Sự chuyển biến bước đầu từ ngữ vựng Hán Nôm sang ngữ vựng quốc ngữ (Khảo sát qua tác phẩm Phép giảng tám ngày của Alecxandre De Rhodes)
Giai đoạn chuyển biến từ hệ thống ngữ vựng Hán-Nôm sang hệ thống ngữ vựng
chữ quốc ngữ diễn ra từ lúc chữ quốc ngữ khai sinh (khoảng giữa thế kỷ XVII)
cho đến thời Gia Định báo (nửa cuối thế kỷ XIX). Qua nghiên cứu tác phẩm
Phép giảng tám ngày chúng tôi thấy sự chuyển biến bước đầu của ngữ vựng
diễn ra trên hai khía cạnh: sự du nhập của từ vựng nước ngoài và sự hình thành
lớp ngữ vựng mới có tính đặc thù, chuyên biệt, và đặc biệt là có tính học thuật.
Bạn đang xem tài liệu "Sự chuyển biến bước đầu từ ngữ vựng Hán Nôm sang ngữ vựng quốc ngữ (Khảo sát qua tác phẩm Phép giảng tám ngày của Alecxandre De Rhodes)", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên
Tóm tắt nội dung tài liệu: Sự chuyển biến bước đầu từ ngữ vựng Hán Nôm sang ngữ vựng quốc ngữ (Khảo sát qua tác phẩm Phép giảng tám ngày của Alecxandre De Rhodes)
TẠP CHÍ KHOA HỌC XÃ HỘI số 12 (208) 2015 51 SỰ CHUYỂN BIẾN BƯỚC ĐẦU TỪ NGỮ VỰNG HÁN NÔM SANG NGỮ VỰNG QUỐC NGỮ (KHẢO SÁT QUA TÁC PHẨM PHÉP GIẢNG TÁM NGÀY CỦA ALECXANDRE DE RHODES) HUỲNH VĨNH PHÚC Giai đoạn chuyển biến từ hệ thống ngữ vựng Hán-Nôm sang hệ thống ngữ vựng chữ quốc ngữ diễn ra từ lúc chữ quốc ngữ khai sinh (khoảng giữa thế kỷ XVII) cho đến thời Gia Định báo (nửa cuối thế kỷ XIX). Qua nghiên cứu tác phẩm Phép giảng tám ngày chúng tôi thấy sự chuyển biến bước đầu của ngữ vựng diễn ra trên hai khía cạnh: sự du nhập của từ vựng nước ngoài và sự hình thành lớp ngữ vựng mới có tính đặc thù, chuyên biệt, và đặc biệt là có tính học thuật. Tác phẩm Phép giảng tám ngày của linh mục Alexandre De Rhodes (1593 - 1660) được Bộ Truyền giáo Roma xuất bản năm 1651, ngoài phương diện tôn giáo, điểm đặc biệt về phương diện ngôn ngữ của tác phẩm này là nó được viết song ngữ: La ngữ và Việt ngữ; và đặc biệt hơn nữa, có lẽ đây là tác phẩm đầu tiên được viết bằng chữ quốc ngữ mà hiện nay chúng ta tìm thấy được. Vì là tác phẩm đầu tiên được viết bằng chữ quốc ngữ nên hiển nhiên Phép giảng tám ngày là tài liệu rất quan trọng để nghiên cứu về chữ quốc ngữ ở thời kỳ sơ khởi(1). 1. SỰ DU NHẬP TỪ VỰNG GỐC LATINH VÀO HỆ THỐNG NGỮ VỰNG TIẾNG VIỆT Sự du nhập của từ vựng nước ngoài vào hệ thống từ vựng của một nước là hiện tượng ngôn ngữ - văn hóa rất phổ biến. Trong ngữ vựng của tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức... có rất nhiều từ được du nhập từ tiếng Latinh và tiếng Hy Lạp, trong ngữ vựng của tiếng Hán có nhiều từ được du nhập từ Ấn Độ. Sự du nhập hay là sự vay mượn từ ngữ giữa các dân tộc khác nhau là kết quả của quá trình giao lưu văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội giữa các dân tộc. Trong lịch sử phát triển, từ trước năm 1651 tiếng Việt cũng đã du nhập từ vựng của các nước khác, như Trung Quốc, Ấn Độ... Nhưng có lẽ chỉ từ năm 1651, khi Phép giảng tám ngày được xuất bản, tiếng Việt mới bắt đầu du nhập từ vựng có gốc Latinh hay gốc Hy Lạp của nền văn hóa Kitô giáo xa lạ. Khảo sát Phép giảng tám ngày, chúng tôi nhận thấy một lượng khá nhiều các từ ngữ có gốc Latinh hay gốc Hy Lạp Huỳnh Vĩnh Phúc. Tiến sĩ. Trung tâm Văn học và Ngôn ngữ học, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ. HUỲNH VĨNH PHÚC – SỰ CHUYỂN BIẾN BƯỚC ĐẦU TỪ 52 tham gia vào cấu trúc văn bản tiếng Việt. Sau đây chúng tôi sơ bộ thống kê, phân loại và phân tích cách thức các từ ngữ này tham gia cấu tạo văn bản tiếng Việt. 1.1. Bảng thống kê và phân loại các từ ngữ gốc Latinh hay gốc Hy Lạp trong văn bản Phép giảng tám ngày: Từ chỉ khái niệm: angeli (tr.44), gratia (tr.44), gloria (tr.44), latria (tr.285), dulia (tr.285), hyperdulia (tr.285), Sanctissima Trinitas (tr.133), thánh Ecclesia Catholica (tr.135), Sanctissima