Chạc gốm ở di tích Gò Ô Chùa (Long An) và sự bí ẩn về chức năng

Trong khảo cổ học, đôi khi tham vọng giải thích về nguồn gốc, công dụng, kỹ

thuật chế tạo. của một vài loại hiện vật nào đó rơi vào bế tắc, khó tìm ra lời giải

đáp thuyết phục, khiến chúng ta chấp nhận sự tồn tại của chúng như là sự đương

nhiên mà không ai hiểu biết thật đúng về chúng (hoặc chỉ phỏng đoán).

Trong số những đồ vật khảo cổ thuộc tình trạng trên, chúng tôi chỉ đề cập ở

đây một loại hiện vật bằng đất nung vốn được nhiều người biết đến qua các bài viết

trong thời gian hơn chục năm trở lại đây, đó là loại chạc gốm được phát hiện với số

lượng vô cùng lớn ở di tích Gò Ô Chùa (GOC) và rải rác tại một số địa điểm khảo

cổ khác ở vùng đất phía tây của tỉnh Long An.

pdf 7 trang yennguyen 960
Bạn đang xem tài liệu "Chạc gốm ở di tích Gò Ô Chùa (Long An) và sự bí ẩn về chức năng", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Chạc gốm ở di tích Gò Ô Chùa (Long An) và sự bí ẩn về chức năng

