Định chế phong vương ở Việt Nam thời quân chủ

Tóm tắt: Sau sự kiện Lê Thánh Tông xưng Quốc Hoàng, định chế phong vương (tước) cho hoàng

tộc được tuân theo nguyên tắc: hoàng tử được phong thân vương (lấy phủ làm hiệu); thế tử được

phong Tự thân vương (lấy huyện làm hiệu). Quyền thần, ngoại tộc không được ban phong tước vị

này. Tuy nhiên, định chế này đã không còn được duy trì khi cung đình xảy ra biến loạn, nhất là khi

hoàng đế (người giữ vị trí cao nhất trong bộ máy chính quyền quân chủ thời Lê Sơ) chỉ tồn tại trên

danh nghĩa. Mạc Đăng Dung trở thành quyền thần ngoại tộc đầu tiên và duy nhất dưới thời Lê Sơ

được phong vương (An Hưng Vương).

 

pdf 7 trang yennguyen 2220
Bạn đang xem tài liệu "Định chế phong vương ở Việt Nam thời quân chủ", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Định chế phong vương ở Việt Nam thời quân chủ

Định chế phong vương ở Việt Nam thời quân chủ
 51 
Định chế phong vương 
ở Việt Nam thời quân chủ 
Phạm Hoàng Mạnh Hà1 
1 Bảo tàng Lịch sử quốc gia. 
Email: phamhoangmanhha@gmail.com 
Nhận ngày 9 tháng 10 năm 2018. Chấp nhận đăng ngày 9 tháng 1 năm 2018. 
Tóm tắt: Sau sự kiện Lê Thánh Tông xưng Quốc Hoàng, định chế phong vương (tước) cho hoàng 
tộc được tuân theo nguyên tắc: hoàng tử được phong thân vương (lấy phủ làm hiệu); thế tử được 
phong Tự thân vương (lấy huyện làm hiệu). Quyền thần, ngoại tộc không được ban phong tước vị 
này. Tuy nhiên, định chế này đã không còn được duy trì khi cung đình xảy ra biến loạn, nhất là khi 
hoàng đế (người giữ vị trí cao nhất trong bộ máy chính quyền quân chủ thời Lê Sơ) chỉ tồn tại trên 
danh nghĩa. Mạc Đăng Dung trở thành quyền thần ngoại tộc đầu tiên và duy nhất dưới thời Lê Sơ 
được phong vương (An Hưng Vương). 
Từ khóa: Định chế phong vương, thời Lê Sơ, Mạc Đăng Dung. 
Phân loại ngành: Sử học 
Abstract: After King Le Thanh Tong proclaimed himself Quốc Hoàng (the nation’s king), the 
regulation on conferring the title of vương to members of the royal family was in line with the 
following principle: princes were called thân vương, with their full titles including the name of a phủ 
administrative unit, thế tử (sons of princes) were called tự thân vương, with their full titles including 
the name of a district. High-ranking mandarins who were not related to the royal families were not 
granted with such titles. However, the regulation was no longer maintained when the imperial court 
was in turmoil, especially when the emperors, who held the highest position in the monarchy of the 
Later Le early period, had only nominal power. Mac Dang Dung was the first and only high-ranking 
mandarin to be named vương during the Later Le early period (An Hung Vuong). 
Keywords: Regulation on conferring the title of vương, the Later Le early period, Mac Dang Dung. 
Subject classification: History 
Khoa học xã hội Việt Nam, số 2 - 2019 
52 
1. Mở đầu 
Ở Việt Nam thời phong kiến, người đứng 
đầu triều đình có nhiều hành động bày tỏ sự 
tri ân người có công như lập đền thờ tôn 
vinh họ, hoặc ban phong tước vị và bổng 
lộc cho con cháu họ. Căn cứ để phong tước 
là công lao và quan hệ thân tộc [12]. Vương 
là tước vị sớm được áp dụng trong tổ chức 
nhà nước quân chủ Việt Nam. Trong cuốn 
Từ điển chức quan Việt Nam, Đỗ Văn Ninh 
đã thống kê được 9 nghĩa của mục từ 
“vương”. Ngoài ý nghĩ về xưng hiệu của 
vua trị vì phương Nam, mục từ “vương” 
được giải thích: khi người cai trị cao nhất 
quốc gia xưng “đế” thì “vương” là một tước 
phong cho con, “tước phong cho người 
trong tôn thất có công lao lớn”, “là tước 
phong cho tản quan” (nghĩa 3, 4, 5); theo 
quy chế nhà Trần, phàm các tước vương 
vào làm tướng đều xưng là công, chỉ có 
thân vương thì được phục lại tước vương 
(nghĩa 6), tước hiệu “chỉ phong cho thân 
vương” theo quy chế nhà Lê (nghĩa 7) [11]. 