Trinidade (tr.136), đức Spiritus Sanstus (tr.136) (hay đức Spirito Sancto), Sacramento (tr.248), Firmamentum (tr.69), Apostolo (tr.177), Evangelio (tr.177), limbo (tr.240), Deus (tr.58), Crux (tr.217). Từ chỉ tên thần thánh, ma quỉ hay tên người: Assirio (tr.62), Lucifer (tr.65), Satan (tr.67), quỉ Alala/quỉ Calala (tr.106), Đức thánh Michael (tr.66), ông Adam (tr.74), bà Eva (tr.78), bà Sara (tr.125), ông Noe (tr.78), ông Abel (tr.94), thằng Cain (tr.94), ông Seth (tr.95), ông Henoch (tr.95), ông Mathasula, Sem/Cam/Japhet (tr.102), Abraham/ Isaac (tr.103), David (tr.125), ông Joanchim/bà Anna (tr.144), ông Joseph (tr.146), bà Elisabeth/ông Zacharia/thánh Joan (tr.156), vua Augustus Caesar/trấn thủ Cyrino/vua Octaviano Augusto/ông Simeon (tr.173), ông Moyses (tr.178)/ông Pedro (tr.182), đức Chúa Jesu/đức Chúa Bà Maria (tr.133), thánh Augustinus, Emmanuel (tr.148), đức thánh Grabiel (tr.148), Christo/Jesu Christo (tr.152), Christum Domini (tr.173). Từ chỉ địa danh: Armenia (tr.99), Sennaar (tr.102), Babilon (tr.102), nước Judaea (tr.104), nước India (tr.105), thành Nazareth (tr.147), nước Roma, xứ Siria, xứ Galilêa, Bethleem (tr.159), thành Hierusalem (tr.164), nước Israel (tr.173), thành Nain (tr.186). Một số danh từ khác: Cây oliva (tr.100), chất Myrrha (mộc dược) (tr.165), Coena (phòng tiệc ly) (tr.252), Argenteus (tr.209) (tiền Do Thái). Trước hết, sự du nhập của các danh từ chỉ tên gọi (nhân danh hay địa danh) phản ánh sự mở rộng phạm vi giao lưu của văn hóa bản địa với văn hóa của các vùng miền xa xôi khác. Nhìn lại những văn bản thịnh hành hiện nay cũng viết về những tên gọi này, có thể thấy việc du nhập các danh từ loại này diễn ra khá dễ dàng. Sau khi du nhập, sự hoạt động của nó trong hệ thống ngữ vựng mới cũng khá ổn định, ít thay đổi, chỉ có một số rất ít những từ mà lúc ban đầu gọi chưa chính xác về sau được điều chỉnh lại cho đúng. Bên cạnh đó, sự gia tăng các danh từ nhân danh hay địa danh nước ngoài trong hệ thống ngữ vựng, ở chừng mực nào đó cũng cho thấy sự gia tăng kiến thức về dân tộc học, địa lý học, lịch sử... Trong Phép giảng tám ngày, các danh từ nhân danh hay địa danh phần lớn có nguồn gốc từ Kinh thánh, chúng gắn liền với một câu chuyện TẠP CHÍ KHOA HỌC XÃ HỘI số 12 (208) 2015 53 hay một nội dung nào đó của Kinh thánh. Vì vậy, các danh từ này hoạt động trong hệ thống ngữ vựng tiếng Việt với tính chất danh từ chỉ điển cố, tương tự như danh từ chỉ điển cố tiếng Hán. Ngoài ra, vì Kinh thánh có nội dung tôn giáo - thần học nên các danh từ nhân danh hay địa danh cũng có những ý nghĩa biểu tượng, diễn đạt các khái niệm về tôn giáo và thần học, do đó các danh từ này cũng tham gia vào cấu trúc văn bản Việt ngữ như là những danh từ chỉ khái niệm. Ví dụ như: ông Adam, bà Eva, sự tạo dựng nhân loại và tội nguyên tổ/ông Abraham, lòng tin mạnh mẽ, tuyệt đối/ ông Joan, sự tiền hô, sự loan báo về đấng cứu thế/Bethleem, miền đất an lành/Hierusalem, thánh đô vinh quang, thánh đô muôn đời/Nazareth, không gian của một gia đình hạnh phúc... Sự du nhập các danh từ chỉ khái niệm có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát triển hệ thống ngữ vựng bản địa. Đây là một trong những phương thức chủ yếu nhất làm thay đổi hệ thống ngữ vựng, kiến tạo nên những danh từ mới diễn đạt những quan niệm mới, tri thức mới. Vì là danh từ chỉ khái niệm có tính trừu tượng cao, và là quan niệm của một hệ thống văn hóa khác, nên ban đầu chúng cũng rất xa lạ. Khi các từ này du nhập vào hệ thống ngữ vựng tiếng Việt và tham gia cấu tạo văn bản Việt, chúng có hình thức chữ viết và âm đọc hoàn toàn như trong ngôn ngữ nguồn. Các ý nghĩa của nó được diễn giải dần dần bằng các ngữ danh từ thường là có cấu trúc dài dòng, cách diễn giải phong phú và tùy thuộc vào văn cảnh. Sau đó, qua quá