Một số bất cập trong quy chế cho vay của các tổ chức tín dụng đối với khách hàng

Thực tế cho thấy, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, quy chế cho vay của các tổ chức

tín dụng đối với khách hàng ban hành theo quyết định 1627 của Thống đốc Ngân hàng Nhà

nước Việt Nam đã tạo được sự chủ động và thuận lợi nhất định cho các tổ chức tín dụng cũng

như đối với khách hàng trong quan hệ vay vốn, giúp cho hoạt động cho vay của các tổ chức

tín dụng đi vào hoạt động qui củ hơn. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng còn một số bất cập ảnh

hưởng trực tiếp đến hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng (TCTD) cũng như hoạt động

vay vốn của khách hàng. Hơn thế nữa, khi nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng

với nền kinh tế thế giới, việc sửa đổi, bổ sung qui chế cho vay mới cho phù hợp với thông lệ

quốc tế là việc làm có tính cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.

pdf 7 trang yennguyen 11060
Bạn đang xem tài liệu "Một số bất cập trong quy chế cho vay của các tổ chức tín dụng đối với khách hàng", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Một số bất cập trong quy chế cho vay của các tổ chức tín dụng đối với khách hàng

Một số bất cập trong quy chế cho vay của các tổ chức tín dụng đối với khách hàng
NGHIÊN CỨU – TRAO ĐỔI 
TẠP CHÍ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ & THỰC PHẨM SỐ 07/2015 94 
MỘT SỐ BẤT CẬP TRONG QUI CHẾ CHO VAY CỦA CÁC 
TỔ CHỨC TÍN DỤNG ĐỐI VỚI KHÁCH HÀNG 
 TS. Nguyễn Văn Phúc(1), TS. Vũ Văn Thực(2) 
(1)Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM, (2)Ngân hàng Agribank 
1. Đặt vấn đề 
Thực tế cho thấy, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, quy chế cho vay của các tổ chức 
tín dụng đối với khách hàng ban hành theo quyết định 1627 của Thống đốc Ngân hàng Nhà 
nước Việt Nam đã tạo được sự chủ động và thuận lợi nhất định cho các tổ chức tín dụng cũng 
như đối với khách hàng trong quan hệ vay vốn, giúp cho hoạt động cho vay của các tổ chức 
tín dụng đi vào hoạt động qui củ hơn. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng còn một số bất cập ảnh 
hưởng trực tiếp đến hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng (TCTD) cũng như hoạt động 
vay vốn của khách hàng. Hơn thế nữa, khi nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng 
với nền kinh tế thế giới, việc sửa đổi, bổ sung qui chế cho vay mới cho phù hợp với thông lệ 
quốc tế là việc làm có tính cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. 
2. Một số bất cập trong qui chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng 
Thứ nhất là, theo Khoản 4 Điều 7 về điều kiện vay vốn trong quy chế cho vay của các 
tổ chức tín dụng đối với khách hàng ban hành theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN 
ngày 31/12/2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định: “có dự án đầu tư, phương án 
sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khả thi và có hiệu quả; hoặc có dự án đầu tư, phương án phục 
vụ đời sống khả thi và phù hợp với quy định của pháp luật”. Bất cập trong điều khoản này là 
đối với các khoản vay vốn tiêu dùng khách hàng không thể chứng minh tính hiệu quả của 
phương án vay vốn, hoặc đối với khoản vay cầm cố sổ tiết kiệm, chứng chỉ tiền gởi thì khách 
hàng đã có số dư tiền gởi trong ngân hàng, đây là nguồn thu, tài sản đảm bảo khá chắc chắn 
thì không có lý do gì khách hàng phải lập phương án để chứng minh phương án khả thi, qui 
định như vậy thực sự là không cần thiết. 
Thứ hai là, Điều 10 trong quy chế cho vay của các tổ chức tín dụng đối với khách hàng 
