Góp thêm vài suy nghĩ về vị trí, lịch sử một số địa danh ở Nam Bộ xưa và nay
TÓM TẮT: Lịch sử vùng đất Nam Bộ từ lâu đã nhận được sự quan tâm của nhiều nhà
khoa học trong và ngoài nước. Sự tồn tại của vương quốc cổ Phù Nam gắn liền với nền
văn hóa Óc Eo, quá trình khai khẩn đất hoang, mở mang bờ cõi, khẳng định chủ quyền về
phía Nam, các chính sách phát triển kinh tế của các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn,
của lưu dân Việt, là những vấn đề được nghiên cứu khá nhiều. Bài viết này góp thêm
cách nhìn về vấn đề tồn tại và biến mất của vương quốc cổ Phù Nam, sự tồn tại của cư dân
Phù Nam cổ sau khi vương quốc cổ Phù Nam biến mất. Ngoài ra, bài viết cũng góp phần
giải thích về một số tên gọi của các địa danh gắn liền với lịch sử Nam Bộ xưa và nay, như
Cần Giờ, Đồng Nai, Sài Gòn, Bến Nghé
Bạn đang xem tài liệu "Góp thêm vài suy nghĩ về vị trí, lịch sử một số địa danh ở Nam Bộ xưa và nay", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên
Tóm tắt nội dung tài liệu: Góp thêm vài suy nghĩ về vị trí, lịch sử một số địa danh ở Nam Bộ xưa và nay
TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC VĂN LANG Nguyễn Đức Quân và tgk 98 GÓP THÊM VÀI SUY NGHĨ VỀ VỊ TRÍ, LỊCH SỬ MỘT SỐ ĐỊA DANH Ở NAM BỘ XƯA VÀ NAY GÓP THÊM VÀI SUY NGHĨ VỀ VỊ TRÍ, LỊCH SỬ MỘT SỐ ĐỊA DANH Ở NAM BỘ XƯA VÀ NAY NGUYỄN ĐỨC QUÂN và TRẦN VĨNH THANH ThS. Trường Đại học Văn Lang, Email:nguyenducquan@vanlanguni.edu.vn CV. Nguyên tổ trưởng tổ Lịch sử Trường Trung học phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai, Thành phố Hồ Chí Minh TÓM TẮT: Lịch sử vùng đất Nam Bộ từ lâu đã nhận được sự quan tâm của nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước. Sự tồn tại của vương quốc cổ Phù Nam gắn liền với nền văn hóa Óc Eo, quá trình khai khẩn đất hoang, mở mang bờ cõi, khẳng định chủ quyền về phía Nam, các chính sách phát triển kinh tế của các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn, của lưu dân Việt,là những vấn đề được nghiên cứu khá nhiều. Bài viết này góp thêm cách nhìn về vấn đề tồn tại và biến mất của vương quốc cổ Phù Nam, sự tồn tại của cư dân Phù Nam cổ sau khi vương quốc cổ Phù Nam biến mất. Ngoài ra, bài viết cũng góp phần giải thích về một số tên gọi của các địa danh gắn liền với lịch sử Nam Bộ xưa và nay, như Cần Giờ, Đồng Nai, Sài Gòn, Bến Nghé,... Từ khóa: Nam Bộ, Phù Nam, Cần Giờ, Đồng Nai, Sài Gòn, Bến Nghé. ABSTRACTS: Lịch sử vùng đất Nam Bộ từ lâu đã nhận được sự quan tâm của nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước. Sự tồn tại của vương quốc cổ Phù Nam gắn liền với nền văn hóa Óc Eo, quá trình khai khẩn đất hoang, mở mang bờ cõi, khẳng định chủ quyền về phía Nam, các chính sách phát triển kinh tế của các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn, của lưu dân Việt,là những vấn đề được nghiên cứu khá nhiều. Bài viết này góp thêm cách nhìn về vấn đề tồn tại và biến mất của vương quốc cổ Phù Nam, sự tồn tại của cư dân Phù Nam cổ sau khi vương quốc cổ Phù Nam biến mất. Ngoài ra, bài viết cũng góp phần giải thích về một số tên gọi của các địa danh gắn liền với lịch sử Nam Bộ xưa và nay, như Cần Giờ, Đồng Nai, Sài Gòn, Bến Nghé,... Key words: Nam Bộ, Phù Nam, Cần Giờ, Đồng Nai, Sài Gòn, Bến Nghé. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ “Lịch sử Việt Nam cần được quan niệm là lịch sử của tất cả các cộng đồng cư dân đã từng tồn tại trên lãnh thổ Việt Nam hiện nay dù có bộ phận cư dân trong thời gian nào đó thuộc một quốc gia khác. Với quan niệm như vậy, ngoài dòng lịch sử từ Văn Lang - Âu Lạc dẫn đến Việt Nam, còn phải tính đến dòng lịch sử Champa dẫn đến Việt Nam và dòng lịch sử Phù Nam dẫn đến Việt Nam TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC VĂN LANG Số 08/2018 99 Hơn nữa văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Óc Eo và những dòng văn hóa kế tục là những bộ phận tạo thành của di sản văn hóa Việt Nam” [17, tr.459-460]. Do