Khi truy tìm nguồn gốc các danh xưng 
“thiên tử”, “bá chủ”, “vương”, “danh hiệu 
hoàng đế” tại Việt Nam, Lê Kim Ngân 
khẳng định: “Các công thần ngoại thích, dù 
công lớn tới đâu cũng chỉ được phong tới 
chức (đúng ra là tước) Công mà thôi” [7]. 
Thời Lê Sơ, việc ban phong tước vị được áp 
dụng cho nhiều đối tượng, dưới nhiều hình 
thức. Mỗi trường hợp lại mang ý nghĩa 
không giống nhau. Bên cạnh sự đảm bảo 
vinh hoa phú quý còn là những tính toán 
của các vị hoàng đế đương thời. Thời Lê 
Sơ, tước vương vừa mang những đặc điểm 
chung của các triều đại quân chủ trước đó 
(Đinh, Lý, Trần, Hồ), vừa có những tính 
chất riêng. Bài viết góp phần tìm hiểu định 
chế phong vương ở Việt Nam thời phong 
kiến nói chung và thời Lê Sơ nói riêng. 
2. Định chế phong vương trước thời 
Lê Sơ 
Trong lịch sử, có nhiều hình thái tước vị 
gắn với chữ vương. Thứ nhất, “vương” là 
tước vị được hoàng đế Trung Hoa sắc 
phong cho người đứng đầu nước Đại Việt. 
Thời Lê Sơ ghi nhận hai sự kiện: năm 1431, 
nhà Minh phong Lê Thái Tổ quyền thự An 
Nam Quốc sử, và năm Kỷ Mùi, niên hiệu 
Cảnh Thống thứ hai (năm 1499), ngày 17 
tháng 12, nhà Minh sai Lương Trừ, Vương 
Chẩn mang sách sang phong vua nhà Lê 
làm An Nam Quốc Vương. Thứ hai, 
“vương” được dùng như “danh xưng”. Ví 
dụ: vua Lê Thái Tổ, sau khi lên ngôi, ở 
chiếu lệnh đại xá, xưng là Thuận Thiên 
Thừa Vận Duệ Văn Anh Vũ Đại vương 
(hiệu là Lam Sơn động chủ). Thời Lê Sơ, 
xưng hiệu “vương” còn xuất hiện vào tháng 
11 năm Kỷ Tỵ niên hiệu Đoan Khánh thứ 
năm (năm 1509), Giản Tu Công trá xưng là 
Cẩm Giang Vương; năm Bính Tý, niên hiệu 
Hồng Thuận thứ tám (năm 1516) gắn với sự 
kiện ngày mùng 6 tháng ba, Trần Cảo nhận 
là cháu chắt của vua Thái Tông nhà Trần, tự 
xưng là Đế Thích giáng sinh, tiếm xưng 
niên hiệu Thiên Ứng [4, tr.545]. 
 Vương còn được sử dụng như tôn hiệu 
chỉ người đứng đầu một vùng đất, quốc gia. 
Ví dụ, người đứng đầu nước Văn Lang 
được tôn xưng là Hùng Vương, nước Âu 
Lạc có An Dương Vương; ở các giai đoạn 
sau có Trưng Vương, Triệu Việt Vương, 
Ngô Vương, Dương Bình Vương Bước 
vào thời kỳ “loạn mười hai sứ quân”, Ngô 
Xương Xí xưng “vương” (tước vị mang 
Phạm Hoàng Mạnh Hà 
53 
tính tập tước), các sứ quân còn lại cao nhất 
chỉ xưng “công” theo tiêu chí lấy họ, hoặc 
họ - đệm làm hiệu. Đinh Bộ Lĩnh sau khi 
dẹp yên được các thế lực đã tự xưng là Vạn 
Thắng Vương (năm 967). 
