Hư cấu và hư cấu nghệ thuật trong tiểu thuyết lịch sử
Tóm tắt. Hư cấu là hoạt động đặc thù của sáng tạo nghệ thuật. Hư cấu nghệ thuật đồng
nghĩa với hoạt động sáng tạo, ý thức về quyền hư cấu là ý thức về quyền năng sáng tạo
nghệ thuật của người nghệ sĩ. Bài viết sau tập trung tìm hiểu hư cấu và hư cấu nghệ thuật
trong tiểu thuyết lịch sử, đi sâu làm rõ yêu cầu và cách thức cần thiết được nhà văn sử dụng
nhằm tái hiện sinh động câu chuyện lịch sử của cha ông trong quá khứ.
Bạn đang xem tài liệu "Hư cấu và hư cấu nghệ thuật trong tiểu thuyết lịch sử", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên
Tóm tắt nội dung tài liệu: Hư cấu và hư cấu nghệ thuật trong tiểu thuyết lịch sử
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2017-0004 Social Sci., 2017, Vol. 62, No. 2, pp. 27-33 This paper is available online at HƯ CẤU VÀ HƯ CẤU NGHỆ THUẬT TRONG TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ Đoàn Thị Huệ Khoa Sư phạm Khoa học Xã hội, Trường Đại học Đồng Nai Tóm tắt. Hư cấu là hoạt động đặc thù của sáng tạo nghệ thuật. Hư cấu nghệ thuật đồng nghĩa với hoạt động sáng tạo, ý thức về quyền hư cấu là ý thức về quyền năng sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ. Bài viết sau tập trung tìm hiểu hư cấu và hư cấu nghệ thuật trong tiểu thuyết lịch sử, đi sâu làm rõ yêu cầu và cách thức cần thiết được nhà văn sử dụng nhằm tái hiện sinh động câu chuyện lịch sử của cha ông trong quá khứ. Từ khóa: Tiểu thuyết lịch sử, hư cấu nghệ thuật, quyền năng sáng tạo. . . 1. Mở đầu Bàn về hư cấu nghệ thuật trong các sáng tác văn học viết về đề tài lịch sử, Lê Thành Nghị trong Tinh thần của lịch sử trong văn học nghệ thuật đã viết: “Hư cấu nghệ thuật là đặc trưng của văn chương, nghệ thuật ngay cả với đề tài lịch sử (. . . ). Hư cấu nghệ thuật như một quy luật của điển hình hóa trong nghệ thuật để nhận thức sâu hơn bản thân lịch sử” [4]. Cùng với đó, Bình Nguyên trong “Vấn đề hư cấu và giải thiêng trong tiểu thuyết lịch sử” cũng cho rằng: “Hư cấu là một yếu tố không thể không có trong các tiểu thuyết lịch sử. Không chỉ bởi đặc quyền của tiểu thuyết là hư cấu và tưởng tượng, mà còn bởi ở chính bản thân chất liệu lịch sử đã chứa đựng, khơi gợi những khả năng cho phép tác giả hư cấu và tưởng tượng” [5]. Có thể nói, trong lịch sử hình thành và phát triển, văn học không ngừng tự giải phóng bản thân ra khỏi các chức năng phi văn học như chức năng tế lễ, ma thuật, chức năng thông báo hay chức năng ghi chép sự thật lịch sử. Nhờ thế, đặc trưng của văn học không ngừng được bổ sung, hoàn thiện. Trong đó, một phương diện thể hiện rõ xu hướng vận động của văn học chính là thái độ của người nghiên cứu đối với vấn đề hư cấu nghệ thuật, đối với sự khác nhau giữa sự thật ngoài đời và sự thật được phản ánh trong tác phẩm. Phân biệt rõ điều này cũng như thật sự quan tâm đến vấn đề hư cấu nghệ thuật (chú ý gia tăng, đổi mới yếu tố, chất lượng, phạm vi hư cấu nghệ thuật), nhấn mạnh tính chất giải trí và giá trị thẩm mỹ của văn học. . . người nghệ sĩ đã có