đó, Nam Bộ có vị trí vô cùng quan trọng trong tiến trình lịch sử Việt Nam. Lịch sử vùng đất này trở thành đối tượng nghiên cứu của nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước. Là những người con của vùng đất Nam Bộ mến yêu, chúng tôi mong muốn góp phần "giải mã" một số địa danh gắn liền với lịch sử của vùng đất Nam Bộ. Các vấn đề được đề cập gắn liền với lịch sử vương quốc cổ Phù Nam - một phần không thể thiếu của lịch sử Nam Bộ, cùng một số địa danh vẫn còn được sử dụng ở Nam Bộ nước ta ngày nay. 2. NỘI DUNG Từ thế kỉ I đến thế kỉ VI, Nam Bộ là một phần lãnh thổ chủ yếu của vương quốc cổ Phù Nam (một quốc gia Ấn Độ hóa, ra đời sớm ở Đông Nam Á). "Một bộ lạc của nhóm Môn cổ - Nam Á đã rời nam Trường Sơn" (phải chăng đây là nhóm người Mạ, chủ nhân của Thánh địa Nam Cát Tiên?), "tiến xuống gần biển, gặp người Biển - Nam Đảo, cùng nhau cộng cư, xây dựng quốc gia mới, có tên là Pnong (Bnơm), tên phiên âm theo chữ Hán là Phù Nam". Như vậy, Phù Nam chỉ là tên phiên âm, không có nghĩa là "Đất nổi" [14, tr.39]. Nhiều sử liệu cho biết, nước Phù Nam đã cai quản cả một vùng rất rộng lớn, nếu chỉ giới hạn trong vùng lãnh thổ nước Việt Nam, thì gồm cả Nam Bộ hiện nay. Nhưng vua Phù Nam cai trị như thế nào với một vùng lãnh thổ rộng lớn như thế? Với năng lực quản lý vào thời điểm đó, chắc chắn rằng vua Phù Nam phải cai trị thông qua một số tiểu quốc, với hình thức cống nạp."Kinh đô của Phù Nam là Angkor Borei Toàn bộ vùng núi, làng mạc và kinh thành này nằm trên một vùng đất thuộc huyện Kirivông (tỉnh Tà Keo, nay đổi là tỉnh Kirivong của Campuchia) Quốc gia Phù Nam không thể không gắn với hệ thống rạch biển, với trục kênh chính đông - tây trên miền tây sông Hậu, đầu tây là Angkor Borei và đầu đông là cảng thị Óc Eo" [14, tr.43]. Đoạn bia ký tại Gò Tháp chứng minh rằng, mãi đến cuối thế kỷ thứ V, Phù Nam mới quản lý được vùng Gò Tháp. "Nội dung của bia ký K5 (tại Gò Tháp) cho chúng ta biết vị Thái tử Phù Nam Gunavarman (con vua Jayavarman) với chiến công trị thủy của mình, Ngài xứng đáng được xem như là một vị "Tiền hiền" đầu tiên của Gò Tháp đưa kinh tế của vùng đất "chinh phục từ đầm lầy" phát triển Đó chính là những cơ sở vật chất, những tiền đề để xây dựng Gò Tháp thành một trong những trung tâm tôn giáo tín ngưỡng lớn của vương quốc Phù Nam lúc bấy giờ. Vua Jayavarman làm vua Phù Nam trong khoảng thời gian từ năm 470-513. Phân tích C14 cho niên đại sớm nhất của khu di tích Gò Tháp vào khoảng thế kỷ thứ II trước Công nguyên, như vậy Gò Tháp đã được người Phù Nam khai hoang từ rất sớm nhưng mãi đến triều vua Jayavarman thì chính sách quản lý hành chánh của vương quốc vẫn chưa được thiết lập một cách chặt chẽ ở nơi đây. Vì vậy, vua Jayavarman mới cử con trai của mình đến cai quản Gò Tháp" [8, tr.92-93]. TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC VĂN LANG Nguyễn Đức Quân và tgk 100 Trong thời đế quốc La Mã phát triển, một nền kinh tế biển cũng đã phát triển từ Tây sang Đông. Có thể nước Phù Nam cường thịnh cũng song hành với thời đế quốc La Mã đi tìm hương liệu của phương Đông bằng con đường ven biển, nên nhà địa dư học người Ai Cập gốc La Mã Claudius Ptolémée đã viết trong bộ Geographica, vào khoảng cuối thế kỷ II, những giao lưu giữa La Mã và vùng Đông Nam Á, với những địa danh mà tới nay đã có nhiều nhà nghiên cứu cố gắng giải mã nhưng cũng chưa có thể khẳng định được cụ thể đó là vùng nào hiện nay. Trong số những thương điếm, vùng đất mà Claudius Ptolémée đã viết, có Thinai. Địa danh Thinai được "Louis Malleret xác định ở vùng ven biển Nam Bộ ngày nay, hoặc ở gần Sài Gòn hoặc ở gần Bà Rịa." [10, tr.16-17]. Ngày nay, những công trình khảo cổ của các nhà khảo cổ trong và ngoài nước đã cho phép chúng ta suy đoán rằng, địa danh Thinai chính là cảng Cần Giờ. Theo đó, "Dân cư ở vùng quanh Cần Giờ là cư dân khai thác tài nguyên tự nhiên vùng sinh thái rừng sác chế tạo đồ gốm để trao đổi với bên trong và