Khi nhà nước quân chủ Việt Nam đủ 
mạnh, cộng với ý thức tự tôn dân tộc, thì 
người đứng đầu đã xưng đế. Vạn Thắng 
Vương là người đầu tiên xưng đế (Đinh 
Tiên Hoàng Đế) năm 968. Lúc này, 
“vương” được sử dụng như một tước phong 
cho hoàng tử (Nam Việt Vương Đinh Liễn, 
Vệ Vương Đinh Toàn). Kể từ Đinh Tiên 
Hoàng Đế trở về sau, người đứng đầu nhà 
nước quân chủ phía nam Trung Hoa liên tục 
xưng hoàng đế. Chẳng hạn, có Lê Đại Hành 
xưng đế năm 980 (Đại Hành Hoàng Đế), Lý 
Công Uẩn xưng đế năm 1010, Trần Cảnh 
xưng đế năm 1225, Hồ Quý Ly xưng là 
Quốc Tổ Chương Hoàng Đế năm 1400... 
Tuy nhiên, đây chỉ là xưng hiệu trong nội 
bộ quốc gia. Trong quan hệ ngoại giao với 
Mông Cổ, và đặc biệt là với Trung Hoa, 
người đứng đầu nước Đại Việt vẫn dùng 
tước phong An Nam Quốc Vương (của 
người đứng đầu Nhà nước Trung Hoa 
phong cho) để tránh xung đột [2, tr.135]. 
Đến thời Lê Sơ, việc xưng đế của người 
đứng đầu nước Đại Việt bị gián đoạn từ 
năm 1428 đến khoảng năm 1471. Bình 
Định Vương Lê Lợi sau khi đánh đuổi quân 
Minh đã lên ngôi năm 1428, đặt niên hiệu 
(Thuận Thiên), quốc hiệu (Đại Việt) nhưng 
chỉ xưng là đại vương. Lê Thái Tông, Lê 
Nhân Tông vẫn theo lệ này. Đế hiệu chỉ 
được dùng để truy tôn sau khi mất, như Lê 
Nguyên Long truy tôn Lê Thái Tổ là Cao 
Hoàng Đế, Lê Thánh Tông truy tôn Lê 
Nhân Tông là Khâm Văn Nhân Hiếu Tuyên 
Minh Hoàng Đế). Tuy nhiên, “đại vương” 
hay “đế” chỉ phân biệt ở góc độ xưng hiệu, 
không có sự khác biệt về vị trí, ý nghĩa 
(người đứng đầu nhà nước quân chủ). 
Việc người đứng đầu nhà Lê Sơ xưng đế 
có ý nghĩa rất quan trọng về mặt chính trị. 
Dưới niên hiệu Quang Thuận, triều đình đã 
nhiều lần kiến nghị Lê Thánh Tông xưng 
đế, nhưng ông không nghe theo. Phải đến 
cuối năm Hồng Đức thứ hai (tháng 12, năm 
1471), trong dịp làm lễ tế trời, Lê Thánh 
Tông mới xưng hoàng hiệu (tương đương 
với đế hiệu). Sự kiện này được sử cũ chép 
lại khá thống nhất. Tháng 12, ngày Giáp 
Ngọ, làm lễ tế mùa đông, vua (Lê Thánh 
Tông) xưng là “Hiếu tôn đức hoàng”. Theo 
Đại Việt sử ký toàn thư, “Danh hiệu Quốc 
hoàng có từ đây” [4, tr.453]. Tuy nhiên, kể 
từ thời điểm này trở về sau, trong công việc 
hàng ngày, Lê Thánh Tông vẫn xưng là 
hoàng đế (chữ trên quốc ấn “hoàng đế thụ 
mệnh chi bảo”) hoặc hoàng thượng (chữ 
trên chế cáo là “hoàng thượng chế cáo chi 
mệnh”) [4, tr.454]. 