trình sử dụng lâu dài chúng mới được dịch sang Việt văn một cách cụ thể, cố định và gọn gàng. Việc dịch các danh từ khái niệm là rất khó khăn nên đến ngày nay vẫn có những danh từ chưa được dịch sang tiếng Việt một cách hoàn chỉnh. Đọc Phép giảng tám ngày, ta thấy có những câu cùng lúc xuất hiện nhiều danh từ khái niệm gốc Latinh như: “Vì vậy đức Chúa trời hóa ra loài thiên thần, gọi là angeli, chẳng có mình vóc gì, mà những thiêng liêng, lại chịu được nghĩa cùng đức Chúa trời, gọi là gratia, cùng chịu được glori là thấy mặt đức Chúa trời, cho được thông vui vẻ cùng đức Chúa trời” (tr.44). Câu trên cho thấy sự thâm nhập mạnh mẽ của danh từ khái niệm nước ngoài vào hệ thống ngữ vựng và cấu trúc câu tiếng Việt, bắt đầu từ chữ quốc ngữ, chuyển tải vào đó những khái niệm mới. Ở đây vấn đề đặt ra là bằng phương thức nào các danh từ đó “tỏ lộ” ý nghĩa của nó trong cấu trúc văn bản Việt? Phương thức đầu tiên và đơn giản nhất là danh từ nước ngoài B tham gia vào cấu trúc lỏng và gián tiếp : “A + gọi là B” hay cấu trúc: “B + là A”, trong đó A là một ngữ hay là một mệnh đề làm chức năng diễn giải cho B. Hầu hết các danh từ khái niệm nước ngoài lần đầu tiên tham gia vào cấu trúc văn bản Việt đều theo phương thức này. Như câu chúng tôi trích dẫn ở trên là câu trong đó cả ba từ angeli, gratia, glori cùng lúc xuất hiện lần đầu tiên, và được định nghĩa HUỲNH VĨNH PHÚC – SỰ CHUYỂN BIẾN BƯỚC ĐẦU TỪ 54 ở trong cấu trúc “A + gọi là B”, “B + là A”. Tuy nhiên, phương thức này chưa lột tả được hết ý nghĩa của B, do đó trong những lần xuất hiện kế tiếp B sẽ tham gia vào cấu trúc chặt và trực tiếp: “a’ + B” hay cấu trúc: “a’ + a” + B”, trong đó a’ và a” là từ kết hợp trực tiếp với B làm chức năng bổ nghĩa cho B, làm sáng tỏ hơn các hàm nghĩa của B. Sau đây chúng tôi khảo sát các ví dụ về trường hợp từ gratia để minh họa: 1) “ huống chi là tính gratia là loài trọng gần đức Chúa trời, bởi lòng từ bi đức Chúa trời thương vô cùng, mà đem ta lên loài tính đức Chúa trời gọi là gratia” (tr.54). 2) “Vì chưng nếu đức Chúa trời chẳng cho ta sức riêng, mà ta chịu lấy phép gratia (làm cho linh hồn ta nên thánh) chẳng được; lại giữ gratia, là nghĩa cùng đức Chúa trời, cho đến lọn đời, mà đức Chúa chẳng phù hộ ta liên, thì chẳng được đâu” (tr.55). 3) “Khi ấy có chịu sáng biết và nhân đức bản sức mình, từ đầu hết khi được linh hồn cho sống. Mà lại đức Chúa trời đem người lên cho được chức gratia, là kết nghĩa cùng đức Chúa Cha, cùng cho phúc đức nhiều trên sức mình, cho được chịu phúc vô cùng vui vẻ đời đời, cùng đức thánh thiên thần” (tr.73). 4) “Mà sự chết ấy, thì phải hay nhất về sự linh hồn chẳng hay chết, mà phải chết là mất gratia, mất nghĩa cùng đức Chúa trời đã cho đầu hết, là sống thật linh hồn” (tr.75). 5) “Mà vậy kẻ muốn chịu đạo dọn mình cho được chịu gratia, là nghĩa cùng đức Chúa trời, trong phép rửa tội” (tr.307) Qua 5 câu trên ta thấy cấu trúc lỏng và gián tiếp vẫn được sử dụng để diễn giải về ý nghĩa của gratia, và qua đó gratia được bổ sung các nét nghĩa mới. Đồng thời các từ tính, phép, chức và các từ chịu, chịu lấy, giữ, được, mất trực tiếp kết hợp và bổ nghĩa cho gratia, nêu lên 3 hàm nghĩa của gratia và các cách thức quan hệ giữa gratia và con người: Gratia là một tính, một phép, một chức, và con người có thể chịu, chịu lấy, giữ, được hay mất gratia. Gratia là một khái niệm quan trọng, nên từ khi xuất hiện lần đầu tiên ở trang 44 cho đến khi xuất hiện lần cuối cùng ở trang 307 gần cuối cuốn sách, từ gratia thường xuyên xuất hiện và luôn được định nghĩa bằng công thức chúng tôi đã nêu trên. Tuy nhiên, cho đến lần xuất hiện cuối cùng từ gratia vẫn giữ nguyên hình thức Latinh của nó như lần xuất hiện ban đầu. Điều này có nghĩa là, tác giả Phép giảng tám ngày, linh mục Alexandre De Rhodes, mặc