ban hành theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 của Thống đốc Ngân 
hàng Nhà nước quy định về thời hạn cho vay có qui định: “tổ chức tín dụng và khách hàng 
căn cứ vào chu kỳ sản xuất, kinh doanh, thời hạn thu hồi vốn của dự án đầu tư, khả năng trả 
nợ của khách hàng và nguồn vốn cho vay của tổ chức tín dụng để thoả thuận về thời hạn cho 
vay. Đối với các pháp nhân Việt Nam và nước ngoài, thời hạn cho vay không quá thời hạn 
hoạt động còn lại theo quyết định thành lập hoặc giấy phép hoạt động tại Việt Nam; đối với 
cá nhân nước ngoài, thời hạn cho vay không vượt quá thời hạn được phép sinh sống, hoạt 
động tại Việt Nam”. Bất cập trong điều khoản này là: hết chu kỳ sản xuất kinh doanh khách 
hàng có thể chưa thu được tiền hoặc ngược lại khách hàng được trả tiền trước thì việc xác 
định thời hạn cho vay sẽ không thực sự hợp lý, điều đó có thể dẫn đến tình trạng khách hàng 
thu được tiền bán hàng lại sử dụng vào mục đích khác hoặc chưa đến kỳ thu tiền nhưng đã 
đến hạn phải thanh toán nhưng chưa thu được tiền, do vậy dễ dẫn đến khách hàng thanh toán 
nợ không đúng như cam kết đã thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng. 
Thứ ba là, Điều 11 về lãi suất cho vay trong quy chế cho vay của các tổ chức tín dụng 
đối với khách hàng ban hành theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 của 
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định: “ Mức lãi suất cho vay do tổ chức tín dụng và 
NGHIÊN CỨU – TRAO ĐỔI 
TẠP CHÍ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ & THỰC PHẨM SỐ 07/2015 95 
khách hàng thoả thuận phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Mức lãi 
suất áp dụng đối với khoản nợ gốc quá hạn do tổ chức tín dụng ấn định và thoả thuận với 
khách hàng trong hợp đồng tín dụng nhưng không vượt quá 150% lãi suất cho vay áp dụng 
trong thời hạn cho vay đã được ký kết hoặc điều chỉnh trong hợp đồng tín dụng”. Điều khoản 
này có bất cập là: “chưa phù hợp với luật dân sự. Bộ Luật Dân sự quy định có lãi suất cơ bản 
với mức cho vay nếu vượt quá 150% là phạm tội cho vay nặng lãi. Còn Luật Ngân hàng Nhà 
nước (NHNN) số 47/2010/QH12 trong điều 12 quy định có lãi suất cơ bản; nhưng khoản 2 
điều 91 Luật Các tổ chức tín dụng lại cho phép các bên thỏa thuận lãi suất. Bộ luật Dân sự 
năm 2005 có hiệu lực thi hành, quy định về lãi nợ quá hạn đã có sự thay đổi, cụ thể Khoản 5 
Điều 474 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: trong trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên 
vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi trên nợ gốc và lãi nợ quá hạn 
theo lãi suất cơ bản do NHNN công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ”. 
Thứ tư là, Khoản 3 Điều 15 trong qui chế cho vay của các tổ chức tín dụng đối với 
khách hàng ban hành theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 của Thống 
đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về thẩm định và quyết định cho vay trong qui chế cho vay 
có quy định: “tổ chức tín dụng quy định cụ thể và niêm yết công khai thời hạn tối đa phải 
thông báo quyết định cho vay hoặc không cho vay đối với khách hàng, kể từ khi nhận được 
đầy đủ hồ sơ vay vốn và thông tin cần thiết của khách hàng. Trường hợp quyết định không 
cho vay, tổ chức tín dụng phải thông báo cho khách hàng bằng văn bản, trong đó nêu rõ căn 
cứ từ chối cho vay”. Điều khoản này có bất cập là: “chưa có chế tài cụ thể đối với tổ chức tín 
dụng không công bố và cũng không trả lời bằng văn bản khi từ chối cho vay”. 
Thứ năm là, Điều 16 về phương thức cho vay trong qui chế cho vay của các tổ chức tín 