Tuy nhiên, sự kiện Lê Thánh Tông xưng 
đế đã khởi nguồn ngay từ những năm cuối 
niên hiệu Quang Thuận. Từ năm 1467, Lê 
Thánh Tông đã có ý định và gián tiếp xưng 
hoàng đế, căn cứ vào chi tiết được ghi chép 
trong Đại Việt sử ký toàn thư. “Tháng 12 
(năm 1467), vua đưa ấn Thiên Nam Hoàng 
đế chi bảo cho các tế thần xem để cùng 
bàn” với ý định xưng là Thiên Nam Hoàng 
đế. Quần thần nhà Lê Sơ (quyền hộ bộ 
thượng thư Nguyễn Cư Đạo) cho rằng hai 
chữ “thiên nam” là “mới lạ”, thiếu “hàm 
súc”, thiếu “ý nghĩa” [4, tr.449]. Phải chăng 
vì thế mà ấn Thiên Nam Hoàng đế chi bảo 
không được sử dụng? 
Việc Lê Thánh Tông xưng quốc hoàng 
được xem là thao tác hoàn bị cho định chế 
phong tước vương dưới thời Lê Sơ. Vương 
chỉ còn mang ý nghĩa là tước vị ban phong 
cho người có quan hệ thân tộc. 
Khoa học xã hội Việt Nam, số 2 - 2019 
54 
3. Định chế phong vương thời Lê Sơ 
Thời kì đầu Lê Sơ, hoàng tử chỉ được 
phong tước quận công (lương quận công, 
khai quận công). Đây là đặc điểm của một 
vương triều mới được tạo dựng. Khi đó, do 
vai trò của các văn thần, võ tướng còn rất 
lớn, nên Lê Thái Tổ đề cao yếu tố công 
thần hơn hoàng tộc. Phải đến khi nhà triều 
Lê Sơ đi vào ổn định thì yếu tố hoàng tộc 
mới được chú trọng. Người đầu tiên được 
phong vương dưới thời Lê Sơ là hoàng tử 
trưởng của Lê Thái Tổ. Sự kiện này được 
ghi chép trong Đại Việt sử ký toàn thư như 
sau: “Niên hiệu Thuận Thiên thứ 2 (năm 
1429), ngày 7 tháng Giêng, Lê Thái Tổ sai 
Nhập nội kiểm hiệu bình chương sự Lê 
Vấn, Nhập nội đại tư mã Lê Ngân, Nhập 
nội thiếu phó Lê Văn Linh mang kim sách 
lập Hữu tướng quốc Khai quận công Tư Tề 
làm Quốc vương, giúp coi việc nước”; “sai 
Nhập nội tư khấu Lê Sát, Tư không Lưu/Lê 
Nhân Chú, Nhập nội tư mã Lê Lý, Nhập nội 
thiếu úy Lê Quốc Hưng mang kim sách lập 
Lương quận công Nguyên Long làm Hoàng 
thái tử” [4, tr.355]. 
Trong giai đoạn trị vì của Lê Nguyên 
Long, định chế phong vương cho người 
hoàng tộc từng bước được hoàn chỉnh. Sau 
khi “lập” rồi “phế” Nghi Dân, tháng 11 năm 
1441, Lê Thái Tông lập Bang Cơ làm 
hoàng thái tử. Cùng năm, người đứng đầu 
triều đình quân chủ đương thời phong Nghi 
Dân tước Lạng Sơn Vương, phong hoàng tử 
Khắc Xương làm Tân Bình Vương. Đây có 
thể được xem là sự kiện đặt nền móng cho 
định chế phong vương đối với người trong 
hoàng tộc dưới thời Lê Sơ. Kể từ thời Lê 
Thái Tông trở về sau, tất cả hoàng tử của 
nhà Lê Sơ đều được phong vương. Điều đó 
khác biệt căn bản so với thời Lê Thái Tổ, vì 
hoàng thân quốc thích được phong vương 
mà không phải trải qua tước công (thăng 
tước). Những người được phong vương như 
bảng sau. 