dù đã cố gắng diễn giải ý nghĩa của khái niệm gartia, nhưng ông vẫn chưa tìm được một từ thích hợp, tương đương trong ngữ vựng tiếng Việt để chuyển dịch. Chúng tôi không rõ từ gratia được dịch sang tiếng Việt từ khi nào, nhưng theo Thuật ngữ thần học của Học Viện Đaminh – Gò Vấp thì từ gratia được dịch là: Ân sủng, ân huệ, hồng ân, ơn; và được diễn giải gồm 6 nét nghĩa. Trong 6 nét nghĩa này, chúng tôi nhận thấy có ít nhất 4 nét nghĩa đã được TẠP CHÍ KHOA HỌC XÃ HỘI số 12 (208) 2015 55 diễn giải trong Phép giảng tám ngày, đó là: 1) Ơn bất tạo (Uncreated grace); 2) Ơn thụ tạo (Created grace); 3) Ơn thường sủng (Habitual grace). 4) Ơn hiện sủng (Actual grace) (Học viện Đaminh, 2014, tr. 149). Qua so sánh này, chúng tôi không nhằm nêu lên vấn đề nội dung và ý nghĩa thần học của từ gratia đã được tiếp nhận như thế nào, mà muốn nhấn mạnh đến khả năng diễn đạt cao của chữ quốc ngữ ngay từ khi nó mới khai sinh. Thêm nữa, chúng tôi muốn lưu ý việc du nhập các danh từ khái niệm nước ngoài và những cố gắng diễn giải nó đã rèn luyện khả năng biểu đạt của tiếng Việt. 1.2. Như trên chúng ta thấy linh mục Alexandre De Rhodes đã không dịch được từ gratia cũng như nhiều từ khác nữa sang tiếng Việt, nhưng cũng có nhiều từ được ông dịch sang tiếng Việt bằng cách đặc biệt là dùng những từ “bình dân” trong ngữ vựng tiếng Việt. Các từ về chủ đề thần học thờ phượng latria, dulia và hyperdulia cùng xuất hiện lần đầu ở trang 285), ngay tại đây linh mục Alexandre De Rhodes đã dịch từ latria là “phép thờ nhất”, và diễn giải đây là phép thờ dành cho đức Chúa trời, từ dulia là “phép hạ”, và diễn giải đây là phép thờ dành cho các thánh, riêng từ hyperdulia thì ông không dịch mà dùng cấu trúc “A+gọi là B, là C” để diễn giải đây là phép thờ đức Mẹ, phép thờ dưới phép thờ đức chúa trời nhưng trên phép thờ các thánh. Ngày nay, các từ này được Thuật ngữ thần học dịch là: 1) Latria: Sự thờ phượng, tôn thờ, việc tôn thờ dành riêng cho Thiên Chúa (adoration) 2) Dulia (HL): tôn kính, tôn sùng (veneration), việc tôn kính dành cho các thánh 3) Hyperdulia: Biệt kính, thuật ngữ tỏ lòng sùng kính đặc biệt đối với Đức Maria Chúng ta thấy cách dịch của Thuật ngữ thần học là dùng các từ “thờ”, “kính”, “sùng” để phân định các cấp bậc, cách dịch này có thể “hay” hơn cách dịch của Phép giảng tám ngày; và ngày nay các từ “tôn thờ”, “tôn kính”, “tôn sùng” được dùng phổ biến trong các văn bản của Công giáo, trong khi đó “phép thờ nhất”, “phép hạ” không còn được sử dụng. Tuy nhiên, trong cách dịch của Alexandre De Rhodes có hai điểm ngôn ngữ đáng chú ý: 1) Alexandre De Rhodes dùng cấu trúc “nhất - hạ” để phân định cấp bậc mà không dùng cấu trúc “thượng - hạ”; 2) Các từ nhất, hạ là những từ rất “bình dân” đã được sử dụng để diễn đạt khái niệm thần học. Về điểm thứ nhất, chữ “nhất” trong ngôn ngữ hằng ngày chỉ số đầu tiên trong hệ thống số đếm, và trong ngôn ngữ triết học nó có các hàm nghĩa hình nhi thượng như chỉ về đạo, chỉ về nguồn gốc khai thủy của vạn vật (Vĩ Chính Thông, 2009, tr. 1-3) và chính trên nền tảng ý nghĩa đó, từ nhất được Alexandre De Rhodes dùng để nói về đức Chúa trời. Như vậy, cấu trúc “nhất - hạ” của Phép giảng tám ngày không chỉ là cấu trúc HUỲNH VĨNH PHÚC – SỰ CHUYỂN BIẾN BƯỚC ĐẦU TỪ 56 ngôn ngữ mà còn là cấu trúc văn hóa phản ánh sự hội nhập với văn hóa dân tộc ngay trong những ngày đầu của Kitô giáo. Về điểm thứ 2), có thể nói đây là phương cách được Alexandre De Rhodes đặc biệt sử dụng để tạo nên từ ngữ có tính khái niệm như các từ: “một cả” , “người cả”, “nhất thật”/“thật nhất”. Từ “thật nhất”/“nhất thật” xuất hiện ở các trang 53, 280, 307 nhằm diễn đạt khái niệm đức Chúa trời là đấng chân thật, quyền năng vô biên, biết rõ mọi sự nên không ai có thể lừa dối được Chúa trời, và vì Chúa trời là đấng rất