dụng đối với khách hàng ban hành theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 
31/12/2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định: “tổ chức tín dụng thoả thuận với 
khách hàng vay việc áp dụng các phương thức cho vay; (1) cho vay từng lần (2) cho vay theo 
hạn mức tín dụng (3) cho vay theo dự án đầu tư (4) cho vay hợp vốn (5) cho vay trả góp (6) 
cho vay theo hạn mức tín dụng dự phòng (7) cho vay thông qua nghiệp vụ phát hành và sử 
dụng thẻ tín dụng (8) cho vay theo hạn mức thấu chi (9) các phương thức cho vay khác mà 
pháp luật không cấm”. Bất cập điều khoản này là: “phương thức cho vay khác theo quy chế là 
thiếu cụ thể; một số phương thức cho vay chưa thực sự phù hợp với điều kiện thực tế và 
thông lệ quốc tế”. 
Thứ sáu là, Điều 18 về giới hạn cho vay trong qui chế cho vay của các tổ chức tín dụng 
đối với khách hàng ban hành theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 của 
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định: “(1) tổng dư nợ cho vay đối với một khách hàng 
không được vượt quá 15% vốn tự có của tổ chức tín dụng trừ trường hợp đối với những 
khoản cho vay từ các nguồn vốn ủy thác của Chính phủ, của các tổ chức và cá nhân. Trường 
hợp nhu cầu vốn của một khách hàng vượt quá 15% vốn tự có của tổ chức tín dụng hoặc 
khách hàng có nhu cầu huy động vốn từ nhiều nguồn thì các tổ chức tín dụng cho vay hợp 
vốn theo quy định của NHNN Việt Nam. (2) trong trường hợp đặc biệt, TCTD chỉ được cho 
vay vượt quá mức giới hạn cho vay quy định tại Khoản 1 điều này khi được Thủ tướng Chính 
phủ cho phép đối với từng trường hợp cụ thể. (3) việc xác định vốn tự có của các tổ chức tín 
dụng để làm căn cứ tính toán giới hạn cho vay quy định tại Khoản 1 và 2 Điều này thực hiện 
theo quy định của NHNN Việt Nam”. Bất cập trong điều khoản này là: “các tổ chức tín dụng 
có cùng chủ sở hữu (sở hữu chéo) sẽ có trường hợp tổng dư nợ khi cho khách hàng vượt 15% 
NGHIÊN CỨU – TRAO ĐỔI 
TẠP CHÍ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ & THỰC PHẨM SỐ 07/2015 96 
của 1 TCTD; TT 36/2014/TT-NHNN xác định các phương thức cấp tín dụng trong khoản 12 
điều 3 bao gồm Đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Cần xác định và tách biệt giữa tín dụng và 
đầu tư vì TCTD không cho cấp tín dụng, chỉ đầu tư cổ phiếu doanh nghiệp mà cho rằng cấp 
tín dụng là không phù hợp”, 
Thứ bảy là, Điều 19 về những trường hợp không được cho vay trong qui chế cho vay 
của các tổ chức tín dụng đối với khách hàng ban hành theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-
NHNN ngày 31/12/2001 của thống đốc ngân hàng Nhà nước quy định: “(1) tổ chức tín dụng 
không được cho vay đối với khách hàng trong các trường hợp sau đây: a) thành viên hội đồng 
quản trị, ban kiểm soát, tổng giám đốc (giám đốc), phó tổng giám đốc (phó giám đốc) của tổ 
chức tín dụng; b) cán bộ, nhân viên của chính tổ chức tín dụng đó thực hiện nhiệm vụ thẩm 
định, quyết định cho vay; c) bố, mẹ, vợ, chồng, con của thành viên hội đồng quản trị, ban 
kiểm soát, tổng giám đốc (giám đốc), phó tổng giám đốc (phó giám đốc)...”. Bất cập trong 
điều khoản này là: “nếu cấm như trên thực sự chưa phù hợp, vì các đối tượng trên có thể cho 
vay chéo giữa các tổ chức tín dụng với nhau với các điều kiện cho vay, lãi suất, ưu đãi như 
nhau thì vô tình vô hiệu hóa quy chế này”. 
Thứ tám là, Điều 20 về hạn chế cho vay trong qui chế cho vay của các tổ chức tín dụng 
đối với khách hàng ban hành theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 của 