thể tự cởi trói, tự do sáng tạo, tự do biểu hiện quan niệm chủ quan về cuộc sống, về văn học nghệ thuật và lịch sử. Văn học không thể tồn tại nếu không dung chứa trong bản thân sự hư cấu như yếu tố nghệ thuật không thể thiếu trong hoạt động sáng tác. Tuy nhiên, vấn đề hư cấu nghệ thuật trong tiểu thuyết lịch sử thì đến nay vẫn còn nhiều điều cần tìm hiểu. Ngày nhận bài: 15/9/2016. Ngày nhận đăng: 20/3/2017 Liên hệ: Đoàn Thị Huệ, e-mail: lamdaingocag@yahoo.com / doanhuedhdn@yahoo.com 27 Đoàn Thị Huệ 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Hư cấu – thủ pháp nghệ thuật không thể thiếu trong hoạt động sáng tác văn chương 2.1.1. Khái niệm về hư cấu và hư cấu nghệ thuật Theo Từ điển Tiếng Việt, “hư cấu” là “Tạo ra sự tưởng tượng nhằm phục vụ mục đích nghệ thuật của tác phẩm. Nghệ thuật viết tiểu thuyết là một hư cấu” [2;561]. Lại Nguyên Ân, trong 150 thuật ngữ văn học, cho rằng: “Hư cấu nghệ thuật là một hoạt động đặc thù của sáng tạo nghệ thuật, trợ giúp cho việc dựng nên những dạng thức tồn tại có thể có” [1;164]. Tập thể tác giả Lí luận văn học định nghĩa về hư cấu nghệ thuật: “Hư cấu là tạo ra cái mới và chỉ có trong các loại tiểu thuyết” [3;430]. Từ đây có thể hiểu hư cấu là thủ pháp nghệ thuật đặc thù của hoạt động sáng tạo nghệ thuật. Mỗi nhà văn có cách sử dụng phương thức hư cấu nghệ thuật khác nhau nhằm tạo nên nhiều giá trị và yếu tố mới như sự kiện, cảnh vật, nhân vật trong tác phẩm, làm nổi bật quy luật/ bản chất của cuộc sống. Trong chừng mực nhất định, hư cấu vừa là đặc trưng thể loại vừa là thao tác nghệ thuật không thể thiếu trong tư duy sáng tạo của tiểu thuyết. Hư cấu cho phép nhà văn tái hiện hiện thực lịch sử phát triển trong câu chuyện tiểu thuyết. Hiện thực đó không hoàn toàn khách quan như sự kiện được nêu trong chính sử, hơn thế nhân vật của nó cũng không bị lệ thuộc bởi nguyên mẫu ngoài đời như nhân vật trong tác phẩm kí. Từ muôn vàn những gương mặt của cuộc sống đời thường và các biến cố lịch sử, nhà văn thực hiện các biện pháp nghệ thuật nhằm đồng hóa, tái hiện bức tranh đời sống bằng phương thức chọn lọc, tổng hợp, sáng tạo. Khi đó, hư cấu nghệ thuật trong tiểu thuyết đã là yếu tố bộc lộ rõ nét phẩm chất sáng tạo dồi dào của nhà văn. 2.1.2. Vai trò của hư cấu nghệ thuật trong hoạt động sáng tác văn chương Thứ nhất, hư cấu vốn là đặc tính quan trọng của tư duy nghệ thuật, là hoạt động đặc thù của nghệ thuật sáng tác văn chương. Nhờ có hư cấu nghệ thuật và chỉ có thể thông qua hư cấu nghệ thuật, nhà văn mới có thể tổ hợp, khái quát, tổng hợp các ý tưởng, dự kiến ban đầu thành dạng thức tồn tại có thể có trong tác phẩm nghệ thuật. Hư cấu nghệ thuật giúp ý tưởng, tưởng tượng, mộng ước của nhà văn đạt đến độ chín, đẩy nhanh tiến trình sáng tạo tác phẩm. Với hư cấu nghệ thuật, nhà văn có thể phát huy tối đa trí tưởng tượng, suy tưởng, viết nên những câu chuyện văn chương đầy màu sắc. Thứ hai, nhắc đến nghệ thuật không thể không nhắc đến hư cấu. Một tác phẩm văn học có giá trị không thể nằm ngoài quy luật phát triển