Chạc gốm ở di tích Gò Ô Chùa (Long An) và sự bí ẩn về chức năng
125Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 6 (132) . 2016
CHẠC GỐM Ở DI TÍCH GÒ Ô CHÙA (LONG AN)
VÀ SỰ BÍ ẨN VỀ CHỨC NĂNG
 Lê Duy Sơn*
Trong khảo cổ học, đôi khi tham vọng giải thích về nguồn gốc, công dụng, kỹ 
thuật chế tạo... của một vài loại hiện vật nào đó rơi vào bế tắc, khó tìm ra lời giải 
đáp thuyết phục, khiến chúng ta chấp nhận sự tồn tại của chúng như là sự đương 
nhiên mà không ai hiểu biết thật đúng về chúng (hoặc chỉ phỏng đoán).
Trong số những đồ vật khảo cổ thuộc tình trạng trên, chúng tôi chỉ đề cập ở 
đây một loại hiện vật bằng đất nung vốn được nhiều người biết đến qua các bài viết 
trong thời gian hơn chục năm trở lại đây, đó là loại chạc gốm được phát hiện với số 
lượng vô cùng lớn ở di tích Gò Ô Chùa (GOC) và rải rác tại một số địa điểm khảo 
cổ khác ở vùng đất phía tây của tỉnh Long An. 
1. Gò Ô Chùa: một di tích nổi tiếng với loại chạc gốm đặc biệt
Từ khoảng đầu thiên niên kỷ I trước Công nguyên (TCN), nhiều khu vực ở 
Nam Bộ Việt Nam bước vào thời đại kim khí. Tuy nhiên các di tích, di vật của giai 
đoạn đầu tiên thuộc thời đại này đến nay chưa thể được miêu tả một cách đầy đủ 
vì nguồn tài liệu còn tản mạn. Chúng ta biết nhiều nhất về diện mạo cuộc sống của 
lớp cư dân cổ trên địa bàn tỉnh Long An hiện nay trong khoảng thiên niên kỷ I TCN 
là nhờ kết quả khai quật và nghiên cứu tại di tích GOC trong những năm từ 1997 
đến 2008. Đó là một địa điểm khảo cổ đặc biệt, nằm cách Thành phố Hồ Chí Minh 
khoảng 100km về phía tây - tây bắc và cách bờ biển hiện nay khoảng 140km, hiện 
thuộc xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng. GOC là một gò đất lớn nằm giữa vùng 
đất Đồng Tháp Mười(1) với ba cồn đất nối nhau có tổng chiều dài 450m, chứa rất 
nhiều tàn tích cư trú của cư dân thời đại đồ đồng và hàng trăm mộ táng khác thuộc 
các thời đại muộn hơn.
Sau Công nguyên, có lẽ GOC thỉnh thoảng vẫn còn có cư dân sinh sống, 
nhưng ở đây không có một lớp văn hóa thực sự trong lòng đất mà chỉ thấy mảnh 
gốm rải rác trong lớp đất canh tác và vài di vật đặc biệt như một con dấu (intaglio) 
bằng mã não của thời đại Phù Nam (Vương Thu Hồng 2011: 255, 276), trên bề mặt 
của con dấu chạm hình con gà trống trước bệ thờ thần lửa. Con dấu này có lẽ không 
phải đến từ La Mã mà nhiều khả năng có nguồn gốc từ Sassanid (triều đại tiền Hồi 
giáo cuối cùng của đế quốc Ba Tư ở vùng Tây Á). Con dấu quý này đã được phát 
hiện vào năm 2008 trong lớp trên cùng ở hố khai quật số 2 của di tích GOC.
* Trường Đại học Khoa học Huế.
TRAO ĐỔI
126 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 6 (132) . 2016
Di tích GOC cung cấp cho khảo cổ học một loại di vật hết sức đặc biệt, đó là 
chạc gốm. Tất nhiên như đã nói ở trên, loại hiện vật này không chỉ có mặt ở GOC 
mà có thể tìm thấy ở khoảng chục địa điểm khác nhau về phía nam của di tích này 
nhưng không phong phú về số lượng và đặc trưng về loại hình. 
Hiện nay, hơn 130.000 mảnh vỡ chạc gốm đã phát hiện ở GOC trong các hố 
đào của các cuộc khai quật. Ước tính một cách khái quát rằng, cứ khoảng 8 mảnh 
vỡ thuộc về một chiếc chạc gốm hoàn chỉnh thì các nhà khảo cổ đã phát hiện hơn 
16 ngàn chiếc chạc gốm tại di tích GOC. Tổng diện tích của GOC gần 65.000m2, 
căn cứ vào tình trạng phân bố di vật, ước tính có khoảng 40.000m2 lưu giữ những 
mảnh tàn tích của chạc gốm trong lòng đất. Nếu ước lượng một cách thận trọng thì 
trên toàn bộ diện tích của di tích GOC có thể tồn tại khoảng từ 15 đến 20 triệu mảnh 
vỡ của khoảng trên dưới 2 triệu chiếc chạc gốm (A.Reinecke - Nguyễn Thị Thanh 
Luyến 2008). Một khối lượng rất lớn chạc gốm bị gãy vỡ và bị vứt bỏ này là minh 
chứng cho ý kiến rằng, chúng được chế tạo và sử dụng tại chỗ chứ không phải là 
loại sản phẩm được sản xuất để trao đổi như trước đây nhiều người nhận định.
Chạc gốm GOC thường có chiều 
cao từ 22cm - 30cm với đường 
kính thân trung bình trên dưới 
5cm, được chia thành bốn kiểu 
chính khác nhau dựa trên cơ sở 
hình dạng phần đầu phía trên 
(Ảnh 1). Bên cạnh kiểu cổ nhất là 
chạc gốm có phần đầu “hình mỏ 
neo” (Kiểu 1, ảnh 1), phần lớn 
chạc có phần đầu phía trên với ba mấu nhọn chĩa về ba phía (Kiểu 2, 3, 4, ảnh 1). 
Quan sát kỹ một chạc gốm, chúng ta có thể nhận thấy chúng được làm bằng chất liệu 
từ đất sét trộn với bã thực vật khiến xương gốm khá thô, màu hồng hay xám nhạt. 
Về hình dạng, một đầu của chạc gốm loe ra và chắc chắn và đây là phần đế 
vì có gờ mép bằng phẳng khi đặt trên mặt đất và phần lõm ở chính giữa không hề 
được gia công kỹ lưỡng. Chúng tôi nhấn mạnh điều này vì từng có người nghĩ đây 
là phần trên của chiếc chạc gốm với chức năng để đựng. Đầu còn lại của chạc gốm 
thường là ba mũi nhọn như những chiếc sừng nhô cao nghiêng ra ngoài về ba phía 
và thể hiện rõ công dụng như để đỡ một cái gì trên đó (nồi, bát, đĩa...?). Việc vuốt 
nhọn đầu của cái “chạc ba” này khiến chúng ta liên tưởng đến việc hạn chế đến 
mức ít nhất diện tiếp xúc giữa chạc gốm với vật được đỡ trên đó nhằm nhận được 
nhiều nhiệt độ khi nung. Điều kỳ lạ là thân chạc gốm có hoa văn đập chéo và cả 
hoa văn ấn ô vuông, ô trám đều đặn như loại gốm đúc khuôn, phía ngoài của mỗi 
chiếc “sừng” nhọn ở đoạn tiếp nối với thân lại có dấu bấm kẹp từ hai ngón tay cái 
và trỏ như để làm dấu mà xem ra chẳng có tác dụng gì thiết thực.
Ảnh 1: Các loại chạc gốm ở di tích Gò Ô Chùa 
(Ảnh: A.Reinecke)
127Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 6 (132) . 2016
Quan sát trên nhiều hiện vật và suy diễn, chúng tôi cho rằng việc sử dụng 
chạc gốm bắt đầu từ khi được khô cứng, chúng sẽ “hóa gốm” trong quá trình nung 
khi làm vật đỡ trong lò. Điều này được khẳng định bởi màu sắc của các phần trong 
một chiếc “chạc” khác nhau, đỏ hồng ở phần đế và đầu, xám trắng ở phần thân. 
Có rất nhiều chạc gốm được tái sử dụng, khi phần thân bị gãy, người ta chắp 
lại bằng cách bọc thêm phía ngoài một lớp đất sét, sau lần sử dụng để nung lần thứ 
hai, màu của chiếc chạc gốm và lớp đất sét mang sắc đậm nhạt khác nhau...
2. Chạc gốm GOC: một giả thuyết về công cụ làm muối
Chức năng sử dụng của loại chạc gốm trên đây hiện vẫn còn nhiều điều bí ẩn. 
Khi mới biết về loại hiện vật này với những mảnh vỡ rời rạc, các nhà nghiên cứu 
gọi là “gốm sừng bò” mà không hiểu chúng để làm gì. Tuy nhiên, dần dà người 
ta cũng nhận ra hình dáng thực sự của chúng như một cái chạc cây phía đầu có ba 
mấu nhọn (hoặc hình mỏ neo) khiến nhiều người hoài nghi về việc sử dụng chúng 
như là một loại dụng cụ để kê đồ gốm trong lò khi nung. Việc đặt gốm mộc (chưa 
nung) lên loại chạc này cho phép sắp xếp một cách trật tự và tận dụng tối đa nhiệt 
năng tác động lên cả hai mặt trong và ngoài đồ vật, khiến cho xương gốm sẽ chắc 
đều. Nếu đúng vậy thì di tích GOC là một công trường sản xuất đồ gốm có quy mô 
lớn, vậy nhưng đến nay chúng ta không thể khẳng định được điều này vì hầu như 