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định: “tổ chức tín dụng không được cho vay không có 
bảo đảm, cho vay với những điều kiện ưu đãi về lãi suất, về mức cho vay đối với những đối 
tượng sau đây: 1. Tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên có trách nhiệm kiểm toán tại tổ chức tín 
dụng cho vay; thanh tra viên thực hiện nhiệm vụ thanh tra tại tổ chức tín dụng cho vay; kế 
toán trưởng của tổ chức tín dụng cho vay; 2. Các cổ đông lớn của tổ chức tín dụng; 3. Doanh 
nghiệp có một trong những đối tượng quy định tại khoản 1 Điểu 77 của Luật các tổ chức tín 
dụng sở hữu trên 10% vốn điều lệ của doanh nghiệp đó”. Bất cập trong điều khoản này là: 
“Các đối tượng trên đã là khách hàng thì phải có trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ như các 
khách hàng khác, không nên có hạn chế này vì kiểm toán, thanh tra có nhiều cấp giám sát 
chéo, trong đó có NHNN. Hơn nữa tổ chức tín dụng tự chủ chịu trách nhiệm cho vay mà 
không ai có quyền can thiệp như điều 5 quy chế. Như vậy, mâu thuẫn với điều 5 của Quy chế 
này”. 
Thứ chín là, Điều 21 về kiểm tra, giám sát vốn vay trong qui chế cho vay của các tổ 
chức tín dụng đối với khách hàng ban hành theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 
31/12/2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định: “tổ chức tín dụng xây dựng quy 
trình và thực hiện kiểm tra, giám sát quá trình vay vốn, sử dụng vốn vay và trả nợ của khách 
hàng phù hợp với đặc điểm hoạt động của tổ chức tín dụng và tính chất của khoản vay nhằm 
đảm bảo hiệu quả và khả năng thu hồi vốn vay”. Bất cập trong điều khoản này là: “việc qui 
định mang tính chất chung chung như vậy gây khó khăn cho các TCTD, hiện nay trong điều 
kiện nền kinh tế Việt Nam có nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh hoàn toàn không thể có 
hoá đơn chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn vay, chẳng hạn như: thu mua các mặt 
hàng nông sản của nông dân, cầm đồ, thu mua các mặt hàng phục vụ cho sản xuất tiểu thủ 
công nghiệp, buôn bán nhỏ Như vậy, sẽ rất khó khăn cho khách hàng vay cũng như các 
TCTD”. 
Thứ mười là, Điều 22 về điều chỉnh kỳ hạn trả nợ gốc và lãi, gia hạn trả nợ gốc và lãi 
trong qui chế cho vay của các tổ chức tín dụng đối với khách hàng ban hành theo Quyết định 
số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định: 
NGHIÊN CỨU – TRAO ĐỔI 
TẠP CHÍ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ & THỰC PHẨM SỐ 07/2015 97 
“1. Điều chỉnh kỳ hạn trả nợ gốc, gia hạn trả nợ gốc: a) Trường hợp khách hàng không trả 
được nợ gốc đúng kỳ hạn đã thoả thuận trong hợp đồng tín dụng và có văn bản đề nghị thì tổ 
chức tín dụng xem xét cho điều chỉnh kỳ hạn trả nợ. b) trường hợp khách hàng không trả nợ 
hết nợ gốc trong thời hạn cho vay và có văn bản đề nghị gia hạn nợ, thì tổ chức tín dụng xem 
xét gia hạn nợ. Thời hạn gia hạn nợ đối với cho vay ngắn hạn tối đa bằng 12 tháng, đối với 
cho vay trung hạn và dài hạn tối đa bằng 1/2 thời hạn cho vay đã thoả thuận trong hợp đồng 
tín dụng. Trường hợp khách hàng đề nghị gia hạn nợ quá các thời hạn này do nguyên nhân 
khách quan và tạo điều kiện cho khách hàng có khả năng trả nợ, thì chủ tịch hội đồng quản trị 
hoặc tổng giám đốc (giám đốc) tổ chức tín dụng xem xét quyết định và báo cáo ngay Ngân 
hàng Nhà nước Việt Nam sau khi thực hiện”. Bất cập trong điều khoản này là: “theo các 
quy định hiện hành về gia hạn nợ vay cho khách hàng, các tổ chức tín dụng được xem xét gia 
hạn nợ đối với vay ngắn hạn tối đa là 12 tháng, đối với cho vay trung và dài hạn tối đa bằng 
1/2 thời hạn cho vay. Nhưng bên cạnh đó lại bổ sung thêm một quy định khác là “trường hợp 