của nghệ thuật. Trong nghệ thuật không đặt ra vấn đề chính xác. Chính xác chỉ là vấn đề của khoa học. Nói như Lê-nin: “Trong sự khái quát đơn giản nhất, trong ý niệm chung cơ bản nhất (cái bàn nói chung) có một phần nhất định nào đó của ảo tưởng. Ngược lại, thật vô lí nếu phủ nhận vai trò của ảo tưởng trong khoa học chính xác nhất” [3;429]. Viết sử, các sử quan/ sử gia cũng không thể khẳng định những điều họ ghi chép đều là sự thật. Mặt khác, so với các ngành khoa học khác, văn học nghệ thuật luôn đòi hỏi ở mức độ cao khả năng hư cấu, sáng tạo của nhà văn khi tiếp cận, chiếm lĩnh và tái hiện hiện thực cuộc sống. Từ trong bản chất, văn chương không chấp nhận những người thợ khéo tay làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, biết khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có. Sự sáng tạo nghệ thuật không tách rời khả năng và tài năng hư cấu nghệ thuật của nhà văn. Chỉ với hư cấu và thông qua hư cấu, nhà văn mới có thể chiếm lĩnh thế giới ở phối cảnh hàm nghĩa, tái tạo được trong tác phẩm các hình thức hiện thực sinh động, bổ sung cho chất liệu cuộc sống sự tổ chức và giá trị thẩm mỹ đích thực. Bằng việc tự 28 Hư cấu và hư cấu nghệ thuật trong tiểu thuyết lịch sử do tưởng tượng và hư cấu, nhà văn thỏa sức sáng tạo cũng như thỏa sức trình bày và khai mở trước mắt người đọc cả một thế giới nghệ thuật bao gồm sự thực nghiệm sáng tạo hồi ức, tiềm thức riêng hay sự giả tưởng thuần hư cấu, tưởng tượng. . . để dệt nên nhiều câu chuyện sinh động, đa dạng, đặc sắc. Thứ ba, trong nhiều trường hợp, hư cấu nghệ thuật có thể định hướng, dẫn dắt ý tưởng, cảm xúc của nhà văn ở cả hai giai đoạn trước và sau quá trình sáng tạo. Nhờ hư cấu, ý tưởng của nhà văn sẽ kết thành ý niệm, thành hình tượng văn học. Nhờ hư cấu, cảm xúc của nhà văn được thăng hoa để ý tình càng thêm lắng đọng. Nếu không có hư cấu nghệ thuật, vai trò của nhà văn mới chỉ dừng lại ở việc thu nhặt, gắn kết và kể lể một cách vụng về từng mảng hiện thực riêng lẻ của cuộc sống. Nhờ có hư cấu nghệ thuật và khả năng sử dụng hư cấu nghệ thuật một cách hiệu quả, nhà văn tạo nên sự gắn kết chặt chẽ giữa các nhân vật, sự kiện, tình tiết trong tác phẩm tạo nên bức tranh hiện thực sinh động, cụ thể, mang đến cho người đọc cái nhìn biện chứng về các câu chuyện cảm động lòng người. Thứ tư, hư cấu nghệ thuật đích thực không là sự bịa đặt tự do, tùy tiện của tác giả. Trong quá trình vận động và phát triển, hư cấu luôn đòi hỏi nhà văn khả năng huy động tối đa năng lực cảm thụ cuộc sống một cách tinh nhạy để tạo nên tác phẩm nghệ thuật có giá trị. Trong chừng mực nhất định, hiệu lực và giá trị đích thực của hư cấu nghệ thuật không được xác định hoặc được đo lường bằng mức độ phản ánh hiện thực giống như thật của tác phẩm. Để miêu tả/ tái hiện trong tác phẩm một hiện thực giống như thật, có lẽ nhà văn cũng không cần nhiều đến hư cấu nghệ thuật. Và như thế, ý nghĩa, giá trị của tác phẩm văn học cũng không tồn tại. Nhân tố quan trọng góp phần làm nên sức hấp dẫn, sự thành công của một tác phẩm