bên ngoài, buôn bán bằng thuyền với trong nội địa và ngoài tây Ấn Độ Dương - nam Thái Bình Dương. Họ lệ thuộc - giao lưu với vùng trên/trong nội địa bởi lúa gạo và nước ngọt (thuyền lên đến Cai Vạn mới có nước ngọt), họ có thể bán ngược sông tôm cá - hải sản nói chung và đồ gốm Cần Giờ - ở miền Đông - cũng như Óc Eo - ở miền Tây (Kiên Giang) là những cảng thị quốc tế ở trước sau Công nguyên cùng với Hội An - Chiêm cảng Chămpapura cổ - ở miền Nam Trung Bộ." [3, tr.223-234]. Như vậy, vương quốc Phù Nam ngoài việc có ít nhất hai cảng thị quan trọng là Óc Eo và Cần Giờ (phát triển nhờ nền kinh tế hướng biển), còn có ít nhất bốn trung tâm hành chánh - quyền lực (được biểu hiện qua các trung tâm tôn giáo): Khu vực Sài Gòn - Gia Định, có thể là "khu rừng" từ khoảng cầu Ông Buông qua Gò Cây Mai - Chùa Gò - Trường đua Phú Thọ đến đường Cách mạng tháng Tám và có thể xa hơn nữa; Khu vực Bình Tả (ấp Bình Tả, xã Ðức Hòa Hạ, huyện Ðức Hòa, tỉnh Long An); Khu vực Gò Tháp (xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp); Khu vực Thánh địa Nam Cát Tiên (tả ngạn sông Đồng Nai từ xã Quảng Ngãi đến xã Đức Phổ và Gia Viễn, huyện Cát Tiên - tỉnh Lâm Đồng). Chính vì có nhiều trung tâm hành chánh - tôn giáo, nên khi nước Phù Nam suy vong và bị nước Chân Lạp thôn tính, rất nhiều vấn đề nan giải, cần phải giải thích là: nước Phù Nam mất hẳn hay vẫn tồn tại với nhiều tiểu quốc? Và những tiểu quốc này độc lập hay phải cống nạp nước Chân Lạp, nhất là dưới thời nước Chân Lạp phát triển mạnh và “ham chiến trận nhất Đông Nam Á” [20, tr.51]. Đến thế kỷ VII, vương quốc Chân Lạp (ở vùng Nam Lào) tiêu diệt vương quốc Phù Nam và tranh chấp vùng Nam Bộ (ngày nay) với vương quốc Champa. Tác giả Lương Ninh cho rằng: "Vua (Phù Nam) cai trị ở thành Đặc Mục (Angkor Borei), bỗng chốc (bị Bhavavarman), vua nước Chân Lạp xâm chiếm (khoảng năm 611), TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC VĂN LANG Số 08/2018 101 phải di chuyển sâu về phía nam, đến thành Na Phất Na, tức Naravaranagara (đoán là địa bàn quanh núi Ba Thê - Óc Eo), tiếp tục trị vì khoảng 40 năm nữa, nơi kênh rạch chằng chịt, ngập nước, khó đi, khó đến, được gọi tên mới là Naravaranagara - Nước Chí Tôn. Vua Chân Lạp chiếm được kinh đô Phù Nam nhưng không lập kinh đô của mình trên địa điểm này mà chỉ xây đền, dựng bia rồi thì rút về gần đất gốc của mình, trên bờ đông bắc Biển Hồ, gần trung lưu sông Mê Kông, nay là tỉnh Kompong Thom, ở địa điểm Sambor Prei Kuk lập kinh đô và xây đền thờ." [14, tr.154-155]. Nhưng, có phải vua Phù Nam chuyển kinh đô đến vùng quanh núi Ba Thê - Óc Eo hay đến một nơi nào khác, xa hơn và có địa hình hiểm trở hơn? Lòng đất đã hé lộ một chút lịch sử: "Tại di chỉ Bình Tả (tỉnh Long An), đã khai quật được một quần thể kiến trúc và một khu mộ táng Óc Eo quan trọng. Một hiện vật phát hiện trong tầng văn hóa có mang tên Bhavavarman, hoàng thân Phù Nam, viết bằng chữ Phạn cổ: đây là một cứ liệu chính xác cho phép gắn liền văn hóa khảo cổ Óc Eo với vương quốc Phù Nam trong lịch sử" [6]. Theo tác giả Lý Tùng Hiếu, "vào khoảng năm 650, vương quốc Chân Lạp tiêu diệt Phù Nam. Nền văn hóa Óc Eo vẫn còn tiếp diễn ở một số nơi trên đồng bằng sông Cửu Long nhưng đến cuối thế kỷ VIII thì tàn lụi hẵn, trùng hợp với các cuộc tấn công tàn phá của người Java” [13, tr.16]. Câu hỏi được đặt ra là, nền văn hóa Óc Eo có thể bị lụi tàn, nhưng người dân nước Phù Nam có biến mất hay không? Qua các sử liệu của Trung Quốc, chúng ta thấy nước Phù Nam bị Chân Lạp xâm chiếm vào khoảng năm 611, nhưng nước Phù Nam vẫn tiếp tục tồn tại một thời gian sau đó. Sử liệu của Trung Quốc ghi nhận sự tồn tại của vương quốc Phù Nam lần cuối vào năm 650. Theo suy luận chủ quan của chúng tôi, vua Phù Nam chạy về "nơi kênh rạch chằng chịt, ngập nước, khó đi, khó đến" chính là khu rừng ở vùng Sài Gòn - Gia Định mà dân Phù Nam gọi là Prei Nokor, với tên nước, theo sử Trung Hoa ghi là Thù Nại (Chu