gia hạn nợ vượt quá thời hạn này do nguyên nhân khách quan, tổng giám đốc tổ chức tín 
dụng quyết định và báo cáo thống đốc NHNN”. Quy định như vậy phù hợp với chủ trương 
giao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm cho các tổ chức tín dụng trong việc xử lý rủi ro với 
thời hạn của khoản vay. Tuy nhiên, trên thực tế, một số tổ chức tín dụng đã giao quyền quá 
lớn cho các chi nhánh của mình trong việc quyết định gia hạn nợ, dẫn đến có tình trạng gia 
hạn nợ tràn lan ở một số nơi, vượt thời hạn tối đa theo quy định, nên không phản ánh đúng 
chất lượng tín dụng. Doanh nghiệp được lợi, nhưng ngân hàng phải chịu nhiều rủi ro”. 
4. Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện qui chế cho vay của các tổ chức tín dụng đối với 
khách hàng 
 Một là, về phương án xin vay: để phù hợp với điều kiện thực tế, NHNN nên xem xét 
chỉnh sửa, bổ sung khoản 4 điều 7 trong qui chế cho vay của các tổ chức tín dụng đối với 
khách hàng theo hướng có qui định riêng cho từng đối tượng khách hàng vay vốn. Đối với 
cho vay tiêu dùng, khoản vay cầm cố giấy tờ có giá không nên qui định khách hàng có dự án 
đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khả thi và có hiệu quả; hoặc có dự án đầu tư, 
phương án phục vụ đời sống khả thi và phù hợp với quy định của pháp luật; cho vay tiêu 
dùng khách hàng không thể chứng minh tính hiệu quả của phương án vay vốn, hơn thế nữa 
đối với khách hàng cầm cố giấy tờ có giá, đây là khoản tiền khách hàng gửi vào ngân hàng 
thì không nên qui định bắt buộc khách hàng chứng minh tính khả thi, hiệu quả của phương 
án, dự án; hơn thế nữa tiền gửi của khách hàng nằm trong tài khoản của ngân hàng là một 
khoản đảm bảo khá chắc chắn để ngân hàng thu hồi nợ thì cần gì phải chứng minh khả thi, 
hiệu quả của phương án vay vốn. 
Hai là, khi xác định thời hạn vay nên quy định căn cứ vào chu kỳ ngân quĩ của khách 
hàng, khả năng trả nợ và nguồn vốn của các tổ chức tín dụng thì sẽ hợp lý hơn: như đã trình 
bày ở trên nếu các tổ chức tín dụng căn cứ vào chu kỳ sản xuất, kinh doanh của khách hàng 
sẽ xảy ra tình trạng khi bán hàng khách hàng chưa thu tiền (bán chịu hàng hóa) hoặc khách 
hàng nhận tiền trước khi giao hàng (trả trước tiền hàng) và như vậy nếu xác định thời hạn cho 
vay theo chu kỳ sản xuất kinh doanh sẽ xảy ra tình trạng khách hàng nhận được tiền nhưng 
do chưa đến hạn nên không trả nợ và sử dụng vào mục đích khác hoặc đến hạn nhưng chưa 
đến thời kỳ thu tiền, điều này ảnh hưởng đến tình hình trả nợ vay, cũng như khả năng thu hồi 
vốn vay của các tổ chức tín dụng. Do đó, qui chế cho vay nên điều chỉnh lại là xác định thời 
hạn cho vay căn cứ vào chu kỳ ngân quĩ của khách hàng thì sẽ hợp lý hơn. 
NGHIÊN CỨU – TRAO ĐỔI 
TẠP CHÍ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ & THỰC PHẨM SỐ 07/2015 98 
Ba là, quy định về lãi suất vay trong qui chế cho vay cần phải phù hợp với luật Dân sự 
và luật các tổ chức tín dụng: quy định về lãi suất áp dụng đối với các khoản nợ quá hạn được 
thỏa thuận tối đa không quá 150% thiếu cụ thể, phản ánh không đúng bản chất của chế tài tín 
dụng đối với khách hàng vay không trả nợ đúng hạn. Bởi vì, các tổ chức tín dụng có thể thỏa 
thuận với khách hàng một lãi suất quá hạn bằng lãi suất cho vay trong hạn. Ở đây, ta thấy đòi 
hỏi đặt ra là phải có hệ thống pháp luật đồng bộ và cụ thể từ các văn bản pháp luật. Do đó, 
việc qui định lãi suất cho vay trong qui chế cho vay phải căn cứ vào qui định của pháp luật 
hiện hành, như vậy lãi suất cho vay phải căn cứ vào qui định của bộ luật dân sự cũng như luật 