trung tín nên không bao giờ lừa dối ai: “Vì chưng đức Chúa trời là thật nhất, mà chẳng có ai dối được đấy, vì đã biết hết, dù mà chưa có; lại đức Chúa trời dối ai chẳng được, vì là rất lành” (tr.280-281). Nếu so sánh với các danh từ thần học High Christology (Kitô học từ cao, đặt nền tảng trên thiên tính của Chúa Kitô) và Low Christology (Kitô hạ khởi, đặt nền tảng trên nhân tính của Chúa Kitô), ta thấy “high” và “low” cũng là hai từ rất “bình dân” củ ... và lưu loát, mà còn là một phương pháp tạo từ rất có ý nghĩa về mặt học thuật. Về sau, chúng ta thấy Gia Định báo đã tiếp nối sử dụng phương pháp này để tạo ra từ mới trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội. Ví dụ: Nhà nước, lời nghị, giấy thuế, sổ thâu, phép tiện nghi, lệ phép riêng, quyền làm đầu, 2. SỰ HÌNH THÀNH LỚP TỪ VỰNG MỚI CÓ TÍNH ĐẶC THÙ, CHUYÊN BIỆT, HỆ THỐNG VÀ HỌC THUẬT Kitô giáo là tư tưởng đến từ một nền văn hóa khác nên cần một hệ thống từ vựng mới để diễn đạt các quan niệm và tư tưởng mới. Phép giảng tám ngày trình bày nhiều chủ đề thần học Kitô giáo, trong đó có những chủ đề rất gay cấn như: sự hiện hữu của đức Chúa trời và sự sáng tạo vũ trụ; đức Chúa trời ba ngôi; sự tự do lựa chọn hành vi của con người. Đọc Phép giảng tám ngày, chúng tôi nhận thấy linh mục Alexandre De Rhodes là nhà truyền giáo có tài hùng biện. Ông đã sử dụng một cách thành thạo, lưu loát và dễ dàng ngôn ngữ Việt để trình bày một cách sáng rõ, mạch lạc các chủ đề thần học Kitô. Trong khi dùng ngôn ngữ Việt để thuyết giảng về đạo Kitô ông đã tạo ra một hệ thống từ vựng đặc thù và chuyên biệt để diễn đạt tư tưởng thần học Kitô. Và có lẽ đây là lần đầu tiên trong lịch sử ngôn ngữ, lịch sử văn hóa, hệ thống ngữ vựng tiếng Việt đã xuất hiện một lớp từ vựng có tính hệ thống và tính học thuật về một lĩnh vực tư tưởng và tri thức mới. Phép giảng tám ngày đã tạo ra một lớp ngôn ngữ riêng của một cộng đồng xã hội-tôn giáo. Các từ vị tiếng Việt trong cấu trúc ngôn ngữ - văn hóa mới đã mang những ý nghĩa rất riêng. Ví dụ như: “Lời vô cùng” (tr.138)/ “Lời đức Chúa trời hằng có vậy” (tr.138); con chiên rất lành (tr.218)/ con chiên rất hiền (tr.220)/ con chiên con (tr.225). Ý nghĩa của những từ này là chỉ Ngôi TẠP CHÍ KHOA HỌC XÃ HỘI số 12 (208) 2015 57 Hai Thiên Chúa, một ngôi vị trong ba ngôi Thiên Chúa của Kitô giáo. Trong ngôn ngữ - văn hóa Việt, từ vị “lời” có một số cấu trúc như: - Lời Hoa phong (lời chúc tụng tốt lành): Non nam làu chúc tuổi trời, Dâng câu Thiên bảo bày lời Hoa phong. - Lời kim ngọc (lời hẹn hò gắn bó bền vững): Đương khi lở nhịp cầu Lam, Mừng lời kim ngọc kể làm trọng thay. - Lời non nước (lời thề bền chặt của trai gái): Tóc thề đã chấm ngang vai, Nào lời non nước nào lời sắt son. - Lời phàm (lời nói của người đời) Lời phàm thấu cửu trùng thiên, Hỏi qua Vương Mẫu sự duyên thế nào (Nguyễn Thạch Giang, 2000, tr. 781- 782). Và từ vị “chiên” có một số cấu trúc sau: Ăn chiên (ăn giống chư con chiên): Ăn chiên chẳng quản đói cùng no; áo chiên (áo làm bằng lông con chiên): Đông sang tuyết đợm áo chiên (Nguyễn Quang Hồng, 2006, tr. 142)... Tra cứu các tự điển chữ Nôm, chúng tôi nhận thấy từ vị “lời” trong mọi kết hợp từ tổ đều có ý nghĩa là lời nói, và từ “chiên” cũng đều có ý nghĩa là một loại động vật. Như vậy, từ vị “lời” và từ vị “chiên” trong văn cảnh ngôn ngữ - văn hóa Kitô giáo đã có một ý nghĩa rất riêng và chuyên biệt, hoàn toàn khác hẳn; và sự chuyên biệt này đã làm phong phú thêm sự diễn đạt của tiếng Việt. Đọc Phép giảng tám ngày, chúng tôi nhận thấy có một hệ thống rất phong phú những từ ngữ có ý nghĩa chuyên biệt như vậy: sinh thì (tr.231), rửa tội (tr.248/307), một cả (tr.14), người cả (tr.150/284), sáng thiêng (tr.59), sáng biết (tr.64), sáng bề trên (tr.134), sáng gloria (tr.142), trời mới và đất