nơi đây chẳng có dấu tích lò nung, gốm phế phẩm một cách rõ ràng.
Không như cách nghĩ của nhiều nhà khảo cổ học Việt Nam, A.Reinecke là 
khảo cổ học người Đức vốn có nhiều hiểu biết về khảo cổ học Việt Nam và Đông 
Nam Á, qua quá trình gắn bó với các cuộc khai quật ở di tích GOC đã cho rằng, đây 
là một loại đồ gốm có liên quan đến nghề làm muối. Ông cho rằng chạc gốm GOC 
là loại đồ gốm duy nhất xuất hiện ở Đông Nam Á và rất giống với loại chân đỡ trong 
bộ dụng cụ nấu nước biển để làm muối đã từng xuất hiện ở châu Âu, châu Phi. 
Theo A.Reinecke, bộ sưu tập mảnh chạc gốm GOC là minh chứng cho một 
“trung tâm nấu muối bán công nghiệp” lớn nhất của thời đại đồ đồng ở Đông Nam 
Á (A.Reinecke 2010). Kiểu 2, 3, 4 (Ảnh 1) của chạc gốm GOC có sự tương đồng 
cao nhất với loại “cột hình sừng” hoặc “cột trụ hình ống ba tay” đã phát hiện ở vài 
chục địa điểm nấu nước biển làm muối thuộc thời đại đồ đồng muộn - sắt sớm ở 
nước Đức. Ở một số nơi tại châu Âu, người ta đã phát hiện chạc gốm cùng với đồ 
đựng bằng gốm để nấu muối trên vài địa điểm ở Đức hoặc Pháp. 
Qua thực tiễn nghiên cứu, sau khi khai quật và rửa sạch, phần khoét lõm bên 
trong của đế chạc gốm trở nên trơn nhẵn và ướt mềm. Điều đó cho thấy chạc gốm 
không được nung trước khi sử dụng. Để dùng, người ta đặt phần chân chạc trên 
mặt đất hoặc ép xuống đất đôi chút cho thêm phần vững chắc khi chạc chưa quá 
cứng. Trong quá trình nung nấu, chạc mới trở thành gốm và nhờ đó mới có được 
độ bền vững nhất định. A.Reinecke cho rằng, quan sát này trùng hợp với việc sử 
128 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 6 (132) . 2016
dụng những “chạc chĩa ba” ở làng Lojia vùng Manga thuộc Cộng hòa Niger (châu 
Phi). Tại đó, các chạc gốm cũng chỉ được hong khô trong gió mà không được nung 
trước khi được sắp xếp vào lò. Ông cũng cho rằng công dụng và sự khẳng định 
chạc gốm được nung với mấu nhọn hướng lên phía trên đã được xác định cả trên 
cơ sở quan sát di tích khảo cổ lẫn trong tài liệu dân tộc học, điều này còn được xác 
nhận chắc chắn bằng cách đo đạc từ tính của khảo cổ học (U.Proske và nnk 2009).
Từ các địa điểm khảo cổ học ở châu Âu và tài liệu dân tộc học ở Niger (châu 
Phi), người ta biết có vài trăm chạc gốm dựng theo hàng sát cạnh nhau bên trong 
lò có thành xung quanh bằng đất. Nếu tính theo diện tích và mật độ chạc gốm ở di 
tích GOC, các nhà nghiên cứu ước tính có lẽ ở đây đã từng tồn tại đến vài ngàn lò 
nấu muối bằng gốm. 
Liên quan đến giả thuyết về sự tồn tại của việc làm muối bằng phương pháp 
đun nóng nước biển với những dụng cụ bằng gốm, A.Reinecke cũng cho rằng hiện 
nay không có loài thực vật chịu mặn nào được biết đến ở khu vực xung quanh di 
tích GOC. Điều này nói lên rằng trong lịch sử vùng đất miền tây Long An, rất có 
thể mực nước biển chưa bao giờ xâm chiếm đến đây. Ông cũng dẫn theo “Aobo 
Tu” (熬波圖) trong “Minh họa hoạt động nấu nước biển”, một ghi chép chi tiết về 
hoạt động sản xuất muối biển tại Trung Quốc dưới thời nhà Nguyên với 47 tranh 
minh họa đã cho thấy rõ: Những chiếc thuyền chuyên dụng được đổ đầy gần 1.000 
lít nước mặn qua các đường ống bằng tre và được trâu kéo dọc theo bờ kênh tới 
lò nấu muối. Các chủ thuyền dỡ hàng bằng thùng và đòn gánh, nước mặn được 
đổ vào bể chứa và được dẫn tới từng bếp riêng qua các đường ống tre (Yoshida 
Tora - Vogel 1993: 137). Cũng tương tự như vậy, có thể những lò muối ở GOC tại 
Nam Bộ Việt Nam không nhất thiết phải nằm sát biển. Thực tế cho thấy bất cứ một 
