xây dựng tại các quốc gia tư bản mà 
vẫn có thể xây dựng tại các quốc gia phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhà nước 
pháp quyền với tính chất là một cách thức tổ chức và vận hành của một chế độ nhà nước và xã 
hội không những xây dựng trong điều kiện chế độ xã hội tư sản và còn được xây dựng trong 
64 
điều kiện chế độ xã hội chủ nghĩa. Như vậy, trong nhận thức lý luận và trong thực tiễn tồn tại 
Nhà nước pháp quyền tư sản và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. 
Thực tiễn xây dựng mô hình tổ chức nhà nước pháp quyền tại các quốc gia, dân tộc trên 
thế giới cho thấy, nhà nước pháp quyền bao giờ cũng được xây dựng dựa trên những điều kiện 
về lịch sử, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, truyền thống, v.v... và các điều kiện khác của 
từng quốc gia, dân tộc, một xã hội nhất định. Tuy nhiên, cách thức xây dựng mô hình tổ chức 
nhà nước pháp quyền ở từng quốc gia, dân tộc trên thế giới lại có những đặc thù riêng. Các 
khảo sát kinh nghiệm xây dựng mô hình tổ chức nhà nước pháp quyền tại các nước Cộng hòa 
Liên bang Đức, Cộng hòa Pháp, Vương quốc Anh, Cộng hòa Italia đã cho thấy, ở các nước này, 
mô hình tổ chức nhà nước pháp quyền được tổ chức vừa thống nhất vừa đa dạng, phản ánh các 
giá trị phổ biến của nhà nước pháp quyền, đồng thời các giá trị đặc thù của từng quốc gia, dân 
tộc. Thực tiễn này cũng đã được xác nhận tại Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ và nhiều nước khác 
trên thế giới. 
Thừa nhận tính đa dạng của mô hình tổ chức nhà nước pháp quyền, đòi hỏi việc xây 
dựng nhà nước pháp quyền tại từng quốc gia, dân tộc trên thế giới phải đồng thời quán triệt 
các phương diện sau: 
(i) Phải xuất phát từ đòi hỏi, yêu cầu và trình độ phát triển kinh tế, văn hoá, chính trị và 
truyền thống dân chủ của quốc gia, dân tộc mình mà lựa chọn cách thức xây dựng và vận 
hành mô hình tổ chức nhà nước pháp quyền thích hợp. Nhà nước pháp quyền phải mang bản 
chất của chế độ chính trị, thể hiện được những đặc sắc của từng quốc gia, dân tộc; 
(ii) Phải quán triệt các giá trị phổ biến của nhà nước pháp quyền, tiếp thu các giá trị phổ 
biến này trong sự tương hợp với các đặc điểm lịch sử, văn hoá, xã hội, chính trị của từng quốc 
gia, dân tộc. Sự quán triệt các giá trị phổ biến của nhà nước pháp quyền trong ý nghĩa là các 
giá trị chung của nhân loại mới có thể bảo đảm được tính pháp quyền của nhà nước theo các 
chuẩn mực đã được thừa nhận, đồng thời khắc phục tính dân tộc cực đoan hay các dị biệt làm 
cho các giá trị dân chủ không được phát huy, tạo nguy cơ rơi vào tình trạng biệt lập trong một 
thế giới hiện đại ngày nay; 
(iii) Sự thống nhất hữu cơ giữa tính phổ biến và tính đặc thù của nhà nước pháp quyền 
là cơ sở lý luận cần quán triệt trong cuộc đấu tranh lý luận chống lại mọi sự áp đặt từ bên 
ngoài đối với mô hình tổ chức nhà nước pháp quyền hay áp dụng một cách máy móc, giáo 
điều, dập khuôn mô hình tổ chức nhà nước pháp quyền ở một nước này vào một nước khác. 
Điều này có nghĩa là không thể lấy các tiêu chuẩn của Nhà nước pháp quyền tư sản để áp đặt 
cho các việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Mặt khác, khi quán triệt các 
đặc thù của từng quốc gia, dân tộc cần phải đặt các điều kiện đặc thù ấy trong sự tương quan 
với các giá trị phổ biến và phải biến các giá trị phổ biến ấy thành các giá trị nội tại, chuyển 
hoá chúng thành các giá trị quốc gia, dân tộc. 
Tóm lại, tính đặc thù của nhà nước pháp quyền được quy định bởi các điều kiện lịch sử, 
chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và trình độ phát triển của từng quốc gia, dân tộc trên thế 
giới. Tính đặc thù phản ánh tính có giới hạn về phạm vi, đối tượng, phản ánh mức độ, tính 
chất khác nhau của nhà nước pháp quyền, qua đó cũng thể hiện tính đa dạng, phong phú của 
nhà nước pháp quyền. 
65 
4. Kết luận 
Nhà nước pháp quyền là một giá trị chung của nhân loại, là nhu cầu, mục đích hướng 
tới của con người và xã hội loài người. Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội 
chủ nghĩa Việt Nam là một đòi hỏi tất yếu, khách quan và phù hợp với xu thế phát triển lịch 
sử chung của xã hội loài người. Có thể khẳng định, mô hình Nhà nước pháp quyền xã hội chủ 
nghĩa ở Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn cả trên phương diện lý luận và thực tiễn và phù hợp 
với thể chế chính trị, nền văn hóa - xã hội và trình độ phát triển kinh tế của nước ta hiện nay. 
TÀI LIỆU THAM KHẢO 
[1] Bùi Xuân Đức, Nguyễn Văn Thảo (Chủ biên) (1998). Phân tích nhà nước pháp quyền 
và vận dụng nó trong thực tế tổ chức bộ máy lập pháp, hành pháp, tư pháp của một số 
nước tư bản và một số nước Đông Nam Á hiện nay, trong xây dựng nhà nước pháp 
quyền. Nhà xuất bản Tư pháp, Hà Nội. 
[2] Nguyễn Duy Quý, Nguyễn Tất Viễn (Đồng chủ biên) (2010). Nhà nước pháp quyền xã 
hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân, vì dân: Lý luận và thực tiễn. Nhà xuất bản 
Chính trị quốc gia, Hà Nội. 
[3] V.I. Lênin (1977). Toàn tập, t.33. Nhà xuất bản Tiến bộ, Hà Nội. 
[4] Võ Khánh Vinh (2010). Quyền con người - Tiếp cận đa ngành và liên ngành luật học, 
tập 1. Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội. 
A DISCUSSION ON POPULARITY AND SPECIFICITY 
OF THE LEGAL COUNTRY 
Pham Tuan Anh 
Military Technology Academy 
Abstract: The “Rule of law” approach, which bases on not only generalization but also the fundamental 
facts, is an urgent and up - to - date way of study. It makes a great contribution to our ideology, theory and 
practice. This approach includes such matters of history, theory and practice at different levels as global, 
regional, national ones. Among them, the popularity and specificity of the “rule of law” are said to be the main 
focuses. This article aims at analyzing and clarifying the typical popularity of the “rule of law” approach. 
Keywords: Communist “rule of law”, popularity, “rule of law”, specificity. 

File đính kèm:

  • pdfban_ve_tinh_pho_bien_va_tinh_dac_thu_cua_nha_nuoc_phap_quyen.pdf