mới (tr.267), hình tượng thiêng liêng (tr.298), đền vui vẻ (tr.59), vườn tốt lành (tr.71), tòa vui vẻ trên trời/ tòa cực trọng cực vui (tr.82), con mắt linh hồn (tr.233), con mắt thiêng liêng (tr.26), con mắt thịt (tr.27), tính có cùng / tính vô cùng (tr.43), ra không (tr.37), về không (tr.40), có chủ ý mình và có sáng biết (tr.64), phép trí/phép có chủ ý mình (tr.118), phú quí vô cùng (tr.160), phúc thương xót (tr.93) Vậy hệ thống từ vựng chuyên biệt này đã được Alexandre De Rhodes tạo lập theo phương thức nào? Theo chúng tôi, hệ thống từ vựng này đã được tạo lập bằng phương thức Chuyển dịch và mở rộng nghĩa từ. Các từ sáng thiêng, sáng biết, sáng bề trên, sáng gloria hay các từ con mắt linh hồn, con mắt thiêng liêng, con mắt thịt như chúng tôi đã liệt kê ở trên cũng đã cho chúng ta thấy có một sự chuyển dịch và mở rộng nghĩa từ để diễn đạt các ý niệm mới về “sáng” và “con mắt”. Và bằng phương thức chuyển dịch và mở rộng nghĩa từ như trên, Alexandre De Rhodes đã đem các từ bình dân trong ngữ vựng tiếng Việt đặt vào trong cấu trúc ngôn ngữ mới và biến các từ đó HUỲNH VĨNH PHÚC – SỰ CHUYỂN BIẾN BƯỚC ĐẦU TỪ 58 trở thành từ chỉ khái niệm của một nền văn hóa mới. Xét trên phương diện ngôn ngữ - văn hóa, phương thức này rất có ý nghĩa vì nó đã “kích hoạt sự hoạt động” hay “gia tăng hoạt tính” của hệ thống ngữ vựng tiếng Việt. Sau đây chúng tôi xin đơn cử các ví dụ cho thấy sự kết hợp phong phú và linh hoạt của các từ “cả”, “vô cùng”, “cội rễ” trong cấu trúc ngôn ngữ mới: - Từ “cả”: Đức Thợ cả (tr.34)/ (tr.39), Chúa cả (tr.60), Thầy cả (tr.179), Cha cả (tr.296). - Từ “vô cùng”: Phép vô cùng (tr.33), sự vô cùng (tr.36), phép tắc vô cùng (tr.37), hay biết vô cùng (tr.42), tính thiêng liêng vô cùng (tr.42), vui vẻ thanh nhàn vô cùng (tr.43), tính vô cùng (tr.44), công bằng vô cùng (tr.50, chết vô cùng (tr.50), lửa vô cùng (tr.273), hằng bền vững vô cùng (tr.65). - Từ “cội rễ”: cội rễ (tr.28), cội rễ đầu (tr.38), cội rễ đầu mọi phép (tr.41), cội rễ đầu mọi sự sống (tr.215), cội rễ mọi sự lành (tr.270). Ngoài việc tạo ra một ý nghĩa hoàn toàn mới, tính chuyên biệt còn được thể hiện trong phong cách ngôn ngữ hay tập quán ngôn ngữ. Phép giảng tám ngày đã tạo ra phong cách ngôn ngữ/ tập quán ngôn ngữ của người Kitô giáo, phong cách và tập quán ngôn ngữ đó ngày nay vẫn còn được thể hiện trong các văn bản của giáo hội Công giáo. Ví dụ như từ “khiêm nhường” và từ “sâu nhiệm” trong các văn bản hiện nay của Công giáo, xét về mặt ý nghĩa thì không khác lắm với ý nghĩa thông thường, nhưng xét về phong cách hay tập quán ngôn ngữ thì cho thấy có sự khác biệt hay chuyên biệt trong sự diễn đạt. Từ “khiêm nhường” trong văn thơ Nguyễn Trãi chúng ta thấy có các diễn đạt: Ngõ ốc nhường khiêm là mỹ đức/Khiêm nhường ấy mới biều quân tử (Nguyễn Quang Hồng, 2006, tr. 531). So sánh với Phép giảng tám ngày chúng ta thấy có các diễn đạt: Lòng khiêm nhường (tr.54), khiêm nhường cầu tha (tr.57), khiêm nhường sâu lắm (tr.151), lạy xuống khiêm nhường (tr.163), khiêm nhường cầu khẩn (tr.167), sự lạ trong việc khiêm nhường và trong việc chịu lụy (tr.171), chớ chê chớ tránh việc khiêm nhường (tr.175), khiêm nhường xưng mình là dại dột (tr.200), rất khiêm nhường và rất thật (tr.213). Với từ “sâu nhiệm”, chúng tôi không tra thấy từ này trong tự điển chữ Nôm, nhưng tra các vị từ sâu và nhiệm thì chúng tôi thấy có một số kết hợp diễn đạt như sau: Dễ hay ruột bể sâu cạn/ Gốc dữ đã sâu mống họa hầu dấy/ Nghĩa sâu đành trả ơn sâu/ Tưới ra đã khắp thấm vào đã sâu v.v. Nhiệm màu túi gấm đủ trăm điều/ Thần cơ bất trắc trí toan nhiệm màu/ Ấy là cơ tạo nhiệm màu v.v. (Nguyễn Quang Hồng, 2006, tr. 813, 1007). Trong Phép giảng tám ngày có các diễn đạt sau: Công bằng và sâu nhiệm (tr.50, có ý sâu nhiệm (tr.67), sự sâu nhiệm (tr.124), rất sâu nhiệm cùng rất cao (tr.133), điều chẳng cùng và rất sâu nhiệm (tr.142), sâu nhiệm ta suy chẳng đến (tr.142), chẳng thông sự sâu nhiệm ấy (tr.157), nói ra sự sâu TẠP CHÍ KHOA HỌC XÃ HỘI số 12 (208) 2015 59 nhiệm ấy (tr.158), sự sâu nhiệm một đức Chúa trời ba ngôi (tr.170, lời khôn ngoan sâu nhiệm (tr.174). Ngoài tính đặc thù và chuyên biệt, đặc điểm quan trọng và có nhiều ý nghĩa hơn của hệ thống ngữ vựng tiếng Việt trong Phép giảng tám ngày đó là tính hệ thống và tính học thuật. Ở đây chúng tôi không đi sâu vào lĩnh vực tôn giáo và thần học, chỉ xin giới thiệu một số từ ngữ thần học Kitô trích trong Phép giảng tám ngày để cho thấy trong chừng mực nào đó tính hệ thống và tính học thuật trong văn bản. Điều này có ý nghĩa là bởi lớp từ vựng có tính hệ thống và tính học thuật luôn luôn là cơ sở cho sự phát triển của văn hóa, văn học, khoa học của một quốc gia, dân tộc. 1) Thần học về Thiên Chúa: Chúa trời, Chúa cả, Chúa trời đất, đức Cha (tr.137), đức con (tr.137), Lời vô cùng (tr.138), Con người (tr.267), Đức Spirito Sancto (tr.137), một đức Chúa trời ba ngôi (tr.170), Đức Thợ cả (tr.34)/(tr.39), Chúa cả (tr.60), Thày cả (tr.179), Cha cả/ Chúa cả (tr.296), hằng có (tr.184), hằng sống (tr.207), rất thánh và rất trọng (tr.146), cực trọng (tr.63), cực trọng và rất sáng láng (tr.64), hằng có (tr.236), nhân lành (tr.148), lòng lành đức Chúa trời (tr.43), lòng lành vô cùng (tr.46), công bằng vô cùng (tr.137). 2) Thần học về sự cứu rỗi và thần học về giáo hội: cứu thế (tr.126), chuộc tội, (tr.145), rửa tội (tr.248/307), tin lành (tr.145), được rỗi (tr.234), phép lạ (tr.154), sự thánh (tr.190, đạo Chúa, đạo thánh đức Chúa trời, đạo thật, lẽ thật (chân lý về chúa trời), thánh Ecclesia Catholica (tr.135). 3) Thần học về thiên đàng: đền vui vẻ (tr.59), vườn tốt lành (tr.71), tòa vui vẻ trên trời/ tòa cực trọng cực vui (tr.82), nơi vui vẻ thanh nhàn (tr.241), vui vẻ thanh nhàn (tr.154), an hòa (tr.163), vui mừng (tr.208), vui vẻ vô cùng (tr.46), hằng sống vui vẻ (tr.283), phúc vui vẻ đời đời ở trên trời (tr.47). 4) Thần học về ngày cánh chung: tận thế (tr.215), phán xét (tr.68), ngày phán xét (tr.256), chịu phán xét chung (tr.262), phạt (tr.69), chịu hình khốn nạn/phải chết vô cùng (tr.155), lửa giải tội (tr.239), chết vô cùng (tr.171), địa ngục (tr.171), chịu hình khốn nạn đời đời (tr.46), thưởng phạt vô cùng (tr.47). 5) Thần học về Đức Maria: Mẹ đức Chúa trời (tr.145), đồng thân (tr.145), rất thánh đức Chúa Bà Maria (tr.146), trọn đời đồng thân (tr.146), đồng thân sạch sẽ (tr.147), rất thánh đồng thân (tr.147), đồng thân chịu thai (tr.148), phúc lạ (tr.150). 6) Thần học về đời sống Kitô hữu: cậy (tr.52), trông cậy (tr.55), cầu khẩn (tr.145), cầu và cậy (tr.114), lòng tin (tr.280), bởi lòng tin (tr.281), trông cậy (tr.282), lòng tin (tr.186), tin kính (tr.204), phải lạy mà thờ, phải kính, phải suy lẽ (tr.50), cám ơn (tr.56), ái mộ (tr.56), kính mến (tr.56), khen ngợi (tr.63), lòng yêu thật (tr.56), thật kính mến (tr.56), khiêm nhường (tr.145), vâng lời (tr.151), vâng ý đức Chúa trời (tr.46), vâng phép đức chúa trời (tr.47)/ cãi phép đức Chúa trời (tr.46), HUỲNH VĨNH PHÚC – SỰ CHUYỂN BIẾN BƯỚC ĐẦU TỪ 60 giữ lời răn (tr.47)/ chẳng giữ lời răn (tr.46), làm giương (tr.171)/ làm giương tốt lành (tr.172), làm chứng (tr.177), phải giục lòng (tr.56), chầu chực (tr.62), cám dỗ (Lucifer) (tr.67), sa cám dỗ (tr.86), phạm răn (tr.88), phạm tội (tr.148), lỗi nghĩa (tr.155), dọn mình (tr.306), lo buồn ăn năn (tr.317), lo buồn (tr.57), ăn năn tội (tr.57), giải tội (tr.93), tội tổ tông (tr.170), chịu lụy đức Chúa trời cho lọn (tr.60). 