địa điểm nào cũng có thể được cung cấp nước biển nếu có các điều kiện thuận tiện 
như đường vận chuyển (sông ngòi), hệ thống giao thương, việc dự trữ chất đốt và 
đất sét, địa thế cao ráo có thể tránh lụt và khuất mắt những kẻ phá hoại 
3. Vấn đề vẫn chưa sáng tỏ
Loại chạc gốm giống như ở di tích GOC cũng đã phát hiện ở khoảng chục 
địa điểm khác ở Long An nhưng số lượng rất ít và không mấy điển hình. Tuy nhiên 
ngay cả A.Reinecke cũng cho rằng, không phải tất cả các địa điểm có chạc gốm 
đều là nơi đã từng có nghề nấu nước biển làm muối. Ví dụ một số chạc gốm đã tìm 
thấy ở di tích Cổ Sơn Tự (một địa điểm khảo cổ khác ở tỉnh Long An) lại có hình 
dạng khác, có lẽ chúng hợp hơn với chức năng dùng làm giá kê gốm để phơi, sấy 
hay nung và tất nhiên chạc gốm GOC cũng có thể làm được chức năng này. Tuy 
nhiên, đến nay chúng ta không có minh chứng nào rõ ràng để cho rằng GOC đã 
từng là một trung tâm nghề gốm vì bên cạnh một số lượng rất lớn chạc gốm được 
phát hiện nhưng chẳng hề có phế phẩm gốm hay dấu tích lò nung.
129Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 6 (132) . 2016
Trở lại với nhận định của nhà khảo cổ A.Reinecke về chức năng của loại chạc 
gốm ở GOC, nhiều ý kiến cho rằng chưa đủ cơ sở để thuyết phục rằng, chúng là 
một loại công cụ tham gia vào quy trình làm muối của người xưa. Việt Nam có 
đường bờ biển dài, nhiệt độ trung bình cao, số giờ nắng trong năm nhiều, chỉ cần 
làm muối bằng phương pháp phơi nước biển trên ruộng muối như ngày nay là đã 
có thể sản xuất được lượng muối lớn. Với đặc điểm địa hình Việt Nam, muối có 
thể được làm ở vùng ven biển rồi đem đi trao đổi đến tận những nơi xa thông qua 
hệ thống giao thương bằng cả đường thủy lẫn đường bộ. Chắc chắn từ ngày xưa, 
với phương tiện đường thủy lưu thông trên hai con sông Vàm Cỏ Đông và Vàm 
Cỏ Tây, việc vận chuyển muối từ vùng biển vào sâu trong nội địa thuận lợi và hiệu 
quả hơn nhiều so với việc đưa nước biển vào nấu. 
Cũng cần nói thêm rằng, bên cạnh phương pháp làm muối phổ biến bằng cách 
phơi nước biển, ở một số địa phương đến nay vẫn còn tồn tại kỹ thuật nấu muối 
truyền thống bằng lò nung như ở Phú Yên, Bạc Liêu.... Tuy nhiên, việc nấu muối 
này không phải bắt đầu từ việc sử dụng nước biển làm nguyên liệu mà là từ muối 
hạt. Việc nấu lại muối hạt để làm ra muối bột là loại muối sạch, trắng mịn, được đem 
bán khắp nơi, trong đó có cả vùng đồng bằng Nam Bộ. Điều này khiến chúng tôi liên 
tưởng địa điểm GOC như là một trung tâm sản xuất sản phẩm gì đó liên quan đến 
việc nung đốt lửa, rất có thể là làm gốm mà cũng có thể là làm muối bột mà những 
chiếc chạc gốm đang được đề cập ở đây là một loại công cụ không thể thiếu được.
Điều cần nói thêm rằng, GOC là một khu nghĩa địa cổ có niên đại từ vài trăm 
năm sau Công nguyên trở đi với mật độ mộ táng dày đặc, phổ biến là loại hình 
mộ đất với xương cốt còn khá nguyên vẹn, có nhiều vật tùy táng là đồ gốm thuộc 
văn hóa Óc Eo cùng với nhiều đồ sắt, đồ đồng, đồ thủy tinh và thỉnh thoảng có 
chôn theo cả những chiếc chạc gốm. Về mối liên hệ, các nhà nghiên cứu cho rằng, 
những mộ táng này có niên đại muộn hơn nhiều so với thời đại của những chiếc 
chạc gốm. Có thể một nhóm cư dân cổ thuộc vương quốc Phù Nam ở khu vực 
Đồng Tháp Mười xưa đã chọn GOC làm nghĩa địa sau khi khu vực này đã kết thúc 
vai trò là một trung tâm sản xuất đặc biệt (với những giả định như đã nói trên đây). 