văn học phụ thuộc nhiều vào tài năng hư cấu nghệ thuật của nhà văn. Đến lượt mình, nhà văn phát huy hiệu quả vai trò của hư cấu nghệ thuật trong việc triển khai ý tưởng, đảm bảo tính logic cần có giữa hiện thực cuộc sống với các căn cứ thẩm mỹ trong tác phẩm tạo nên sự thâm nhập vào chiều sâu ý nghĩa của các hiện tượng cuộc sống. Thực tế cuộc sống vốn đa dạng và luôn hàm chứa trong bản thân nhiều điều vừa tương đồng vừa đối lập. Từ những điều con người có thể nghe thấy và nhìn thấy trong thế giới tự nhiên - xã hội đến những gì con người chỉ có thể cảm nhận được thuộc về tâm tư, tình cảm, kí ức hay những huyền thoại, niềm tin, tôn giáo, câu chuyện thần tiên. . . qua tài năng hư cấu, sáng tạo của nhà văn đều có thể trở thành chất liệu cấu thành tác phẩm văn học. Thứ năm, phạm vi áp dụng và ảnh hưởng của hư cấu nghệ thuật đối với các thành tố cấu nên hình thức tác phẩm văn học (như hoàn cảnh tạo thành cốt truyện, yếu tố tâm lí, cá tính quy định loại hình nhân vật, các chi tiết sinh hoạt và sự kết hợp của chúng tạo nên kiểu không – thời gian đặc thù cho câu chuyện được kể. . . ) vô cùng rộng lớn. Trong sáng tác văn học, ứng với sự tăng hay giảm mức độ hư cấu, với phương thức, mục đích sử dụng nghệ thuật hư cấu của mỗi nhà văn có các nhóm thể tài văn học khác nhau như truyện/ thơ lịch sử, hiện sinh, hiện thực huyền ảo, luận đề, tâm lí, phiêu lưu, trinh thám, khoa học viễn tưởng. . . Ở những tác phẩm tác giả sử dụng sự ước lệ nghệ thuật ở mức độ cao hay lối khái quát gây ấn tượng mạnh (như truyện trinh thám, phiêu lưu, khoa học viễn tưởng), phạm vi sử dụng hư cấu nghệ thuật càng mở rộng và vai trò của hư cấu càng bộc lộ rõ nét. Ứng với sự đa dạng các kiểu dạng sử dụng yếu tố hư cấu trong tác phẩm, nhà văn có thể nói về cái vốn có thực hoặc cái có thể có hoặc không thể có. . . khiến cho đời sống văn học thực sự chuyển động, ngày càng phong phú, đa dạng. Như vậy, hư cấu là thủ pháp nghệ thuật không thể thiếu trong hoạt động sáng tác văn chương. Tuy nhiên, nếu một tác phẩm chỉ hoàn toàn là hư cấu thì chưa chắc đã thuyết phục được bạn đọc. Trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật, sự hư cấu của nhà văn và phần hiện thực bắt nguồn từ thực tế cuộc sống được ánh xạ vào trong tác phẩm đều quan trọng. 29 Đoàn Thị Huệ 2.2. Hư cấu nghệ thuật trong tiểu thuyết lịch sử - kiểu hư cấu nghệ thuật có nhiều tính đặc thù 2.2.1. Hư cấu nghệ thuật trong tiểu thuyết lịch sử được hình thành trên chính nhu cầu và cách thức giải quyết mối quan hệ phức tạp giữa đặc trưng thể loại tiểu thuyết và đề tài lịch sử mà tác phẩm phản ánh Theo cách hiểu thông thường, tiểu thuyết lịch sử là tiểu thuyết viết về đề tài lịch sử. Thể loại “cái” tiểu thuyết yêu cầu nhà văn không ngừng gia tăng yếu tố hư cấu để sáng tạo nên chuỗi câu chuyện đời tư thế sự mà ở đó không thể thiếu những chuyện về cuộc đời, về số phận cá nhân với nhiều trắc trở, trái ngang. Bên cạnh đó, đề tài lịch sử không ngừng nhắc nhở nhà văn phải tôn trọng sự thật, trung thành với những gì chính sử đã