Nại, theo Lương Văn Lựu) [1]. Vùng Prei Nokor kết hợp với vùng Bình Tả (ấp Bình Tả, xã Ðức Hòa Hạ, huyện Ðức Hòa, tỉnh Long An) và Gò Tháp (xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) tạo nên thế chân vạc giúp cho nước Thù Nại tồn tại đến thế kỷ XVII, mặc dù ngày càng suy yếu hơn. Trong vùng Sài Gòn - Chợ Lớn, có nhiều dấu tích khảo cổ học liên quan đến sự tồn tại ở vùng đất này một thành phổ cổ, một trung tâm quan trọng trong thời kỳ văn hóa Óc Eo - hậu Óc Eo. * Tại Trường đua Phú Thọ qua những hình ảnh chụp từ máy bay xuống cho thấy dấu vết của một khu cư trú cổ rộng lớn, gồm những đường thẳng đan chéo hình bàn cờ như những con đường của một thành phố. Đó là nhận định ban đầu của L. Malleret về khu di tích lớn này. * Di chỉ Chùa Gò (Phụng Sơn Tự - Quận 11 – Thành phố Hồ Chí Minh) có niên đại từ thế kỷ thứ V về sau. * Nhiều dấu tích, di vật của một kiến trúc khá lớn cũng được ghi nhận ở Gò Cây Mai (Quận 11 - Thành phố Hồ Chí Minh). TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC VĂN LANG Nguyễn Đức Quân và tgk 102 Trên một gò đất lúc trước có lẽ có hào bao quanh, nền móng của một kiến trúc cổ còn nhận rõ vào giữa thế kỷ XIX. Theo Trịnh Hoài Đức, năm 1816, khi đào đất để trùng tu ngôi chùa, người ta đã gặp nhiều di vật thời cổ xưa (thời Óc Eo - hậu Óc Eo) [9, tr.122-133]. Có thể một nhánh của nước Phù Nam đã lui về vùng bản địa của mình, vùng rừng núi mà ngày xưa họ đã từ đó phát triển xuống vùng biển, đó là Thánh địa Nam Cát Tiên, nơi mà các nhà khoa học Việt Nam vẫn đang tranh cãi: ai là chủ nhân của Thánh địa Nam Cát Tiên? Tiểu quốc này lúc bấy giờ đang trong quá trình suy yếu rất nhanh, nhưng vẫn tồn tại tới ngày người Pháp đánh chiếm miền Nam nước ta. Về tên gọi Phù Nam, chúng tôi nghiêng về quan điểm của tác giả Nguyễn Công Tài: "Đồng có gốc là Đờng (chứ không phải cái nghĩa theo từ nguyên dân gian là đồng ruộng). Nai không có nghĩa là con nai và Đồng Nai cũng không có nghĩa là cánh đồng nhiều nai ra gặm cỏ. Đồng Nai có ngữ nguyên Nam Á Đờn - N' gai cũng như Sài Gòn, Sài Côn, Thày Gòn không phải là vùng lắm cây gòn mà bắt nguồn từ Prey Nokor của ngữ hệ Nam Á [3, tr.215-216]. Theo suy luận của chúng tôi, nhóm người Môn (Nam Á) từ nam Trường Sơn xuôi ra biển, cộng cư với người Nam Đảo, họ vẫn mang theo trong tâm thức dòng sông lớn: Đờn - N' gai, đó cũng là tên gọi nước của họ, trước sau cũng vẫn là một tên. Tuy nhiên, khi phiên âm qua sử liệu Trung Quốc, do cách phiên âm khác nhau vào những thời gian khác nhau mà có thể phát sinh những tên gọi khác nhau làm chúng ta ngày nay khó định danh chính xác tên gọi của một số vương quốc cổ đã từng xuất hiện, tồn tại trên vùng đất Nam Bộ. Do đó, Phù Nam, Thù Nại hay Chu Nại (theo Lương Văn Lựu) hoặc Nông Nại cũng chỉ là những tên gọi khác nhau của một nước Đờn - N' gai. Còn lưu dân người Việt, khi đến vùng đất Nam Bộ sống chung với người Phù Nam cổ vào khoảng nửa sau thế kỷ XVI đã phiên âm Đờn - N' gai thành Đồng Nai. Chúng tôi xin nhấn mạnh, với người Phù Nam cổ chứ không phải với người Chân Lạp hoặc những tên gọi khác của người Chân Lạp như Khmer, Cambốt, Cao Miên như sử Việt và Miên đều ghi. Tác giả Vương Hồng Sển đã có một nhận xét khá thú vị: "người Khmer sanh đẻ tại Nam Việt, phát âm không y giọng trên Nam Vang Đối với người Khmer, trên Nam Vang, dùng nhiều chữ "r" có thể nói mỗi tiếng nói, gần như mỗi có đánh lưỡi. Trái lại miền Nam Lục tỉnh, dân Khmer nuốt gần mất chữ "r" [15]. Đây là một hiện tượng ngôn ngữ vẫn còn xuất hiện vào đầu thế kỷ XX. Như vậy, vào thế kỷ XVI, chắc rằng những sự khác nhau còn lớn hơn nhiều. Người Phù Nam, sau gần một ngàn năm sống gần với người Chân Lạp, đất nước lại không có điều kiện phát triển nên bị đồng hóa với người Chân Lạp (họ bị đồng hóa chứ không biến mất) và lưu dân người Việt khi vào Nam Bộ sinh sống vẫn nghĩ đó là người Chân Lạp. Như vậy, “về cơ bản, sứ mệnh lịch sử của vương quốc Phù Nam đã kết thúc vào thế kỷ VI, nhưng đó không phải là sự triệt tiêu tuyệt đối. Đế chế trung tâm không còn nữa, nhưng các tiểu quốc của Phù Nam vẫn có thể duy trì được quyền lực, đồng thời TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC VĂN LANG Số 08/2018 103 tiếp tục tồn tại trong một thời gian tương đối lâu dài” [18, tr.369]. “Nhiều khả năng việc quản lý xứ Thủy Chân Lạp vẫn phải giao cho những người thuộc dò ... i của nước ấy. Lại từ Chân Bồ (Bà Rịa) đi theo hướng kim khôn thân (hướng Tây Nam và 1/3 Tây) qua biển Côn Lôn vào cảng. Có đến mười cảng nhưng chỉ có cảng thứ tư (cửa sông Tiền Giang đi vào Mỹ Tho) là có thể vào được, tất cả các cảng khác đều bị cát làm cạn nên thuyền lớn không vào được. Nhưng đứng xa mà trông đều thấy mây leo, cây già, cát vàng, lau trắng, thảng thốt nhìn qua thật không dễ phân biệt Từ chỗ vào Chân Bồ (Bà Rịa) trở đi, phần lớn là rừng thấp cây rậm. Sông dài cảng rộng, kéo dài mấy trăm dặm cổ thụ rậm rạp, mây leo um tùm, tiếng chim muông chen lẫn nhau ở đó. Đến nửa cảng mới thấy ruộng đồng rộng rãi, tuyệt không có một tấc cây. Nhìn ra xa chỉ thấy cây lúa (hòa thử) (Lê Hương dịch là "cây cỏ") rờn rờn mà thôi. Trâu rừng hợp thành từng đàn trăm, ngàn con, tụ tập ở đấy. Lại có giồng đất đầy tre dài dằng dặc mấy trăm dặm. Loại tre đó đốt có gai, măng rất đắng. Bốn mặt đều có núi cao" [2, tr. 20-37-38]. TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC VĂN LANG Nguyễn Đức Quân và tgk 104 Tác giả Lý Tùng Hiếu đã trình bày cụ thể hơn: "Mặc dù vào đầu thế kỷ VIII đã có chứng tích về sự hiện diện của người Chân Lạp trên đồng bằng Nam Bộ, nhưng tình trạng chung của toàn vùng kể từ thời điểm đó là hoang phế. Người Khơ-me chỉ thực thụ định cư ở Nam Bộ từ đầu thế kỷ XVI, tức là sau khi vương quốc Chân Lạp bị người Xiêm tấn công, phải dời đô đến Phnom Penh vào năm 1434, rồi dời đến Lovek vào năm 1539, và chuyển trọng tâm đất nước từ tây bắc xuống đông nam Biển Hồ. Khi đến Nam Bộ, theo truyền thống, nơi người Khơ- me chọn để định cư là các vùng đất cao, tạo thành các khu vực cư trú tập trung ở Sóc Trăng, Trà Vinh, An Giang và rải rác ở các nơi khác. Tóm lại, vào đầu thế kỷ XVI, ngoại trừ vùng thềm cao nguyên nơi các tộc người bản địa Xtiêng, Chơ-ro, Mạ cư trú, phần còn lại của vùng đất Nam Bộ, đều là hoang hóa. Kể từ thời điểm đó, các cộng đồng lưu dân người Khơ-me, người Việt, người Hoa, người Chăm mới nối tiếp nhau tiến vào Nam Bộ, chia nhau khai khẩn, đào kinh, canh tác, định cư, buôn bán, dần dần biến một vùng đất hoang vu rộng lớn thành những vùng nông nghiệp trù phú và những đô thị sầm uất" [13, tr. 16-17-19]. Năm 1620, chúa Nguyễn Phước Nguyên gả công nữ Ngọc Vạn cho vua Chân Lạp – Chey Chetta II. Sau hôn lễ, chúa Nguyễn gửi quân sang giúp vua Chân Lạp đánh thắng quân Xiêm xâm lăng. Chiến thắng này đã nâng cao uy tín của vua Chân Lạp – Chey Chetta II vì: "Chính nhờ sự hỗ trợ của chúa Nguyễn mà năm 1621- 1623, Campuchia đã đánh bại cuộc xâm lược của Xiêm. Và đây là chiến thắng đầu tiên của Campuchia trước quân Xiêm trong suốt 100 năm. Sự kiện quan trọng này là tiền đề để người Campuchia cởi bỏ ách đô hộ của Xiêm, không triều cống, không gửi con tin sang Xiêm nữa Chính thời kỳ này, năm 1623, Chey Chetta II đã dời đô về Phnôm Pênh" [16]. Để trả ơn, vua Chân Lạp cho phép người Việt đến khai hoang tại vùng Thủy Chân Lạp. Tác giả Nguyễn Đình Đầu đã trích từ lịch sử Cao Miên đoạn ghi chép quý giá sau: "Vào Phật lịch 2167, Công nguyên là 1623, một sứ thần của vua An Nam đem quốc thư tới vua Cao Miên là Prea Chey Chessda, với nội dung vua An Nam ngỏ ý muốn mượn xứ Prei Nokor và Kas Krobey (Sài Gòn và Bến Nghé) của Cao Miên để lập các trạm thuế thương chính. Sau khi tham khảo triều đình, Chey Chessda thuận theo ý vua An Nam và gởi cho vua này một quốc thư bằng lòng như yêu cầu. Do đấy, vua An Nam lệnh cho quan chức thương chính đến trú đóng tại Prei Nokor và Kas Krobey, và từ đó, thi hành việc thu các sắc thuế thương