Hoàng đế triều Lê Sơ phong vương cho người hoàng tộc 
(từ Lê Thái Tổ đến Lê Nghi Dân) 
Năm Người được phong Tước vị cao nhất Quan hệ thân tộc Triều đại 
1429 Lê Tư Tề Quốc vương Con vua Lê Thái Tổ Lê Thái Tổ 
1429 Lê Nguyên Long Hoàng Thái tử Con vua Lê Thái Tổ Lê Thái Tổ 
1441 Lê Nghi Dân Lạng Sơn Vương Con vua Lê Thái Tông Lê Thái Tông 
1441 Lê Khắc Xương Tân Bình Vương Con vua Lê Thái Tông Lê Thái Tông 
1445 Lê Tư Thành Bình Nguyên Vương Em trai Lê Nhân Tông Lê Nhân Tông 
1459 Lê Tư Thành Gia vương Em trai Lê Nghi Dân Lê Nghi Dân 
1459 Lê Khắc Xương Cung vương Em trai Lê Nghi Dân Lê Nghi Dân 
Đến niên hiệu Quang Thuận, sau sự kiện 
Lê Thánh Tông xưng quốc hoàng, định chế 
phong vương cho hoàng thân, quốc thích 
được văn bản hóa. Ngày 26/6/1471, hoàng 
đế Lê Thánh Tông hiệu định Hoàng triều 
quan chế. Theo định chế đó, hoàng tử (thân 
vương) được phong vương thì lấy phủ làm 
hiệu (như phủ Kiến Hưng thì hiệu là Kiến 
Phạm Hoàng Mạnh Hà 
55 
Hưng Vương; thế tử (con của hoàng tử) khi 
phong vương lấy huyện làm hiệu (như 
huyện Hải Lăng thì hiệu là Hải Lăng 
Vương) [4, tr.469-470]. 
4. Trường hợp An Hưng Vương Mạc 
Đăng Dung 
Quan chế cho hoàng tộc cùng với những 
quy định, cải cách của Lê Thánh Tông trở 
thành chuẩn mực để các đời vua sau áp 
dụng. Ngày 12 tháng 8 năm 1499, Lê Hiến 
Tông ra sắc chỉ: “Lương dân nào dâng thóc 
nhận quan chức thì cho Phạm Thái vâng 
mệnh khám xét, nếu đúng là người lương 
thiện thì cứ theo như lệ trước mà bổ” [4, 
tr.507]. Ngày 4 tháng 3 năm 1508, niên 
hiệu Đoan Khánh thứ tư, vua Lê Uy Mục 
ban chiếu: “Các đô lại, đề lại và các lại thay 
phiên nhau ở nha môn trong ngoài nếu có 
khuyết thì Lại bộ chiếu theo lệ đời Hồng 
Đức” [4, tr.525]. 
Có thể khẳng định, định chế phong 
vương nói riêng, tước vị nói chung năm 
1471 được duy trì cho đến hết thời Lê Sơ 
hay chí ít là đến hết niên hiệu Đoan Khánh 
đời vua Lê Uy Mục. 
Tuy nhiên, kể từ sau năm 1516, mà cụ 
thể là dưới hai triều đại Lê Chiêu Tông và 
Lê Cung Hoàng, những quy chuẩn này từng 
bước bị phá vỡ. Điều đó biểu hiện qua sự 
kiện sau. Mùa hạ, tháng 4, vua sai Tùng 
Dương hầu Vũ Hữu, Lan Xuyên bá Phan 
Đình Tá, Trung sứ Đỗ Hiếu Đễ cầm cờ tiết, 
mang kim sách, mũ áo, ô lọng, đai ngọc, 
kiệu tía, quạt hoa, tán tía, đến làng Cổ Trai, 
huyện Nghi Dương, tiến phong Mạc Đăng 
Dung làm An Hưng Vương, gia thêm Cửu 
tích, Đăng Dung đón tiếp ở bến đò An 
Tháp, huyện Tân Minh [4, tr.566]. Theo 
Đại Việt thông sử, tước An Hưng Vương do 
Mạc Đăng Dung “tự thăng”. 