viết, lưu trữ và được cộng đồng thừa nhận. Thể loại tiểu thuyết hướng nhà văn đi tìm câu chuyện của những phần đời bé mọn với các khía cạnh cụ thể và nhân bản nhất của tình yêu thương, lòng thù hận, nỗi đau nhân thế, lẽ tồn sinh. Đề tài lịch sử nhắc nhở nhà văn lưu tâm đến các vấn đề trọng đại, chuyện khai sơn đảo hải, chuyện thành bại, hưng phế của một dân tộc/ cộng đồng. Thể loại tiểu thuyết yêu cầu nhà văn phải tăng cường hư cấu, xem hư cấu đồng nghĩa với sáng tạo và là thế mạnh của tác phẩm nghệ thuật. Đề tài lịch sử buộc nhà văn phải nhớ rõ: lịch sử thì phải thật. Và như thế, đi suốt hành trình vận động, phát triển của tiểu thuyết lịch sử, việc kiếm tìm giải pháp đáp ứng yêu cầu của thể loại tiểu thuyết và đề tài lịch sử trong cùng một tác phẩm chưa bao giờ là việc dễ dàng và tránh được nhiều tranh cãi. Bởi nếu tác giả thiên về phương diện đề tài lịch sử, cố tạo nên các tác phẩm phản ánh sao thật giống, thật đúng với những gì chính sử đã ghi thì những gì mà tác phẩm mang đến cho độc giả sẽ rất khô khan (thuần là số liệu, nhân vật, sự kiện lịch sử). Tác phẩm ấy cũng không còn là tác phẩm văn học đúng nghĩa. Ngược lại, nếu tác giả thiên về phương diện thể loại tiểu thuyết, cho rằng là tiểu thuyết thì phải hư cấu, tưởng tượng. Thậm chí, khi dành quá nhiều ưu tiên cho hư cấu, tưởng tượng thì vấn đề nhà văn đề cập đến trong tác phẩm sẽ có nguy cơ bị dồn đẩy vào khoảng không hư vô, không phải văn mà cũng chẳng phải sử. Đó là chưa kể đến việc nếu nhà văn hư cấu quá độ làm sai lệch chân dung nhân vật lịch sử, làm méo mó sự thật lịch sử thì tác giả ấy sẽ sớm trở thành tội đồ lịch sử, thành kẻ phản bội lịch sử truyền thống dân tộc. Vì vậy, tính đặc thù thứ nhất của hư cấu nghệ thuật trong tiểu thuyết lịch sử chính là trong tiểu thuyết lịch sử không thể không có hư cấu nhưng sự hư cấu nghệ thuật đó phải có giới hạn nhất định. Nói khác đi, mặc dù vẫn là hư cấu, tưởng tượng nhưng sự hư cấu, tưởng tượng trong tiểu thuyết lịch sử không thể tách biệt hay bứt mình ra khỏi chiếc nôi lịch sử dân tộc. Trong bất kì trường hợp nào, dù nhân danh sự sáng tạo nghệ thuật của trường phái văn học nào đi nữa thì tác giả tiểu thuyết lịch sử cũng phải chú ý đến cái gốc hiện thực lịch sử trong tác phẩm. Lịch sử thuộc về phương diện đề tài đồng thời cũng là phần xương cốt, phần cốt lõi nhất, căn cơ nhất cho mọi câu chuyện được kể đến trong tác phẩm và là điểm khởi đầu cho mọi hư cấu nghệ thuật của nhà văn được thăng hoa. Đến lượt mình, hư cấu nghệ thuật đảm nhiệm vai trò công cụ sáng tạo nghệ thuật của tác giả tiểu thuyết lịch sử. Nhờ có hư cấu và thông qua hư cấu, các yếu tố lịch sử trong tác phẩm được tiếp thêm sức mạnh và chắp thêm đôi cánh trở thành các chi tiết nghệ thuật đặc sắc. Nhưng sự hư cấu nghệ thuật này phải có giới hạn, phải được khoanh vùng trong phạm vi nhất định. Nếu nhà văn vi phạm điều khoản này thì cũng có nghĩa khi sáng tác tiểu thuyết lịch sử, nhà văn chỉ quan tâm đến hư cấu nghệ thuật, xem nhẹ hoặc bỏ qua yếu tố lịch sử. Tác phẩm lúc đó sẽ phi lịch sử, phi