3. KẾT LUẬN Phát triển là hiện đại hóa. Hiện đại hóa là sự chuyển dịch, sự biến đổi của truyền thống để thích ứng với bối cảnh mới. Vì vậy, quan sát tiến trình hiện đại hóa chính là quan sát sự chuyển động của truyền thống. Trên cơ sở lý luận đó, nghiên cứu văn học Hán Nôm Nam Bộ trong góc nhìn liên hệ giữa ba yếu tố truyền thống, giao lưu và phát triển cho thấy: Dưới sự tác động của 3 yếu tố trên - đặc biệt là trong mối liên hệ với phương Tây - tiến trình hiện đại hóa văn học Việt Nam nói chung và văn học Nam Bộ nói riêng chính là quá trình chuyển biến từ văn học Hán Nôm sang văn học chữ quốc ngữ. Và giai đoạn chuyển biến từ hệ thống ngữ vựng Hán-Nôm sang hệ thống ngữ vựng chữ quốc ngữ là giai đoạn mở đầu cho tiến trình này, tạo tiền đề cho 2 giai đoạn tiếp theo là giai đoạn hình thành và phát triển của câu văn xuôi quốc ngữ và giai đoạn phát triển các thể loại văn học. Trong văn học Hán Nôm truyền thống, hai hệ thống ngữ vựng tiếng Hán (viết bằng chữ Hán, đọc bằng âm Việt) và hệ thống ngữ vựng tiếng Việt (hay ngữ vựng Nôm, viết bằng chữ Nôm) tồn tại song song và tương đối độc lập với nhau. Vì thế, dưới góc độ ngữ vựng, văn học Hán Nôm có ba bộ phận hay là ba hình thức văn bản văn học khác nhau: 1) Văn bản văn học thuần túy ngữ vựng Hán, hoàn toàn không có sự tham gia cấu tạo văn bản của yếu tố ngữ vựng Nôm; 2) Văn bản văn học thuần túy ngữ vựng Nôm, hoàn toàn không có sự tham gia cấu tạo văn bản của yếu tố ngữ vựng Hán; 3) Văn bản văn học kết hợp ngữ vựng Nôm-Hán, yếu tố ngữ vựng Nôm giữ vị trí chủ yếu trong việc cấu tạo văn bản, yếu tố ngữ vựng Hán tham gia cấu tạo văn bản trong một mức độ và phạm vi giới hạn. Sở dĩ hai hệ thống ngữ vựng Hán và Nôm tồn tại song song và tương đối độc lập với nhau là vì, ngoài yếu tố ngữ pháp, hai hệ thống đó được ghi chép bởi hai loại ký tự khác nhau. Sau này, trong mối giao lưu với phương Tây, ký tự Latinh được du nhập và trở thành phương tiện có thể ghi chép cả ngữ vựng Nôm lẫn ngữ vựng Hán, và nhờ đó có tác dụng thống nhất ngữ vựng Nôm và ngữ vựng Hán thành một hệ thống ngữ vựng duy nhất. Trong các văn bản tiếng Việt được ghi chép bởi ký tự Latinh, các yếu tố ngữ vựng Nôm và Hán có vị trí đồng đẳng và kết hợp với nhau rất hài hòa trong chức năng cấu tạo văn bản. Sự kết hợp giữa hai hệ thống ngữ vựng Hán và ngữ vựng Nôm đã tạo thành hệ thống ngữ vựng chữ quốc ngữ. Điều này có ý nghĩa rất sâu sắc về mặt văn hóa và tạo điều TẠP CHÍ KHOA HỌC XÃ HỘI số 12 (208) 2015 61 kiện cho sự phát triển của văn học Việt Nam. Ngữ vựng là yếu tố ở bình diện “chìm” có chức năng cấu trúc nên những bình diện “nổi” của văn học như tác phẩm, thể loại, đề tài, tư tưởng Nó cung cấp những tiền đề, những điều kiện cần thiết để văn học truyền thống được hiện đại hóa về hình thức văn học (thể loại) và nội dung (tư tưởng, đề tài văn học). Và như vậy, sự chuyển biến từ hệ thống ngữ vựng Hán Nôm sang hệ thống ngữ vựng chữ quốc ngữ là bước khởi đầu làm nền tảng cho sự hiện đại hóa văn học, từ đó khai sinh một nền văn học mới: văn học chữ quốc ngữ. CHÚ THÍCH (1) Bản Phép giảng tám ngày theo lối viết và đọc chữ quốc ngữ hiện đại được Tinh Việt văn đoàn xuất bản năm 1961 tại Sài Gòn. Năm 1993 kỷ niệm 400 năm ngày sinh của Alexandre De Rhodes, Tủ sách Đại kết dựa trên bản của Tinh Việt văn đoàn, có một số điều chỉnh và xuất bản lại. Bài viết của chúng tôi là dựa vào bản năm 1993 của Tủ sách Đại Kết. TÀI LIỆU TRÍCH DẪN 1. Học viện Đaminh. 2014. Thuật ngữ thần học. TPHCM: Nxb. Tôn giáo. 2. Nguyễn Quang Hồng. 2006. Tự điển chữ Nôm. Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Hà Nội: Nxb. Giáo dục. 3. Nguyễn Thạch Giang. 2000. Từ điển văn học quốc âm. Hà Nội: Nxb. Văn hóa Thông tin. 4. Alexandre De Rhodes. 1993. Phép giảng tám ngày. TPHCM: Tủ sách Đại Kết xuất bản. 5. Vĩ Chính Thông. 2009. Từ điển triết học Trung Quốc. Trung Quốc: Nxb. Cát Lâm.
File đính kèm:
- su_chuyen_bien_buoc_dau_tu_ngu_vung_han_nom_sang_ngu_vung_qu.pdf