Đối chiếu thông tin từ hai nguồn sử liệu, 
có thể khẳng định, thể lệ phong vương 
trong những năm cuối thời Lê Sơ đã không 
còn tuân theo quy chuẩn của niên hiệu 
Hồng Đức; vì một quyền thần ngoại tộc 
được phong tước vị cao nhất (vương). Đây 
là một ngoại lệ. Để hiểu đúng bản chất sự 
việc, cần làm rõ vai trò và ảnh hưởng của 
Mạc Đăng Dung với triều đình quân chủ 
trung ương đương thời. 
Mạc Đăng Dung quê ở làng Cổ Trai, 
huyện Nghi Dương. Cụ tổ 7 đời là Mạc 
Đĩnh Chi, đậu Trạng nguyên khoa giáp thìn 
(1304) thời vua Anh Tông nhà Trần. Mạc 
Đăng Dung sinh giờ ngọ, ngày 23 (nhâm 
tý) tháng 11, năm quý mão, niên hiệu Hồng 
Đức thứ 14 (1483), ít tuổi đã dũng mãnh, 
nhà nghèo, làm nghề đánh cá. Thời vua Uy 
Mục, trước nhu cầu tuyển chọn dũng sĩ của 
triều đình, Mạc Đăng Dung dự thi nghề 
“giao chật” (đánh vật) và được phong là đô 
lực sĩ xuất thân rồi được sung vào quân Túc 
vệ, giữ việc cầm dù theo xe vua [4, tr.525]. 
Mạc Đăng Dung tham dự chính quyền 
nhà Lê trong tư thế một võ quan, và con 
đường thăng tiến của ông là khá nhanh (chỉ 
khảo cứu ở góc độ tước vị). Năm Hồng 
Thuận thứ 3 (tức năm 1511), ông được 
phong tước bá (Vũ Xuyên bá) khi 29 tuổi. 
Năm Quang Thiệu thứ 3 (1518), Mạc Đăng 
Dung được thăng hầu (Vũ Xuyên hầu) và 
được cử trấn thủ Hải Dương. Năm 1519, do 
ông có công lao đánh dẹp và bắt sống Lê 
Tiếu ở Từ Liêm, dụ hàng Nguyễn Kính và 
Hoàng Duy Nhạc, nên vua Lê sau khi về lại 
kinh đô đã thăng tước cho Mạc Đăng Dung 
từ tước “hầu” lên tước “quận công” (Minh 
Quận công) [4, tr.556]. Năm 1521, nhà Lê 
Khoa học xã hội Việt Nam, số 2 - 2019 
56 
gia phong cho Mạc Đăng Dung từ tước 
“quận công” (Minh Quận công) lên tước 
“quốc công” (Nhân quốc công) [4, tr.558]. 
Những đóng góp lớn lao của Mạc Đăng 
Dung trong việc dẹp loạn, phò tá hoàng đế 
đã giúp ông trở thành người có tước vị cao 
nhất trong tư thế một quần thần ngoại tộc. 
Tước “Nhân quốc công” của Mạc Đăng 
Dung được chép thống nhất trong cả hai bộ 
chính sử Đại Việt thông sử và Đại Việt sử 
ký toàn thư. Tuy nhiên, theo Lê Quý Đôn, 
tước hiệu “Nhân quốc công” do Mạc Đăng 
Dung “tự phong”. Và điều đáng lưu ý là, 
tước “quốc công” này vẫn nằm trong những 
thể chế nghiêm ngặt về tước phong mà Lê 
Thánh Tông đặt ra từ thời Hồng Đức (người 
ngoại tộc không được phong tước vương). 
Việc quyền thần ngoại tộc duy nhất của 
nhà Lê Sơ sở hữu tước vương gắn với 
những biến cố chính trị lớn lao của triều 
đình, thông qua hai sự kiện: vua Lê Chiêu 
Tông xuất giá và Mạc Đăng Dung dựng Lê 
Cung Hoàng lên ngôi Hoàng đế. 