thực tế và tác giả của nó cũng sẽ tự đánh mất đi vai trò nghệ sĩ – nhà sử học và nghệ sĩ – người chiến sĩ cao đẹp của mình. Ngược lại, nếu nhà văn chỉ quan tâm đến việc thể hiện trọn vẹn các yếu tố lịch sử trong tác phẩm mà xem nhẹ phần hư cấu sáng tạo thì tác phẩm lúc đó cũng chỉ là tập tư liệu lịch sử, ghi chép đời sống, không thể là nghệ thuật sáng tạo. Nếu sự hư cấu 30 Hư cấu và hư cấu nghệ thuật trong tiểu thuyết lịch sử nghệ thuật trong tác phẩm văn học thông thường không tách rời yếu tố hiện thực bắt nguồn từ thực tế đời sống thì sự hư cấu nghệ thuật trong tiểu thuyết lịch sử lại cần phải gắn bó chặt chẽ hơn với hiện thực lịch sử, với phần sự thật lịch sử đã được lưu lại trong chính sử. Trong tiểu thuyết lịch sử, vai trò phần sự thật tư liệu lịch sử (được đúc kết trong chính sử, dã sử, huyền sử) và sự hư cấu nghệ thuật của nhà văn bao giờ cũng quan trọng, không thể thiếu phần nào, không phần nào lấn át phần nào và càng không thể đối lập hay tách biệt hai phần ấy với nhau. 2.2.2. Hư cấu nghệ thuật trong tiểu thuyết lịch sử là kết quả tất yếu của việc xem xét hiện thực lịch sử được phản ánh trong tiểu thuyết lịch sử và độc giả tiếp nhận nội dung tác phẩm là những đối tượng đặc thù Hiện thực lịch sử hay hiện thực được phản ánh trong tiểu thuyết lịch sử là hiện thực đặc thù. Nó là thứ hiện thực mang trong mình hai lần lịch sử: lịch sử của thời đã qua và lịch sử của thời người viết đang sống. Gọi nó là lịch sử của thời đã qua vì lịch sử là hiện thực đã từng diễn ra trong quá khứ, xảy ra một lần và duy nhất. Lịch sử đó không đồng hành với sự trải nghiệm của nhà văn. Nhà văn chỉ có thể tự bổ sung cho mình mảng hiện thực lịch sử ấy thông qua khảo cứu tài liệu sử sách, qua các truyện kể dân gian hoặc các hiện vật lịch sử còn sót lại. Đó là thứ lịch sử được sản sinh ra như hệ quả tất yếu của chuỗi sự kiện hiện thực từng xảy ra trước đó. Nó thuộc về quá khứ “một đi không trở lại”, đã hoàn tất, bất động, bất biến và được lưu trữ khá ổn định trong kinh nghiệm đời sống cộng đồng. Lịch sử theo nghĩa thứ hai là lịch sử ở trạng thái động, luôn hàm chứa nhiều chi tiết bất tín nhận thức bởi sự bao phủ dày đặc của các lớp màn thời gian. Tác giả tiểu thuyết lịch sử không thể là người biết trước và biết hết để kể cho chúng ta nghe một câu chuyện về lịch sử đã hoàn tất trong khi bản thân anh ta cũng chỉ là một chủ thể ở bên ngoài guồng máy vận động chung của lịch sử. Trong giới hạn những gì mình biết và hiểu (thậm chí mới chỉ tiên cảm), nhà văn cung cấp cho bạn đọc nhiều câu chuyện có liên quan đến nhân vật và sự kiện lịch sử. Lúc này, nhiệm vụ của người đọc là qua sự miêu tả của tác giả tiểu thuyết lịch sử, sẽ tự tìm ra những cách hiểu và cách lí giải mới, để hiểu, tranh luận và đối thoại cùng lịch sử. Như vậy, lịch sử hoàn toàn không phải là cái đã xảy ra mà là cái có thể xảy ra, lịch sử trở thành một sáng tạo mới trong cách hiểu về quá khứ của mỗi nhà văn và độc giả. Trong tiểu thuyết lịch sử không thể thiếu cả hai mảng hiện thực lịch sử trên. Nếu nhà văn