tổ chức tín dụng. 
Bốn là, qui chế cho vay cần bổ sung về điều khoản chế tài đối với các TCTD không 
công bố và cũng không trả lời bằng văn bản khi từ chối cho vay: theo qui định, tổ chức tín 
dụng quy định cụ thể và niêm yết công khai thời hạn tối đa phải thông báo quyết định cho 
vay hoặc không cho vay đối với khách hàng, kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ vay vốn và 
thông tin cần thiết của khách hàng. Trường hợp quyết định không cho vay, tổ chức tín dụng 
phải thông báo cho khách hàng bằng văn bản, trong đó nêu rõ căn cứ từ chối cho vay. Tuy 
nhiên, qui chế không có chế tài đối với tổ chức tín dụng không thông báo cho khách hàng 
biết, điều đó dẫn đến tình trạng ngân hàng không cho vay và cũng không thông báo cho 
khách hàng biết lý do tại sao mà không bị chế tài nào xử phạt, điều này ảnh hưởng đến niềm 
tin của khách hàng vào các tổ chức tín dụng, bởi vì nếu một khách hàng đủ điều kiện vay vốn 
nhưng vì một lý do tế nhị nào đó, ngân hàng từ chối cho vay mà cũng không thông báo cho 
khách hàng biết. Như vậy, để cho qui chế cho vay thực sự minh bạch, thiết nghĩ trong qui chế 
cho vay cần qui định cụ thể chế tài xử lý đối với các tổ chức tín dụng từ chối cho vay mà 
không thông báo cho khách hàng biết. 
Năm là, cần rút bớt và bổ sung một số phương thức cho vay cho phù hợp với thông lệ 
quốc tế và điều kiện thị trường: bổ sung phương thức cho vay quay vòng; phương thức cho 
vay tái tục. Trong đó, tổ chức tín dụng khi thực hiện phương thức cho vay tái tục và phương 
thức cho vay quay vòng, phải đáp ứng một số điều kiện và ban hành quy định nội bộ đối với 
phương thức này gửi cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng theo quy định tại Điều 93 Luật 
các TCTD. Bên cạnh đó, cần bỏ quy định về phương thức cho vay thông qua phát hành và sử 
dụng thẻ tín dụng, vì theo quy định tại khoản 3 Điều 98 Luật các TCTD, thì việc phát hành 
thẻ tín dụng không phải là hình thức cho vay, mà là một trong những hình thức cấp tín dụng 
khác. 
Sáu là, qui định cụ thể đối với các tổ chức tín dụng có cùng sở hữu: trên thực tế, các tổ 
chức tín dụng có cùng chủ sở hữu (sở hữu chéo) sẽ xảy ra trường hợp tổng dư nợ cho khách 
hàng vượt 15% của một tổ chức tín dụng. Do đó, nhằm đảm bảo tính chặc chẽ của qui chế 
cho vay, qui chế cho vay cần qui định cụ thể hơn nữa trong trường hợp này. Mặt khác, qui 
chế cho vay cũng cần xác định và tách biệt giữa tín dụng và đầu tư để là rõ hơn nữa trong 
điều khoản giới hạn cho vay. 
Bảy là, xem xét bỏ qui định tại điều 19 về những trường hợp không được cho vay: như 
đã phân tích ở trên, nếu cấm như trên là chưa phù hợp, vì các đối tượng trên có thể cho vay 
chéo giữa các TCTD với nhau với các điều kiện cho vay, lãi suất, ưu đãi như nhau thì vô 
tình vô hiệu hóa quy chế này. Hơn thế nữa, các đối tượng trên có thể thành lập doanh nghiệp 
khác do người thân không phải là đối tượng điều chỉnh dùng để vay vốn và như vậy qui định 
NGHIÊN CỨU – TRAO ĐỔI 
TẠP CHÍ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ & THỰC PHẨM SỐ 07/2015 99 
trên sẽ không còn ý nghĩa nữa. Thiết nghĩ, qui chế cho vay vẫn cho các đối tượng trên vay 
theo tỷ lệ nhất định và mức trích lập dự phòng cao nhất để dễ kiểm soát. 
Tám là, các đối tượng hạn chế cho vay được xem là khách hàng thông thường: đã là 
khách hàng thì phải có quyền lợi và trách nhiệm phải như nhau, không nên phân biệt với 
nhau. Do đó, qui chế cho vay không nên có hạn chế này vì kiểm toán, thanh tra có nhiều cấp 
giám sát chéo và đã là khách hàng thì phải có trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ như các 