Lúc này, quyền lực của Mạc Đăng Dung 
rất lớn, át cả người đứng đầu triều đình 
quân chủ. Hoảng sợ trước thế lực của Mạc 
Đăng Dung, Lê Chiêu Tông ngầm bàn với 
Nguyễn Hiến và Phạm Thứ kế hoạch bỏ 
kinh đô, triệu tập quan lại bốn phương để 
loại bỏ thế lực nhà Mạc. Sử cũ chép: “Năm 
1522, (Phạm) Hiến, (Phạm) Thứ vào hầu 
yến, rồi đón vua ra ngoài, Hoàng Thái hậu 
và em vua là Xuân không được biết. Vua ra 
đến xã Mộng Sơn, huyện Minh Nghĩa, Sơn 
Tây” [4, tr.560]. 
Để tránh tiếng phản loạn, Mạc Đăng 
Dung đã đưa Lê Xuân lên ngôi báu, có 
nghĩa với vương triều Lê Sơ, lúc này ông 
vẫn giữ tư thế một quần thần. Vương triều 
nhà Lê lúc này có hai vị hoàng đế (được 
gọi theo niên hiệu), là Thống Nguyên 
Đế (Lê Cung Hoàng) và Quang Thiệu Đế 
(Lê Chiêu Tông). 
Cuộc đối đầu giữa hai thế lực: Lê Chiêu 
Tông và Lê Cung Hoàng (do Mạc Đăng 
Dung điều khiển) kéo dài trong hơn 3 năm, 
từ tháng 7 năm 1522 đến tháng 10 năm 
1525 (thời điểm Lê Chiêu Tông bị bắt). 
Thời gian đầu, ưu thế nghiêng về Quang 
Thiệu Đế (có thời điểm Mạc Đăng Dung 
phải rút sang vùng đất Hải Dương). Tuy 
nhiên, đến năm 1522, khi Vĩnh Hưng 
bá Trịnh Tuy đưa Lê Chiêu Tông vào 
Thanh Hóa thì nội bộ Quang Thiệu Đế bất 
hòa. Thế lực vua Lê Chiêu Tông suy yếu 
trầm trọng khi hai tướng Nguyễn Kính, 
Nguyễn Áng về hàng Mạc Đăng Dung. 
Năm 1526, Lê Chiêu Tông bị thủ tiêu, vị 
hoàng đế thứ 11 nhà Lê Sơ, là Lê Cung 
Hoàng, hoàn toàn bất lực trước sự lộng 
hành của Mạc Đăng Dung. Tháng tư năm 
1526, Thống Nguyên Đế đi nước cờ cuối 
cùng trên bàn cờ chính trị, là phong vương 
cho Mạc Đăng Dung (An Hưng Vương). 
Mạc Đăng Dung trở thành quyền thần 
ngoại tộc đầu tiên và duy nhất dưới thời Lê 
Sơ sở hữu tước vương (tước vị mà dưới thời 
Hồng Đức chỉ được dùng để ban phong cho 
người hoàng tộc). Lúc này định chế phong 
vương mà hoàng đế Lê Thánh Tông đặt ra 
chính thức bị phá vỡ. 
5. Kết luận 
Việc phong tước vương thời Lê Sơ đã có 
những đặc điểm riêng biệt, phản ánh rõ rệt 
sự phát triển của vương triều qua 2 giai 
đoạn: khởi nghiệp (quy chế chưa thật sự rõ 
ràng, quy chuẩn) và từng bước đi vào ổn 
định, phát triển (có quy định nghiêm ngặt). 
Song, từ Lê Thái Tổ đến Lê Thánh Tông, 
Phạm Hoàng Mạnh Hà 
57 
các hoàng đế nhà Lê Sơ vẫn áp dụng và 
tuân thủ triệt để nguyên tắc không phong 
vương cho quyền thần và người ngoại tộc. 