chỉ quan tâm và đắm chìm ngòi bút trong cái thuộc về quá khứ, không nêu lên được vấn đề quan tâm của người hiện tại thì tác phẩm khó hấp dẫn bạn đọc. Trước thực tế đó, tiểu thuyết lịch sử cần có một kiểu lịch sử khác. Đó là kiểu lịch sử năng động, không ngừng được bù đắp và diễn giải theo cách hiểu của người hôm nay. Tác giả tiểu thuyết lịch sử cần phải miêu tả trong tác phẩm một hiện thực mang gương mặt thứ hai của lịch sử. Khi nhà văn miêu tả được trong tiểu thuyết lịch sử một hiện thực lịch sử năng động thì anh ta mới có thể mang lại sức sống bền lâu cho tác phẩm, khẳng định được ưu thế của tiểu thuyết lịch sử so với lịch sử và tiểu thuyết bởi cách diễn giải mới vừa đậm phong vị tiểu thuyết vừa giàu tố chất lịch sử. Việc mang trong mình cùng lúc hai lớp nghĩa lịch sử trên khiến cho hiện thực lịch sử được nhà văn phản ánh trong tiểu thuyết lịch sử là một hiện thực đặc thù. Tính đặc thù này ảnh hưởng không nhỏ đến cách tiếp cận tác phẩm của độc giả. Khác với độc giả các tác phẩm thuộc thể loại văn học khác, độc giả tiểu thuyết lịch sử thông qua việc đọc sử, học sử đã biết phần nào hoặc toàn bộ nội dung câu chuyện có trong tác phẩm. Những hiểu biết cơ bản trên là tiền giả định khách quan giúp độc giả dễ dàng tiếp cận tác phẩm đồng thời cũng là nguyên nhân khiến độc giả dễ rơi vào thói quen đọc đối chiếu, so sánh sự thật lịch sử với sự thật được phản ánh trong tác phẩm. Hơn nữa, thói quen trung thành với lịch sử tĩnh 31 Đoàn Thị Huệ tại cùng niềm tin ổn định về các giá trị con người và chiến công lịch sử của cha ông đã hình thành nơi người đọc yêu cầu khắc khe khi đối chiếu văn bản sử học với văn bản tiểu thuyết, lấy yếu tố lịch sử làm cơ sở định tính và định lượng giá trị tác phẩm thuộc thể tài tiểu thuyết lịch sử. Điều này dễ khiến độc giả dễ ngộ nhận về tính văn học của tác phẩm, về bản chất của lịch sử, đồng nhất những gì được ghi chép lại trong chính sử với chân lí lịch sử khách quan bất biến. Với cách đọc như thế, độc giả vô tình thủ tiêu đi vai trò hư cấu, sáng tạo nghệ thuật của nhà văn. Họ yêu cầu nhà văn sáng tác tiểu thuyết lịch sử phải đảm bảo được sự chính xác của các chi tiết lịch sử với những sự kiện có tầm vóc, những nhân vật can dự trực tiếp vào các biến cố lịch sử trọng đại theo quan điểm chính thống. Bên cạnh đó, cũng có nhóm độc giả tìm đến tiểu thuyết lịch sử không nhằm đọc/ học lại lịch sử hay xem cách nhà văn sử dụng câu chuyện tình ái, phiêu lưu, kiếm hiệp làm gia vị cho lịch sử ra sao mà để xem nhà văn đã có những kiến giải gì mới về lịch sử cũng như cách nhà văn đã dùng cả quan điểm và tư tưởng mang đậm dấu ấn cá nhânlí giải lịch sử quá khứ của cha ông như thế nào. Sự hình thành, phát triển, lan rộng nhóm độc giả này đã tạo nên môi trường tiếp nhận tích cực, động viên khích lệ tinh thần hư cấu sáng tạo của nhà văn khi tham gia sáng tác tiểu thuyết lịch sử. Như vậy, tính đặc thù ở cả hai đối tượng bao gồm hiện thực được phản ánh và độc giả thưởng thức tác phẩm đã đặt ra nhiều yêu cầu cho việc hư cấu sáng tạo nghệ thuật của tác giả tiểu thuyết lịch sử. Nó khiến cho công việc của nhà văn vừa có tính đặc thù vừa tự do lại vừa mất tự do trong nhu cầu, phạm vi, quyền năng và giới hạn của hoạt động sáng tạo, hư cấu nghệ thuật. 