chính" [6, tr.147]. Tóm lại, năm 1623, vua Chân Lạp thỏa thuận cho chúa Nguyễn Phước Nguyên thiết lập hai đồn thu thuế tại Kas Krabey (tức Bến Nghé, ngã ba rạch Bến Nghé - sông Sài Gòn) và Prey Nokor (người Việt đọc trại thành Rài Gòn rồi Thày Gòn, sau chuyển thành Sài Gòn. Đây có thể là vùng chợ Phước Lâm - gần kinh Tàu Hủ, về sau vì kỵ húy nên đổi tên mới là Phú Lâm). Tác giả Sơn Nam cũng cho rằng: "Vùng Sài Gòn là Prei Nokor (chùa Cây Mai được gọi là Vat Prei Nokor) nằm trên giồng, phía TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC VĂN LANG Số 08/2018 105 Chợ Lớn ngày nay" [11, tr.36]. Vị trí của đồn thu thuế, bây giờ khó xác định được, nhưng chúng ta có thể tìm lại tên các chợ, thường hình thành chung quanh các trung tâm quân sự hoặc dân sự. Theo tác giả Trần Nhật Vy, "Ban đầu chợ có lẽ chỉ là nơi buôn bán, trao đổi hàng hóa của những người Việt đầu tiên vào miền Nam theo chân quan quân lập trạm thu thuế, lập kho lương thực khi chúa Nguyễn lập hai trạm thu thuế ở Prei Nokor (ở khoảng Phú Lâm) và Kas Krobei (trung tâm Sài Gòn hiện nay) Chợ nhỏ ấy có thể là chợ Phú Lâm" [16, tr.258]. Về địa danh Bến Nghé, hai tác giả Sơn Nam và Thái Văn Kiểm đưa ra hai cách giải thích khác nhau: Theo tác giả Sơn Nam: "Đại Nam Nhất Thống Chí: Nghé là tiếng sấu kêu. Ta nói sấu nghé vì sấu kêu như tiếng nghé ngọ của trâu con. Đặt Ngưu tân, Ngưu chữ cho có vẻ văn chương hơn Trâu uống nước ở phía rạch Ông Buông, ở Phú Lâm nơi đất rộng, dễ làm ruộng hơn, hãy còn tên rạch Bến Trâu. Sự xuất hiện của bầy sấu hung hãn từ rừng Sác - Cần Giờ mon men vào là sự thật" [5, tr.247]. "Tác giả Thái Văn Kiểm cho rằng, "kas có nghĩa là tiền và krobey nghĩa là trâu". Và Kas Krobey có nghĩa là "tiền trâu, nghĩa là nơi buôn bán và thu thuế trâu, một gia súc rất cần cho xứ Thủy Chân Lạp là nơi bùn lầy nước đọng". [16, tr.10]. Với cách giải thích của hai tác giả trên, chúng tôi cũng rất phân vân. Địa danh Kas Krobey xuất hiện từ bao giờ? Từ thời Phù Nam hay mới vào khoảng thế kỷ XVI? Nhưng, đến năm 1623, cả chúa Nguyễn lẫn vua Chân Lạp đều đã biết địa danh Kas Krobey. Và, địa danh Bến Nghé xuất hiện từ bao giờ?. Nếu giải thích Bến Nghé là tiếng sấu con kêu như trâu con kêu hoặc từng đàn cá sấu đuổi cắn nhau như tiếng trâu rống nghe vẫn chưa hợp lý lắm, vì đây là vàm sông Sài Gòn và rạch Bến Nghé chứ không phải là rừng Sác hoang vu. Nếu giải thích Bến Nghé là nơi buôn bán trâu hoặc thu thuế trâu thì liệu nền kinh tế của vùng Bến Nghé vào thời điểm đầu thế kỷ XVII có phát triển đạt đến mức như vậy không? Lưu dân Việt với chiếc phảng trên vai đi mở cõi, liệu có cần nhiều trâu đến mức độ có chợ mua bán trâu? Những đoạn văn trích dẫn dưới đây sẽ cho chúng ta một số khái niệm về mức độ phát triển thương mại của vùng đất Bến Nghé: "Theo các nhà khảo cổ, căn cứ vào hiện vật phát hiện được, niên đại của nhóm gốm ở cảng Bến Nghé không cùng thời, sớm nhất là những nồi gốm đất nung thuộc văn hóa Óc Eo, có niên đại thế kỷ I - VI, các loại hũ thế kỷ VII – XVII Khu vực này chỉ là một phần của cảng Bến Nghé xưa trong hệ thống các bến chợ kéo dài dọc sông Thị Nghè qua đoạn sông Sài Gòn (vị trí khoảng công xưởng Ba Son) tới rạch Bến Nghé vào tận Chợ Lớn và có thể theo kênh Ruột Ngựa nối liền với sông Vàm Cỏ" [9, tr.144-145]. Do đó, chúng tôi tạm thời lý giải rằng, địa danh Bến Nghé là do lưu dân người Việt ghép từ hai âm ngữ Miên và Việt mà thành: “bến” là tiếng Việt và “nghé” là tiếng phiên âm. Cũng có thể, địa danh Kas Krobey xuất hiện từ thời Phù Nam và đã qua người Chân Lạp phiên âm, muốn tìm hiểu rõ nghĩa, có lẽ TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC VĂN LANG Nguyễn Đức Quân và tgk 106 phải bắt đầu từ ngôn ngữ Nam Đảo hoặc ngôn ngữ của người Mạ. Prey Nokor, có thể là kinh đô mới của vua Phù Nam, sau khi bị Chân Lạp đánh thắng vào khoảng năm 611. Vua Phù Nam đã chạy, từ bỏ kinh đô Đặc Mục về lập dinh cơ ở đây, khoảng rừng từ chùa Cây Mai đến