Tuy nhiên, định chế này đã không còn được 
duy trì khi cung đình xảy ra biến loạn, mà 
quan trọng hơn là, khi hoàng đế (người giữ 
vị trí cao nhất trong bộ máy chính quyền 
quân chủ thời Lê Sơ) chỉ tồn tại trên danh 
nghĩa. Mạc Đăng Dung trở thành quyền 
thần ngoại tộc đầu tiên và duy nhất dưới 
thời Lê Sơ được phong vương. Tước vương 
của Mạc Đăng Dung có nhiều điểm tương 
đồng với tước vương của Hồ Quý Ly (một 
quyền thần ngoại tộc dưới thời Trần). Cũng 
như vương triều Lê Sơ, nhà Trần áp dụng 
những quy định chặt chẽ về việc phong 
tước, mà nguyên lý chủ đạo, xuyên suốt 
những năm đầu triều Trần là không phong 
vương cho người ngoại tộc. Tuy nhiên, 
bước sang giai đoạn “mạt Trần”, sự bất lực, 
nhu nhược của hoàng đế và tông thất, quý 
tộc nhà Trần đã mở ra cơ hội để Hồ Quý Ly 
khống chế vũ đài chính trị. Thời điểm 
“quyền lực quân vương” hoàn toàn bị 
“quyền lực bề tôi” lấn át là khi vua Trần 
buộc phải gia phong Hồ Quý Ly là Trung 
Tuyên Vệ Quốc Đại Vương. Căn cứ vào 
diễn biến chính trường nhà Lê Sơ từ khi tạo 
dựng đến lúc suy tàn, không khó để nhận 
thấy rằng, yếu tố “thời bình” là điều kiện 
cốt tử để một vương triều xây dựng thể lệ 
phong tước (trong đó có tước vương), song 
định chế ấy rất dễ bị lung lay và sụp đổ 
dưới “thời loạn”. Điều này tiếp tục được 
khẳng định dưới thời Lê Trung Hưng, gắn 
với sự kiện Lê Thế Tông gia phong Trịnh 
Tùng là Bình An Vương, chấp nhận cho 
Chúa Trịnh mở phủ và con cháu được kế 
tục tước vị. 
Tài liệu tham khảo 
[1] Đặng Xuân Bảng (1997), Sử học bị khảo, Nxb 
Văn hóa - Thông tin, Hà Nội. 
[2] Phan Huy Chú (1961), Lịch triều hiến chương 
loại chí, Nxb Sử học, Hà Nội. 
[3] Lê Quý Đôn (2007), Đại Việt thông sử, Nxb 
Văn hóa - Thông tin, Hà Nội. 
[4] Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên 
(1993), Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Khoa học 
xã hội, Hà Nội. 
[5] Tạ Ngọc Liễn (1995), Quan hệ giữa Việt Nam 
và Trung Quốc thế kỷ XV - đầu thế kỷ XVI, 
Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 
[6] Lê Kim Ngân (1963), Tổ chức chính quyền 
trung ương dưới triều Lê Thánh Tông (1460-
1497), Bộ Quốc gia Giáo dục, Sài Gòn. 
[7] Lê Kim Ngân (1974), Chế độ chính trị Việt 
Nam thế kỷ XVII và XVIII, Phân viện Khoa học 
xã hội, Viện đại học Vạn Hạnh, Sài Gòn. 
[8] Lê Trọng Ngoạn, Ngô Văn Ban, Nguyễn Công 
Lý (1997), Lược khảo và tra cứu về học chế, 
quan chế ở Việt Nam từ năm 1945 trở về 
trước, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội. 
[9] Đặng Kim Ngọc (2011), Chế độ đào tạo và 
tuyển dụng quan chức thời Lê Sơ (1428-1527), 
Trung tâm hoạt động Văn hoá, khoa học Văn 
Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội. 
[10] Nguyễn Diên Niên (2003), Suy ngẫm về 20 
năm - một chớp mắt của lịch sử đầu thế kỷ XV 
(1407-1427), Nxb Tri thức, Hà Nội. 
[11] Đỗ Văn Ninh (2002), Từ điển chức quan Việt 
Nam, Nxb Thanh niên, Hà Nội. 
[12] Nguyễn Minh Tường (2015), Tổ chức bộ máy 
nhà nước quân chủ Việt Nam (từ năm 939 đến 
năm 1884), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 
[13] Emmanuel Poisson (2004), Mandarins et 
Subalternes au Nord du Viet Nam: Une 
Bureaucratie à l'Épreuve (1820-1918), 
Maisonneuve et Larose, Paris. 

File đính kèm:

  • pdfdinh_che_phong_vuong_o_viet_nam_thoi_quan_chu.pdf