Điều này là khá rõ ràng vì phần nhiều những huyệt mộ đã đào cắt xé sâu xuống 
tầng đất chứa chạc gốm, thậm chí có những huyệt mộ cắt chồng lên nhau. Trên 
thực tế, dù ở thời đại nào, với một khu vực sản xuất đang còn hoạt động thì cư dân 
đương thời không bao giờ chọn đó để làm nghĩa địa.
Trở lại với loại chạc gốm GOC, chúng tôi lại liên hệ với loại hình chạc gốm (còn 
được gọi là gốm “chân giò”) khá phổ biến trong các nền văn hóa sơ kỳ kim khí ở Bắc 
Bộ (như văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun) hay loại hình chạc gốm (mà 
nay mới nhận diện được là những vật có thân hình trụ nhưng hình dạng chính xác thì 
chưa biết) trong các di tích thuộc văn hóa Bàu Tró ở khu vực Hà Tĩnh, Quảng Bình, 
câu hỏi về chức năng của chúng hầu như vẫn chưa đến hồi được giải đáp thỏa đáng. 
130 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 6 (132) . 2016
Chúng tôi chỉ có thể tin đó là loại vật 
dụng để kê bếp lò. Tuy nhiên dạng 
bếp lò ra sao và chức năng để làm gì 
thì chắc không giống nhau ở các thời 
đại, các khu vực.
Để tạm kết thúc câu chuyện vốn 
đang dở dang này, chúng tôi nghĩ có 
lẽ không phải bất kỳ di vật hay hiện 
tượng khảo cổ nào cũng được nhận 
thức ngay một cách đầy đủ, chính xác. 
Có những truyền thống kỹ thuật thời 
quá khứ vĩnh viễn bị thất truyền mà sự tích lũy tri thức của chúng ta thì lại có giới hạn, 
loại hình chạc gốm trong các nền văn hóa thời đại kim khí ở Việt Nam nói chung và chạc 
gốm GOC ở Long An nói riêng vẫn còn đó những điều bí ẩn dành cho các nhà khảo cổ. 
 L D S
CHÚ THÍCH
(1) Đồng Tháp Mười là một vùng đất ngập nước của đồng bằng sông Cửu Long có diện tích 
697.000 hecta, trải rộng trên ba tỉnh Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp trong đó Long An 
chiếm non phân nửa. Trên thực tế, vùng đất ngập nước này còn trải rộng sang cả lãnh thổ 
Căm pu chia, thuộc tỉnh Svay Rieng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH
1. Andreas Reinecke - Nguyễn Xuân Mạnh - Bùi Phát Diệm, “Bí mật Gò Ô Chùa”. Heritage - 
Tạp chí của Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam, số tháng 3,4, 2004.
2. Andreas Reinecke - Nguyễn Thị Thanh Luyến, 2008. “Salz so weiß wie Schnee”. Archäologie 
in Deutschland (3): 12-17.
3. Andreas Reinecke, 2010, “Early Evidence of Salt-Making in Vietnam: Archaeological Finds, 
Historical Records, and Traditional Methods”. Trong: Shuicheng Li - Lothar Falkenhausen, Salt 
Archaeology in China, vol. 2: Comparative Studies, Beijing, 137-159, color plate 1-7, plate 1-2.
4. Bùi Phát Diệm, 1997, “Những phát hiện khảo cổ học ở Long An”. Một số vấn đề khảo cổ học 
ở miền Nam Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr. 222-233.
5. Bùi Phát Diệm, 1998, “Mấy suy nghĩ về di chỉ Gò Ô Chùa từ cuộc khai quật năm 1997”. 
Những phát hiện mới về khảo cổ học năm (NPHM) 1997, Nxb KHXH, Hà Nội, tr. 261-264.
6. Nguyễn Đức Điệng - Chu Văn Vệ - Nguyễn Mạnh Thắng, 1998, “Gốm ba chạc trong di chỉ 
Gò Ô Chùa - Long An”, NPHM 1997, Nxb KHXH, Hà Nội, tr. 202-244.
7. Vương Thu Hồng - Nguyễn Đức Điệng, 1998, “Phát hiện đồ trang sức bằng đá quý và thủy tinh 
tại di chỉ Gò Ô Chùa (Vĩnh Hưng - Long An)”. NPHM 1997, Nxb KHXH, Hà Nội, tr. 259-261.
8. Vương Thu Hồng, 2011, “Từ phát hiện Gò Ô Chùa nghĩ về một tuyến phát triển lên văn hóa 
Óc Eo ở lưu vực sông Vàm Cỏ”. Một số vấn đề khảo cổ học ở miền Nam Việt Nam, tập 4, 
Hà Nội, tr. 245-276. 
9. Lê Trung Khá, 1996, “Đồng Tháp Mười - một vùng đất văn hóa lâu đời”. Địa chí Đồng Tháp 