vùng Phú Thọ (nay thuộc quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh) "nơi kênh rạch chằng chịt, ngập nước, khó đi, khó đến". Cư dân Phù Nam đã gọi đó là "rừng có kinh thành vua": Prey Nokor. Tác giả Vương Hồng Sển đã giải thích: "Prei, prey: rừng, không còn ai chối cãi Angkor, Nokor do Phạn tự NAGARA: đế đô, kinh đô" [15, trang 40,41]. "Tân Đường thư còn cho biết: dưới triều các vua Đường Cao Tổ (618 - 626) và Đường Thái Tôn (627- 649), Phù Nam có gửi các sứ bộ sang Trung Quốc, nhưng không ghi rõ họ đến từ đâu. Có lẽ các sứ bộ Phù Nam này khởi hành từ Na Phất Na, vì trong thời gian đó, kinh đô Đặc Mục nằm trong tay các vua Chân Lạp" [12, tr.289]. Từ đoạn trích dẫn trên, chúng tôi lại cho rằng, phái đoàn đi cống của Phù Nam đi từ kinh đô mới, tạm gọi là "Prey Nokor". Phù Nam đã hai lần sang triều cống nhà Đường, đến năm 650 là lần cuối cùng được sử liệu Trung Hoa ghi nhận. Lưu dân Việt vào khoảng thế kỷ XVI đến đây sinh sống cùng với cư dân cổ Phù Nam, đã "đọc trại" tiếng Prey Nokor thành Rai Gòn rồi Thày Gòn và Sài Gòn. Danh từ Phước Lâm có lẽ là do dân ta dịch nghĩa tiếng Prey Nokor? Năm 1674, Chúa Nguyễn Phước Tần đem quân giúp Nặc Ông Nộn trở lại ngôi vua nước Chân Lạp (làm Phó Vương), đóng ở Sài Gòn đến năm 1697. Có thể, Nặc Ông Nộn đã lập dinh cơ ở vùng đất từ khoảng chùa Cây Mai đến vùng Phú Thọ (vùng Prey Nokor). Đầu năm 1679, Chúa Nguyễn Phước Tần lập đồn dinh Tân Mĩ (khu vực Cách mạng tháng Tám - Cống Quỳnh - Nguyễn Trãi, Thành phố Hồ Chí Minh) để bảo vệ Phó Vương Chân Lạp và lưu dân Việt Nam. Thực tế, đó là một chính quyền bán chính thức của chúa Nguyễn. Năm 1679, Chúa Nguyễn Phước Tần cho phép các nhóm lưu dân của các tướng nhà Minh là Trần Thượng Xuyên vào Biên Hòa và Dương Ngạn Địch vào Mỹ Tho định cư làm dân Việt. Năm 1697, Nặc Ông Yêm (con của Nặc Ông Nộn) về Chân Lạp để chuẩn bị làm vua. Từ thời điểm đó, Sài Gòn không còn Phó Vương của Chân Lạp. Năm 1698, chúa Nguyễn Phước Châu cử Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lược Cao Miên, lấy đất Nông Nại đặt tên là phủ Gia Định (ranh giới từ bờ biển Bà Rịa đến sông Vàm Cỏ). Phủ Gia Định gồm có 2 huyện: Huyện Phước Long (xứ Đồng Nai, tỉnh Biên Hòa), ranh giới từ bờ biển Bà Rịa đến khu vực sông Sài Gòn; Huyện Tân Bình (xứ Sài Gòn), ranh giới từ sông Sài Gòn đến sông Vàm Cỏ (gần trùng với ranh giới Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay); Đối với người Hoa ở huyện Tân Bình thì lập thành xã Minh Hương (khu Nguyễn Trãi - Triệu Quang Phục, Thành phố Hồ Chí Minh). Như vậy, từ năm 1698, chúa Nguyễn đã chính thức sáp nhập vùng đất Gia Định TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC VĂN LANG Số 08/2018 107 vào bản đồ xứ Đàng Trong. Tác giả Trịnh Hoài Đức (dịch giả Nguyễn Tạo) đã viết: "Mùa xuân năm Mậu Dần (1698) chúa Nguyễn Phước Châu sai Thống suất Chưởng cơ Lễ thành Hầu Nguyễn Hữu Kính (Cảnh) sang kinh lược Cao Miên, lấy đất Nông Nại đặt làm Gia Định phủ, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên, lập xứ Sài Côn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn, mỗi dinh đặt chức Lưu thủ, Cai bộ, và Ký lục để quản trị" [7, tr.12]. Tác giả Nguyễn Đình Đầu đã có nhận xét: "Trịnh Hoài Đức viết "Lấy đất Nông Nại". Xứ Sài Gòn hiểu theo nghĩa rộng, chiếm khoảng một nửa "đất Nông Nại" (mà Trịnh Hoài Đức nghi là nước Thù Nại xưa). Ở đây Trịnh Hoài Đức phân biệt Nông Nại với Đồng Nai: Đồng Nai chỉ rộng độ phân nửa Nông Nại. Nông Nại bao gồm cả miền đông Nam Bộ" [6, tr.156]. Theo tác giả Trịnh Hoài Đức: "Xét Bà Rịa xưa là đất Lục Chân Lạp. Tân Đường Thư nói: "Bà Lỵ ở phía đông nam Chiêm Thành phía nam miền ấy (nước Bà Lỵ) có nước Thù Nại, sau niên hiệu Vĩnh Huy đời Đường (651-655) (Đường Cao Tông) bị Chân Lạp thôn tính." Còn âm 2 chữ Thù Nại với Đồng Nai và Nông Nại không sai cho lắm, nghĩa là tương tự nhau, vậy có lẽ cũng là đất Sài Gòn ngày nay" [7, tr.36]. Nhưng trong “Đại Nam nhất thống chí” lại