khách hàng khác. 
Chín là, cần có qui định các loại chứng từ chứng minh việc sử dụng vốn vay cụ thể phù 
hợp với điều kiện thực tế ở Việt Nam: như đã phân tích ở trên, trong điều kiện nền kinh tế 
Việt Nam hiện nay, có nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh hoàn toàn không thể có hóa đơn 
chứng từ chứng minh sử dụng vốn vay, chẳng hạn như: thu mua các mặt hàng nông sản của 
nông dân, cầm đồ, thu mua các mặt hàng phục vụ cho sản xuất tiểu thủ công nghiệp, buôn 
bán nhỏ... nếu bắt buộc phải có hóa đơn chứng từ để chứng minh mục đích sử dụng vốn vay 
thì gây khó khăn cho khách hàng cũng như các TCTD. Do đó, điều khoản này nên qui định 
chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn vay phù hợp với điều kiện thực tế, không trái với 
qui định của pháp luật, qui định như vậy sẽ phù hợp với điều kiện thực tiễn hơn. 
Mười là, cần bổ sung điều khoản để hạn chế tình trạng gia hạn nợ, không phản ánh 
được chất lượng tín dụng: theo các quy định hiện hành về gia hạn nợ vay cho khách hàng, 
các tổ chức tín dụng được xem xét gia hạn nợ đối với vay ngắn hạn tối đa là 12 tháng, đối với 
cho vay trung và dài hạn tối đa bằng 1/2 thời hạn cho vay. Bên cạnh đó, qui chế cho vay cũng 
bổ sung thêm quy định khác là “trường hợp gia hạn nợ vượt quá thời hạn này do nguyên nhân 
khách quan, Tổng giám đốc tổ chức tín dụng quyết định và báo cáo Thống đốc NHNN”. Quy 
định như vậy phù hợp với chủ trương giao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm cho các tổ 
chức tín dụng trong việc xử lý rủi ro với thời hạn của khoản vay. Tuy nhiên, trên thực tế, một 
số tổ chức tín dụng đã giao quyền quá lớn cho các chi nhánh của mình trong việc quyết định 
gia hạn nợ, dẫn đến xảy ra tình trạng gia hạn nợ tràn lan ở một số nơi, vượt thời hạn tối đa 
theo quy định, nên không phản ánh đúng chất lượng tín dụng của các tổ chức tín dụng. Do đó, 
qui chế cho vay của các tổ chức tín dụng đối với khách hàng cần phải có qui định cụ thể thời 
gian ra hạn tối đa là bao nhiêu, cụ thể như thế nào để tránh trường hợp lợi dụng khe hở để gia 
hạn tràn lan, không phản ánh thực chất của khoản nợ, ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng và 
an toàn hệ thống ngân hàng. 
 TÓM LẠI 
Hoàn thiện qui chế cho vay của các tổ chức tín dụng đối với khách hàng sẽ tạo điều 
kiện thuận lợi hơn cho các tổ chức tín dụng hoạt động an toàn, hiệu quả hơn, bên cạnh đó 
giúp cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn một cách thuận lợi hơn để đầu tư cho phát triển kinh 
tế. Trong khuôn khổ bài báo này, tác giả đã trình bày một số bất cập trong qui chế cho vay 
của các tổ chức tín dụng đối với khách hàng và đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện qui 
chế cho vay của các tổ chức tín dụng đối với khách hàng. Hy vọng rằng những giải pháp nếu 
chỉnh sửa, bổ sung sẽ tạo điều kiện hơn nữa đối với các tổ chức tín dụng và khách hàng vay 
vốn. 
NGHIÊN CỨU – TRAO ĐỔI 
TẠP CHÍ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ & THỰC PHẨM SỐ 07/2015 100 
TÀI LIỆU THAM KHẢO 
[1]. Bùi Diệu Anh (2010). Tín dụng Ngân hàng. NXB Phương Đông. 
[2]. Nguyễn Văn Phúc (2015). Định hướng và giải pháp hoàn thiện qui chế cho vay 
của các tổ chức tín dụng trong điều kiện hiện nay. Đề tài Nghiên cứu Khoa học 
cấp Ngành. 
[3]. Luật dân sự 33/2005/QH11. 
[4]. Luật các Tổ chức tín dụng 47/2010/QH12. 
[5]. Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 của Thống đốc Ngân 
hàng Nhà nước. 
[6].  
[7]. cho-vay-cua-ngan-hang/213349.vgp. 

File đính kèm:

  • pdfmot_so_bat_cap_trong_qui_che_cho_vay_cua_cac_to_chuc_tin_dun.pdf