3. Kết luận Đối với các sáng tác văn học viết về đề tài lịch sử, hư cấu nghệ thuật là rất cần thiết nhưng hư cấu là để làm rõ sự thật, chứ không được bóp méo, xuyên tạc sự thật làm sai lệch lịch sử. Đây là yêu cầu hàng đầu, cũng là yêu cầu không thể thiếu khi đề cập đến vấn đề hư cấu nghệ thuật trong tiểu thuyết lịch sử. Viết về đề tài lịch sử, nhà văn cần chú ý giải quyết tốt mối quan hệ giữa hư cấu nghệ thuật và chân lí lịch sử trong cùng một tác phẩm. Những gì quan hệ đến sự kiện lịch sử dân tộc rất cần được tôn trọng. Nhà văn không được làm sai lệch tính cách nhân vật và bản chất sự kiện lịch sử. Khi tái hiện bức tranh hiện thực và con người lịch sử, nhà văn phải quan tâm đến chân lí lịch sử, tôn trọng những gì đã từng diễn ra trong quá khứ và được sử quan ghi lại trong chính sử, được số đông độc giả đồng thừa nhận. Những quy định vô hình này khiến cho công việc hư cấu, sáng tạo nghệ thuật của tác giả tiểu thuyết lịch sử bị giới hạn trong phạm vi nhất định. Nhà văn chủ yếu hư cấu, sáng tạo ở các phương diện chính như: đi sâu miêu tả phương diện nội tâm nhân vật; hư cấu thêm nhân vật, sự kiện không có thật trong lịch sử để làm nổi bật tầm vóc, vai trò nhân vật lịch sử; sử dụng yếu tố biến hóa, luân hồi, huyền thoại, huyền sử, dã sử, huyền tích để tô đậm thêm phần nguồn gốc xuất thân, phẩm hạnh, tài năng của nhân vật lịch sử cũng như tô đậm thêm phần đời sống tâm linh, văn hóa dân tộc cho bối cảnh câu chuyện, góp phần thể hiện tư tưởng, chủ đề tác phẩm. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Lại Nguyên Ân, 2004. 150 thuật ngữ văn học. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội. [2] Xuân Lâm, 1999. Từ điển Tiếng Việt. Nxb Thanh Hóa, Thanh Hóa. [3] Phương Lựu (chủ biên), 2002. Lí luận văn học. Nxb Giáo dục, Hà Nội. [4] Lê Thành Nghị, 2012, “Tinh thần của lịch sử trong văn học nghệ thuật”. https://sites.google. com/site/vanhocfamily/le-thanh-nghi-hu-cau-lich-su. 32 Hư cấu và hư cấu nghệ thuật trong tiểu thuyết lịch sử [5] Bình Nguyên, 2015. “Vấn đề hư cấu và giải thiêng trong tiểu thuyết lịch sử”. thuyet-lich-su-7999.html. ABSTRACT Fiction and art fiction in historical novel Đoàn Thị Huệ Faculty of Social Sciences Pedagogy, Dong Nai University Fiction is a peculiar activity of artistic creation. Art fiction is the same with creation, so to be aware of fictitious rights also means a sense of artistic creative power of the artist. The following article is our research in learning about fiction and art fiction issues on historical novels. With the article, we contribute to clarify the requirements and necessary method which writers used to recreate the vivid story of ancestors in the past. Keywords: Historical fiction, art fiction, creative power. 33
File đính kèm:
- hu_cau_va_hu_cau_nghe_thuat_trong_tieu_thuyet_lich_su.pdf