Mười, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 39-48.
Ảnh 3: Phần đế chạc gốm (trái) và thân chạc gốm 
trong văn hóa Bàu Tró
131Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 6 (132) . 2016
10. Nguyễn Xuân Mạnh - Lê Xuân Diệm, 2003, Báo cáo khai quật di tích Gò Ô Chùa (Hưng Điền 
A, Vĩnh Hưng, Long An), Bảo tàng Long An.
11. Louis Malleret, 1963, L’Archéologie du delta du Mékong, Publications de l’École Française 
d’Extrême-Orient XLIII, Bd. 4. Paris.
12. Ulrike Proske - Heslop, David - Hanebuth, Till, 2009, “Salt production in Pre-Funan Vietnam: 
archaeomagnetic reorientation of briquetage fragments”. Journal of Archaeological Science 
36:1: 84-89.
13. Ngô Thế Phong, Bùi Phát Diệm, 1997, Báo cáo khai quật di chỉ Gò Ô Chùa (Hưng Điền A, 
Vĩnh Hưng, Long An), Bảo tàng Long An.
14. Ngô Thế Phong, 2000, “Về một loại hình bát mâm bồng trong di chỉ Gò Ô Chùa”, NPHM 
1999, Nxb KHXH, Hà Nội, tr. 781-783.
15. Thạch Phương, Lưu Quang Tiến (chủ biên), 1989, Địa chí Long An, Nxb Long An – Nxb 
KHXH, Hà Nội.
16. Hà Văn Tấn, 1984, “Văn hóa Óc Eo, những yếu tố nội sinh và ngoại sinh”. Trang: Văn hóa 
Óc Eo và các văn hóa cổ ở đồng bằng sông Cửu Long, Long Xuyên, tr. 222. 
17. Yoshida Tora - Vogel, Hans Ulrich, 1993, Salt production techniques in Ancient China: The 
Aobo Tu, Leiden - New York - Köln.
TÓM TẮT
Trong số các hiện vật khai quật được tại di tích Gò Ô Chùa (nay thuộc xã Hưng Điền A, 
huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An), có một loại hiện vật bằng đất nung mà căn cứ vào hình dáng 
của nó, giới khảo cổ học gọi là “chạc gốm” (ceramic pedestal), được phát hiện với số lượng rất 
lớn nhưng đến nay người ta vẫn chưa rõ dụng cụ này dùng để làm gì. Gần đây, nhà khảo cổ học 
người Đức Andreas Reinecke cho rằng, những chiếc chạc gốm này là chân đỡ trong bộ dụng cụ 
nấu nước biển để làm muối. Nhưng giả thuyết này vẫn chưa thuyết phục được giới khảo cổ học.
Tác giả bài viết này cho rằng, các loại chạc gốm ở Gò Ô Chùa có sự tương đồng về chức 
năng với các loại gốm “chân giò” (cũng được gọi là “chạc gốm”) phát hiện được tại các di tích 
thuộc thời đại sơ kỳ kim khí ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Rất có thể đó là các loại vật dụng để kê 
bếp lò. Tuy nhiên, dạng bếp lò ra sao và để làm gì thì cần phải tiếp tục nghiên cứu.
ABSTRACT
CERAMIC PEDESTALS AT GÒ Ô CHÙA RELIC (LONG AN PROVINCE) 
AND THEIR MYSTERIOUS FUNCTION
Among the artifacts unearthed at Gò Ô Chùa relic (now in Hưng Điền A commune, Vĩnh 
Hưng District, Long An Province) there is a kind of earthenware object called “chạc gốm” (ceramic 
pedestal) based on its shape, was discovered with a huge amount, but so far its use has not 
been known. Recently, Andreas Reinecke, a German archaeologist, has argued that this kind 
of ceramic pedestals was the supports of a set of seawater cookware to make salt; but this 
hypothesis has yet to be convinced.
The author supposes that the ceramic pedestals at Gò Ô Chùa relic would have the similar 
function to other types of trotter –shape ceramics (also called ceramic pedestals) discovered in 
the relics of the Early Iron Age in the North and Northern Central of Vietnam. It is likely that they 
are a tool for arranging the stove. Moreover, further study on the form of the stove and its use 
should be carried out.

File đính kèm:

  • pdfchac_gom_o_di_tich_go_o_chua_long_an_va_su_bi_an_ve_chuc_nan.pdf