viết: "Mùa xuân năm Mậu Dần (1698) (chúa Nguyễn Phước Châu) sai Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh sang kinh lược Cao Man đem xứ Đồng Nai (người Thanh gọi Nông Nại) đặt làm huyện Phước Long, và đặt dinh Trấn Biên" [4, tr.2]. Qua những ý kiến trên, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả Trịnh Hoài Đức. Tất cả những địa danh Phù Nam, Thù Nại (hoặc Chu Nại - theo Lương Văn Lựu) và Nông Nại đều là chữ của người Trung Hoa phiên âm tiếng Đờn - N' gai của nước mà chúng ta quen gọi là Phù Nam, còn người Việt gọi Đờn - N' gai là Đồng Nai. Và đến bây giờ, địa danh Bà Rịa vẫn còn là một bí ẩn, có lẽ phải bắt đầu nghiên cứu từ ngôn ngữ của người Mạ, cư dân thời xa xưa của vùng đất Bà Rịa. 3. KẾT LUẬN Ngay từ rất sớm, trên vùng đất Nam Bộ nước ta ngày nay đã từng tồn tại một vương quốc phát triển khá hùng mạnh – vương quốc cổ Phù Nam. Những công trình nghiên cứu về lịch sử Nam Bộ nước ta gắn liền với lịch sử vương quốc cổ này. Các yếu tố về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, của các bộ phận cư dân từng sống trên vùng đất này có tác động, ảnh hưởng qua lại lẫn nhau, vì thế, sự khác nhau trong cách gọi cùng một địa danh nào đó trên vùng đất này, chẳng hạn như Prey Nokor – Rai Gòn – Thày Gòn – Sài Gòn, Đờn - N' gai – Đồng Nai, cũng là điều dễ hiểu. Với những nội dung nghiên cứu đã đề cập, hy vọng chúng tôi đã góp phần nối được một vài khoảng trống của lịch sử Nam Bộ mến yêu! TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC VĂN LANG Nguyễn Đức Quân và tgk 108 TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Lương Văn Lựu (2014), Biên Hòa sử lược toàn biên - Quyển I, Nxb. Thế giới. 2. Chu Đạt Quan - Dịch giả Hà Văn Tấn (2011), Chân Lạp phong thổ ký, Nxb. Thế giới. 3. Trần Quốc Vượng (2006), Dặm dài đất nước - tập II, Nxb. Thuận Hóa. 4. Quốc sử quán - Dịch giả Nguyễn Tạo (1973), Đại Nam nhất thống chí - Tập thượng, Nha văn hóa Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xuất bản. 5. Sơn Nam (2014), Đất Gia Định - Bến Nghé xưa & người Sài Gòn, Nxb. Trẻ. 6. Trần Văn Giàu (Chủ biên) (1987), Địa chí văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh - Tập I, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh. 7. Trịnh Hoài Đức - Dịch giả Nguyễn Tạo (1972), Gia Định thành thông chí - Tập thượng, tập trung, Nha văn hóa Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xuất bản. 8. Ban Quản lý khu di tích Gò Tháp (2016), Gò Tháp - Di tích Quốc gia đặc biệt, Nxb. Văn hóa - Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh. 9. Lê Xuân Diệm - Nguyễn Thị Hậu - Nguyễn Thị Hoài Hương (2007), Khảo cổ học ở Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb. Văn hóa Sài Gòn. 10. Phan Lạc Tuyên (1993), Lịch sử bang giao Việt Nam - Đông Nam Á, Trường Đại học Mở - Bán công Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành. 11. Sơn Nam (2009), Lịch sử khẩn hoang Miền Nam, Nxb. Trẻ. 12. Trần Bạch Đằng (Chủ biên) (2004), Lịch sử Việt Nam - Tập 2, Nxb. Trẻ. 13. Lý Tùng Hiếu (2012), Ngôn ngữ văn hóa vùng đất Sài Gòn và Nam Bộ, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. 14. Lương Ninh (2006), Nước Phù Nam, Nxb. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. 15. Vương Hồng Sển (1997), Sài Gòn năm xưa, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh. 16. Trần Nhật Vy (2015), Từ Bến Nghé tới Sài Gòn, Nxb. Văn hóa - Văn nghệ. 17. Phan Huy Lê (2011), Tìm về cội nguồn, Nxb.Thế giới. 18. Phan Huy Lê (2016), “Vùng đất Nam Bộ - Quá trình hình thành và phát triển ”, Tập I, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật. 19. Vũ Minh Giang (Chủ biên) (2008), Lược sử vùng đất Nam Bộ, Nxb. Thế giới. 20. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2006), Lịch sử 10, Nxb. Giáo dục. Ngày nhận bài: 01/11/2018. Ngày biên tập xong: 05/02/2018. Duyệt đăng: 17/3/2018.
File đính kèm:
- gop_them_vai_suy_nghi_ve_vi_tri_lich_su_mot_so_dia_danh_o_na.pdf